Căn cước

Tôi là một người từ quá khứ…” – Frédéric Beigbede trả lời như vậy trong một cuộc phỏng vấn. Tôi nghĩ đến gã nhà văn trầm cảm và rất nhộn người Pháp này mãi và tôi thấy là mình thật là giống gã (hơi hơi). Frédéric Beigbede vẫn là một trong những nhà văn dạy cho tôi nhiều điều nhất, về sự phù phiếm, về ý nghĩa của việc viết. Không cần đọc quá nhiều, nhất quyết không cần quá nhiều, chỉ cần đọc đủ. Đọc để thấy thứ mình cần, tìm những mảnh nhỏ rời rạc của mình. Và nhất thiết nên rút ra một điều giá trị mà mỗi nhà văn muốn dạy cho ta.

“Murakami dạy cho tôi về tính kỷ luật, thứ quyết định đến toàn bộ tập tính của tôi trong cuộc sống. Cuộc đời tức là một cuộc rèn luyện lớn để đạt được tới tiêu chuẩn của bản thân, và chỉ có tiêu chuẩn của bản thân là quan trọng. Không thể chịu nổi những kẻ hay tự hào với những thành công nhỏ (như xưa đã nói). Con người tha hoá đi vì thấy giấc mơ của mình được thực hiện dễ quá, những thành công nhỏ vì chúng đến sớm, khi người ta chưa đủ lớn để nhận nó đồng thời tiêu chuẩn của họ đơn giản quá. Làm gì có thành công, mà nếu có, thành công, đúng nghĩa phải là, làm sao nâng được tiêu chuẩn của bản thân lên và nâng lên mãi. Con người có thể mưu cầu thành công, tất nhiên, cùng toàn bộ tính chất phù phiếm của nó; nhưng ngược lại, quan trọng hơn, con người phải chạy trốn thành công mới đúng. Tức là kháng cự lại chính mình đừng để bị cám dỗ bởi những thứ nhỏ, ít nhất, nhỏ hơn chính mình. Như thế thì rẻ rúng lắm. Tôi nghĩ giải thưởng đối với Murakami trong tư cách một nhà văn đều là thành công nhỏ, một sự công nhận cho những gì bé hơn bản thân nhà văn ấy. Thành công đối với Murakami là viết văn thật cừ, và làm sao để cừ hơn nữa, giống như việc không ngừng chạy tốt hơn trong bộ môn marathon. Mọi người hầu hết nhầm lẫn về tôi hết, họ cứ tưởng là đối với tôi những gì tôi đạt được ở đâu đó là to tát lắm, kỳ thực, đối với tôi chẳng quan trọng. Tôi còn chẳng thực sự nỗ lực lắm để có một vài thứ. Tiêu chuẩn bản thân ở chỗ khác, là những thứ đáng viễn vọng và tận hưởng hơn nhiều, có một niềm vui riêng tư được tận hưởng những thành quả hết sức cá nhân mà không phải ai cũng hiểu được. Tôi nghĩ Murakami dầu sao vẫn là một người hạnh phúc vì ông hoàn toàn bỏ được những gánh nặng của các lao xao bên ngoài và áp đặt của người khác qua vai.

Frédéric Beigbede nói cho tôi về việc viết. Viết tức là giọng nói ở bên trong mình, là để biết mình nghĩ gì, đôi khi thật đáng ngạc nhiên, con người vẫn hay ngạc nhiên về bản thân mình, thường xuyên đến nỗi việc này không còn gây ngạc nhiên nữa. Ngạc nhiên cả về những điều đã biết và chưa biết. Đừng ngạc nhiên khi ta thấy ngạc nhiên về bản thân mình. Hoá ra ta là như vậy? Đúng, ta chính xác là như vậy. Frédéric Beigbede không ngừng ngạc nhiên về bản thân và viết những cuốn sách kể về việc ngạc nhiên ấy. Và tôi thấy như vậy rất khoái khẩu.

