Tuệ

Tết năm nay tôi và vợ cho bọn trẻ con đi Văn Miếu chơi, nhân tiện xin chữ.

Từ lâu nay tôi đã nghĩ nếu đi xin chữ cho mình thì sẽ xin chữ Tuệ. Hôm đó có hai ông con, quả thật tôi hơi phân vân một chút khi nghĩ xin chữ gì cho chúng nó. Vợ tôi xin chữ Nhẫn cho cậu cả Bom, vì muốn con điềm tĩnh nhẫn nhịn hơn, bớt đi tính hiếu động. Tôi cũng không nghĩ được chữ nào khả dĩ phù hợp hơn.

Còn tôi thì xin chữ Trí cho ông con thứ Mìn. Nếu kết hợp với tôi thì là một cặp Trí – Tuệ, như số phận đã lựa chọn hai bố con với nhau.

Hôm nay không đưa con gái út đi nên tôi chưa xin chữ cho nó. Năm sau gái út lớn hơn, tôi sẽ xin cho con chữ Khiêm, trong câu khiêm thụ ích. Tử vi nói rằng gái út nhà tôi là đứa có chút ít tài năng, hợp để xông pha làm cái lớn, nôm na sẽ là một nữ cường trong tương lai.

Xin chữ, giống như lời ước nguyện, sâu sa là những ước mong ta gửi gắm từ trong bản thân ta đến với cuộc sống này. Vợ chồng tôi đương nhiên cũng có những mong mỏi đến với các con mình. Không cầu vinh hoa phú quý hay lợi tức tiền đồ, chỉ mong các con biết đủ là hạnh phúc, sau này nhìn ra được con đường của mình để hoàn thiện bản thân.

Tôi muốn gái út nhà tôi, nếu may mắn có tài danh thì cũng biết khiêm cung mà sống, dù thực lực có tới đâu cũng không ngại nhún nhường để tìm đến sự phát triển trong bình an, yên ổn.

Mong con trai thứ có trí trong cuộc đời sáng suốt, rộng dài sau này; nhất là nó đã có căn thiên di từ bé, sẽ sớm bay đi thế giới ngoài kia, càng cần có sự khôn khéo, thuần thục để đối mặt với những sự không lường trước được.

Cậu cả có tài nhưng vốn hấp tấp, quen tự thân. Sau này ra đời cần củng cố nhất là tinh thần lợi tha vì người khác và sự biết ơn, để hy vọng con biết nhìn xa hơn bản thân mình.

***

Tôi xin cho mình chữ Tuệ.

Phật pháp dạy tôi rằng con đường thoát khỏi khổ đau để đạt được hạnh phúc là thông qua trí tuệ và từ bi. Trí tuệ giúp ta hiểu sự vật hiện tượng về mặt bản chất và đối diện được với bản thân mình. Từ bi khiến ta trút bỏ được những điều độc hại trong tâm hồn.

Đạt được hai điều này đều rất khó vì ta vốn dĩ vẫn chỉ là một người thường trong cuộc sống sân si hàng ngày.

Chỉ có con đường tu thân và không ngừng tu thân mới khiến ta đạt được đến con người mà ta mong muốn, như Sư ông Kazuo mách bảo.

Năm nay tôi xin cho mình chữ Tuệ để răn mình.

March 29, 2024  Leave a comment

Suy nghĩ ngày cuối năm

Dự trữ cafe uống Tết

Gần đây tôi đọc được một bài viết trên Bách hoá viển vông và muốn chia sẻ lại cho người hữu duyên.

Lúc tôi 20 tuổi, thập kỷ thứ ba của đời người có vẻ là thứ gì xa lắm không bao giờ tới. Nhưng khi tuổi 30 tới, nó đã tới như kẻ trộm, và mang theo nhiều điều bất ngờ.

Điều bất ngờ thứ nhất là có những người bạn của chúng ta không sống được đến tuổi 30.

Thi thoảng bạn sẽ được báo rằng bạn cùng lớp thời phổ thông hoặc bạn của một thằng bạn vừa qua đời, kèm với ngày giờ phúng viếng. Bước qua tuổi 30, bạn bỗng nhận ra chỉ có việc sống khỏe mạnh đến tuổi này đã là may mắn rồi. Ngoài đám tang của những người bạn yểu mệnh, tuổi 30 còn là lúc chúng ta bắt đầu dự đám tang bố mẹ của bạn bè hoặc của cô thầy thời đi học. Những đám ma như thế luôn làm chúng ta giật mình và thấy so với việc phải chết thì những vấn đề mình đang gặp thực ra cũng chưa lấy gì làm to.

Điều bất ngờ thứ hai là hóa ra cuộc sống không tự động tốt lên chỉ vì bạn đã lớn. Hồi còn bé, tôi nghe người ta nói rằng tuổi 30 là tuổi đẹp nhất của đàn ông: tâm lý ổn định, tiền bạc dư dả, và một chút tóc bạc giúp bạn trông có vẻ phong trần từng trải, hơn hẳn mấy cậu nhóc 20. Rất hấp dẫn với các cô gái trẻ. Nhưng thực tế không phải người đàn ông nào cũng có cuộc sống tốt như vậy ở tuổi “tam thập nhi lập”. Có nhiều người vẫn phải chật vật tiền nong, chưa có được một công việc ưng ý hoặc chưa có được một người bạn đời để gắn bó. Có những người 30 tuổi vẫn không biết tán gái thế nào cho đúng cách! Bạn có thể nói do họ kém, do họ không cố gắng, hoặc do vận may chưa đến. Tôi chẳng quan tâm lắm đến lý do, vì mỗi người đều có những éo le riêng. Tôi chỉ biết rằng thực tế không phải người đàn ông nào cũng có cuộc sống vững chãi và tuyệt vời khi bước vào những năm 30 tuổi. Tương tự với phụ nữ. Không phải ai cũng vui sống nổi ở tuổi này. Vì học và làm ở môi trường toàn nữ, tôi hiểu phụ nữ quá 30 ở VN gặp phải nhiều khó khăn, từ chuyện tình cảm (bị nói là bà cô già – nếu chưa kết hôn) cho đến sự nghiệp (vướng bận con cái nên không được thăng tiến như đồng nghiệp nam)…

Điều bất ngờ thứ ba là bạn bè dần biến mất. Hội bạn thân lúc còn trẻ có thể gặp nhau tuần vài lần tâm sự, nhưng đến tuổi này thì cả năm gặp được một lần là may. Đa số đã kết hôn; vì vậy vợ chồng con cái, gia đình nội ngoại và sự nghiệp (giúp nuôi sống gia đình) là ưu tiên hàng đầu của họ, chứ không phải bạn bè và những cuộc gặp gỡ vu vơ. Chúng ta vẫn là bạn của nhau, nhưng tan làm alo gặp cafe thì chẳng thể nữa. Ngoài ra chắc chắn ai cũng có những người bạn thân đi thành phố khác hoặc nước ngoài định cư. Vòng tròn bạn bè vì thế cứ ngày càng thưa thớt khi bước sang tuổi 30.

Điều bất ngờ thứ tư là kết bạn rất khó. Lúc còn 20, có rất nhiều hoạt động cho bạn gặp gỡ người mới: từ trường lớp đến công việc làm thêm rồi những cuộc vui với hội này hội nọ. Nếu không may mắn giữ được vài người bạn từ thời kỳ vô tư này, cuộc sống tuổi 30 của bạn sẽ khá cô đơn, vì chỉ còn giao tiếp loanh quanh với những người ở chỗ làm. Mà bạn ở chỗ làm thường hết làm là hết bạn. Ngay cả khi bạn cố thay đổi điều này bằng cách tham gia các hội nhóm chung sở thích này nọ, bạn sẽ thấy rằng kết bạn quá khó. Tuổi 30 mang theo nhiều định kiến làm cho bạn khó tính hơn ngay từ lúc chọn bắt chuyện với người nào. Tuổi tác cũng khiến chúng ta thực dụng lên nhiều và số đông luôn vô thức tìm kiếm hoặc bạn tình hoặc bạn làm ăn. Tình bạn bạn đơn thuần ở tuổi 20 dễ kiếm nhưng 30 thì khó vô cùng và dù có cũng không được sâu đậm.

Điều bất ngờ thứ năm là cơ thể dần yếu đi. Bạn thấy mỏi lưng thường xuyên hơn. Các vết thương ngoài da lâu lành hơn hồi trước. Khi ốm thường ốm nặng và phải đi khám chứ không kệ cho tự khỏi như lúc trẻ. Nhu cầu tình dục bắt đầu suy giảm. Ở tuổi giữa 30 thì “ngày một phát” đã là chuyện trong quá khứ mất rồi. Nếu là nữ, bạn bắt đầu lo lắng rằng tuổi sinh sản tốt nhất của mình sắp qua đi. Ai chưa có chồng càng lo gấp bội.

Bạn tăng cân nhanh hơn, dù chỉ ăn uống bậy bạ vài bữa. Say rượu thì hôm sau nhất định đau đầu. Để cứu vớt cho cơ thể lão hóa, bạn bắt đầu quay sang thể thao, dù cho trước đây bạn lười đến mấy. Hồi trước tôi luôn thắc mắc tại sao khách sạn lại có phòng gym (đi du lịch thì tập thể dục làm gì?). Nhưng bước qua tuổi 30 thì tôi đã hiểu và ngày nay tôi từ chối ngủ ở những khách sạn không có phòng tập tạ hoặc bể bơi.

Điều bất ngờ thứ sáu là tôi phải sống với quá nhiều nuối tiếc, trong cả tình yêu, tình bạn lẫn sự nghiệp. Nếu theo dõi tôi đủ lâu bạn sẽ biết tôi là một người cũng sống khá mạo hiểm và dám thử nhiều thứ khi còn trẻ. Nhưng nhìn lại cuộc đời từ cột mốc giữa 30, tôi thấy vẫn có quá nhiều điều đáng ra phải làm nhưng không làm, những cuộc tình đáng ra không nên bước vào thế mà cứ ở lâu, những cơ hội sự nghiệp quý giá mà ngu ngốc không giành lấy. Nếu bất cần như tôi mà còn ân hận nhiều như vậy, tôi thật không dám nghĩ tới kho nuối tiếc của những người bạn hiền lành và an phận.

Đó là sáu bất ngờ mà tuổi 30 mang lại cho tôi. Còn tuổi 30 của bạn thì sao? Nó đã mang đến cho bạn bất ngờ gì? Và với những bạn sắp bước qua ngưỡng cửa này, bạn mong chờ gì ở nó?

Nguồn: Bách hoá viển vông

Tôi phổ biến bài viết trên vì trong cái thế giới của nội dung ngắn (short content), những ai còn đang cần mẫn viết dài (và viết hay), đối với tôi, là những người đáng được ghi nhận.

Tôi cho rằng những suy nghĩ ở trên hết sức sâu sắc. Tuy có thể không hẳn là phổ quát cho cả một thế hệ, nhưng có lẽ rất nhiều người (phần nhiều là đàn ông, phải vậy chăng?) trong số chúng ta sẽ thấy gần gũi với những gì mà bài viết nói khi ta chia tay với tuổi hai mươi của mình để bước vào giai đoạn trầm trọng hơn – những năm ba mươi tuổi.

Tôi đã qua tuổi ba mươi được vài năm rồi. Nói cho đúng, tôi đã sang nửa kia của những năm ba mươi tuổi. Có lẽ một, hai năm nữa thôi tôi sẽ lại bước vào giai đoạn trầm trọng của những suy nghĩ chào đón tuổi bốn mươi, ha ha.

Hẳn nhiên, đó là một cột mốc trầm trọng đối với tôi, trầm trọng đến mức tôi đã viết hẳn một “tuyên ngôn” cho nó (ai theo dõi blog này hẳn cũng đã biết) để nói về sự trầm trọng ấy. Khi ta già đi, có những việc ta thấy không còn trầm trọng như hồi trẻ hơn nữa. Dẫu sao thời ấy, mọi việc vẫn thật đáng kinh ngạc. Tuổi ba mươi của tôi đã trôi qua một cách êm đẹp hơn tôi tưởng.

Tôi cũng trải qua nếu không đủ hết thì cũng gần như mọi việc giống như bài viết đề cập. Đau buồn như việc mất mát người thân, người quen, bạn bè (may mắn là không nhiều, nhưng cũng có, khiến mình buồn mãi) để ý thức về sự sống và cái chết trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ; hay bầm vập vì những vấp ngã, thất bại trong xã hội khi lăn xả vào cuộc đời ngoài kia với vọng tưởng tuổi trẻ, và cả những niềm hạnh phúc mình được tưởng thưởng khi thu mình lại trong thế giới nội quan bé nhỏ của mình. Từng ấy thứ xảy ra khi tuổi ngơ ngác của những năm hai mươi qua đi để chạm trán những tháng ngày gai góc ba mươi tuổi chắc chắn khiến bản thân ta thay đổi. Chẳng ai nguyên vẹn mà đi qua tuổi trẻ được cả.

Với những trải nghiệm như vậy, những năm tháng sau ba mươi mang lại cho tôi hai điều. Hôm nay là ngày 30 Tết năm Quý Mão – năm tuổi của tôi. Nhân một sớm cuối năm chờ vợ con ngủ dậy, tôi muốn ghi lại hai điều ấy – hai điều tôi biết ơn cho bản thân mình.

Điều đầu tiên là sự thấu hiểu bản thân mình (hơn).

