30

Rồi cũng đến lúc tôi ba mươi. Nghe thật lạ lùng, cảm giác tôi chưa sẵn sàng gì cho cột mốc “tam thập…” này, chỉ đơn giản là rong chơi và chẳng để ý nhiều lắm đến mọi sự như người ta vẫn thường ở vào cái tuổi ấy. Về sự lạ lùng, sẽ nói ở phía dưới; và dù sao cũng đến cái giai đoạn quan trọng đặc biệt – một giai đoạn gì đó mà tôi lờ mờ nhận ra có ý nghĩa như một bước đệm giữa hai thứ, hai nửa cuộc đời có lẽ không giống nhau lắm, nếu không muốn nói là hoàn toàn khác biệt: Giai đoạn trướcsau ba mươi; vì lẽ đó, có lẽ, tôi muốn kể chuyện đời tôi. Dẫu có ý nghĩa hay không. Những nhìn lại bao giờ cũng thật là quan trọng, nhưng chúng còn có ý nghĩa lớn hơn, cho một thứ khác, sự hướng tới.

Tất cả bắt đầu từ một mùa hè.

***

Đó là một mùa hè vô cùng nóng bỏng, cái nắng nóng cục cằn chỉ luôn muốn lấn át và kéo tuột người ta xuống một cách thảm hại. Về sau tổng kết cuộc đời mình, tôi sẽ sớm nhận ra nhìn chung không có gì tốt đẹp đến từ mùa hè, tôi thích mùa đông hơn; tôi thực sự là con người của mùa đông, đã có những lúc tôi nghĩ mùa thu phù hợp với mình nhưng nhanh chóng đi đến kết luận là cái thứ mùa lửng lơ sẽ dần biến mất vĩnh viễn ấy (và cả mùa xuân nữa) chỉ độc là một sự bạc nhược của thời tiết; chỉ có mùa đông, hoặc mùa hè, với sự tột cùng của nó, cùng sự cố chấp cũng của chính nó, mới thực sự là mùa; tôi tuyệt đối là con người của những gì lên đến cực điểm, cũng như tuyệt đối không phải của những gì lửng lơ ở giữa.

Mùa hè đó, tôi mệt nhọc hết hơi sau một set squat nặng gắng sức, cảm nhận rõ ràng chấn thương ở lưng nghiêm trọng hơn mình tưởng. Một chấn thương gì đó đau buốt khiến việc đứng thẳng trở nên khó khăn vô cùng. Ngồi bệt xuống tấm thảm của phòng tập, tôi có chừng hai phút rưỡi nghỉ ngơi cho một hiệp tiếp theo nhưng không chắc có thể tiếp tục được nữa. Cửa sổ lấp lánh nắng, chiếu xiên vào khoảng không trước mặt tôi một màu vàng rất mới. Tôi mệt mỏi ngồi đó với tất cả sự trống rỗng của mình. Murakami nói tôi chạy để đạt được sự rỗng không. Điều này thật đúng. Thể thao có cái quyền lực vô biên dễ khiến tâm trí trở nên khoáng đạt. Đối với thể hình thì điều này còn đúng hơn; trong lúc đương đầu với sức ép của sắt thép đè nặng lên cơ thể, con người không thể nghĩ đến được điều gì khác ngoài việc tập trung cao độ. Cứ lúc nào cần sự rỗng không tôi lại đi đến phòng tập. Đôi lúc, điều duy nhất đáng kể đó là không phải suy nghĩ gì.

Đó là chấn thương nghiêm trọng thứ hai kể từ khi tôi biết đến thể hình. Lần đầu tiên là chấn thương ở vai sau; đợt đó tôi đã quá chủ quan, tôi còn nhớ rất rõ đó là hôm thực sự đầu tiên tôi bước đến phòng tập bên ngoài (thay vì chỉ sắm đồ và tập ở nhà); vốn quen với thanh đòn hàng phủi ở nhà chỉ 5 kg và không biết trọng lượng thanh đòn ở phòng tập đến 20 kg, tôi thản nhiên lắp khối lượng tạ tương tự vẫn tập và nghe đau buốt bên vai trái khi nhấc lên, và cả thanh tạ gần bảy mươi cân đổ xuống ngực. Mọi người xung quanh vội chạy đến đỡ thanh tạ hộ tôi, tôi choáng váng đứng dậy, vẫn cố tỏ ra bình thản nhưng sự thực là hai tháng sau đó tôi gần như không thể giơ tay cao quá đầu.

Nhưng chấn thương ở lưng này mới thật sự nghiêm trọng. Tôi đã may mắn không bị thoát vị đĩa đệm, coi như chấm dứt sự nghiệp tập tành mới nở, nhưng vết đau vẫn sẵn sàng gào lên bất kể lúc nào để nhắc nhớ về sự có mặt của nó, kể cả khi ngủ, như khẳng định ngôi vị mà nó chiếm đoạt được. Dẫu gì đi nữa, với cái mùa hè đó, mùa hè bắt đầu của tuổi 29, tôi vẫn là kẻ thua cuộc. Tôi còn nhớ rất rõ, mọi sự khởi đầu, khởi đầu nào cũng đi kèm kết thúc, vào cái tháng thật là buồn thảm, tháng 7.

Khoảng thời gian đó, sau những đợt đi quá nhiều, tự nhiên tôi nhận ra hôn nhân của mình tan vỡ. Đến một ngày tôi, chắc chắn là cả nàng, nhận thấy mọi việc không ổn, theo một cách thức nào đó rất khó gọi tên. Tôi không còn nhận ra người vẫn hay gần mình, như thể nàng đã biến thành một ai đó khác; không còn biết, hay hiểu, chút nào về những điều nàng đang nghĩ nữa; nhưng ngay cả điều này tôi cũng không dám chắc lắm, có thể chính tôi đã trở thành một người khác mà tôi không nhận ra. Tôi có cuộc chiến của tôi, về phía nàng, rất có thể, cũng đang vùng vẫy đương đầu với cuộc chiến của nàng; hai cuộc chiến đó có thể là về cùng một thứ nhưng mỗi người lại đối diện một cách độc lập. Rất có thể là như vậy. Hoặc cuộc chiến của nàng chẳng liên quan gì đến tôi, là một cuộc chiến khác mà tôi thậm chí không có hiện diện trong đó. Có lẽ từ lâu rồi nàng đã quen đương đầu với các cuộc chiến mà không có tôi, thành thật mà nói. Tôi vẫn luôn muốn san sẻ, nhưng về phần mình, chính tôi cũng đã quen với việc đương đầu một mình, bởi vì tôi không muốn ai đó phải lo lắng cho tôi cả. Tôi nhớ nàng từng hỏi tôi rằng tôi cần ở nàng cái gì. Ở bên anh, tôi trả lời. Để làm gì? Chỉ cần ở cạnh anh thôi. Nhưng thế thì có ý nghĩa gì chứ?! Anh chỉ cần một người để tối về ôm đi ngủ, để anh có cảm giác an toàn, chỉ vậy thôi, như thế thì là ai cũng được, đúng không? Không phải như vậy, tôi yếu ớt trả lời, nhưng chính mình cũng không thực sự tin tưởng lắm. Những khó khăn vấp váp ở ngoài kia, tôi có thể chịu được, ích gì đâu khi trút nó lên đầu người khác chứ. Nhưng có thể tôi đã lầm. Có lẽ nàng đã từng muốn san sẻ với tôi nhiều hơn thế. Nhưng tôi đã không hiểu. Cũng như không hiểu nàng cần được san sẻ những gì. Có lẽ. Tôi chợt nhớ đến một (hoặc vài) lần, nàng vừa thút thít khóc vừa hỏi anh có cần em không? Em có cảm giác anh chẳng cần ai. Những câu hỏi mệt mỏi ấy luôn làm tôi cảm thấy chân mình không chạm đất và toàn thân lơ lửng, còn bầu không khí xung quanh bỗng mờ mịt cả đi như ảo ảnh. Một bầu không khí nặng nề đặc quánh thít chặt lại các suy nghĩ. Tôi nhớ đến một nhân vật của Murakami, hầu như cả cuộc đời chỉ toàn huỷ hoại các cô gái. Có một quãng nào đó ở thời sinh viên, cô gái mà gã yêu lần đầu tiên nói với gã đôi khi em thấy rất cô đơn khi ở bên cạnh anh. Về sau gã bỏ cô gái lại để đến một thành phố khác, mãi dằn vặt với suy nghĩ không thể làm ai hạnh phúc. Thở dài. Đôi khi tôi cũng tự hỏi mình điều tương tự, rằng tôi thực sự có thể làm ai đó hạnh phúc hay không. Hôn nhân, dường như là một cánh cửa hai mặt, mà người ta bước vào là những người rất quen nhau và bước ra là những người hoàn toàn xa lạ.

