lặng yên sau giông bão

Tôi 33 tuổi.

Mỗi năm muốn viết một chút khi tuổi mới đến. Tôi nghĩ tài sản lớn nhất của một người, không phải số tiền kiếm được hay các thành tựu, mà chính là các suy tưởng của họ. Suy tưởng là một thứ di sản.

Suy nghĩ, suy tưởng, ý tưởng, trí tuệ, đều chung một nghĩa, tựu chung lại là thứ tài sản thực sự cá nhân mà mỗi người có thể để lại trên đời. Người ta thích ý tưởng lên sao Hoả của Musk hơn là việc ông là cổ đông của tập đoàn ô tô giá trị nhất thế giới. Người ta thích Romain Gary, làm sao mà không thích được một tình yêu nồng nàn như Romain Gary?

Tự dưng tôi có một suy nghĩ, chỉ một hai năm nữa thôi là mình sẽ nằm trong tiêu chí loại trừ của rất nhiều công ty tuyển người trẻ (các loại công việc hay ghi ưu tiên người từ 27 đến 35 tuổi), nhưng ngược lại cũng nằm trong tiêu chí cộng của các công ty tuyển người dày dặn kinh nghiệm (các loại công việc cần tuyển người thâm niên lớn hơn 35 tuổi). Lý tưởng nhất của sự nghiệp là bạn bước ra khỏi một tiêu chí để đạt đến một tiêu chí khác. Nhưng sẽ thật tệ nếu bạn không còn nằm trong bất kỳ tiêu chí tuyển dụng nào. Tức là tôi còn từng ấy năm để quyết định sự nghiệp của mình có sang được một nấc mới hay rơi tõm vào đáy sâu của vùng ở giữa không thuộc về đâu cả. Mid-life crisis của rất nhiều người xảy ra khi bước vào transition time giữa hai giai đoạn đó và bị chối bỏ bởi tứ phía dập dồn.

Nhưng thật ra tôi không quá quan tâm.

Ở cái tuổi này, mà người ta hay nói “không quá trẻ để bla bla, không có già để bla bla”, tôi nhận ra; so với mấy năm trước khi mới ba mươi; các triết lý cuộc đời, mindset, lý tưởng sống, cái mình theo đuổi, đã dần dần xây dựng. Cũng có thể nhiều thứ sẽ thay đổi, thế giới quan và cách ta suy nghĩ cũng thay đổi theo, ai biết trước được, nhưng tôi không còn hỏi mình một loạt các câu hỏi cuộc đời “tôi là ai”, “tôi muốn trở thành gì”, “tại sao…” như hồi trước nữa. Có những câu hỏi đã tìm ra trả lời, có câu hỏi left unanswered, better be that way, có những câu hỏi trở nên không còn đúng nữa. Có những câu hỏi trước kia, vào một lúc nào đó quan sát ông con lớn lên dần và người vợ của mình sống bên cạnh hàng ngày, câu hỏi ấy tự biến mất, trở thành một khẳng định. Cuộc đời không phải là cứ đi tìm các câu trả lời khác nhau cho các câu hỏi. Cuộc đời là để đi tìm lời khẳng định.

Nghe như lời trong cuốn sách Đi tìm lẽ sống của Viktor Emil Frankl, một cuốn sách đầy cảm động từ một nạn nhân sống sót qua trại tị nạn và đợt diệt chủng của phát xít Đức. Người ta phải qua biến cố mới hiểu bản thân, tôi nghĩ là điều này đúng.

Những biến cố đẩy ta vào sâu hơn con người mình.

Có lẽ tôi là kiểu người chẳng bao giờ thoả mãn với tất cả các sự ghi nhận từ bên ngoài. Tôi chỉ thoả mãn khi bản thân mình ghi nhận mình từ bên trong. Cố nhiên, tôi không biết điều này quá sớm, thành ra bao nhiêu năm cố gắng chạy theo các thành tích phù du, theo các tiêu chuẩn xã hội và nhận ra mình không thực sự thấy tốt lắm kể cả khi đạt được cái này cái kia, tôi mới hiểu điều đó hoàn toàn không quá quan trọng với mình.

Mỗi khi lái xe và thấy trái tim mình vẫn xao xuyến với lời ca của Trịnh, hoặc một câu hát hoang đàng da diết của Lê Uyên Phương, tôi thấy mình mới là đang sống đến trọn cùng.

Xin cho yêu em nồng nàn
Xin cho yêu em nồng nàn
Dù tháng năm buồn vui bàng hoàng

Hay như khi lặng yên bên nhau sau giông bão, sau những niềm vui không nói nổi nên lời, nhìn con mình ngủ say sau một chập khóc hờn, mệt mỏi, chúng tôi thấy tình yêu vô thanh, vô ưu, tự bao giờ.

Những điều thực sự quan trọng với mình.

Những tiêu chuẩn của bản thân.

Tôi nghĩ cuộc đời là cuộc hành trình đi về với chính mình, tìm cho mình các cơ hội để thấu hiểu bản thân, và qua đó tìm được đến sự hài lòng.

Nên đừng quên chăm lo cho các thú vui tinh thần của mình, các thú vui sẽ cùng mình trưởng thành lên và già đi.

Cũng như những người đi cùng mình trên hành trình đó, may làm sao, hành trình đó không hề là một hành trình đơn độc.

Thêm một tuổi nữa cùng em.

Em
Kề vai tôi ngồi bên thềm
Bỏ lại đằng sau
Những khúc quanh co
Và cám dỗ để quay về
060720

July 6, 2020

Leave a Reply