Thấu hiểu bản thân là điều hết sức quan trọng. Cuộc đời về cơ bản là hành trình tìm về bản thân mình, biết được mình mong muốn gì và làm sao để thực hiện được mong muốn đó. Khi trẻ hơn, hay khi non nớt hơn, những gì ta mong muốn chưa hẳn đã xuất hiện mà phần nhiều ta bị ảnh hưởng bởi những áp đặt của xã hội, gia đình nên nhầm lẫn những tiêu chuẩn đó là thứ ta cần đạt đến. Để rồi ta cứ thế đi trên con đường không hẳn là dành cho ta. Và đến đâu đó nửa đường thì cảm thấy lạc lối mà không biết tại sao. Phát triển một cách theo quán tính như thế tuy chưa chắc có gì độc hại (hầu hết những kỳ vọng từ bên ngoài đặt lên ta đều là những mong muốn tốt đẹp), nhưng nếu ta được đi trên một con đường mà ta hiểu rõ, chắc chắn sẽ làm ta muốn bước đi lâu dài hơn, không mệt mỏi.

Vấn đề là nếu không có thời gian để “bước chậm lại giữa thế gian vội vã” (theo tên một cuốn sách rất hay của Đại đức Hae Min), ta khó lòng có thể giảm tốc trên con đường theo quán tính đó.

Bánh quay cuộc đời không ngừng tiếp diễn. Phần nhiều thời gian, ta phải vấp ngã hoặc có biến cố gì đó tương đối lớn xảy ra khiến vận tốc bước đi thay đổi, ta mới cho bản thân mình nhiều thời gian hơn để suy ngẫm lại về con đường đang bước.

Đó là những cái giá mà ta phải trả để tìm ra con đường đúng đắn hơn cho bản thân. Lựa chọn nào cũng là đánh đổi, và bất phục hồi.

Trong năm vừa qua, tôi đang bước thật chậm để tự nhìn lại mình và suy nghĩ về những gì mình muốn trong cuộc đời. Khó có thể nói rằng tôi đã có thể trả lời gãy gọn những câu hỏi thuộc về bản chất (Ta là ai? Ta muốn gì trong cuộc đời? vân vân…), nhưng tôi cho rằng tôi đã may mắn tìm ra những điểm tựa và nguồn tham chiếu để từ đó dần tự trả lời được cho mình.

Một trong những nguồn tham chiếu có thể kể đến là từ Sư Kazuo Inamori. Ông trả lời rất rõ ràng và tường minh về ý nghĩa cuộc đời – đó là hành trình mài giũa và nhân cao nhân cách, để khi ta ra đi, nhân cách của ta tốt đẹp hơn dù chỉ là một chút so với khi ta chào đời (trong đó lao động và tính lợi tha – mong muốn giúp ích cho người khác, cho xã hội – là phương thức để đạt tới điều đó). Tôi quý trọng tư tưởng cao đẹp này của Sư. Ông là nguồn động viên lớn đối với tôi trong công cuộc tìm về bản thân mình.

Hành trình tìm về thấu hiểu bản thân của tôi vẫn đang tiếp tục cho đến khi tôi, giống như ông, dõng dạc tường minh nói với chính mình điều mà tôi muốn. Tuy vậy, tôi cho rằng mình đang ở gần cuối con đường đó rồi.

Điều thứ hai mà những năm ba mươi tuổi mang lại cho tôi, cũng là hệ quả của việc thấu hiểu bản thân, là đạt được sự ổn định trong tâm hồn.

Trở lại với bài viết của Bách hoá viển vông, ta sẽ thấy những điều bất ngờ mà sau tuổi ba mươi mang lại đa phần đến từ sự không chuẩn bị mà ta đáng lẽ cần có khi những năm tháng hai mươi qua đi. Từ đó dẫn đến những ngơ ngác mà chúng ta phải chịu.

Tuy vậy, khi ta thấu hiểu bản thân mình hơn và có thời gian suy ngẫm thật cẩn thận về cuộc đời mỗi ngày, ta sẽ lựa chọn cách đối diện thật bình thản đối với mọi sự xảy ra để tránh đi một điều vô cùng cốt yếu – những xáo trộn trong tâm hồn dễ khiến ta lạc lối.

Chẳng hạn như việc tôi công nhận việc kết giao bạn bè sau này khó khăn hơn khi ta còn ở độ tuổi phổ thông. Thậm chí là bạn bè từng có biến mất như bài viết nói. Nhưng thời gian qua đi, khi sự ổn định trong tâm hồn trở nên vững chãi hơn, ta sẽ thấy việc yên ổn với chính mình quan trọng hơn yên ổn với xung quanh.

Nói cách khác, hồi ta trẻ hơn ta có thể có nhiều bạn bè và mối quan hệ nhưng ta vẫn luôn thấy cô đơn. Khi ta già hơn, ta thấy bình an ngay cả khi ta chỉ có một mình, hoặc may mắn hơn, khi ta được ở xung quanh những người thật sự quan trọng. Đó chính là gia đình của ta.

Việc xây dựng được những mối quan hệ sâu sắc, gần gũi hàng ngày, tồn tại qua năm tháng quan trọng hơn nhiều mối quan hệ không sâu sắc, dễ phai nhạt đi theo tháng năm. Không có nghĩa bạn bè là ít quan trọng, chỉ là ta biết bằng lòng với những gì ta đã có. Và tất cả mọi thứ khác.

Tôi từng là đứa trẻ cô đơn, thanh niên cô đơn, nhưng tôi không phải một người ba mươi tuổi cô đơn. Cũng như không phải một người chồng, người bố cô đơn.

Cô đơn là chất liệu của tuổi trẻ. Có lẽ là một chất liệu cần thiết để đi qua những tháng năm đó.

Khi ta không còn thấy cô đơn nhiều như trước nữa, ta tìm được sự yên ổn trong tâm hồn. Đó là phần thưởng lớn cho sự thấu hiểu bản thân.

Và chắc hẳn không phải là phần thưởng duy nhất và lớn nhất.

Tôi vẫn đang đi tìm những phần thưởng ấy cho hành trình bản thân của mình.

Ngày cuối năm, tôi tranh thủ viết ra đây những gì mình cảm thấy để ghi nhớ và đọc lại sau này. Vợ và con gái cũng vừa ngủ dậy, bài viết này cũng sẽ kết thúc ở đây.

Tạm biệt năm cũ và chúc mừng năm mới.

PS. Bức ảnh minh hoạ là những cữ cà phê tôi dự trữ để uống trong Tết. Tôi đã bỏ cà phê một thời gian khi chạy bộ, tuy vậy tôi quyết định khi vui thì mình vẫn có thể tận hưởng chút ít cà phê. Nên tôi muốn quảng bá hai quán cà phê có thể pha kiểu cà phê kem béo rất ngon là Nyna Coffee và Drew Coffee, nơi họ luôn đạt được sử ổn định về chất lượng cân bằng giữa cà phê và những thành phần cấu thành nên thức uống cám dỗ đó.

30 Tết Quý Mão
090224

February 9, 2024  Leave a comment

1000K

Tôi vừa tích luỹ được 1.000 kilomet đầu tiên qua hơn 122 giờ chạy.

Nếu tính cả những đoạn đường hỗn hợp vừa chạy vừa đi bộ thì quãng đường thực tế có thể hơn 1.200 kilomet một chút. Còn nếu chỉ tính quãng đường chạy thực sự nghiêm túc thì con số là 1.000.

Ngày đầu tiên tôi chạy là ngày 1/3/2023, một buổi sáng đẹp trời với gió xuân vẫn còn dịu nhẹ và trời thì trong vắt. Chúng tôi (tôi và vợ) quyết định rằng không chỗ nào thích hợp hơn để đánh dấu một sự khởi đầu mới mẻ như vậy bằng việc chạy trên Bờ Hồ. Trải qua bảy tháng rưỡi, tôi đã có cơ hội chạy ở một vài thành phố vui vẻ mà mình đặt chân đến, tích luỹ được cự ly có lẽ là đủ lớn để chắc chắn rằng mình đã bước qua giai đoạn xây dựng thói quen mới cho sinh hoạt hàng ngày, từ đó ghi nhận những thay đổi tích cực lên sức khoẻ và tinh thần của mình.

Tôi không phải một người nghiện chạy bộ. Như đã nói ở lần trước, tôi hợp với tập tạ hơn. Tuy vậy chạy bộ và tập tạ bổ sung lẫn nhau để giúp tôi phát triển những khiếm khuyết thể chất mà nếu thiếu một trong hai tôi sẽ không xây dựng được. Nếu nghĩ sâu xa hơn một chút, nguyên lý của thể thao là đặt bạn vào một trạng thái thử nghiệm cái mới và thất bại liên tục để dạy cho bạn những bài học kinh nghiệm, từ đó dần dần học hỏi, thích nghi, và tìm ra cách để đạt tới mục tiêu.

Đối với tập tạ mà nói, nếu muốn nâng một mức tạ lớn hơn, bạn bắt buộc phải tập với cường độ và tần suất không nhỏ ngày qua ngày, khiến cho các sợi cơ li ti bị tổn thương và trong quá trình phục hồi, nhờ dinh dưỡng, nhờ nền tảng thể chất của bạn mà các sợi cơ dần trở nên gan lỳ cứng cáp hơn chính chúng trong quá khứ, từ đó khiến cơ bắp của bạn phát triển để đáp ứng được sức ép mà chúng phải chịu đựng.

Thể thao tức là đi qua đau đớn để phát triển, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Tính triết học của thể thao chính là điểm gây hứng thú nhất cho ta để không ngừng đào luyện con người mình. Khi tập luyện hai bộ môn cùng lúc, ta lại học được thêm về sự cân bằng giữa chúng – chạy thế nào là quá ít hay quá nhiều, hay tập tạ thế nào là quá nhiều và quá ít, và làm sao để kết hợp nhuần nhuyễn được hai bộ môn – để đạt đến tiêu chuẩn của bản thân cũng chính là khía cạnh gây hứng thú ở một tầm cao mới.

Tôi vẫn đang học hỏi, dựa trên quá trình tập luyện hai bộ môn này hàng ngày.

Nhưng tạm bỏ qua các khía cạnh sâu sa, điều thấy rõ nhất là tôi đã giảm tương đối đáng kể cân nặng từ khi chạy bộ. Có lẽ là sáu đến bảy kilogram gì đó. Một số người lâu không gặp tôi, khi gặp lại phản ứng chung là họ đều ngạc nhiên vì tôi gầy quá. Có một số người còn nghĩ là tôi bị ốm và tỏ ra lo lắng cho tôi (cười). Nhưng họ không biết rằng việc giảm được từng ấy cân nặng khiến tôi khoẻ mạnh hơn ra sao, vì tôi khá chắc chắn rằng phần lớn trong số cân nặng biến mất ấy là mỡ thừa mà cơ thể đã tích luỹ suốt bao năm qua. Hẳn nhiên tôi cũng mất đi một ít cơ bắp xây dựng trong phòng tập, tuy vậy ai mà cần đến từng ấy mỡ thừa cơ chứ.

Tôi cũng ghi nhận mình không hề bị ốm kể từ khi chạy bộ. Chạy suốt từ mùa xuân cho đến cuối thu, tức là qua vài đợt giao mùa với cái thời tiết độc hại của Hà Nội chỉ chực chờ đánh gục ta xuống; hầu như năm nào tôi cũng sẽ ốm vài lần; tôi không gặp một vấn đề đáng kể nào về sức khoẻ, một trận ốm nhẹ cũng không. Tuy vậy tôi biết rằng mùa đông Hà Nội mới thực sự là khó chịu. Tôi tự đặt ra thử thách cho bản thân là sẽ không ốm vào mùa đông sắp tới. Nếu điều này xảy ra thì sẽ là một kỷ lục.

Thật vậy, kể từ khi chạy bộ tôi cảm nhận được mình đã trở nên rất khó bị ốm, ít nhất là so với tôi hồi trước.

Tôi cũng thoát khỏi bệnh đau đầu kinh niên. Tôi không rõ mình có bị đau nửa đầu hay không nhưng thường thì một tuần tôi sẽ bị đau một lần, nhất là những khi trời nắng gắt. Và nếu ở trong những giai đoạn công việc căng thẳng thì càng tệ hại. Đây vốn là điều bất tiện nhất trong cuộc sống của tôi trong nhiều năm nhưng tôi bất ngờ khi cơn đau đầu đã thực sự biến mất.

Tuy không hẳn là một lời kêu gọi; tôi ít khi kêu gọi ai đi tập hoặc đi chạy bộ vì vốn dĩ việc rèn luyện sức khoẻ là một vấn đề hết sức cá nhân và phần nhiều phải đến từ sự tự giác và tự nhận thức của mỗi người; tôi muốn nói điều này: Nếu bạn đang thấy không khoẻ mạnh, thử chạy bộ xem sao. Tôi cảm thấy rằng nếu bạn đã bước qua tuổi 30 mà không duy trì một hoạt động rèn luyện thể chất nào đó, sẽ sớm thôi bạn cảm thấy mình như 40 tuổi. Sau tuổi 30, hoặc muộn hơn là sau tuổi 40, những hoa mộng phù vân và tham vọng của tuổi trẻ, tin tôi đi, sẽ không còn đủ lớn đến mức bạn đánh đổi sức khoẻ của mình giống như khi bạn trẻ hơn đâu.

***

Nhưng có phải cứ xách giày ra đường chạy bộ thì bạn sẽ tự nhiên khoẻ mạnh, vui vẻ và hạnh phúc hơn không?

Không hẳn là như vậy.

Tôi nhận ra những thứ trên được cải thiện là do mình đã thay đổi phần nhiều nếp sống hàng ngày. Việc xoay xở để dành chút ít thời gian trong ngày cho chạy bộ chắc chắn đòi hỏi ta phải sắp xếp lại đôi thứ trong cuộc sống. Tôi để mình dậy sớm hơn, đặng có thời gian cho những nghi lễ buổi sáng. Một buổi sáng lý tưởng, thường nhật của tôi ngay từ khi mở mắt sẽ là vệ sinh cá nhân thật sớm, uống một cốc quất mật ong ấm ba mươi phút trước khi ăn sáng với ngũ cốc, sữa tươi và hoa quả. Khoảng thời gian ở giữa là dành cho dãn cơ phục hồi. Hầu hết thời gian tôi kịp xong xuôi mọi việc trước khi mọi người trong nhà ngủ dậy. Sau đó là khoảng thời gian gia đình.