Guy de Maupassant, một nhà văn Pháp duyên dáng, người hiểu sâu sắc về uy lực của một từ đặt đúng chỗ. Chữ duyên dáng này tôi dành cho rất ít người, ví dụ như Romain Gary. Văn chương khó thấy điều này hơn thơ vì thơ có tính cô đặc; người có chút kinh nghiệm về thơ, đặc biệt là Thơ Đường, sẽ hiểu điều này, việc chọn một từ sao cho thật gọn, thật vừa vặn không phải là điều thông thường mà nhất thiết phải là một khoảnh khắc xuất thần cao vút, là ánh sáng chói lọi. Làm sao miêu tả nổi tính chất huyền ảo của ngôn từ khi dùng từ đúng chỗ? Thật là vô phương, bất khả.

Và Milan Kundera, con người uyên bác chỉ ra (một cách hết sức đơn giản về) sức nặng của sự nhẹ. Việc sống vốn hết sức đáng cười.

Những ông hoàng văn chương ấy cứ lần lượt thì thầm với tôi đến là nhiều điều. Nhưng biết làm sao được.

Tôi cũng là một người từ quá khứ; khi đọc Istanbul, tôi thấy thật gần gũi vì đó chính xác là cách tôi nghĩ về một thành phố nên được miêu tả, được hiện ra như thế nào, vô cùng sương khói mờ ảo nhưng sự mờ ảo sương khói đó là do ký ức vương vấn tạo ra chứ không phải lớp sương mù của khói tàu bên bờ vịnh Bosphorus, nơi phân chia ranh giới Đông và Tây. Một thành phố ở trong ta tức là những gì đã mất đi nhưng dường như vẫn ở lại đây mãi. Văn chương cũ, âm nhạc xưa, thơ cổ gây cho tôi hứng thú lớn. Du Tử Lê và Đinh Hùng đã từng rất máu thịt đối với tôi (bây giờ vẫn máu thịt) và có những câu thơ đối với tôi hết sức tuyệt đối (*) (Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời; Cả một mùa thu đã quá giang; Thấy cả bóng một vầng đông thuở trước). Âm nhạc của Trịnh Công Sơn và Lê Uyên Phương cũng là đỉnh cao của cái đẹp cũ. Ở đầu hai mươi tuổi tôi đã sớm biết đến những gì đẹp nhất trong Tiếng Việt, một ấn tượng mạnh mẽ khiến về sau này dẫu thế nào tôi vẫn giữ lại cho mảnh đất có thứ ngôn ngữ tuyệt này một tình cảm âm thầm, tôi không ghét nó nổi. Thế giới ước lệ trong quá khứ gọi mời người trẻ là tôi, khi ấy đang lang thang ở Châu Âu và thường xuyên nhớ nhà. Tôi là người truy ức đến cực cùng, lạc lõng đến cực cùng trước thế giới này nhưng đồng thời cũng thả trôi theo nó. Khi đọc Núi thần của Thoman Mann, ngap lập tức tôi hiểu điều mà ông muốn nói, cuộc đời tức là trở nên thích nghi với những sự không thể thích nghi được, và như những gã ở trên, đây là điều quan trọng nhất mà ông nhà văn già hiền hậu người Đức thì thầm vào tai tôi như một niềm an ủi. Tôi thấy dễ dàng hơn khi bớt bắt mình thích nghi với con người và sự vớ vẩn xung quanh đi, thay vào đó, cho phép mình hiểu rằng, tốt nhất là không nghĩ đến con người nữa. Thế giới thật ra chỉ nên thật hẹp.

Nếu sống là để thích nghi với việc không thể thích nghi nổi thì rốt cuộc, sống để làm gì? Sau khi lặng lẽ bước qua ngưỡng ba mươi tuổi, tức là bước qua ngưỡng quan trọng vô biên, tôi nghĩ là mình cần trả lời cho bản thân câu hỏi này.

Ba mươi tôi, câu hỏi lớn nhất đối với tôi đó là tôi là ai. Ba mươi mốt tuổi, tôi nghĩ câu hỏi lớn thứ hai mình cần trả lời, đó là mình muốn gì trong cuộc đời này?

Muốn gì trong cuộc đời này?

***

Khi những con thuyền chở mộng ra đi
Giấc mộng phiêu lưu như bầy hải điểu

(còn tiếp)

(*): Mượn ý của Nhị Linh (“máu thịt” và “tuyệt đối” khi viết về nhạc Trịnh Công Sơn)

July 6, 2018

Leave a Reply