Tôi không nhận ra được nhiều thứ khi nó đang diễn ra, nhưng có một điều chắc chắn là đột nhiên mọi thứ rơi tuột khỏi tay rất khó kiểm soát. Khi lờ mờ nhận ra thì những gì quen thuộc đã xa tít tắp rồi. Tôi không có nhiều cơ hội để kéo lại. Tôi cũng không thể kéo lại chính tôi. Tôi ở rất xa, và cả nàng.

Murakami có những kịch tính thuộc hàng điển hình cho những sự đổ vỡ thường thấy ở hôn nhân hiện đại, mang rất nhiều ám ảnh của những sự biến mất. Biên niên ký chim vặn dây cót có một mở đầu thật lạ lùng, bỗng một buổi sáng gã nhân vật chính không thấy vợ mình đâu nữa. Giống hệt như người vợ trong Gone Girl. Chỉ đơn giản là biến mất, bỏ đi, mở đầu cho các cuộc phiêu lưu đi qua các mảng tối tuyệt vọng, để dần hé mở ra nhiều điều. Hình như trong suốt cả câu chuyện, gã chưa từng thực sự gặp lại vợ mình, hoặc chỉ là chạy theo cái bóng.

Trong một tiểu thuyết khác, còn lạ lùng hơn, mở đầu bằng bản tin cáo phó của một cô gái, hoá ra lại là người yêu cũ của gã nhân vật chính, đưa gã trở lại ký ức phóng túng vụng dại của tám năm trước với cô nàng đã chết. Đêm đó gã đi uống say và khi trở về, đột nhiên thấy một cô gái khác trong nhà mình; trong cơn chập chờn của ký ức trộn lẫn với rượu, gã nhận ra đó là người vợ đang ly thân. Gã kể cho nàng vừa đi dự đám tang của một “người quen cũ”. Đó là môt cô gái, gã kể. Vì cô gái đó mà anh đi uống say à? Nàng hỏi. Không, không phải thế. Gã trả lời. Kể cả có phải thì cũng chỉ đến một, hai cốc đầu. Một đoạn mở đầu rất Murakami dường như báo trước là gã sẽ còn gặp các rắc rối thảm khốc với nhiều phụ nữ. Thực tế về sau đúng như vậy. Cô gái có đôi tai đẹp, một nhân vật rất chính nhưng về sau cũng biến mất, không phải là người kỳ quặc duy nhất mà gã nhân vật chính của Cuộc săn cừu hoang dính líu vào trong toàn bộ cuộc phiêu lưu của mình. Đó không phải cuộc đi săn một con cừu mà chính là hành trình tìm lại hạnh phúc. Đó thực sự là một gã đàn ông đánh mất tất cả.

Nhưng trước khi đến được đến đó, nhân vật tôi của Cuộc săn cừu hoang cũng chấm dứt cuộc hôn nhân bốn năm mà không có con của mình. Đó là một ngày cuối tháng bảy của cái năm gã bước sang tuổi ba mươi. Tôi cười như điên nhưng đồng thời cũng méo xệch miệng, văn chương đôi khi cũng có thể tạo ra những định mệnh trớ trêu đấy nhỉ; từ khi cầm quyển sách này lên tôi đã biết là nó dành cho mình. Đây không phải là lần duy nhất tôi gặp chuyện này; trong giai đoạn đầu không mấy dễ dàng của hôn nhân tôi cũng tìm được sự khích lệ rất lớn từ Phía nam biên giới, phía Tây mặt trời, cuốn tiểu thuyết dạy cho tôi rằng đàn ông có thể huỷ hoại và làm tổn thương một người đến thế nào, có thể lầm đường lạc lối ra sao, mà chỉ có sự bao dung của một người đàn bà có thể cứu chữa những sai sót ấy. Đấy là cuốn tiểu thuyết dành cho những kẻ chưa biết mình thuộc về đâu tìm được nơi mình thực sự thuộc về.

Mâu thuẫn tình cảm trong truyện của Murakami không mang màu sắc xung đột và cao trào nhưng đều là những đổ vỡ từ trong nền tảng, đổ vỡ từ rất lâu mà không biết và đến một ngày chỉ đơn giản là chúng vỡ vụn ra không cứu chữa được nữa. Con người, dù sao đi nữa thì cũng thật chông chênh. Có những điều mãi sau này nhắc lại vẫn thật là đau lòng.