Nghe có vẻ lạ nhưng tôi đã bỏ hẳn cà phê. Một, hai năm gần đây tôi phải lòng với thứ cà phê kem béo. Nếu bạn từng uống Bà Nà ở Reng Reng hoặc August của Drew Coffee thì bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì. Đó là espresso pha cùng sữa tươi, kem béo và sữa đặc, uống chung với đá lạnh. Từng có thời gian việc loay hoay pha chế từng cốc cà phê là khởi đầu tốt lành cho một ngày mới của tôi, chưa kể đến việc nhâm nhi chúng sau đó. Nếu đó là một ngày nắng đẹp để có thể nằm dài trên ghế papasan mà đọc sách, để mặc cho nắng mới bên ngoài cửa sổ thi nhau chiếu xuống ôm ấp lấy thân thể của ta thì đó quả là một buổi sáng mùa Thu đáng sống cho trọn vẹn.

Nhưng sau một thời gian thì tôi nhận ra mình gặp hiện tượng giống như nhiều người bị không dung nạp được lactose khi uống sữa. Cà phê kem béo rất ngon, đặc biệt ở hậu vị, nhưng tôi dễ gặp chứng đầy bụng gây khó chịu suốt nhiều tiếng đồng hồ. Và tất nhiên vì có chứa nhiều chất béo, nếu uống quá nhiều ta hẳn sẽ tích tụ một lượng mỡ thừa không thể xem thường.

Bạn hẳn có thể hình dung ra được, sau khi làm tất cả những nghi lễ buổi sáng kể trên, nếu tiếp tục lách cách pha cà phê thì tôi sẽ không còn thời gian nữa. Vả lại, sau khi đổ chút mồ hôi cho dãn cơ buổi sáng, cái tôi thèm muốn là một chai nước suối mát lạnh hơn. Vì vậy sau một khoảng thời gian, một cách tự nhiên, tôi tiến tới giảm dần cà phê và cuối cùng là cắt hẳn. Hãn hữu lắm tôi mới pha một cốc, hoặc chỉ uống cà phê mỗi dịp ra ngoài ngồi ở quán quen, vốn dĩ cũng không còn quá nhiều (đúng vậy, tôi đã không còn thích lê la ở một quán cà phê ngoài đường so với việc nằm đọc sách ở nhà mình).

Tôi chưa ngủ được sớm hơn đáng kể, nhưng chắn chắn là ngủ nhanh và ngủ ngon hơn mỗi khi đi chạy bộ về. Vợ tôi hay than phiền rằng đôi khi chúng tôi đã làm hết sức để cho con đi ngủ sớm và xong hết các việc để có thể xem phim đêm với nhau, nhưng chưa kịp xem thì tôi đã ngủ mất rồi. Thật vậy, trong những giai đoạn tập luyện cật lực, bao gồm cả tập tạ và chạy bộ, tôi quả là đã cố tình thúc ép bản thân một cách nặng nhọc. Tôi vui khi thấy mình chạy được lâu hơn và nhanh hơn, dù kết quả hết sức chậm rãi. Nên khi đặt ra một mục tiêu mới, tôi nôn nóng bản thân thực hiện. Kết quả là hầu hết cuối ngày tôi trở nên kiệt quệ, chỉ mau chóng để đặt lưng lên chiếc giường êm ái. Nhưng sự kiệt quệ có kiểm soát này chỉ kéo dài trong một đêm, đến sáng hôm sau khi đã được nghỉ ngơi vừa đủ, nguồn năng lượng sống trong tôi trở lại để sẵn sàng cho một chu kỳ ngày mới tiếp theo không có mấy điểm khác biệt.

Tôi cũng bén duyên với ngủ trưa, hoặc nói đúng hơn là những chợp mắt ngắn, đôi khi là siêu ngắn, ở khoảng giữa mỗi ngày. Tôi từng không coi trọng việc ngủ trưa. Cho đến khi vận động nhiều và nặng nhọc hơn trong ngày tôi mới thấy việc có thể chợp mắt dăm ba phút vào buổi trưa là tuyệt đối không thể coi thường. Nó giống như việc bạn sạc lại pin cho một chiếc xe điện để đi được quãng đường dài hơn vậy. Dù có mạnh mẽ đến đâu thì một động cơ tốt nhất cũng cần những chặng nghỉ bù.

Rõ ràng nhận thấy tôi đã xây dựng nề nếp hàng ngày với trụ cột chính là chạy bộ cùng những vệ tinh sinh hoạt cố gắng để trở nên lành mạnh quay xung quanh nó. Nói cho cùng thì chạy bộ là một hoạt động nặng nhọc. Tôi chạy sáu ngày mỗi tuần, một tiếng đến một tiếng rưỡi đồng hồ mỗi ngày. Qua thời gian tôi cố gắng để nâng cự ly hoặc tốc độ của mình lên. Gần đây tôi đã có thể chạy mỗi ngày bảy kilomet, nếu đó là ngày chạy dài thì cự ly thông thường là mười kilomet. Kèm theo đó tôi vẫn duy trì tập thể lực với tạ ba hoặc bốn buổi. Tôi đã lặng lẽ duy trì nhịp điệu tập luyện như vậy được hơn nửa năm nay rồi. Bạn cũng có thể đoán được, nếu không cố gắng để trở nên lành mạnh hơn, tôi chắc chắn không thể giữ được nhịp độ thông thường và khiến chính bản thân mình mệt mỏi. Nói cho cùng thì luyện tập thể chất là để cơ thể khoẻ mạnh hơn chứ không phải là ngược lại.

Nếu không có sự kiện gì lớn lao ngăn chặn và giả dụ sắp xếp được chút ít thời gian, tôi luôn sẵn sàng xuống đường chạy bộ. Mỗi khi đến thăm một thành phố mới, và nếu đó là một thành phố xinh đẹp mà tôi yêu mến, cái thôi thúc bên trong tôi được chầm chậm chạy qua một vài góc phố đặng quan sát cuộc sống ở nơi đây lại càng trào lên mạnh mẽ dữ dội. Và tôi cứ thế mà chạy.

***

Tính đến tháng Mười, tôi đã tích luỹ được 1.000 kilomet đầu tiên. Để đánh dấu sự kiện nho nhỏ này, tôi quyết định thử chạy một vòng Hồ Tây.

Tôi chỉ mới chạy cự ly dài nhất không ngừng nghỉ là 10 kilomet, hoặc hơn một chút. Tuy vậy, lần cuối chạy cự ly dài vào tuần trước tôi đã cảm thấy hoàn toàn thoải mái và dường như mình thậm chí còn chút sức lực để chạy thêm. Nên khi ý tưởng ập đến, tôi tò mò liệu mình đã đủ sức để chạy một vòng Hồ Tây hay chưa. Phải biết rằng chu vi một vòng Hồ Tây rơi vào đâu đó từ 14.5 đến 16 kilomet tuỳ vào cung đường bạn chạy. Tức là gần gấp rưỡi so với cự ly dài nhất của tôi. Nếu là một người chạy khôn ngoan, thông thường người ta sẽ không tăng hẳn cự ly lên như vậy mà sẽ tập từ từ và tích luỹ một vài lần chạy ở cự ly 12 đến 13 kilomet, trước khi thực sự chạy 15, 16 kilomet một cách an toàn.

Đợt gió lạnh tràn đến dưới ảnh hưởng của cơn bão số 5 khiến tiết Thu trở nên bỗng giống mùa Đông hơn. Nói cách khác, nếu thời tiết cứ duy trì tình trạng mát mẻ ổn định thì những người chạy bộ chúng tôi sẽ vô cùng hạnh phúc. Từ tháng Mười trở đi cũng là lúc các giải chạy marathon được tổ chức bùng nổ. Những người chạy bộ chuyên nghiệp hầu như đã hoàn tất chương trình tập luyện kéo dài của mình để sẵn sàng cạnh tranh cho thành tích mới. Thế giới marathon vừa có hai sự kiện chấn động, Kipchope vô địch giải Berlin lần thứ năm và người đồng hương Kenya trẻ tuổi của anh, Kelvin Kiptum, phá kỷ lục marathon trong một cuộc thi chính thức tại Chicago với thành tích 2:00:35. Giới hạn của con người quả thật là phi thường.

Người chạy bộ phong trào thường thường như tôi cũng chỉ mong làm được một cái gì đó khác thường. Nên tôi liều mạng chạy một vòng Hồ Tây. Tôi đã tập bài chạy dài 10 kilomet vào thứ bảy tuần trước, và tiếp tục một buổi chạy nhẹ 8 kilomet vào ngày hôm sau mà không cảm thấy quá sức mệt mỏi. Trái lại, tôi cảm thấy cực kỳ sung mãn. Tôi nhẩm tính nếu mình nghỉ ngơi hoàn toàn vào thứ hai thì có lẽ sẽ đủ sức khoẻ để chạy Hồ Tây vào sáng thứ ba. Trời đẹp gần đây, hoàn toàn không có nắng và gió thì đủ để khiến ta có thể chạy mà không đổ quá nhiều mồ hôi. Nói cho phải thì đó quả là điều kiện lý tưởng để chạy dài.

Nhưng hoá ra đó lại là ngày tệ nhất để tôi chạy một cự ly mới.

Thật không may, sáng hôm trước tôi vô tình khiến đầu gối của mình bị thương khi tập tạ. Vết đau không đốn ngã hai chân tôi, nhưng đó là kiểu vết thương sẽ cần vài ngày để tiêu tan cơn đau hoàn toàn, và khoảng thời gian ở giữa sẽ khiến đầu gối ta không thực sự dễ chịu. Như thể thế là chưa đủ, sáng hôm sau khi đưa các con đi học bằng xe máy, tôi lại tự quệt bàn chân mình xuống vỉa hè khiến nó lệch đi một đoạn và đau mất một lúc. Chỉ hai tiếng nữa là tôi sẽ chạy bộ và nếu tất cả những cơn đau này không chịu nhượng bộ, dường như tôi đã thất bại ngay trước khi thực sự bắt đầu. Góp phần vào cái sự không may của ngày hôm đó, cơn bão dường như tan đi khiến nắng gắt cứ tàn nhẫn tràn xuống thành phố. Thứ nắng hè đúng nghĩa, như để nhắc nhớ cho người ta hiểu chúng vẫn ở đây chứ chưa hề đi đâu, rằng mùa hè khốc liệt của Hà Nội sẽ còn kéo dài mãi mãi. Nói cho dễ hiểu, tôi đơn giản là đã chọn sai ngày để chạy bộ.

Vợ tôi cũng khuyên tôi nên hoãn sang ngày khác khi ái ngại nhìn tôi than thở về những điều phiền toái. Tuy vậy, tôi đã mất công chuẩn bị cho buổi hôm nay không hề qua loa chút nào. Tôi nghỉ ngơi đủ, đã dãn cơ đầy đủ và lặn lội đi mua chút ít gel chạy bộ để bổ sung năng lượng cho quãng đường dài. Tôi thậm chí đã tự chạy xe máy để tiền trạm con đường và đo đạc cẩn thận vào ngày hôm trước. Cơn háo hức khiến tôi dậy từ rất sớm, thực tế tôi đã ngủ hơi ít hơn cần thiết một chút, nhưng khi ngủ dậy tôi thấy khoẻ mạnh và chỉ muốn chạy. Cái nắng là thứ làm nản chí tôi nhất, nhưng biết đâu những ngày tới đây trời vẫn sẽ chỉ nắng nóng như vậy. Nếu thế thì tôi sẽ trì hoãn đến vô tận mất.

Thở dài một hơi, tôi xách xe lên Hồ Tây để chạy bộ.

***

Tôi gửi xe ở đầu đường Thanh Niên, làm nóng người cẩn thận, uống chút ít nước muối và bình tĩnh bắt đầu ở đầu đường Thuỵ Khê.

Cái nắng quả thực không thể chê được, tuy vậy bầu trời xanh ngắt và chút ít gió hồ phảng phất đến làm cho cảnh quan dịu bớt đi sự gay gắt. Nói cho đúng thì nếu còn có cây to che bóng nắng, ta cảm thấy tương đối dễ chịu. Tuy vậy hầu hết cung đường Hồ Tây chỉ có một lượng cây xanh vô cùng khiêm tốn, và trong phần lớn quãng đường tôi chịu đựng cái nắng chiếu thẳng xuống đầu mình. Đừng hiểu nhầm ý tôi, tôi không hề phàn nàn. Công bằng mà nói tôi đang được làm điều mình thích – chẳng những được chạy mà còn được thưởng thức khung cảnh bên hồ ngoạn ngục xung quanh. Mây không nhiều lắm trong một sáng mùa Thu nền nã như thế, nhưng tôi biết ơn vì đã có đủ mây để thi thoảng dấu đi bóng nắng rực rỡ của mặt trời. Những cơn gió là bạn đồng hành với tôi, dù không thường xuyên lắm. Và tôi bắt gặp ba đến bốn người chạy bộ ngược chiều với mình, chúng tôi đều vẫy tay với nhau, như một sự khích lệ tinh thần nho nhỏ.

Tôi nghỉ vài lần để uống chút nước và ăn ít gel chạy bộ. Khi đã quá kilomet thứ mười, tôi thấy thực sự tự tin mà không biết rằng vấn đề chỉ xảy ra sau kilomet thứ mười ba, cũng tức là tới giới hạn của mình. Những kilomet cuối tôi thấy mình y như trong mô tả của Murakami, trở thành một cỗ máy chỉ đơn giản là tự vận hành theo quán tính với sự rỗng không. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng kịp kết thúc chặng đường trước khi cơn đau từ bắp chân và đầu gối chờ đến. Đó là cảm giác không hẳn là tự hào, nhưng tôi thấy vui vì mình đã hoàn thành, và trên hết là một sự nhẹ nhõm vì không còn phải chạy nữa.

