“Nàng thơ” của Bố

Con trai tôi sinh ra tại Bangkok, một mùa hè bốn năm về trước.

Về sau này, tôi sẽ kể cho nó về “gốc gác Thái Lan” của nó. Tất nhiên, việc sinh ra ở Thái Lan không biến nó thành một người Thái gốc Việt được – nhất là khi nó chỉ ở đó đúng ba tháng rồi về Việt Nam; nhưng tôi muốn con biết Thái Lan là nơi mà bố mẹ nó đã sống quãng thời gian tuyệt vời của tự do tuổi trẻ, rồi sau đó mang thai, hạ sinh và đưa con về Việt Nam; mà mỗi ngày kể từ khi trở về không lúc nào chúng tôi không mong mỏi được quay lại mảnh đất đó.

Thằng bé sinh ngày mùng 7 tháng sáu. Ngay từ trong ngày sinh đã là sự đối ngược với ông bố nó là tôi (mùng 6 tháng bảy). Vì vợ tôi đẻ mổ, vị bác sỹ Thái Lan sau khi tính toán tuần sinh đã đề nghị ngày sinh đó cho vợ chồng tôi. Tôi đồng ý ngay, cũng như chấp nhận ngay việc ông con chắc chắn sẽ xung khắc với mình. Vốn dĩ là một truyền thống gia đình, đàn ông trong nhà tôi mấy đời đều xung khắc, không lấy gì làm hoà thuận cho lắm.

Đó là chưa kể tôi tuổi Mèo, còn ông con tuổi Cún. Vậy đó.

Từ bé nó đã là một đứa trẻ cá tính mạnh, không chịu khuất phục. Tôi nhìn thấy trước tương lai xung khắc nên trong hiện tại, không cách nào khác, tôi cố gắng để yêu nó nhất có thể, khi thằng bé còn đang cần mình.

Sau này lớn lên, thằng bé sẽ dần tiến đến thế giới rộng lớn của nó. Nhưng ngay lúc này đây, có những ngày đi làm về, thằng bé rạng rỡ chạy ra đón; hoặc khi nó ngủ dậy ở nhà ông ngoại mà không thấy tôi sẽ mếu máo đòi tìm tôi bằng được và khi nhìn thấy thì ôm chặt lấy bố vì “sợ bố đi mất”, làm tôi muốn khóc. Frédéric Beigbeder nói mọi ông bố đều giống một gã ngốc hạnh phúc, quả là không sai. Tôi bỗng trở nên uỷ mị từ khi làm bố, có khi chỉ từ một cái ôm ghì của ông con sau vài tiếng không gặp. Chả hiểu sao thấy mình dễ mủi lòng vô cùng.

***

Tôi đã trì hoãn việc có con khá lâu.

Thực tế tôi từng nghĩ mình có thể sẽ không bao giờ làm bố. Và tôi thấy ổn với suy nghĩ đó. Khi ta trẻ hơn, ta thường tiên lượng về cuộc đời mình không hẳn là chính xác. Tôi không có hình mẫu về người bố lý tưởng để noi gương theo, việc mà tôi nghĩ tương đối quan trọng đối với một gã trai trẻ. Ai cũng cần hình mẫu để noi theo, trong trường hợp của tôi thì không như vậy, nên tôi không biết như thế nào là một người bố tốt. Cái suy nghĩ gần như biết chắc mình sẽ là một ông bố tệ không hiểu sao cứ ghim vào đầu tôi như một cách mặc định, vậy nên tôi cố để không trở thành bố càng lâu càng tốt.

Ấy thế mà cuối cùng tôi cũng có con.

Tôi hoàn toàn không chuẩn bị gì để làm bố, kể cả khi đã trở thành. Cho đến tận bây giờ, khi đã có ba đứa con, làm những công việc của một ông bố hàng ngày và vui vẻ với điều đó, tôi tự biết là mình vẫn chưa bao giờ sẵn sàng và hoàn toàn không chuẩn bị gì cả. Tôi cũng chưa từng cố gắng để làm một ông bố “chuyên nghiệp” – theo ý nghĩa là trang bị kiến thức và kỳ năng bài bản, phù hợp với tiêu chuẩn văn minh. Tôi trở thành bố một cách hoàn toàn bản năng, và đương nhiên, phần nhiều vụng về.

Riêng về điều này vợ tôi lại giỏi vô cùng. Nàng tìm hiểu tất cả mọi thứ về mang thai và nuôi dạy trẻ một cách nhẹ nhàng, khoa học. Tôi tin tưởng tuyệt đối, và từ đó dựa dẫm hoàn toàn, vào vợ tôi trong vấn đề con cái. Phụ nữ khi làm mẹ có năng lực siêu nhiên, điều này không thể đúng hơn. Tôi thán phục và cũng không hẳn là ghen tị nhưng chấp nhận một sự thật là các con của tôi yêu mẹ nó hơn nhiều. Tôi hài lòng với mức độ tình yêu mà con dành cho mình, ở vị trí số hai. Cũng không hẳn là tệ.