Nhưng dẫu có đau lòng cách mấy, hoàn toàn trong tôi không nuôi một chút hận thù nào. Tôi không bao giờ nuôi hận thù cho các mối tình; ngược lại, tôi thật sự biết ơn các mối tình đã từng đến với mình. Về phương diện này, tôi tìm thấy sự đồng cảm tuyệt đối ở Trầm Tử Thiêng. Mang ơn em trao tình một lần, là kỷ niệm dù không đầm ấm. Bài hát đó, cất lên trong tâm trạng nào thì cũng thật là cứu rỗi. Những mối tình, kể cả chúng có dìm ta xuống thật thấp, hoặc nâng ta lên rất cao, thì nhìn chung đều làm được một việc là dẫn lối cho ta bước tiếp. Cuộc đời nếu đứng yên, hoặc thậm chí là tụt lại đằng sau, thì thật thảm hại. Có những người càng đi chỉ càng thấy tụt lùi, đến lúc tuột hẳn xuống hố sâu thăm thẳm của cuộc đời không sao trồi lên nổi. Murakami theo tôi là nhà văn không bao giờ giả dối khi nói về các mối tình, đôi khi ở phương diện rất cao của nó: Sự không lời. Trong Rừng Nauy, Hatsumi có một tình yêu đặc biệt dành cho kẻ không cứu chữa được là Nagasawa; nhưng có lẽ chính vì nhìn thấy ở hắn sự không cứu rỗi được nữa mà nàng dành một tình yêu lớn đến thế và vô ngôn đến thế, bởi đơn giản là nàng biết con người này sớm muộn cũng sẽ đánh mất tất cả; trong tất cả sự thảm bại của hắn, nếu còn có thể vớt vát, đó chính là hắn đã có nàng. Phụ nữ yêu đàn ông có thể đến từ ý thức tự thân về vai trò của họ. Phụ nữ làm đàn ông lớn lên, hay nói cách khác, phụ nữ làm đàn ông thực sự là đàn ông. Đàn ông lớn lên chủ yếu qua các lần huỷ hoại người đàn bà của mình, qua đó huỷ hoại chính mình. Không có cách nào làm người đàn ông lớn lên hơn thế. Cho đến khi đàn ông học được cách yêu ai đó, hoặc lớn hơn một chút, là giữ được ai đó, họ miễn cưỡng có thể tạm gọi là. Nagasawa coi như kết thúc cuộc đời mình kể từ khi Hatsumi bỏ đi.

Đàn ông không biết được rằng có một người phụ nữ hoàn toàn dành cho mình là họ có cả thế giới. Nhưng họ còn không biết một điều là sự toàn tâm toàn ý ấy chỉ có một lần. Hajime sẽ không thể có Yukiko như đã từng có nàng (Phía nam biên giới, phía tây mặt trời).

Tôi không nuôi chút hận thù nào, nhưng rồi cũng tự tha thứ cho mình (nhưng vẫn nhớ) sau những lần huỷ hoại một người phụ nữ. Điều quan trọng là phải bước tiếp. Bước tiếp đi mãi. Như những gì họ đã dạy ta.

Một nhà văn khác cũng không hề giả dối khi nói về các mối tình là Raymond Carver. Ông có cái nhìn không dấu diếm về các đổ vỡ hôn nhân. Hôn nhân chết khi người ta ngừng nỗ lực, ngay tại giây phút đó.

Chấn thương ở lưng vẫn không thôi hành hạ tôi, cho đến khi tôi học được cách dãn cơ và thay đổi suy nghĩ về việc tập luyện. Tất cả chấn thương nhắc nhớ cho ta về việc lắng nghe cơ thể, về những sự kết nối tinh thần từ sâu bên trong. Cơ thể hầu như không hề giả dối đối với sức ép lên nó, chỉ là ta cố tình tảng lờ đi mà thôi.

Mùa hè đó đã đi qua thật là khó nhọc. Cứ nhắm mắt lại là tôi thấy mình bay, bay nhiều đến nỗi tôi dần không thuộc về đâu nữa.

(Về những chuyến bay)

(tiếp)

Có những chuyến bay ta đặc biệt nhớ vì tính chất định đoạn của nó. Chuyến bay ngày hôm ấy không giống những chuyến bay khác; mà những lần bay trước đó chỉ là các đợt háo hức để trở về; chuyến bay ấy đã mang tôi đi thật xa, những ngoảnh mặt chốc lát chỉ là dấu hiệu báo trước của mùa hè bỏ lại sau lưng thật là hoang đàng. Tôi đã nhìn rất kỹ cánh cửa nhà mình, đằng sau nó từng có một không khí thật là đáng sống. Tôi không còn có thể về lại gần nơi mình từng bỏ đi nữa, còn gì chờ đợi và dành cho tôi nữa đâu. Về sau, chủ yếu người ta sẽ chỉ nhớ đến những lần sắp xếp để bỏ đi. Tôi cũng sắp xếp lại sau lưng cả một quãng đời mình.

Nhưng căn nhà, cùng sự bảo bọc của nó, vẫn chờ đợi tôi trở về.

(về căn nhà)

Chỉ có điều, như chưa đủ thảm khốc, con Tuti cũng bỏ tôi đi trong một tai nạn hi hữu. Đôi khi tôi mơ thấy nó và ước giá như quãng thời gian đó đừng tàn nhẫn với mình như vậy; nhưng sau mọi chuyện, mỗi biến cố xảy ra như một báo hiệu về những thay đổi bắt buộc phải đến. Tôi thấy mình giống như một nhân vật của Murakami, bỗng rơi xuống giếng sâu, tắm trong dòng thác ánh sáng để tự chữa lành và tìm cứu rỗi.

Chấn thương ở lưng sau hai tháng cũng đã chịu nhường mà không trêu tôi nữa. Những chấn thương chủ yếu nhắc ta về những sai lầm, nhưng chấn thương còn nói cho ta biết về một điều nữa – sự phục hồi. Tiến trình tự chữa lành cho mình đó không sự thực đau đớn nhưng cũng đã biến tôi thành một người không hoàn toàn là mình trước đây. Đâm đầu xuống giếng là một cách để Toru đương đầu với quá khứ và tìm được đường đi vào sâu trong bản thể của mình, từ đó có thể hướng lên trên. Tôi đã bò lên khỏi giếng, nhưng một phần của mình đã nằm lại dưới đó. Tôi bỏ lại chính tôi.

Tôi vẫn tiếp tục kiếm tìm sự rỗng không, chỉ có sự rỗng không là an ủi và khích lệ tôi nhiều nhất; nhưng đâu đó sâu thẳm dường như tôi vẫn đi tìm, một thứ gì đó có khả năng lấp đầy mình. Tôi không tuyệt vọng lắm dù cuộc sống có bết bát đến mấy. Ý thức làm lại trong tôi chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế.

Điều đầu tiên tôi dựng lại cho mình, đó là nhịp điệu.

Quá trình luyện tập không dễ dàng gì khi phải cân bằng giữa cuộc sống cùng các trách nhiệm mệt mỏi của nó, nhưng bằng cách nào đó tôi vẫn duy trì được. Điều giữ nhịp cho một nhà văn như Murakami có thể miệt mài sáng tác mà không hề giảm sức hấp dẫn đó là chạy bộ. Cuộc sống của một nhà văn đương đại thuộc hàng kiệt xuất nhất hiện nay đơn giản đến không ngờ: mỗi ngày ông dậy sớm lúc 5 giờ sáng, vào bàn viết, chạy bộ, về nhà nghe nhạc Jazz trong bộ sưu tập hàng chục nghìn đĩa của ông và đi ngủ sớm. Một con người của sức làm việc dựng xây trên tính kỷ luật và sự cân bằng tinh thần. Murakami dù có xu hướng phản kháng lại sự truyền thống đến đâu thì từ trong máu, ông vẫn là một người Nhật.