Tôi đã có thể chạy một vòng Hồ Tây lần đầu tiên với tốc độ dưới 7 phút mỗi kilomet theo như kế hoạch. Nếu tập luyện chăm chỉ thêm nữa, tôi hẳn có thể tham gia một giải chạy nào đó vào năm sau và đó là mục tiêu của tôi.

Tôi dừng ở chùa Trấn Quốc và uống hai cốc trà đá lớn.

Phần thưởng cho tôi là những cảnh đẹp hết tầm mắt như thế này.

10/2023

October 27, 2023  Leave a comment

Một ngày dạo chơi cùng nhau

Mìn, ở quán trà đá vỉa hè buổi đêm

Vợ đi công tác, chỉ thị trông con. Thế là hai anh em tôi có thời gian riêng tư hiếm hoi bên nhau.

Tôi tuy là ông bố bỉm sữa vài năm nay nhưng xoay xở một mình với một đứa bé đang tuổi dở dở ương ương, biết ngày càng nhiều và rất dễ thất vọng xin nói thẳng ra là không giỏi cho lắm. Nhưng nếu ta không vượt qua được những thử thách cam go này thì mối quan hệ phụ tử sẽ sớm đổ vỡ mất. Nên là cố gắng để đừng làm hỏng việc đi vậy.

Buổi tối mát mẻ, tôi đưa con trai đến một khu vui chơi mini thuộc tiện ích nội khu của một khu đô thị gần nhà. Ở đó vốn đông trẻ con nên tôi yên tâm thả cu cậu ở đó. Năm tuổi, nó vốn dĩ đã không nhất thiết cần có phụ huynh chơi cùng được một thời gian rồi, nhất là khi nó dần phát hiện ra chơi với hội bạn hoá ra lại vui vẻ hơn với một ông bố vụng về lóng ngóng. Tôi thở phào khi vừa thả vào vườn là ông con tót đi ngay được. Thế là tôi có thể làm việc của tôi.

Làm việc của tôi ở đây là chạy bộ.

Nhìn chung thì nếu không có gì quá bất thường xảy ra, tôi sẽ xoay xở để mỗi ngày có thể chạy bộ tối thiểu nửa giờ đồng hồ. Những hôm thời tiết, và cả sức khoẻ, cho phép, tôi sẵn lòng chạy dài hơn và lâu hơn. Vẫn duy trì việc tập tạ hàng tuần, kể từ khi thêm bộ môn chạy bộ, có thể nói là lối sống của tôi phần nào được hoàn chỉnh hơn so với trước đây, ở phía cạnh duy trì thể chất cá nhân. Trên khía cạnh tinh thần, chạy bộ cho ta thêm chút ít thời gian cho bản thân. Với những ai bận bịu thì điều này hẳn có đôi chút ý nghĩa, thậm chí là quý giá. Cuộc sống vốn đã đẩy con người ta ra thế giới bên ngoài quá nhiều, trong khi chúng ta ngày càng thiếu thời gian để nhìn vào bên trong ta. Trong cuốn sách Tĩnh lặng, Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói điều tương tự – rất nhiều người tìm đến tu viện (dùng từ tu viện có chính xác không nhỉ?) của ông chỉ để có thể im lặng làm những điều thường nhật, đặng tránh đi càng nhiều càng tốt âm thanh nhiễu loạn xung quanh. Có sự tĩnh lặng cả từ bên trong và bên ngoài cho bản thân là rất quan trọng, đối với nhiều người thậm chí là yếu tố sống còn.

Tuy vậy, tối nay tôi sẽ phải sắp xếp để làm hai việc đồng thời là trông con và chạy bộ. May thay, tôi có thể chạy xung quanh dãy nhà ôm lấy khu vui chơi, mà gần như vẫn luôn luôn để mắt được đến những hoạt động của ông con. Với chu vi tầm 500 mét, nếu tôi chạy đủ hai vòng là vừa xoẳn một cây số. Tính ra thì tương đối lý tưởng để tính toán cho một bài chạy bộ. Tôi chỉ cần chạy đủ mười vòng, hoặc hơn kém chút ít không đáng kể, là sẽ hoàn thành bài chạy cự ly 5K. Nếu hai mươi vòng thì đạt cự ly 10K, tất nhiên, nếu ta bỏ đi yếu tố nhàm chán dễ dẫn đến bỏ cuộc khi chạy ở một vòng lặp như vậy. Quả thật, chạy bộ đường dài tuy là công việc lầm lũi và lặp đi lặp lại, nhưng tôi tin là sự mới mẻ trong đường chạy là một yếu tố có ảnh hưởng đến động lực chạy bộ của bất kỳ ai. Sự nhàm chán, chứ không phải sự kiệt sức, là tác nhân giết chết mục đích của bạn.

Quan trọng là chạy vòng tròn nhỏ kiểu vậy thì tôi sẽ kiểm tra được ông con luôn luôn, nên cứ thế yên tâm mà chạy.

Tôi bảo với ông con là bây giờ con chơi ở đây nhé, bố sẽ chạy vòng quanh khu này, được không? Nếu con cần gì thì cứ hét lên là bố sẽ đến ngay, ngay lập tức ấy, nên không có gì phải sợ cả, phải không? Tôi thì cố nán để giải thích cho nó, còn ông con thì sốt sắng vâng ạ rồi sốt ruột chạy đi chơi, tôi cho là nó không thực sự hiểu những gì tôi nói.

Tôi thử vòng chạy đầu tiên. Ở những khúc quanh bắt buộc khiến tôi không còn theo dõi được ông con trong phút chốc, đương nhiên là tôi sốt ruột muốn vượt qua thật nhanh để có thể lại nhìn thấy cái bóng bé con ấy đang hồ hởi đuổi theo chúng bạn. Tôi gọi to tên nó khi chạy ngang qua, thằng bé vẫy tay lại tôi cười lớn. Cho đến vòng thứ hai và thứ ba trở đi, cho dù tôi hét lớn gọi thì thằng bé đang mải miết đuổi bắt nô đùa với lũ giặc đồng trang lứa, hoàn toàn không để ý gì đến tôi nữa rồi. Hoá ra tôi mới là người bị bỏ lại! Có đôi chút chạnh lòng khi thấy thằng bé dễ dàng thoát khỏi thế giới của hai bố con để thoải mái xâm nhập vào thế giới vốn dĩ của nó. Thật khó tin là chỉ mới gần đây thôi (khi thằng bé nhỏ hơn một chút), nó đã từng quấn chặt với tôi bất cứ khi nào, như một con khỉ con quắp chặt vào khỉ mẹ, đi đâu cũng dính lấy tôi. Vậy mà bây giờ nó lại dễ dàng quên tôi đến thế…

Tôi đã dự liệu buổi chạy bộ hôm nay sẽ bị gián đoạn bất cứ khi nào, trong trường hợp ông con bỗng phát hiện ra tôi không ở đấy và khóc ré lên. Tuy vậy, điều đó không xảy ra trên thực tế. Trái lại, tôi thấm mệt khi ông con vẫn còn sung sức chạy nhảy. Khi tôi hoàn thành cự ly 5K, tôi sửng sốt thấy đó là mốc thời gian kỷ lục cá nhân mới, nhanh hơn ba phút so với thời gian nhanh nhất trước kia. Tôi đặt mục tiêu chạy cự ly 5K. Vì xác định có thể sẽ có ít thời gian hơn thường lệ, tôi cũng cố chạy nhanh hơn thường lệ, dù cho tôi không chủ đích chạy vượt một mốc thời gian cụ thể. Đối với một người mới chạy bộ, tôi cho là cự ly quan trọng hơn mốc thời gian. Quan trọng là bạn chạy được ngày càng lâu và ổn định, bền bỉ, thì dần dần bạn sẽ cải thiện được mốc thời gian trước đó. Vì lẽ đó, chỉ có đâu đó một trong mười buổi tập của tôi là luyện tập tốc độ, còn lại tôi dành toàn bộ để tích luỹ cự ly chạy.

Tôi thấy hài lòng khi hôm nay có thể chạy cự ly 5K với mốc thời gian ngắn như vậy. Tuy chưa phải là một thành tích gì đáng để khoe khoang, tôi nhẩm tính rằng nếu cứ cải thiện như vậy thì hết năm nay tôi có lẽ sẽ có thể chạy ở cự ly 10K với thời gian dưới một giờ đồng hồ mà không bị kiệt sức thái quá. Nếu làm được như vậy, đầu năm sau có lẽ tôi sẽ bắt đầu tham gia một giải chạy phong trào nào đó mà không phải lo lắng nếu thành tích của mình quá sức tệ hại, thậm chí là bỏ cuộc. Rốt cuộc thì lý do để ta tham gia một giải chạy đó là để cạnh tranh với người khác và cả cạnh tranh với chính mình. Nếu ta không đạt được một kết quả nào đó khiến ta đủ sức tự hào, hay đơn giản là hài lòng, thanh thản, thì việc chạy ở một giải đấu không thực sự có ý nghĩa. Vì vậy hãy chuẩn bị thật tốt đi đã.

Tức là, như tôi đã nói, tôi kết thúc bài chạy của mình trước khi ông con nhớ ra là cần đến tôi. Thực tế là cu cậu chưa bao giờ nhớ đến điều đó. Chỉ có tôi đang thở dốc và mệt mỏi phục hồi năng lượng sau buổi chạy, sốt ruột chờ ông con chơi vui vẻ ngoài kia. Tôi là người gọi cu cậu về trước, trong khi cu cậu vẫn còn tiếc rẻ.

Cảm giác đạt được một mốc thời gian mới trong chạy bộ là một điều tuyệt vời. Giống như một liều adrenaline tiêm thẳng vào não bộ! Nó khiến ta hưng phấn và trong phút chốc làm ta có cảm giác mọi thứ đều thật xứng đáng. Khi tôi dừng lại, tôi dốc cạn một chai nước suối và vẫn còn thấy thèm vì đã mang đi ít quá.

Cả hai anh em đều ướt sũng mồ hôi. Thằng bé rất thích khi gió mát táp thẳng vào mặt mũi khi chiếc xe vút đi. Vì quá khát, tôi dừng để uống trà đá ở một quán vỉa hè bên đường. Tôi gọi hai cốc lớn, thật đáng ngạc nhiên là con trai tôi uống còn nhanh hơn tôi. Sau đó tôi gọi một cốc lớn khác. Và cũng rất nhanh hết sạch nước.

Vì adrenaline trong tôi vẫn cao sau chạy bộ, tôi hứng chí phóng xe đi dạo một vòng. Tất nhiên là con trai tôi hưởng ứng. Đã quá giờ ngủ nên cu cậu rất thích khi chưa phải về nhà ngay. Tôi đưa nó đi ăn kem trên Bờ Hồ rồi quay về. Tôi sẽ là một ông bố tồi nếu tiếp tục rong ruổi với một đứa trẻ 5 tuổi khi màn đêm sắp kéo đến. Nhưng nếu tôi chỉ có ít ỏi thời gian riêng tư với cậu con trai đang lớn lên từng ngày của mình, tại sao tôi không thể cho nó một vài trải nghiệm đầu tiên về sự tự do và hoang phí của cuộc sống về đêm mà rất nhanh nó sẽ quay cuồng trong đó chứ?

Không phải khoe khoang, nhưng dường như lần cuối tôi tự do đi dạo đêm với một đứa con trai nào đó như thế này là với thằng bạn thân duy nhất của tôi đâu đó một vài thiên nhiên kỷ trước. Kể từ khi nó định cư bên Nhật, tôi hiếm có trải nghiệm bằng hữu nào chia sẻ được những gì từng có. Kể từ khi lập gia đình và có con, tôi thà chọn ít giao tiếp xã hội còn hơn bỏ thời gian cho gia đình. Vả lại, tôi cũng đâu phải người quảng giao gì cho cam. Kết quả là nếu không phải trong những tình huống bắt buộc, phần lớn thời gian buổi tối (và đêm) của tôi hầu hết chỉ để hẹn hò với vợ và sau đó là lo toan bỉm sữa của bọn nhỏ. Tôi không nghĩ đó là sự chuẩn mực hay cao quý gì đáng để phô trương. Chỉ có điều tôi luôn cảm thấy trong một quỹ thời gian hàng ngày thông thường, ta dường như chưa bao giờ dành được đủ cho những người gần ta nhất, vậy mà có những người vẫn có thể chia sẻ cho mọi cộng đồng xã hội bên ngoài. Đó hẳn là một tài năng hiếm người sở hữu được.

Tôi rất vui khi con trai tôi, kể từ khi nó đến, dần trở thành một người bạn của tôi theo một ý nghĩa nào đó. Đứa trẻ là nó xoa dịu đứa trẻ cô đơn trong tôi. Đồng thời đứa trẻ là nó cũng trao cho tôi một cơ hội để trở thành một người đàn ông tốt hơn.

Có con là cơ hội để ta trở nên tốt hơn. Trong cuộc đời không nhiều cơ hội như vậy đâu, tin tôi đi. Đó chỉ là cơ hội, tức là không đảm bảo chắc chắn ta sẽ tốt hơn, nhưng ít nhất là có cơ hội.

Tôi không biết sau này nó có còn nhớ đến ngày hôm nay, đến những kỷ niệm riêng tư mà gần gũi, những điều giản dị như một chuyến đi dạo đêm quanh thành phố mà nó và ông bố là tôi đã làm cùng nhau hay không. Về phần mình, tôi chỉ có thể cố gắng dành thêm nhiều sự riêng tư hơn nữa cho nó khi có thể.

Trước khi mọi sự quan tâm trong đời nó dành trọn vẹn cho một cô bé nào đó. Rất sớm nữa thôi, phải không nào.

July 16, 2023  Leave a comment

Tiến về phía trước

“Hầu hết những người chạy bộ chạy không phải vì họ muốn sống lâu hơn, mà vì họ muốn sống trọn vẹn” – Haruki Murakami

Tôi đang tạo một playlist nhạc để nghe khi chạy bộ.

Như bạn có thể đoán được, vì được truyền cảm hứng rất nhiều từ ông nên tôi cho vào list một số âm nhạc mà Murakami ưa thích. Rolling Stones, The Lovin’ Spoonful, The Beach Boys, bạn biết đấy, những ban nhạc lỗi thời thú vị của thập niên 60 – thời kỳ mà Murakami miêu tả trong Cuộc săn cừu hoang là “không gian tràn đầy nhựa sống, cho dù mọi thứ dường như đang ở bên bờ vực sụp đổ, chỉ đợi một cú hích mạnh nữa thôi”.

Norwegian Wood và Pretend cố nhiên là hai bài quan trọng phải có. Rừng Na Uy và Phía Nam biên giới là hai trong những tiểu thuyết đầu tiên tôi đọc của Murakami, và rất nhanh trở nên vô cùng gắn bó đối với tuổi thanh niên của tôi. Đó là những tiểu thuyết giúp ta trở thành một người đàn ông tốt đẹp hơn, thực thụ hơn, qua cái cách chấp nhận con người mình. Lắng nghe những giai điệu đại diện của chúng luôn mang lại cho tôi một sự an ủi dịu dàng, và quan trọng hơn, chúng không ngừng thúc đẩy ta về phía trước – giống như chạy bộ.

Murakami nói ông nghe nhạc khi chạy bộ và chạy theo nhịp điệu của chúng. Điều này có lẽ hơi cường điệu một chút hoặc mang tính biểu tượng là chính bởi tôi không hình dung ra được ông giữ nhịp điệu đều đặn của marathon như thế nào khi nghe cùng lúc cả Jazz, nhạc cổ điển và Rock nhỉ.

Tuy vậy, tôi vẫn cố gắng nghe thật nhiều âm nhạc khi chạy bộ. Điều này giúp ta tập trung vào thế giới riêng của ta và đôi khi là cách để cố quên đi cái đau đớn mệt mỏi của guồng chân chạy trong những kilomet cuối. Một chiến thuật của Murakami để kéo dài cự ly đó là tự nhủ với bản thân ta là một cỗ máy và vì vậy việc vận hành của hai bàn chân chỉ là một hành vi vô thức. Cố nhiên để hỗ trợ cho việc đó ông sẽ hướng sự tập trung vào việc khác, như nghe nhạc chẳng hạn.

Nhưng bài hát nào nằm đầu tiên trong danh sách nhạc chạy bộ của tôi?

Trong hiện tại thì tôi có hai bài, Lemon Tree của Fools Garden và Ob-La-Di, Ob-La-Da của The Beatles. Đây đều là những phát hiện mới của tôi gần đây khi tôi để cho Youtube Music chơi nhạc ngẫu nhiên theo thuật toán của họ.

***

Thứ lỗi cho tôi nếu tôi không biết đến Fools Garden từ trước. Giai đoạn ra đời và thành danh của ban nhạc Đức này nằm đúng vào những năm đầu đời của tôi, khi tôi còn chưa biết nghe nhạc. Nhưng kể cả sau này khi tôi lớn lên một chút thì Fools Garden cũng đã nhanh chóng đi qua những năm tháng đỉnh cao của họ trước cả khi tôi có thể biết tới. Về danh nghĩa thì dường như ban nhạc vẫn đang hoạt động cho đến tận ngày nay, nhưng rất nhiều người đánh giá họ một dạng ban nhạc có một bản hit duy nhất, chính là Lemon Tree – nằm trong đĩa đơn Dish of the Day đã phát hành từ tận năm 1995, đã quá xa rồi.

Đó là một nhóm nhạc sinh viên từ khởi thuỷ, với hai thành viên sáng lập cốt cán đã xoay xở qua nhiều thăng trầm để duy trì hoạt động của nhóm. Đã có nhiều thành viên liên tục đến và đi, khiến lực lượng thường xuyên của ban nhạc không hề ổn định qua từng giai đoạn. Bằng cách nào đó họ vẫn cho ra đời được một chục album và giành được hơn một chục giải thưởng âm nhạc tại Đức. Nhưng đáp lại những nỗ lực duy trì suốt nhiều năm như vậy khó có thể nói là họ quá thành công về mặt thương mại. Fools Garden giống như một cơn sóng trào, nhanh chóng tan vào biển cả mà không thể tạo thành một dòng hải lưu riêng cho mình.

Có lẽ họ không đủ may mắn, hoặc không đủ tài năng, hoặc đơn giản là những năm 90 ngẫu nhiên lại là giai đoạn cực thịnh của phong trào âm nhạc với quá nhiều nhóm nhạc lừng danh khác nữa. Tuy vậy khi nghe âm nhạc của họ, tôi vẫn nhận ra cái tinh thần sảng khoái và nhiệt huyết của tuổi trẻ mà ban nhạc mang lại. Những tháng năm rực rỡ mà ta nghĩ ta có nhiều điều để nói với, và nhiều điều để làm cho thế giới này. Khi nghe âm nhạc của họ, tôi không thể không hình dung ra hình ảnh hai người nghệ sĩ trẻ, Peter và Volker, đã háo hức viết những dòng nhạc đầu tiên chứa đựng những triết lý và thông điệp của mình, và nôn nóng tập luyện cùng nhóm nhạc cho những buổi trình diễn khởi đầu đầy hứa hẹn.

Quả thực thì Fools Garden đã từng tương đối thành công, và Lemon Tree là một bài hát nhanh và mạnh mẽ.

***

Ob-la-di Ob-la-da là một bài hát của nhóm The Beatles. Ta không thể thực sự biết cho rõ ngọn ngành câu chuyện xung quanh những người được đồn đoán có liên quan đến bài hát này. Kể cả việc John Lennon có không thích bài hát và nảy sinh tranh cãi với Paul McCartney, dường như không hẳn là chính xác.

Bài hát xuất hiện trong album The Beatles xuất bản năm 1968, và là một trong những bài hát nổi bật nhất. Vì vướng phải một số chỉ trích và lùm xùm xung quanh vấn đề tác quyền về ý tưởng của cụm từ “Ob-la-di Ob-la-da”, ban nhạc quyết định không phổ biến bài hát ở tất cả các thị trường và hạn chế trình diễn trực tiếp. Điều này không ngăn được việc Ob-la-di Ob-la-da, vốn dĩ là một bài hát hay với phần tiết tấu nhanh, mạnh mang tính thúc giục rất đặc trưng của âm nhạc những năm 60, được yêu thích và trở thành đề tài hát lại (cover) của nhiều nhóm nhạc khác. Cuối cùng thì kể từ năm 2009, Paul đã trình diễn bài hát thường xuyên trên sân khấu.

Bạn nhất định phải xem Paul trình diễn nó trực tiếp trên sân khấu, để thấy âm nhạc có thể tự do đến mức nào, và qua đó, có thể tuyệt vời đến mức nào. Đó là thứ âm nhạc trẻ trung không có tuổi. Khi Paul trình diễn nó, kể cả khi ông đã hơi già, ta đều thấy cái nhựa sống của chàng thanh niên ôm đàn nghêu ngao hát trở lại, căng tràn, và thúc giục ta hãy sống đi, hãy sống cho trọn vẹn.

***

Hai bài hát đó, theo thứ tự lần lượt nằm trước tiên trong danh sách nhạc nghe khi chạy bộ của tôi. Những sải chân đầu tiên của tôi khi chạm xuống đường tương ứng với những nốt nhạc đầu tiên được cất lên, nhanh chóng hoà vào với bước chạy của tôi và giúp tôi hình thành một nhịp điệu cần thiết để bắt đầu duy trì cự ly chạy đường dài.

Trong đầu tôi là tiếng hát thúc giục mạnh mẽ. Nhịp thở của tôi ổn định.

Tôi nhanh chóng tiến về phía trước.

May 5, 2023  Leave a comment

Niềm vui chạy bộ

Như đã nói hôm trước, mục đích chạy bộ của tôi là hy vọng một ngày nào đó có thể làm gương cho con trai tôi về tập thể thao, để từ đó giúp nó cải thiện thể chất khi lớn lên. Rèn luyện thể thao cũng liên quan rất nhiều đến một khía cạnh đáng quý khác, đó là rèn luyện ý chí. Có ý chí là rất quan trọng.

Tôi muốn con trai tôi là một người có ý chí.

***

Vì mục đích như vậy, tôi và vợ cố gắng xỏ giày và chạy/đi bộ nhiều lần mỗi tuần, không nghỉ tuần nào, trong suýt soát hai tháng qua. Không phải ngày nào cũng chạy, có ngày tôi và vợ đi bộ với nhau nếu cảm thấy không đủ khoẻ để chạy. Miễn sao mỗi ngày chạy/đi bộ tối thiểu 10,000 bước theo mục tiêu là được.

Tôi vẫn nhớ buổi chạy chính thức đầu tiên vào đúng sáng ngày 01/3, tôi và vợ lên Bờ Hồ, vừa để hưởng cái không khí vừa thử bắt đầu ở một địa điểm điển hình xem sao. Cố nhiên, cứ chạy được vài trăm mét là hai đứa phải dừng, như bất kỳ người bắt đầu nào. Nhưng nếu ta duy trì thói quen ấy đều đặn hàng tuần thì ta sẽ dần chạy được xa hơn và xa hơn nữa.

Và hôm nay, ngày 25/4 tôi vừa chinh phục được mốc 10 kilomet (10K) với pace 7:00, đạt được chính xác mục tiêu cự ly và nhịp độ mà tôi đề ra khi bắt đầu. Cứ cho là sau khoảng 3 tuần khi đạt được mốc 5 kilomet (5K) từ lần trước đi.

Cự ly 10K đầu tiên

So về thành tích phổ thông thì không có gì đáng nói – ở ngoài kia có đầy rẫy những người chạy bộ kiệt xuất vượt xa tôi nhiều. Về khía cạnh cá nhân, tôi nhẹ nhõm vì cũng chạm tới cái mình muốn. Nói chung đối với tôi thì không dễ dàng gì và đầy lần mình muốn bỏ cuộc cho rồi; đằng nào thì tôi có phải được thiên phú cho môn thể thao này đâu, rất nhiều lần tôi nghĩ như vậy, và thấy nản vì tiến bộ quá chậm, nhưng có những giá trị tinh thần vui vẻ đã giữ tôi lại với việc xỏ giày ra ngoài đường mỗi ngày. Hôm nay khi đạt được thành tích nho nhỏ này, tôi bỗng muốn chia sẻ một chút về nó – những suy nghĩ và niềm vui xung quanh việc chạy bộ.

***

Vì tôi vẫn duy trì việc tập thể hình bên cạnh chạy bộ, hệ quả là vợ tôi nhận xét tôi trông gọn đi một chút. Tôi từng tập thể hình bốn đến năm buổi một tuần. Giờ đây khi thêm môn chạy bộ, tôi tập tạ ít lại cả về tần suất và khối lượng, cố gắng duy trì hai đến ba buổi một tuần. Đôi khi tôi tập hai môn trong cùng một ngày nếu thấy có thể – chính xác như ngày hôm nay, một ngày khá đặc biệt khi mùa hè Hà Nội vào cuối tháng 4 bỗng chuyển lạnh dữ dội như níu kéo lần cuối cơn Đông muộn tưởng đã trốn thoát từ muôn kiếp trước, khiến người Hà Nội xôn xao lên hết cả – khi tôi tập tạ vào buổi sáng và chiều thì xỏ giày đi chạy.

Tập hai bộ môn cùng lúc cho phép tôi có cái nhìn mới mẻ về thể thao. Riêng việc hoạch định lại chương trình tập luyện để hoà hợp về mặt thời gian, thể chất và kết quả của hai bộ môn đã là một sự nghiên cứu và học hỏi thú vị. Cố nhiên tôi không muốn đánh mất từng ấy cơ bắp thể hình đã xây dựng nhiều năm. Tiêu chuẩn của bản thân tôi là sẽ làm sao để trông mình không gầy đét đi như một người chạy bộ đường dài điển hình, mà duy trì hình thể của một người tập thể hình chạy bộ.

Tôi cũng nhận ra tuy tôi yếu sức bền và mỗi cuộc chạy gần giống một cuộc hành xác, nhưng tôi không gặp quá nhiều vấn đề thường thấy của một người ít vận động bắt đầu hành trình thể thao. Điều này hẳn đến từ việc cơ thể tôi đã tích luỹ được một chút nền tảng thể chất qua nhiều năm tập luyện. Do đã có thói quen dãn cơ trước và sau khi tập, tôi không gặp triệu chứng mỏi cơ hay chuột rút khi chạy dài hơi. Đôi khi tôi cho phép mình chỉ khởi động qua loa vài phút là bắt đầu chạy ngay vì tự tin rằng cơ thể mình lúc nào cũng sẵn sàng để vận động. Cố nhiên điều này không đáng khuyến khích lắm vì ta không thể nói trước được điều gì trong thể thao. Thế nên nếu có điều kiện thì vẫn nên làm tuần tự dãn cơ, khởi động làm nóng, vận động cường độ nhẹ và tăng dần thì tốt hơn.

Ngoài ra, tôi không cần phải tập thêm các bài bổ trợ cơ bắp nữa vì đã làm điều này ở các buổi thể hình rồi. Chạy bộ là bộ môn huy động sức mạnh của toàn bộ cơ thể, trong đó các nhóm cơ chính cần cải thiện đặc biệt là vùng core, đùi, mông và đầu gối. Đến đây ta sẽ thấy lợi ích tuyệt vời nếu ta là một người tập thể hình từ trước. Thường xuyên tập nặng các bài compoud như bench press, squat và deadlift cho phép tôi có một vùng core và thân dưới tương đối khoẻ mạnh để có thể phục vụ việc chạy đường dài. Cơ thể tôi cũng đã quen với cái gọi là áp lực thể thao nên thần kinh của tôi không hoảng sợ lắm khi phải quen với một nhịp điệu mới. Những nền tảng này theo tôi là khá quan trọng để tôi có thể bắt đầu với chạy bộ.