Tôi đi đến phòng tập hàng tuần, cố gắng để không bị gián đoạn vào bất cứ tuần nào, dù có phải xoay sở ra sao. Về cơ bản, đối với tôi không có gì còn quan trọng hơn sự ổn định về tinh thần nữa. Những gắng gượng về một số thứ, về sau nghĩ lại thật là vô ích, tôi rút ra kết luận là bằng bất cứ giá nào cũng phải giữ cho cuộc sống của mình tính tổ chức, mà đại diện của nó là tính kỷ luật, là nhịp điệu. Tôi bắt đầu tìm hiểu về thể hình một cách nghiêm túc, tự mua đồ về nấu ăn cho mình, để ý đến tỷ lệ mỡ cơ thể cũng như tốc độ phát triển của cơ bắp. Tôi lên lịch tập luyện theo những giáo trình nghiên cứu kỹ càng, đăng ký một khóa online coaching của người có uy tín nhất trên mạng, dành nhiều thời gian tìm hiểu về dinh dưỡng và sự liên quan giữa cơ bắp và tinh thần (mind-muscle connection) để biết cách điều khiển thần kinh của mình. Sẽ thật lố bịch nếu ai đó biết tôi tiêu tốn bao nhiêu một tháng cho việc tập luyện và dinh dưỡng, nhưng như Murakami nói, hãy tiêu tiền vào những thứ tiền có thể mua được, còn hãy tiêu thời gian vào những thứ tiền không thể mua; xét cho cùng thì đầu tư vào bản thân là món đầu tư hời nhất. Tôi vẫn nhớ một câu cậu coach hỏi tôi anh có hay bị stress không. Không hề, tôi trả lời. Nhưng sau khi kiểm tra các vấn đề tôi gặp phải trong tập luyện, cậu ấy vẫn cho rằng tôi bị stress. Tôi đã nghĩ rất nhiều về việc này cho đến khi giật mình nhận ra có lẽ tôi quả đã stress thật mà không hề hay biết.

Có lẽ tôi mỏi mệt hơn tôi nghĩ. Những thay đổi ấy, những nỗi buồn ấy, những sự mất phương hướng ấy… Đã từ rất lâu tôi mới bị mất ngủ.

Thể hình có một triết lý nền tảng đó là sự phát triển của cơ bắp dựa vào sự kết nối với thần kinh. Về mặt vật lý, trong cơ thể có vô số sợi cơ nằm dưới da, nếu huy động được càng nhiều sợi cơ tham gia vào hoạt động thì càng có khả năng kích thích sự tăng trưởng của cơ bắp. Điều này có thể làm được qua sự tập luyện, càng tập nặng thì cơ bắp càng nhớ và càng có xu hướng huy động nhiều sợi cơ tham gia hơn, nhưng sự huy động từ thần kinh cũng quan trọng không kém. Nếu bằng cách nào đó mà não bộ ra lệnh được cho tất cả các sợi cơ hoạt động thì kết quả tập luyện có thể thật phi thường. Tất cả điều này cần một sự kết nối từ bên trong.

Việc tập luyện đã không chỉ là một sở thích nhằm tăng cường sức khoẻ đối với tôi, đó là con đường để tôi tìm đến sự rỗng không, qua đó tìm cho mình sự thanh thản; nhưng lớn hơn, thông qua tập luyện tôi hoàn thiện được triết lý sống cho mình; mọi sự thật là đơn giản lúc bắt đầu, ta cứ đi sâu vào nó mà không biết trước những gì sẽ xảy ra, rồi dần dần mới chợt nhận ra mọi thứ không hề đơn giản, tất cả đều có ý nghĩa của nó, đã ở sẵn đấy rồi chỉ chờ đợi ta có đủ kiên nhẫn khám phá ra hay không. Những chấn thương dạy tôi về lắng nghe cơ thể, sức chịu đựng và giới hạn của mình; còn bản thân việc tập luyện giúp tôi kết nối với nguồn sức mạnh ở bên trong – sức mạnh tinh thần. Trước hết, việc duy trì một nhịp điệu mang tính kỷ luật cao độ. Nếu chỉ tập được chăng hay chớ thì không bao giờ tiến xa, còn tôi chắc chắn không phải người làm gì qua loa đại khái. Tôi là kiểu người làm gì cũng nỗ lực hết mình, cũng chẳng phải để đạt được cái gì to tát hoặc vươn đến cái này cái kia, chỉ đơn giản là tôi không chịu nổi sự hời hợt.

Đối với Murakami, mọi thành tích và giải thưởng đều không quan trọng bằng việc đạt được đến tiêu chuẩn cá nhân tự đề ra. Tôi là người tuyệt đối có tiêu chuẩn của mình, một trong số đó: tránh xa sự hời hợt. Bầu không khí xung quanh những kẻ hời hợt luôn toả ra một thứ mùi giả dối, và là thứ không khí tôi ít muốn tiếp xúc nhất. Những kẻ hời hợt đều ngu ngốc như nhau, ghê sợ nhất là những kẻ hời hợt với chính đam mê của mình; tôi từng chứng kiến một số người miệng thì nói là thích cái này cái kia lắm, rồi muốn trở thành thứ này thứ nọ, nhưng một chút cố gắng để tìm hiểu về cái mình thích cũng lười biếng, cuối cùng dậm chân tại chỗ một cách thảm hại. Một điểm chung nữa của những kẻ hời hợt đó là luôn chỉ chọn đường dễ, hẳn nhiên sẽ không thể đi được xa, rồi kết quả là chạm ngưỡng rất nhanh, một nửa trở nên tự hài lòng với những thành công nhỏ (có một sự thật là tôi ghét những kẻ hài lòng với những thành công nhỏ, đáng buồn cười là tập đoàn những kẻ như vậy thật nhiều đến đáng ngạc nhiên), nửa còn lại biến tướng thành những kẻ than vãn, làm như cuộc đời bất công với mình lắm. Họ không biết rằng cuộc đời công bằng hơn thế, tất nhiên, cho những người nỗ lực. Việc duy trì tập luyện trong điều kiện phải làm tốt mọi trách nhiệm khác (hoặc ở mức vừa đủ, cũng cần gì hơn thế đâu) không dễ như tôi nghĩ, nhưng một sở trường của con người là tìm lý do để trì hoãn bất cứ khi nào thấy khó khăn, tôi tránh hết sức để trở thành những kiểu người thoái thác như thế. Tôi nhớ đến Murakami với những cuộc thi marathon đầy khó nhọc của ông và tìm được sự khích lệ lớn. Đó là một nhà văn muốn viết trên bia mộ mình dòng chữ một nhà văn (và người chạy bộ). Ít nhất là ông ấy chưa từng phải đi bộ.