Tuy vậy bên cạnh những nền tảng thể chất đó, tôi vẫn phải rèn luyện từ con số 0 với những điều kiện cơ bản của chạy bộ là sức bền, độ dẻo dai, nhịp thở và hệ thần kinh. Luyện tập sức bền là căng thẳng nhất! Ta không có đường tắt nào cả ngoài việc nhẫn nại chạy thêm từng chút một qua mỗi buổi và chờ đợi cơ thể ta thích nghi, phục hồi và phát triển lên để phục vụ áp lực mới. Quá trình chậm chạp này để nhắc nhớ cho ta rằng thể thao nói riêng và cuộc đời nói chung đều không có gì là dễ dàng, hãy chấp nhận nó đi nhé.

Việc kiểm soát hơi thở là vô cùng quan trọng. Quá trình từ việc thở dốc, hụt hơi khi chạy ngay cả những quãng ngắn cho đến khi ta dần điều hoà được hơi thở của mình là một sự chuyển biến kỳ diệu. Tôi mất vài tuần để tập thở và học cách đưa hơi thở của mình vào nhịp điệu kiểm soát được. Kết quả là, theo đo đạc của ứng dụng Nike Run Club, ở cự ly 10K thì số kilomet thứ 6-7-8-9 của tôi có pace chính xác như nhau là 7:05. Các kilomet trước đó và kilomet sau đó đều ở mốc 6:xx (tôi tăng tốc ở kilomet cuối để cố đạt được mốc 7:00 trung bình). Điều này cho thấy ở những chặng cuối trong cự ly 10K giới hạn của mình, tôi làm được một điều là duy trì nhịp thở chính xác như nhau, trong khi sức mạnh chắn chắn là đi xuống, để duy trì được nhịp độ không đổi. Nếu không giữ được nhịp thở thì gần như chắc chắn ta sẽ phải chạy chậm lại và tất cả mọi thứ sẽ loạn xạ hết cả.

Thật may vì điều đó đã không xảy ra.

Một điều quan trọng nữa đó là hệ thần kinh của ta phải tự tin khi đương đầu với áp lực mới. Trong đầu ta phải có câu nói dõng dạc: Ta sẽ làm được!

Trước buổi chạy 10K, cự ly dài nhất tôi có thể chạy là 8.5K cách đó hai ngày. Tuy vậy, điều kiện hoàn thành cự ly đó khá tệ khi chặng từ 7K đến 8K tôi chỉ có thể thở dốc và lê lết đi cho xong, và khi chạy đến 8.5K thì gần như cạn kiệt.

Nhưng hôm nay, sau buổi tập tạ vào buổi sáng và thấy cơ thể khoẻ mạnh, tôi nói với mình rằng: Ta sẽ chạy 10K!

Đó là một ngày lạnh, gió mùa từ đâu chảy xuống Hà Nội khiến cái nóng nực đột ngột biến mất. Tôi sinh ra vào tháng 7 nhưng lại đặc biệt ghét cái nóng nảy lửa của mùa hè Hà Nội mỗi năm lại thêm một phần khốc liệt. Cái nóng đến lũ mèo cũng không mặn mà phơi nắng ngủ nữa mà lười biếng núp vào bóng râm uể oải. Tôi luôn thấy cái nắng nóng của Bangkok có phần dễ chịu hơn, mà kể như Đà Lạt thì thật tuyệt vời! Đó là những nơi mà cái nắng nóng dung dưỡng cho nhựa sống của chúng ta. Còn cái nóng của Hà Nội thì thật là tàn nhẫn, tôi đã ở quá xa nó rồi.

Tôi chỉ sống nổi trong mùa Đông Hà Nội, vốn đã ngày càng ngắn lại, có khi chỉ gói gọn trong vài tuần thực sự.

Nhưng hôm nay thì Hà Nội không nóng nữa và nếu đây là lần cuối trong năm cái lạnh mới ập đến, tại sao tôi lại không làm điều gì đó đáng để lưu lại cơ chứ.

Vậy nên tôi chạy. Thời tiết ủng hộ, cơ thể khoẻ mạnh. Ta gần như không thể đánh lừa được cơ thể mình. Ta không thể nói với bộ não ta rằng thôi nào, hôm nay mình khoẻ mà, trong khi rõ ràng là ta đang ốm sốt 39 độ. Hệ thần kinh đòi hỏi từ ta một sự trung thực đáng kể mà ta khó lòng dấu diếm được. Nhưng hôm nay tôi thấy khoẻ từ bên trong nên tôi mạnh dạn nói với nó là tôi khoẻ, nên chúng ta hãy làm điều gì đó vui vẻ khác thường đi nào.

***

Người chạy bộ lâu dần sẽ hình thành ý niệm về khoảng cách tương đối rõ rệt.

Tôi biết chính xác quãng đường từ nhà tôi đến nhà Ngoại là 4,2 kilomet. Cung đường Trường Chinh – Lê Trọng Tấn – Nguyễn Lân là hơn 4 kilomet một chút. Tương tự như vậy, khoảng cách từ nhà tôi đến cổng trường con tôi ở Times City là hơn kém 2,5 kilomet. Ta cũng biết chu vi của Hồ Gươm là 1,7 kilomet, ở Hồ Tây – cung đường bám hồ có thể đạp xe và chạy bộ được – ở quãng 14,8 kilomet, vòng rộng hơn thì là 16 kilomet. Hồ Hale là khoảng 2,1 kilomet. Cách không xa bãi biển An Bàng của Hội An có một góc chạy bộ hình chữ nhật men theo khu nhà dân mà chu vi ở đó đúng bằng 1 kilomet, nơi tôi đã cố chạy cho đủ cự ly 5K cách đây một tuần. Và những khoảng cách tương tự. Theo thói quen, ta sẽ nhẩm dần khoảng cách ở những cung đường quen thuộc mà ta nghĩ ta sẽ chạy bộ được.

Từ nhà tôi đến chính giữa Hồ Gươm là khoảng 5,2 kilomet, theo đó nếu tôi chạy đủ một vòng khép kín đi-về thì có nghĩa là tôi hoàn thành được cụ ly 10K đầu đời. Cung đường này – đi Phố Huế lên và Bà Triệu về – cũng đúng là cung đường tôi đạp xe đi học thời cấp 2 ở một ngôi trường không xa Hồ Gươm là bao. Ai mà không nhớ cái thời học trò ngơ ngẩn nhỉ.

Trong lúc mải miết chạy, tôi hững hờ nghe các podcast ngẫu nhiên song song với chạy đuổi theo các suy nghĩ trong đầu. Có lúc tôi không suy nghĩ gì cả mà chỉ cố chạy. Nhưng phần lớn thời gian, tôi để ý xem từng mốc kilomet mới từ khi xuất phát là ở quãng nào trên đường. Đôi khi tôi ngạc nhiên vì hoá ra mốc 3 kilomet kể từ nhà mình lại là đoạn này, kilomet thứ 7 là ở đoạn kia. Nhưng kể từ kilomet thứ 9 trở đi, tôi chỉ tập trung chạy cho xong vì cũng sắp tới giới hạn sức khoẻ rồi.

Gió lạnh Hà Nội tuy đôi khi có cản tốc tôi, nhưng phần lớn thời gian sự dễ chịu của thời tiết đã động viên tôi rất nhiều.

***

Chạy xong hơn 10 kilomet, tôi dừng ở một quán trà đá ven đường và uống liền ba cốc lớn.

Có lẽ người hoàn thành cự ly marathon lần đầu tiên cũng có cảm giác tương tự, ở một cấp độ hài lòng cao hơn, là cảm giác nhẹ nhõm. Tôi đã đạt được mốc 10K, vậy tiếp theo hẳn phải là HM-21K và FM-42K nhỉ?

Tôi từng nghĩ mình sẽ chỉ duy trì ở cự ly 10K để cơ thể cải thiện nhịp tim và giúp cho tập thể hình tốt hơn. Nhưng khi đã thực sự chạy và yêu mến bộ môn này, ai mà chẳng muốn đi đến hết mức với nó cơ chứ.

***

Bạn đồng hành với cự ly 10K lần này là đôi giày Nike Pegasus 39 tôi mua hôm qua. Một sự đầu tư nho nhỏ của tôi. Đây là dòng giày chạy bộ phổ thông phù hợp cho tập luyện hàng ngày. Sau khi tham khảo quá nhiều loại giày, dù ưa thích Saucony hay Asics, tôi đưa ra lựa chọn an toàn là đôi Nike này.

Nike Pegasus 39

Tôi vẫn đang dùng một đôi Nike để đi bộ hàng ngày. Đây là một đôi “giày đôi” tôi và vợ mua mẫu giống nhau khi còn sống ở Bangkok. Lý do mua hồi đó là vì đôi giày nhẹ quá, đi bộ có vẻ êm ái. Khi tìm hiểu về Pegasus 39, tôi thấy tò mò về đôi Nike kia của mình nên lộn cái lưỡi gà lên để tìm tên của nó. Bất ngờ tột độ khi đó cũng chính là một đôi Pegasus! Một đôi Pegasus 34. Tôi không hề biết nhưng quả thực tôi và vợ đã vô tình mua một chiếc giày chạy bộ nổi danh của Nike chỉ để đi bộ (thời đó chưa ai tập chạy cả).

Thế là tôi mang hai đôi ra để so sánh xem sau vài năm, Nike đã phát triển dòng Pegasus lên như thế nào. Nhìn vào mắt thường cũng có thể thấy được về phần đế đã dày thêm đáng kể, và nhiều công nghệ đã được thêm vào bên trong để phục vụ cho thành tích của người chạy bộ.

Pegasus 39 vs. Pegasus 34

***

Vì là một người tập đồng thời cả thể hình và chạy bộ, tôi có thể thấy sự bổ trợ của chúng trong nhiệm vụ xây dựng thể chất chung, cũng như tính chất khác biệt của hai bộ môn.

Một trong những điểm khác biệt nhất có lẽ là cảm giác hưng phấn khi chạy bộ tương đối hiếm gặp trong thể hình. Thể hình là câu chuyện của bùng nổ và chịu sức ép trong thời gian ngắn. Chạy bộ là niềm vui kéo dài. Tuy nỗi niềm chung của hai bộ môn khi kết thúc tập luyện đều là sự nhẹ nhõm của việc không phải tập nữa, nhưng ở chạy bộ ta có cảm giác hài lòng cao hơn khi tập xong. Thể hình thì khác, mọi nỗ lực và sức mạnh ta đã bỏ vào ở giữa các set rồi, nên khi kết thúc là một sự kiệt quệ thực sự. Khi chạy bộ, ta mệt thì có thể nghỉ một chút rồi chạy tiếp gần như với sức khoẻ tương đương trước đó. Điều đó không xảy ra với người tập thể hình nghiêm túc. Nếu đó là rep tạ cuối, thì đó là rep tạ cuối, ta không cố thêm được nữa. Vậy nên khi kết thúc, tâm trạng của người tập thể hình là một thứ tương đối trống rỗng. Còn chạy bộ đến một mức độ nào đó, gần như ta thấy có thể chạy được mãi, chạy mãi vẫn được, và đó là một sự hưng phấn kéo dài.

Thể hình với đặc thù của nó là một hoạt động thể chất hầu hết được thực hiện trong nhà. Tất nhiên với ai tập ở phòng gym bãi biển Muscle Beach ở Venice, California (nơi Arnold từng tập) thì khác, nhưng có lẽ chỉ dưới 1% phòng gym trên thế giới là có không gian mở như vậy. Hầu hết người tập thể hình lầm lũi với tạ trong những không gian đóng, nơi ít tính chất xã hội.

Chạy bộ ngoài trời lại là hoạt động thể chất mở, nơi không gian tập luyện là bất cứ đâu có một cung đường thân thiện cho chạy bộ. Hoặc không nhất thiết phải thân thiện lắm – tại các đô thị như Hà Nội nơi người chạy bộ chạy trực tiếp bên cạnh mật độ giao thông điên rồ, đua với xe tải, xe phân khối lớn và tiếng ồn đô thị khủng khiếp, chuyện bình thường thôi, ta làm được gì bây giờ.

Cũng chính vì vậy, tuy ưu tiên của ta là cố gắng sải bước cho đều và quan tâm vào nhịp thở và quãng đường trước mắt, rất nhiều khi ta cho phép mình quan sát thật chậm cuộc sống diễn ra trước mắt. Quan sát ở một tốc độ chậm hơn khi ta chạy xe thông thường và nhanh hơn khi đi bộ, cái tốc độ nhập nhằng lý tưởng ở giữa đó đôi khi nắm bắt giúp ta những tiểu tiết nho nhỏ mà thú vị của cuộc sống mà ta bỏ qua. Bất kể những thứ ngẫu nhiên nào đi qua cái liếc mắt của ta và đọng lại trong đầu sẽ đều là những điều mà ta nên quan tâm. Những người chạy bộ sẽ đồng ý với tôi điều này.

Một niềm vui nho nhỏ nữa khi chạy trên đường đó là với sự phổ biến dần lên của môn chạy bộ, ở bất kỳ cung đường nào ta sẽ dễ dàng bắt gặp những người cũng đang chạy bộ như mình. Chạy bộ bản chất không phải một môn thể thao ganh đua (trừ khi chạy giải), nên thiên hướng tự nhiên là ta thấy được cổ vũ khi gặp những người bạn chạy bộ không quen, và cũng ngấm ngầm cổ vũ họ. Ai cũng đang có một hành trình của mình, ai cũng nên cố gắng.

Tôi nhớ đến hai cậu thanh niên chạy ngược chiều với tôi ở ngã tư Trường Chinh – Tôn Thất Tùng. Ở góc cua hẹp đó do xung quanh còn nhiều phương tiện, và để tránh đâm sầm vào nhau, tôi chủ động lách ra một chút để họ được chạy bình thường mà vượt qua tôi. Như vậy họ sẽ không bị ảnh hưởng đến nhịp thở. Khi chạm mặt nhau, cậu thanh niên thứ nhất mỉm cười với tôi, còn tôi và người thứ hai bật ngón tay với nhau. Tôi và họ đều không quen.

Ứng xử trong chạy bộ là chúng ta cố tránh ảnh hưởng đến nhịp độ của người khác.

Tôi rất hiểu vì sao Murakami viết cuốn sách đó cho những người đã vượt qua ông và bị ông vượt qua khi chạy bộ.

***

Chạy bộ đường dài ngoài trời là cơ hội để ta ngắm nhìn cuộc sống.

Nếu bạn hỏi mong muốn của tôi là gì, thì đây, tôi đang lên kế hoạch để có thể chạy ở nhiều thành phố trên thế giới nhất có thể.

Tôi đã nói điều này với vợ tôi, và chúng tôi thống nhất là kể từ giờ nếu đi du lịch ở đâu thì cũng sẽ đều mang đồ nghề chạy bộ theo để nếu có thể thì sẽ chạy được luôn khi cần.

Và thật may là đồ nghề chạy bộ hoàn toàn không cồng kềnh. Chỉ một đôi giày đủ tốt, một bộ quần áo thoáng là đủ.

Là có thể chạy ở bất cứ đâu.

Bangkok. Đà Lạt. Đài Bắc. Châu Âu. Úc. Mỹ…

April 26, 2023  Leave a comment

Tôi nói gì khi nói về chạy bộ

Gần đây tôi quyết định trở thành một người chạy bộ. Tôi và vợ đang hình thành thói quen chạy bộ vài lần mỗi tuần.

Vì không biết liệu mình có theo được bộ môn này lâu dài hay không nên sau ba tuần gì đó khi đã đạt được mốc 5 kilomet (chạy liên tục, đương nhiên) và tin là mình vẫn sẽ chạy tiếp; tôi mới đọc lại quyển sách này của ông.

Về mặt thể chất mà nói, tôi đã sớm biết, cơ thể của mình không phải tạng thiết kế dành cho sức bền. Điều này đúng cho cả mặt sinh học vật lý và ưa thích cá nhân.

Như Murakami giãi bày, nhịp tim của ông khi chạy bộ cự ly dài chỉ ngang với người thường ở trạng thái nghỉ. Đây là một biểu hiện của tạng người sẽ chạy bộ rất cừ. Tôi thì khác, rất dễ tăng nhịp tim và thở dốc (có thể do tôi chưa đủ khoẻ). Tôi có khuynh hướng thích, và cũng khá cừ, các bộ môn rèn luyện sức mạnh có tính chất bùng nổ vào thời điểm hơn là các bộ môn dẻo dai ổn định. Ví dụ như tôi có thể thực hiện bài đẩy tạ bench press ở xuýt xoát mức Advanced theo độ tuổi và cân nặng của tôi – tức nghĩa là trên trung bình (khoẻ hơn một nửa đàn ông cùng tuổi) và gần mức khá (mức vận động viên bán chuyên) – cho dù chắc chắn tôi chỉ là một người tập thể hình tài tử. Trên mức Advanced là Elite, là cấp độ thi đấu thế giới, tất nhiên tôi còn xa mới đến được.

Các cấp độ có thể tìm hiểu tại đây: https://strengthlevel.com/strength-standards/bench-press/kg

Thể chất vật lý thì là thế. Tuy nhiên tôi cũng thực sự thích tập luyện sức mạnh hướng đến xây dựng cơ bắp. Nhưng với chạy bộ thì khác. Từ trong suy nghĩ tôi chưa từng thấy bị hấp dẫn bởi bộ môn này. Đối với tôi, chạy bộ khá tẻ nhạt. Chỉ là một vài động tác lặp đi lặp lại bất tận, tôi nghĩ như thế. Tương đồng với hình thức chạy, tôi thích; hoặc phải nói là đam mê, thậm chí đến mức ước mơ đầu đời là trở thành cầu thủ chuyên nghiệp ở giải Ngoại Hạng Anh; bóng đá hơn. Vẫn là chạy nhưng bóng đá ngoài bền bỉ ra vẫn cần những khoảnh khắc bùng nổ sức mạnh tại thời điểm. Thấy chưa, tính chất sức mạnh bùng nổ tại thời điểm này rõ ràng thuộc về bản chất của cái cơ thể là tôi đây.

***

Tuy cả điều kiện cơ thể và khuynh hướng lựa chọn cá nhân đều đẩy tôi khỏi tất tần tật những gì liên quan đến chạy bộ, tôi vẫn quyết định tập luyện môn này một chút. Do ba lý do.

Trước tiên phải nói về phong cách tập và mục đích tập luyện – tôi là người theo hướng bodybuilding, pha một chút powerlifting. Nôm na có thể hiểu mục đích tập luyện của tôi là để xây dựng cơ bắp mang tính thẩm mỹ, chủ yếu nhờ các bài tập compound phối hợp nhiều nhóm cơ cùng lúc (tôi ít tập các bài cô lập cơ isolation).

Đây rõ ràng không hẳn là phương thức tốt nhất để tập bodybuilding nhưng là cách mà tôi lựa chọn.

Tôi đọc được từ một bạn HLV thể chất mà tôi quen qua Facebook nói rằng, theo nghiên cứu khoa học, đàn ông thì nên tập luyện các môn sức bền và phụ nữ thì nên tập các môn sức mạnh. Một dạng bổ sung thêm điểm hạn chế về mặt giới tính. Vì lời khuyên có tính phổ quát nên chưa chắc đúng cho tất cả mọi người, tuy nhiên tôi thấy ít ra là đúng đối với mình. Tôi quá kém bền.

Như vừa nói ở trên, tôi thấy mình quả thực là quá kém bền. Tôi từng đá bóng suốt từ khi còn nhỏ cho đến hết học phổ thông, chỉ dừng lại khi lên Đại Học. Tức là tôi tuy không khoẻ lắm nhưng không thể gọi là hoàn toàn không chơi thể thao tí nào. Sau đó là gần như không có hoạt động thể chất nào nữa cho đến vài năm sau khi đi làm. Từng ấy năm tích luỹ sự lười biếng và yếu ớt khiến tôi mất rất nhiều công sức mới cải thiện được chút ít thể chất của mình, nhưng vẫn kém xa so với kỳ vọng.

Điều kém bền này đôi khi tai hại đến mức nếu tôi tập bài bobybuilding nào đó với số reps quá 10 là đã thở hồng hộc rồi. Kể cả vì tôi luôn tập với mức tạ nặng hết sức thì cũng không thể bào chữa được cho sự dễ hụt hơi đó. Nguyên lý cơ bản của tập sức mạnh là tăng volume theo thời gian để cơ bắp quen với áp lực và tăng trưởng để phản kháng lại. Tuy vậy hiện tượng trên khiến thành tích tập sức mạnh của tôi chững đáng kể nhiều năm nay, và đối với một người tập, quả thực hết sức khó chịu.

Vì thế tôi nghĩ nếu tôi tăng sức bền hơn một chút, từ đó cơ thể có thể chịu đựng áp lực tốt hơn, tôi sẽ tăng được thành tích tập tạ và qua đó gia tăng được cơ bắp.

Lý do thứ ba (hai lý do đã nói ở trên), lát nữa tôi sẽ giải thích sau.

***

Vậy nên tôi quyết định chạy bộ, ở tuổi ba mươi lăm. Muộn hơn đôi chút so với Murakami khi bắt đầu ở quãng ba mươi ba tuổi.

Mục đích chạy bộ của tôi tuy vậy có lẽ khác ông khá nhiều. Tôi chạy bộ là để bổ trợ cho con đường luyện tập sức mạnh để gia tăng cơ bắp của mình. Với dân bodybuilding mà nói, các bài tập HIIT tuy tốt và cần thiết nhưng tập bền quá nhiều có thể còn làm giảm cơ bắp ở dài hạn. Vì lẽ đó tôi tự xác định giới hạn chạy bộ cho bản thân là ở mốc 10 kilomet. Tức là luyện tập đến mức bền có thể cho phép tôi chạy ở cự ly 10 kilomet không nghỉ với nhịp độ tối đa là 7 phút trên một kilomet. Ở nhịp độ đó miễn sao nhịp tim và huyết áp của tôi ổn định là được. Tôi có thể mong muốn giảm pace xuống 6 nếu thấy mình làm được điều này, nhưng có lẽ không tham vọng xuống mức thấp hơn làm gì.

Đây rõ ràng không phải là một mục tiêu cao xa gì với bất kỳ người chạy bộ nào ngoài kia. Nhưng so với bản thân tôi của hiện tại khi mới chạy nổi cự ly 5 kilomet và pace hơn 6 (đôi khi là 7) thì quãng đường trước mắt vẫn còn xa lắm.

Tôi dự định là khi nào đạt được cột mốc đó (không cần khẩn trương lắm) tôi sẽ giữ thành tích ở mức đó và duy trì lâu dài.

Tương lai xa hơn, có thể trở thành một người chạy bộ cự ly dài như Murakami không thì chưa thể biết được. Có thể tôi sẽ chán chạy bộ ngay tháng sau không biết chừng.

***

Sau khi thực hành chạy bộ tương đối nghiêm túc – tức là vượt qua vài ngày đầu băn khoăn đến nhức nhối vì việc tại sao mình phải làm điều này, và vượt qua cảm giác nhàm chán của việc lầm lũi chạy trong vô vọng, phải nghỉ liên tục và chỉ muốn dừng lại phắt cho xong; vượt qua tất cả những điều phiền phức bước đầu của chạy bộ để ta tiến đến một trạng thái không còn lười, và chán ghét, việc xỏ giày xuống đường nữa, và thậm chí còn tốt hơn, ta bắt đầu nhìn thấy những điều tích cực nhỏ bé hiện ra trong bản thân việc chạy bộ lẫn cái hiện thực cuộc sống xung quanh cứ liên tục bị ta bỏ lại phía sau qua từng bước chạy – tôi đọc lại quyển sách nhỏ của ông.

Đối với tôi, đây vẫn là quyển sách gần gũi, thuần tuý, chính xác nhất của Murakami.

Tôi thích sách nhưng không hề là một người chi li giữ sách cẩn thận. Quyển sách nào qua tay tôi đọc xong cũng gần như là tơi tả, đầy những nếp gấp đánh dấu những trang quan trọng, nhiều vết bút tích ghi nhớ và nhiều cung cách cá nhân khác nữa. Sách không phải để trưng trong tủ và giữ cho thật mới. Sách là để đọc, để ta ôm ấp, lọc ra trong đó những điều ta cần biết, muốn biết, và cả đã biết rồi. Vì lẽ đó, cứ đối xử với sách theo cách mà ta muốn.

Đây không phải là lần đầu tôi đọc Tôi nói gì khi nói về chạy bộ.

Cầm quyển sách này lại trên tay, tôi nhìn thấy rất nhanh rất nhiều trang nếp gấp đánh dấu của những lần đọc trước. Tôi vẫn xúc động và hoa mắt với nhiều câu văn đẹp, những đoạn miêu tả, và cảm xúc sống động trong các câu chuyện kể của ông.

Tuy vậy, ở lần đọc này tôi cũng ngạc nhiên nhận thấy mình vẫn có thể lọc ra những gì đã vô ý bỏ qua, hoặc chưa thấy là quan trọng ở lần đọc trước. Và như thế, nhiều trang nữa lại được gấp lại, nhiều đoạn văn (mới) đã được tô thêm.

Đó có lẽ là một cách hình dung về một quyển sách hay.

Sách hay thì không cũ bao giờ – ta luôn có thể tìm thêm điều đẹp đẽ nữa ở bất kỳ lần đọc lại nào tiếp theo.

Nhất là lần này tôi đọc với tư cách của một người chạy bộ.

***

Một điểm thú vị là dường như Murakami đã trở thành một người chạy Marathon rất nhanh kể từ khi bắt đầu chạy bộ. 26,2 dặm hay 42 kilomet tuyệt đối không hề là một cự ly dễ dàng cho bất kỳ đối tượng nào, kể cả có thiên phú về sức bền đi chăng nữa. Người lính năm xưa hẳn đã không chết vì kiệt sức nếu quãng đường đó nằm trong giới hạn thông thường của con người.

Murakami không nói chính xác thời gian bao lâu để ông đạt được mốc Marathon, ta chỉ có thể đoán được là khá nhanh. Điều này có lẽ không quá phi thực tế khi thể chất của ông vốn thân thiện với môn chạy bộ.

Tuy vậy 26,2 dặm hay 42 kilomet đơn giản vẫn là một cự ly dài, vô cùng dài, mà bạn không thể chinh phục được nếu không nghiêm túc tập luyện đằng đẵng, thậm chí là cật lực, từ đầu cho đến khi bất kỳ lúc nào đột nhiên đạt được tuỳ vào thiên phú thể chất của mỗi người.

Trước khi chạy bộ, tôi đã lường trước được sự khó khăn của chạy bền và cự ly Marathon lừng danh. Sau khi chạy bộ, tôi vẫn choáng váng vì độ lớn bao la của cự ly này trong trải nghiệm thực tế. Để mà nói thì mốc 5 kilomet của tôi chỉ là một màn khởi động ngắn của một vận động viên chạy đường trường.

Dù sao đi nữa tôi cũng không, hoặc chưa, đạt mục tiêu Marathon, nên cứ tạm để nó qua một bên đi đã.