Đi sâu vào hơn, cái tôi thực sự thích ở thể hình là những gì thuộc về bản chất của nó. Nguyên lý của thể hình là sự tự làm tổn thương cơ thể; những mạch máu li ti trong cơ bắp và những sợi cơ sẽ roách toạc và đứt gãy mỗi khi chịu áp lực từ tạ sắt, để từ đó phục hồi qua việc hấp thụ dinh dưỡng và ngủ nghỉ. Chính cơ chế bị tổn thương và phục hồi đó kích thích cho sự phát triển của cơ bắp. Thể hình là một chuỗi gia tăng tổn thương và gia tăng phục hồi. Con người thật kỳ diệu, đôi khi. Vẻ đẹp của thể hình nằm chính trong việc dạy con người về hi sinh và nghị lực, nhìn chung không có gì là dễ dàng. Cơ thể con người là một cỗ máy bền bì và ở một phạm vi nào đó, có thể coi là hoàn hảo, nó phản hồi lại toàn bộ các tác động lên nó theo một cách ghi nhớ và học hỏi hết sức thông minh, từ đó tạo nên sự thích ứng phù hợp với các tác động. Thể thao tận dụng chức năng ghi nhớ và thích ứng của cơ thể một cách tối đa. Nếu ngay lập tức bắt cơ thể làm quen với một thử thách mới, ví dụ như một chặng đường dài hơn của môn chạy bộ, hay một mức tạ mới của thể hình, cơ thể sẽ từ chối nhưng đồng thời ghi nhớ thử thách đó. Nếu chúng ta tiếp tục bắt cơ thể ghi nhớ thử thách cho đến khi chúng hiểu rằng chúng phải chịu đựng được và vượt qua, chúng sẽ dần thích ứng – hệ thần kinh khi đã hiểu được rằng chúng phải làm gì, nó sẽ ngay lập tức phát ra tín hiệu đến cơ bắp bắt chúng thực hiện. Hệ thần kinh, hay não bộ, có thể coi là trung khu điều khiển, chỉ cần thần kinh ra lệnh thì cơ bắp sẽ làm được. Cơ thể sẽ tự điều tiết năng lượng để bắt con người chạy được xa hơn, hoặc kích thích cho cơ bắp phát triển đến mức độ chiến thắng được áp lực từ mức tạ mới. Cứ cho cơ thể thời gian để thích nghi rồi nó sẽ làm được, miễn là trong quá trình kiên nhẫn chờ đợi cơ thể hiểu được cái chúng phải làm, ta liên tục nhắc cho chúng nhớ – không gì khác ngoài việc tập luyện, lặp đi lặp lại hàng ngày. Ở đây ta thấy tính kỷ luật trong tập luyện bắt đầu trở nên có ý nghĩa, vì nêu không có chúng, ta sẽ kích hoạt một chức năng khác của cơ thể, bên cạnh chức năng ghi nhớ, đó là chức năng quên. Não bộ của chúng ta hoạt động theo một nguyên lý tối ưu nguồn lực, để làm được điều đó chúng liên tục ghi nhớ cái mới đồng thời cũng liên tục bỏ đi những thứ không cần thiết nữa. Nếu một thời gian dài, thật ra không cần dài lắm, ta không cho cơ thể tập luyện thì chúng sẽ dễ dàng hiểu rằng ta không cần chúng phải tận dụng nguồn sức mạnh ấy nữa, và chỉ đơn giản là quên đi. Con người thật kỳ diệu, đôi khi.

Hiểu được nguyên lý của thể hình làm tôi thấy thật sự tôn trọng môn thể thao này. Trong chuyến đi Nhật cuối năm ngoái, tôi học được một triết lý của người Nhật đó là làm mọi thứ với niềm tôn trọng (do things with respect); nghệ thuật, đầu tiên là một việc làm đi làm lại một thứ cho đến khi thành thục. Trong bộ phim nổi tiếng về đề tài sushi của Nhật, bí quyết để làm được món sushi ngon nhất thế giới của người nghệ nhân không có gì ngoài việc không ngừng luyện tập hàng ngày cho đến khi đạt được trạng thái hợp nhất giữa sản phẩm và người làm ra nó. Đối với tôi, vẻ đẹp của thể hình nằm ở chỗ con người lặng lẽ vượt qua chính mình; vì lẽ đó, đối với tôi phòng tập trở thành một ngôi đền linh thiêng mà ở đó mỗi người âm thầm theo đuổi các mục tiêu tuyệt đẹp của mình, mục tiêu chinh phục. Về mặt này, đây cũng là một điểm mà tôi thích ở một môn thể thao như thể hình mà ở đó tính ganh thua trở thành thứ yếu. Thể hình là một môn rất cá nhân. Tôi không phải con người của tập thể, dù ở mặt thể hiện tôi có nằm trong một tập thể nào đó đi nữa thì tôi vẫn luôn cách biệt khỏi nó.

Mỗi khi ngồi đó nghỉ ngơi sau những set tập nặng, tôi rơi vào trạng thái rỗng không, cũng chẳng thể nghĩ được gì. Nhưng cũng có đôi lúc, sau những thất bại của lần thử mức tạ mới, tôi ngồi đó, quanh quẩn với suy nghĩ. Tôi cố nghĩ xem, tôi là ai?

(tiếp)

Không có lúc nào thích hợp để nghĩ xem mình là ai hơn những lúc trống rỗng ngồi đó sau những set tập nặng. Tự hỏi xem mình là ai? Điều này có thông thường không? Thường nhật có lẽ người ta chẳng bao giờ tự hỏi, và cất công đi tìm, xem mình là ai. Con người tự hỏi bản thân cái gì đấy đã là hiếm rồi, còn cố nghĩ xem mình là ai có lẽ càng lạ lùng hơn. Những người như thế hoặc đã biết rõ về bản thân mình, hoặc tự bằng lòng với việc chẳng cần biết mình là ai; trong phạm vi những người tôi biết, vế thứ hai nhìn chung là nhiều hơn, dù cho đa số vế thứ hai cứ nghĩ là mình thuộc về vế thứ nhất. Thêm một điều thông thường nữa là hầu hết chúng ta nhầm lẫn về bản thân hết, những cái cứ tưởng mình là thế này hoá ra là thế kia, vân vân và vân vân. Tôi quen biết một số cô gái, nói chung thuộc vào tập hợp cái xu thế gì đó mà người ta vẫn hay gọi là tự do, tài giỏi; không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để thể hiện sự không cần đàn ông của mình, thế hệ phụ nữ hiện đại không-thuộc-về-ai mà tôi hết sức ngưỡng mộ, luôn truyền cảm hứng cho các cô gái khác mạnh dạn đi theo lối sống young and wild đầy cuốn hút. Những cô gái sẵn sàng gánh vác cả thế giới trên vai mình. Tôi thấy đàn ông thật là thảm hại đối với họ. Thế nhưng tôi cũng hết sức ngạc nhiên khi cũng chính họ, luôn âm thầm kêu gào tủi thân mạnh mẽ nhất vào những dịp như Valentine hay Noel các thứ khi, dù đã tinh tế thả thính khắp nơi trước đó, không có bóng dáng đàn ông nào để chiều chuộng đưa nàng đi chơi. Nỗi ấm ức từ niềm kiêu hãnh của họ cũng lớn như sự bạc nhược của đàn ông. Tôi thấy đàn ông thảm hại gấp đôi mỗi khi như thế, chỉ giỏi tán tỉnh vui đùa nhưng đứng trước các mẫu phụ nữ độc lập thì thường tự khắc thu nhỏ mình lại. Đàn ông mang trong mình nỗi mặc cảm vô biên trước các phụ nữ lớn hơn mình. Nhưng, tôi cũng lại rất ngạc nhiên, mỗi khi có may mắn được cởi bỏ hết đồ của một cô gái độc lập tự chủ không-thuộc-về-ai trên giường, tưởng rằng nàng sẽ quyết liệt lắm như vốn dĩ, sẽ vồ vập nuốt chửng lấy tôi, không ngại thể hiện ham muốn và sự kiêu bạc của nàng; nhưng phụ nữ nhìn chung là khi bị lột hết đồ ra sẽ trở lại bản chất mềm mại kỳ diệu của họ, và đôi lúc yếu đuối đến mong manh, chỉ chạm vào một chút thôi là họ có thể khóc oà lên được. Về sau tôi hiểu ra, đối với phụ nữ, khi cởi bỏ một trong hai thứ, một là quần áo, hay là lớp phấn son trang điểm, là giống như giúp phụ nữ trút đi một gánh nặng lớn của cuộc đời gồng gánh ngoài kia, để họ có thể trở về con người thật đằng sau của mình, nép sát vào ta mà thổn thức những chông gai cuộc đời, bất kể trước đó họ đã từng cứng rắn thế nào đi nữa. Phụ nữ không biết rằng đàn ông ngưỡng mộ sự tự chủ của họ nhưng chính phần mềm mại của họ mới là phần phụ nữ nhất. Đàn ông yêu phụ nữ khi họ là chính mình. Đàn ông cũng cảm thấy mình là đàn ông nhất khi được phụ nữ tin tưởng. Cũng chính bởi ân sủng từ sự tin tưởng ấy mà tôi mang nỗi biết ơn vô cùng lớn tới các cô gái đã vui lòng trút bỏ cả những bộ đồ và lớp trang điểm kỳ công của họ để cho tôi bước vào. Hơn hết thảy, tôi thấy biết ơn nàng, người tôi rất hân hạnh được mời chia sẻ cuộc đời mình.

Nếu nói tiếp thì tôi sẽ chìm đắm vào các cô gái, trong khi tôi chỉ đang tự hỏi xem mình là ai. Vì thế, tôi tiếp tục ngồi đó, nhìn ánh nắng chói chang của một mùa hè chiếu xiên từ cửa sổ vào làm chiếc bóng tôi đổ dài trên sàn tập, cái dáng bóng uể oải như không còn linh hồn nữa giống trong truyện Xứ sở diệu kỳ vô tình và nơi tận cùng thế giới; tôi ngồi đó nhìn lại tất cả quãng đường đã qua của mình. Không có cách nào để biết mình là ai tốt hơn là nhìn lại tất cả quãng đường đã qua. Đối với Kundera, cuộc đời là để chứng kiến tiếng thì thầm của quá khứ suy yếu dần. Tôi đã sống hai mươi chín năm, tưởng tượng đến hai mươi chín năm đã qua đó, tôi thực sự hiểu Kundera muốn nói gì; quá khứ rồi sẽ thu nhỏ lại, thật nhỏ, thậm chí nhỏ đến cực cùng kích cỡ của nó. Toàn bộ cuộc đời phía sau của con người, qua màng lọc ký ức, có thể chỉ đựng vừa trong một dung lượng thời gian vẻn vẹn vài phút. Ký ức thu gọn đến cực điểm, nhưng dù tinh gọn đến mấy thì nó vẫn ở đó, không chối bỏ được sự từng hiện diện của nó, còn người ta thì sống tiếp, vẫn sống tiếp bất kể đã từng có quá khứ hay không. Tất cả những gì gọi là rực sáng nhất của quá khứ hai mươi chín năm đang không ngừng đi về phía sau có lẽ tinh gọn lại chưa đến hai phút, tôi nhìn thấy tất cả những thứ muốn thấy, muốn nhớ, muốn quên đi nhưng vẫn nhớ (“Có những điều biết chỉ để mà quên/nhưng vẫn nhớ/vì quên là bất khả…”)… có những điều thật lạ lùng, những mảnh ghép không hiểu tại sao lại chắp nối vào với nhau, những ngã rẽ tự dưng lạc lối bước vào. Có rất nhiều điều tôi không hiểu về cuộc đời, nếu có gì đó tôi hiểu thì nó hoàn toàn không phải một đường thẳng tắp được định sẵn, mà là một kết nối liên tục của những ngã rẽ không ngờ. Có những người có khả năng hoạch định cuộc đời theo tỷ lệ đúng đến đáng ngưỡng mộ, nhưng có lẽ tôi thuộc về số những người cứ để cuộc đời lặng lẽ cuốn đi, giống như Phương, âm nhạc của người nghệ sĩ ấy là dành cho những tâm hồn trôi dạt.

Tôi không thực sự biết mình là ai, sau những gì đã xảy ra mà tôi không hiểu tại sao, tôi dần đi đến kết luận đó. Nghe như những nhân vật của Modiano, những nhân vật già cỗi đã sống quả nửa đời người nhưng không ai thực sự biết mình là ai. Tất cả tiểu thuyết của Modiano đều kể đi kể lại các cuộc đi tìm căn cước cá nhân của những người đến một giai đoạn nào đó của cuộc đời, không gì quan trọng hơn là đi tìm lại chính mình. Hầu hết bọn họ đều đương đầu với quá khứ, với những gì dở dang trong quá khứ, đi qua các lát cắt thời gian và màng lọc mờ ảo của ký ức để chắp nối các kỷ niệm tưởng như rời rạc nhưng lại rất có ý nghĩa trong việc xác định danh tính bản thân. Tại sao việc đi tìm lại căn cước cá nhân lại quan trọng đối với Modiano như vậy? Có lẽ bởi đối với ông, tìm lại căn cước cá nhân là những cuộc nhìn lại, một cách rời rạc nhưng hết sức tổng thể, những gì thực sự là quan trọng nhất đối với cuộc đời mỗi con người. Cuộc đời thì ngắn, nhưng vẫn đủ dài để ta sống qua phần lớn thời gian không thực sự có mấy ý nghĩa. nhìn chung khi tổng kết cuộc đời một con người, chỉ cần nhớ những gì mang tính định đoạt là được, có phải thế chăng? Những ký ức định đoạn ngắn ngủi nhưng có thể nói trọn vẹn về một cuộc đời; khi cuộc sống không phải là cố để cho thật dài, mà làm sao để những phút giây có tính xác quyết cao ấy xảy đến  với mình. Nếu không thì thật chẳng còn gì ý nghĩa. Chúng ta sẽ nhớ gì khi nhớ về quá khứ của mình?

Tôi nhìn lại mãi dung lượng ít ỏi hai phút cuộc đời mình. Hai mươi chín năm cô đọng vào hai phút không biết là nhiều hay ít, nhưng sự sống động của nó khiến tôi ngạc nhiên bất tận. Liệu vài chục năm nữa, khi tôi già hơn, ký ức cuộc đời được tinh gọn lại khi ấy có dài ra không, hay chúng rồi sẽ lại thu ngắn lại hơn nữa? Tôi sắp bước sang tuổi ba mươi, coi như giở sang trang tiếp theo hết sức quan trọng của cuộc đời.

Ý nghĩa chạm vào cột mốc ba mươi tuổi làm tôi thấy thật lạ lẫm.