Điều đáng ghi nhận tiếp theo đến từ trải nghiệm của Murakami trong chạy Marathon đó là bạn sẽ chinh phục cột mốc 26,2 dặm hay 42 kilomet mỗi lần mỗi khác. Không có tính chất mặc định trong thể thao. Tức nghĩa là kể cả bạn đã từng chạy cự ly này một cách thoải mái ở lần thử trước, không có nghĩa là đến lần sau bạn sẽ tiếp tục đạt được thành tích này với cùng sự nỗ lực, nhịp độ, sự vui vẻ, bằng lòng, đôi khi bạn còn có thể thất bại không rõ lý do. Chung quy lại, bạn không thể nói trứơc được điều gì nếu chưa chạy đến số dặm cuối cùng và bước qua vạch đích. Chính tính chất không nhất quán của thành tích đó có thể là sức hút cho môn chạy bộ này, là động lực khiến người chạy bộ nỗ lực tập luyện hơn nữa, mỗi ngày, để có những trải nghiệm chinh phục khác đi.

Giờ đây, khi đã là một người chạy bộ (tuy chỉ là bước đầu), tôi vẫn nhận ra những vẻ đẹp bình dị và nhỏ nhoi mà bộ môn này mang lại.

Ở một khía cạnh, chạy bộ nói riêng và thể thao nói chung đặt ta mau chóng vào một tình trạng rỗng không. Đương nhiên sẽ có lúc ta bắt đầu chạy với hàng mớ suy nghĩ ngổn ngang trong đầu. Nhưng trong hầu hết trường hợp, khi đã đến lúc phải tập trung để phản kháng lại cơn đấu tranh đòi dừng lại của cơ thể, ta bắt buộc sẽ dần phải học cách tĩnh lặng ở sâu sa bên trong, bỏ bớt các suy nghĩ, tập trung vào ba thước trước mặt và một mục tiêu duy nhất là làm sao để bước tiếp một bước, rồi một bước nữa. Cứ như thế ta dần đạt đến trạng thái rỗng không.

Ngoài ra, vì hầu hết người chạy bộ sẽ chạy ở một cung đường quen thuộc nào đó, tuy thỉnh thoảng có thay đổi, khiến ta dần lặp lại không chỉ một số hành động thể thao cố hữu, mà cảnh trí xung quanh ta cũng là một bức hình không có quá nhiều thay đổi hàng ngày – điều kiện tưởng như là mầm mống của tẻ nhạt, nhưng thực tế thì tất cả những gì một người chạy bộ quan tâm là cung đường của ta có đủ thuận lợi để ta hoàn thành bài tập của mình hay không. Vậy nên những gì xung quanh có ra sao cũng không thực sự tác động nhiều lắm, miễn là nó không ảnh hưởng đến chính việc chạy bộ của ta là được.

Tức là chạy bộ là một hình thức khiến ta tập trung cho bản thân.

Và đó là một điều cần thiết trong cái thế giới hàng ngày ta vốn dĩ đã phải ném mình vào xã hội tệ hại này quá nhiều.

***

Lý do thứ ba tôi chạy bộ là vì tôi muốn một ngày nào đó con trai tôi cũng sẽ nhìn gương tôi mà chạy bộ.

Thừa hưởng bộ gen từ ông bố như tôi, con trai tôi có thể chất không hẳn là khoẻ mạnh lắm. Nó vốn bị thân nhiệt thấp từ khi lọt lòng, khiến bệnh viện quyết định theo dõi trong lồng kính cho đến khi nó ổn định thì mới đưa về cho gia đình.

Lớn lên một chút, tôi thấy rõ nó cũng có biểu hiện hạn chế về sức bền như tôi. Rất dễ hụt hơi và thở dốc.

Điều này ngược lại với em gái nó. Tuy cùng bố cùng mẹ sinh ra nhưng cô em lại khoẻ mạnh, ăn uống ngủ nghê giỏi, và thể chất tuyệt vời.

Tôi không muốn nó trở thành một thanh niên yếu ớt như tôi trước kia, rồi mất rất lâu mới cải thiện được thể chất tí chút. Đó là tôi tương đối may mắn khi có đủ nhận thức về thể chất của mình, và không quá lười biếng để quyết tâm cải thiện trong nhiều năm nay rồi đó.

Nên tôi hy vọng vài năm nữa khi con trai tôi lớn lên một chút, nó sẽ có ý thức cải thiện thể chất của mình từ sớm. Điều này sẽ dễ dàng và có khả năng hơn khi xung quanh nó là những người cũng thực hiện việc tập luyện thể chất đều đặn. Trẻ con về cơ bản rất hay quan sát và bắt chước người lớn xung quanh, nên nếu được thì tôi muốn con trai tôi hình thành ý niệm về thể thao, và hơn cả thế, xây dựng được niềm yêu thích với thể thao và theo đuổi một thói quen tập luyện thể chất nào đó càng sớm càng tốt.

Tôi muốn giúp đỡ con trai tôi, nên chắc chắn là tôi phải duy trì việc tập luyện cho đều rồi.

Một ngày nào đó, tôi sẽ cùng chạy bộ với con trai tôi. Và cả tập thể hình nữa, nếu nó có hứng thú.

***

Đây là một cuốn sách tự truyện tập trung vào hành động chạy bộ, và cũng là nơi thể hiện những triết lý Murakami một cách trung thực và rõ ràng nhất.

Qua chạy bộ, ông dần hình thành những ý niệm cơ bản nhất về cuộc đời, tích luỹ những trải nghiệm quý giá để từ đó hình thành nên con người nhà văn sau này.

Murakami có lẽ vẫn sẽ là một nhà văn nếu không phải một người chạy bộ. Nhưng Murakami đó chắc chắn sẽ là một Murakami rất khác mà giới văn chương biết hiện nay.

Và tôi yêu quý một Murakami nhà văn như ông đã trở thành.

Cũng như tôi trân trọng và yêu quý ông trên tư cách những người chạy bộ – những người mà hàng ngày chia sẻ một hành trình chung là lầm lũi tập trung vào bản thân, vượt qua những cung đường, vượt qua những con người hoặc bị những con người vượt qua, để từ đó đạt đến những tiêu chuẩn của bản thân.

Bởi, không có gì ngoài tiêu chuẩn của bản thân là quan trọng.

12:33 AM

080423

Một người chạy bộ viết vội khi vừa vượt qua mốc 5 kilomet pace 6.2 một lần nữa

April 8, 2023  Leave a comment

chọn ngồi thật yên

Mỗi ngày
tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương,
ngồi nghĩ lại mình

Tuổi 30.

Tuổi 31.

Tuổi 33.

Nhìn lại mấy năm qua, kể từ khi bước vào độ tuổi “tam thập” – những suy nghĩ của tôi về cuộc đời bỗng trầm trọng và sâu sắc hơn xưa. Những biến cố đẩy chúng ta đi, đến một hành trình rồi cũng chỉ để trở về chính mình. Những câu hỏi lớn về cuộc đời mà ta bắt buộc phải hỏi, một cách tự nhiên, qua tháng năm, qua giông bão, qua biến chuyển, qua tình đời, chúng được trả lời hoặc gần được trả lời, để dẫn dắt ta đi, bước tiếp trong hành trình tìm về chính mình này.

Năm nay tôi đã đến cái mốc mà hai năm trước tôi định nghĩa là mốc hoặc rơi vào đáy sâu của vùng giữa không thuộc về đâu cả, hoặc chuyển giai đoạn sang một mốc mới hướng lên của cuộc đời. Mốc ba mươi lăm. Theo một vài quan điểm, là mốc gần hơn với mid-life crisis.

Tôi vẫn chẳng quá quan tâm đến các điều đó đâu.

Tôi chỉ thấy rằng, một điều quan trọng mà mình cần nắm giữ được khi thời gian trôi qua, là học cách để ổn định tinh thần và cảm xúc của bản thân.

Tôi vừa update lại trang “About” của blog này, với trang mới được gọi đơn giản là “Về tôi“. Trong đó tôi viết, “Tôi có nhiều đam mê, và hơi nhiều cảm xúc với cuộc đời này, kể cả trong những lúc ít cảm xúc nhất“.

Dành nhiều cảm xúc cho cuộc đời thì cũng tốt, nó giúp ta vui sống và biết ơn. Nhưng có vẻ hợp với khi ta trẻ hơn. Khi ta ba lăm tuổi trở đi, một điều quan trọng hơn đó là giữ được cảm xúc ở một mức độ ổn định và vừa đủ.

Để không có nỗi đau nào dày xé ta quá mức, không có nỗi buồn nào quỵ ngã ta, cũng chẳng có niềm vui nào cám dỗ ta đến mức đánh mất bản thân mình.

***

Tôi muốn như Trịnh, có thể ngồi thật yên mỗi ngày để nhìn quê hương, nhìn lại mình.

Sự thanh thản đó không dễ có được nhưng là một trạng thái cần đạt tới.

Tôi muốn giống như con tôi, vô ưu và vui vẻ, háo hức với tất cả những gì cuộc đời mang đến cho nó.

Và nhìn cuộc đời trôi qua.

 

July 7, 2020 – viết chậm một ngày vì nổi hứng muộn

July 7, 2022  Leave a comment

cần deep talk

CHỮA LÀNH

Cần hít thở không khí nên tôi ra khỏi khách sạn đi bộ một chút. Khu vực này vốn nhiều căn hộ và nhà hàng nên không hẳn là vắng lắm, tôi lánh vào một con ngõ dài và tối để có thể hưởng chút một mình. Khánh Ly đang hát Ta thấy gì đêm nay, tôi nghe Trịnh từ chiếc điện thoại mang theo.

Chỉ có khi đi công tác tôi mới có thời gian hiếm hoi để đi bộ một mình và nghe nhạc buổi tối. Dạo này Trịnh Công Sơn bỗng rộ lên từ cái bộ phim kể về ông. Tôi không xem phim Việt nên không biết bộ phim ra sao, nhưng những xôn xao xung quanh thật là phiền phức. Trịnh là một nghệ sĩ và chỉ là một nghệ sĩ mà thôi. Sự cô đơn của ông khắc khoải đến nỗi chỉ có thể gửi gắm vào âm nhạc để nói lên cõi lòng mình. Rồi cái âm nhạc ấy chạm thẳng đến ta, ở tầng sâu kín nhất, xoa dịu cho ta nỗi buồn và bơ vơ trong cuộc đời này. Hãy cứ nghe âm nhạc của Trịnh và lắng nghe cõi lòng mình bộc bạch, bận tâm những chuyện xung quanh chẳng phải quá mất sức hay sao?

Nhìn những mùa thu đi
Em nghe sầu lên trong nắng

Trong một ngày lòng mình bình thản, nghe Khánh Ly hát câu này cảm thấy thật trác tuyệt. Chúng ta nên giữ một thái độ như vậy với cuộc đời, cứ bình thản nhìn nó trôi đi thôi…

Chữa lành – cụm này đang là xu hướng của thời đại. Dường như ai cũng có vấn đề tâm lý, dường như ai cũng đang hộc tốc để được chữa lành. Tại sao lại vậy? Tại sao những người trưởng thành hiện nay dường như lại cần chữa lành nhiều đến thế?

Tôi nghĩ rằng vì chúng ta đã sống hàng ngày mà thiếu đi những cuộc nói chuyện sâu (deep talk).

Deep talk là những cuộc nói chuyện khiến ta có thể bộc bạch toàn bộ, hoặc gần như toàn bộ, nỗi lòng mình. Không che dấu, không mặt nạ, mang tính chất giải phóng tuyệt đối. Đó là nhu cầu chia sẻ cơ bản của con người. Nhưng lâu nay đã không còn nữa.

Làm sao có thể deep talk khi phần lớn giao tiếp trong ngày của chúng ta là dành cho những cuộc họp, những phân tích, những cơm áo gạo tiền?

Làm sao có thể deep talk với những con người ta gặp và phần lớn là chán ghét, hoặc ít trầm trọng hơn, không hẳn là thân thiết lắm, và cơ bản là không hiểu gì về nhau.

Làm sao có thể nói với họ về giấc mơ của ta, về nỗi buồn của ta.

Làm sao có thể deep talk được nữa sau khi chiến đấu với cuộc đời ngoài kia, vốn dĩ đã mệt nhoài khi về nhà, ta chỉ có thể ngủ để chuẩn bị sáng mai tiếp tục cho một cuộc chiến đấu nữa.

Deep talk hầu hết là hoạt động đầu tiên của chữa lành. Các chuyên gia sẽ tìm cách kết nối với đối phương bằng trò chuyện, giao tiếp, gợi mở, và đẩy câu chuyện đi vào sâu sắc để đối phương bộc lộ được ra. Cũng tức là khai thác cái nhu cầu được nói, được mở lòng, được tuôn trào bản thân vốn đã giữ kín bấy lâu nay.

Khai thác một nhu cầu cơ bản, nhưng con người đã vô tình bị tước đi trong xã hội này.

Deep talk giống như sức khoẻ – lúc trẻ chúng ta bán sức khoẻ để lấy tiền, về già lại dùng tiền cầu mua lại được sức khoẻ.

Chúng ta từng deep talk rất nhiều, rất lâu, với rất hữu hạn người trong phần lớn thời gian mỗi ngày ta sống.

Rồi chúng ta rời bỏ các cuộc deep talk ấy để vùi mình vào các cuộc nói chuyện thực dụng với những người chúng ta không yêu quý lắm, phần lớn thời gian trong ngày/tuần/tháng/năm. Rồi khi nhu cầu deep talk ập đến, ta cuống cuồng tìm lại thì không thấy những người thân kia ở sẵn đây nữa. Chúng ta trầm cảm dần. Chúng ta tìm đến các chuyên gia chữa lành, để chữa các vấn đề đáng ra rất dễ giải quyết.

Một cuộc nói chuyện sâu sắc thực sự luôn thức tỉnh chúng ta, mang lại cho ta năng lượng để sống tiếp với cuộc đời thật đẹp này.

Vợ chồng thì nên deep talk thường xuyên với nhau. Bạn bè cũng vậy.

Đừng để đến khi phải tìm các chuyên gia chữa lành làm việc đó thay cho người mà ta yêu mến.

July 1, 2022  Leave a comment

« older posts