(tiếp)

 *********

(rẽ ngang một chút để nói về tuổi ba mươi)

Một cách tự nhiên, tôi thuộc về những người quan niệm rằng cuộc đời của một người đàn ông có những cột mốc trọng đại. Có nhiều cách chia cột mốc cuộc đời, nghiêm túc nhất là theo dạng sự kiện biểu đạt mức độ trưởng thành đã thành khuôn mẫu đại để bao gồm thứ tự lớp lang hoàn chỉnh: hoàn thành việc học hành, đi làm, thăng tiến, lấy vợ, sinh con, trở thành ông bà viên mãn, chết đi để lại ít nhiều di sản; ít nghiêm túc hơn là những sự kiện khiến đàn ông thay đổi dần con người vụng dại của mình, kiểu như lần đầu cúp học, nhận thức được sự vô nghĩa của giáo dục, theo đuổi cái mình thích với rất nhiều hoài bão và ít nhiều nghi ngờ, chinh phục được cô gái đầu tiên của cuộc đời, nhanh chóng huỷ hoại nàng để đi tìm những thứ ý nghĩa hơn nhằm so ngang với đời, rồi càng nhanh chóng hơn nhận ra thất bại và thu mình vào một góc, ngụp lặn trong vũng bùn cho đến lúc chớp được một thời cơ nào đấy không thực sự đến từ năng lực cũng như ý chí cá nhân, bằng lòng với việc đứng ở một vị trí không mấy nổi bật trong xã hội nhưng miễn sao tránh xa được đáy vực để ngửa mặt với cuộc đời là đã sung sướng lắm rồi, vì đã chán một mình chủ yếu do cứ thấy phải chăm lo cho bản thân là rối tung lên nên lấy một, đôi khi là nhiều, cô vợ với tiêu chí nhìn chung không giống mấy, đôi khi là hoàn toàn đối ngược, với hình mẫu tự đặt ra cho các cô gái cách đây mười lăm năm khi còn ham muốn tự quyết định mọi thứ trong cuộc đời, sinh những đứa con hoàn toàn không có khả năng dạy bảo chúng và đương đầu với các cuộc chiến thường xuyên của việc ép lũ trẻ vào khuôn khổ – thực chất là để cứu vớt ám ảnh quyền lực thường trực nơi người đàn ông – cái khuôn khổ mà, như mọi mâu thuẫn thế hệ, kẻ trẻ hơn luôn ấm ức muốn thoát ra khỏi những gì mà người già hơn muốn ép họ vào – đến khi nhận ra điều đó vượt quá khả năng của mình, chán nản buông bỏ gia đình vốn dĩ hầu như chỉ một tay người vợ xây dựng, quay sang tìm cách tạo dựng sản nghiệp nhỏ nhoi coi như vớt chút thanh danh còn lại để đỡ cảm thấy lụi bại mỗi khi người khác nhìn vào. Sự bất đắc chí của đàn ông có thể là vô cùng lớn khi cả cuộc đời họ chỉ là đi giải quyết những việc mình đã gây ra. Cách chia cuộc đời thứ hai này có thể chẳng cần thứ tự lớp lang mà cứ lẫn lộn hết cả các sự kiện lên cũng được, dường như như thế lại càng đúng bản chất nhất.

Tôi không biết mình là ai, nên cũng không thực sự biết các sự kiện nào là quan trọng đối với mình (có những thứ tưởng là quan trọng hoá ra thâm chí còn chẳng nằm trong hai phút tinh gọn cuộc đời ấy), nên tôi sẽ chỉ chọn cách chia cột mốc chân phương nhất theo các mốc tuổi vậy thôi. Có lẽ chịu bởi ảnh hưởng bởi quan niệm thông thường nào đó mà tôi nghĩ, mốc ba mươi tuổi có ý nghĩa to lớn vô biên, cuộc đời có thể sẽ chỉ có hai nửa trước và sau ba mươi, với những ý nghĩa khác nhau trời vực. Mùa hè đó tôi hai mươi chín tuổi, chấp nhận đón nhận mọi thứ đến với mình, coi như để chuẩn bị giã biệt cuộc đời nửa trước, để sẵn sàng bỏ lại những thứ không thực sự quan trọng sau lưng, chỉ mang theo những gì nằm gọn trong hai phút cuộc đời được lựa chọn bằng năng lực chọn lọc đáng tin của ký ức. Ký ức có lẽ chưa bao giờ phản bội tôi, ít nhất nó quyết định hộ tôi phần nào của mình là đáng để nhớ đến (và mang theo), phần nào chỉ xứng đáng rơi vào vùng trũng của trí nhớ, nằm đó chờ cơn lốc thời gian cuốn trôi đi hết thảy. Chẳng có gì nghiệt ngã như ký ức, chúng quyết định hộ ta toàn bộ cuộc đời.

Nhưng ý nghĩ chạm đến tuổi ba mươi làm tôi bối rối, bởi lẽ, thành thật mà nói, tôi đã từng nghĩ rằng mình không sống lâu đến thế.

Cuộc đời không phải là để cố sống lâu nhất có thể, mà là sống làm sao để mình thấy không còn tiếc nuối gì nữa. Vấn đề là ham muốn của con người không có điểm dừng, đạt được cái này lại muốn đạt thêm cái khác nữa. Bất cứ khi nào thấy đã bắt đầu hài lòng với cuộc đời rồi thì nó sẽ chìa ra thêm những miếng bánh khác mời gọi, quyến dụ ta phải đạt được lấy, phải tóm được để rồi tận hưởng sự ngon miệng của chính ta. Cảm giác chớm chạm tay vào một thứ khó chịu, bứt rứt đến nỗi con người ta cứ phải cố vươn dài tay ra mãi, ra mãi đến khi cánh tay dài đến dị dạng. Có những người mang trong mình khuôn mặt đau khổ của tiếc nuối và cánh tay méo mó kéo dài rất đặc trưng cho sự tham lam gặm nhấm chiếc bánh lởn vởn ở trước mặt. Trong hầu hết các cuộc giã biệt một người vừa nằm xuống, lời chia buồn đặc trưng nhất là sự cảm thông cho những dang dở chưa làm được mà họ bỏ lại. Thật là lố bịch. Ám ảnh về sự chưa làm xong hết những điều mình muốn dường như là lời nguỵ biện lớn nhất cho nỗi sợ hãi về thứ vĩ đại và tuyệt đối như cái chết. Nhưng như thế nào là đủ mới được. Phải làm đủ bao nhiêu thứ trong đời thì người chết đi mới được có cái quyền nằm xuống trong sự im lặng và tử tế của người đời, thay vì bị đánh động bởi những lời rên rỉ ngu ngốc của họ?

Tôi thuộc về những người muốn tự quyết định cái chết cho mình. Tôi muốn khi mình chết đi chẳng phải thấy tiếc nuối cái gì dở dang cả, mặc cho có thể những người ngu ngốc ở lại vẫn sẽ ngây thơ tuôn ra những lời cảm thông rằng tôi chưa làm xong cái này cái kia thì cũng kệ họ. Tôi không phải có một cuộc sống đặc biệt gì hơn những người khác để thấy tự hào, nhưng suốt cả cuộc đời mình, như trên đã nói, tôi là con người luôn luôn kiếm tìm những gì lên đến cực điểm. Tôi là kiểu người không chịu được sự vớ vẩn ở giữa cũng như tất cả những sự hời hợt không chút đáng tin. Nếu tôi thích gì đó, tôi sẽ tìm hiểu thật nhiều để hiểu bản chất, hay những gì quan trọng đằng sau nó, tất cả với sự thích thú tự nhiên. Nếu ở trong một cuộc tình, tôi sẽ tìm đến những cảm xúc cao trào, cao nhất có thể, càng cao càng tốt (trừ những cuộc tình không mấy cần nghiêm túc, thật hổ thẹn là có những cuộc tình như vậy, nhưng kể cả trong những cuộc tình như thế đi chăng nữa thì bản năng cũng sẽ dẫn lối tôi đến những cao độ đích đáng, dù chỉ là chập chờn thoáng qua; nếu thấy một cuộc tình nào đó sắp sửa xảy ra mà khả năng sẽ không dẫn đến cao độ nào thì tôi cũng sẽ bỏ đi ngay, nói như một nhà văn nào đó – có những cuộc tình chết đi trước khi nó kịp bắt đầu; một cái chết thật đẹp).

Những cảm xúc cao độ, như không khí và thức ăn, là nguồn sống chủ yếu của tôi trong suốt nhiều năm tuổi trẻ. Âm nhạc, cũng như các cuộc tình, mang trong nó những độ cao thật sự chất ngất, tìm đến với tôi đầu tiên, mở ra một thế giới thật sự khác biệt, mà sau này cái cảm giác lơ lửng êm ái khi nằm lẫn trong bầu khí quyển có trọng lực rất nhẹ mà âm nhạc mang lại tôi bỗng bắt gặp, ở một độ cao thấp hơn và ít bồng bềnh hơn, mỗi khi chiếc máy bay mang tôi vụt lên bầu trời, đưa đến những vùng trời xa xôi, bỏ lại đằng sau những hoang đàng đổ nát. Thi ca, ở một phương diện khác, là sự bay vụt lên, ở sẵn trên một tầng cao trống trải và hoang vắng. Thi ca tách biệt hoàn toàn. Âm nhạc thì đưa người ta lên cao dần, còn thi ca đặt người ta về đúng mức độ cách biệt, cách xa vời vợi với xung quanh. Tôi chỉ thấy mình được thoải mái nhất, một mình một cõi khi ở trong thi ca, một thế giới bất khả xâm phạm. Tôi vẫn đang nghĩ xem liệu văn chương có cái sức mạnh kéo người ta lên trên như thế hay không, bởi lẽ, nói cho cùng, văn chương là công việc của đi vào sâu thẳm, vậy nên những xúc cảm quyết liệt mà văn chương mang lại vẫn thật là đủ đầy. Tôi chỉ tìm thấy những mảnh nhỏ của mình qua văn chương, đôi khi ngẫu nhiên bất chợt từ những vùng xa xôi đã hoàn toàn bị lịch sử quên lãng, như thành phố Istanbul quá vãng lặng lẽ chôn cất mình cùng nỗi buồn Hüzün khắc khoải.

Tôi cứ dung dưỡng, và không ngừng kiếm tìm, mình trong những xúc cảm cao độ, cho đến khi nhận ra, ở quãng hai mươi tuổi trở đi, ham muốn tự sát của tôi cũng nhiều như ham muốn được sống. Tôi rất sớm biết dòng âm nhạc nào dành cho mình, cũng như thi ca đích thực là phải ra sao, để rồi chạm vào những hạnh ngộ lớn lao khiến tôi không còn tiếc nuối gì nữa. Cái đêm nghe Khánh Ly lần đầu tiên hát tại Hà Nội sau sáu mươi năm ấy thật sự đã lấp đầy một chặng đường nghe nhạc nâng đỡ cuộc đời. Và thi ca của Đinh Hùng dường như là tiền kiếp của tôi quay về để nhắc nhớ về nguồn gốc của mình. Tôi đã rất sớm tìm thấy niềm khát vọng xứng đáng ghi vào huyết sử (“Niềm khát vọng, ta ghi vào huyết sử; dưới chân em, thơ lạc mất linh hồn…”).

Ở quãng hai mươi tuổi trở đi, tôi không tuyệt vọng lắm, nhưng rất thường xuyên nghĩ đến cái chết, khi thấy không còn gì tiếc nuối nữa. Cũng có thể nói, đôi lúc tôi đã thực sự cận kề cái chết; ở một lúc nào đó, dưới một vùng trời nào đó hoang vu của Châu Âu, trong cái giá lạnh và sự bất cần lên đến đỉnh điểm, tôi không thiết tha gì nữa ngoài ham muốn được chấm dứt cuộc đời mình; ở rất gần cái chết đến mức có thể nghe thấy tiếng quá khứ vẫy gọi, rất nhiều lần như vậy cho đến cả sau này, nhưng những thành trì cuối cùng của sự sống vẫn kiên cố bám trụ ở đó, đẩy ngược tôi trở lại. Về một mặt nào đó, tôi hết sức tôn trọng những người tự tìm sự kết thúc cho mình (không phải tất cả, nhưng phần lớn là tôi tôn trọng họ); những con người can đảm vượt qua ranh giới và thành trì để tự định đoạn cho mình, đứng trước sự nghiêm túc ấy, còn gì ý nghĩa hơn ta có thể làm cho họ, ngoài sự thành thật và tôn trọng của mình? Kizuki trong Rừng Nauy là một nhân vật lẻ loi vĩ đại, vì không còn muốn gì hơn nữa (và cũng có thể là kháng cự lại sự hỏng hóc gọi tên sự trưởng thành), đã tự nguyện ra đi. Ở đúng chỗ cậu dừng lại, sự hỏng hóc chuyển sang cho Naoko, để rồi sau này nàng cũng tự vẫn trong một khu rừng hoang vắng để tự chữa lành mình. Toru sau này khi đã nhận ra nhiều điều, thành thật thú nhận với Kizuki rằng cậu đã đúng Kizuki ạ, cậu chẳng bỏ lỡ gì ở cuộc đời này nữa. Cậu đã đúng.

Một tiểu thuyết đang nổi gần đây, Cửa hiệu tự sát, cấp pháp cho người ta cái quyền được chết, thậm chí lựa chọn hộ họ các cách thức quên đi cuộc đời, phần lớn trong đó là lấy cảm hứng từ những cuộc tự vẫn nổi tiếng. Một tiểu thuyết hài hước nhưng cũng không hài hước lắm, mà chất lố bịch trộn lẫn nghiêm túc có thể khiến người ta suy ngẫm đôi chút về cách sống và chết, nhưng nhìn chung vẫn nhìn về cái chết thật là sai lệch.

Tôi chạm ngưỡng ba mươi tuổi, với tất cả sự bỡ ngỡ và nghi ngờ của mình, bởi lẽ ám ảnh tự sát kéo dài từ tuổi hai mươi đến giờ, và những cao độ cảm xúc nuôi dưỡng đồng thời cũng khiến tôi không còn luyến tiếc gì nữa; nhưng dẫu có bỡ ngỡ đến đâu thì tuổi ba mươi cũng đến. Tôi chấp nhận việc đó cũng như chấp nhận mình đã bước qua một giai đoạn chứa chấp tất cả sai lầm và phục hồi, mà tôi dẫu có thế nào cũng thấy thật là đáng sống.

*********

(còn tiếp)

July 6, 2017

Leave a Reply