Nếu tôi trở thành một ông bố tốt, chắc chắn là do vợ tôi huấn luyện và giúp đỡ chứ để tự tôi thì e rằng quá xa vời. Và cũng bởi vì vợ tôi, việc trở thành bố hoá ra không quá đáng sợ như tưởng tượng, bởi cái gì khó nhất thì nàng đã làm hết rồi.

Tuy con tôi yêu mẹ nó hơn, tôi vẫn được hưởng hạnh phúc đầy đủ của một ông bố. Tôi rất hài lòng trước sự tin cậy mà con trai tôi dành cho tôi. Tôi là kiểu chỉ cảm thấy thoả mãn về mặt tình cảm khi người khác tin cậy mình, và càng thích hơn khi sự tin cậy đó đến từ một đứa bé, hay một con mèo – những đối tượng không hề dễ để lấy được sự tin cậy tự nhiên của chúng. Đừng có nghĩ làm một con mèo, hay một đứa bé, tin cậy mình là dễ nhé. Cứ thử mà xem.

Bởi vậy tôi vẫn là một gã ngốc hạnh phúc. Và bởi vậy, từ khi có con, tôi không nghĩ trong cuộc đời này còn có gì quan trọng hơn việc con tôi vui vẻ mỗi ngày (và ăn xong bát cơm).

***

Con trai tôi không tình cờ sinh ra ở Thái Lan. Vì tôi đang đi công tác dài hạn nên chúng tôi nghĩ tốt nhất là sinh ở đó cho dễ xoay xở giữa công việc và gia đình. Thêm nữa, sau hai năm sống ở Thái Lan, chúng tôi thực sự cảm mến đất nước này – nơi đã chữa lành và mang lại rất nhiều kỷ niệm. Nếu cơ hội cho phép chúng tôi còn muốn được tiếp tục sống tại Thái Lan nhiều năm hơn nữa.

Đó là khoảng thời gian tôi cảm thấy mình phát triển nhất trong công việc. Có lẽ không chỉ tôi mà cả team của tôi. Chưa nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tiến sang thị trường Thái Lan lúc bấy giờ (bây giờ thì đã phổ biến hơn). Hầu hết đội ngũ chúng tôi còn trẻ, chưa vướng bận gia đình, còn sung sức và nhiệt huyết, tất cả đều sục sôi một tinh thần khởi nghiệp Việt Nam tại thị trường nước ngoài, rất đáng tự hào. Chúng tôi đã sống với nhau, làm việc cùng nhau, vui vẻ với nhau, tiếc nuối với nhau, và hầu hết đều có những kỷ niệm đẹp một thời mang chuông đi đánh xứ người. Tôi đã có nhiều anh em bạn bè bên ngoài công việc sau khi là đồng đội sát cánh với nhau nhiều năm. Những mối quan hệ lành mạnh, tốt đẹp.

Tôi không còn tìm lại được cái nhiệt huyết hồi đó nữa trong các công việc sau này mình làm. Có những thứ chỉ đến một lần, và ở lại mãi.

***

Tôi sống suốt ba năm trong một con ngõ nhỏ vùng rìa Bangkok, để đi lên trung tâm phải qua bốn trạm BTS. Con ngõ này có nhiều dân lao động và nhiều người đạo Hồi sinh sống, hết sức mến khách và thân thiện. Công ty cách đó không xa, mười phút đi bộ là tới. Quán ăn trong ngõ không nhiều nhưng đều phục vụ các món Thái theo kiểu bản địa, chúng tôi vẫn hay ăn trưa ở đó, hoặc khi đi làm về muộn thì là ăn đêm. Tôi sống ở đó đủ lâu, sống lẫn với cuộc sống của người bản địa, nên rất nhanh không còn cảm giác mình là du khách nữa mà đã thực sự sống cuộc sống đời thường trong một cuộc đồng nhỏ những người bản địa.

Có đứa bé Thái sinh ra trong quãng tôi sống ở đó và nhìn nó lớn lên, ít nhất cho đến khi biết đi chập chững. Tôi nhớ bọn mèo hoang ở đó, đêm nào cũng nằm ườn èo trên bờ đê đầu ngõ, không hề sợ hãi những đám người ồn ào nhậu nhẹt bên cạnh. Những hôm trời mưa, chúng lẩn vào bên trong cửa những ngôi nhà ven đường, nhẫn nại nhìn mưa ngoài phố vắng cho đến khi tạnh hẳn để lại vật vờ lao vào màn đêm. Tôi thích một con mèo trắng to lớn ở đó, trông lúc nào cũng lờ đờ và cáu kỉnh, mà có lần tôi mua đồ ở cửa hàng tiện lợi cho nó ăn. Tôi để cả túi hạt mèo ở dưới đất, sáng hôm sau thấy chiếc túi bị rách nát và hạt thì hết sạch. Lũ mèo chắc đã có một bữa no.

Xung quanh khu tôi sống có tương đối đầy đủ tiện ích cơ bản, từ giao thông cho đến mua sắm. Nếu đi bộ trong vòng mười phút, ở khu bên kia nếu lấy công ty tôi làm trung điểm, có rất nhiều điểm thú vị mà chỉ người dân bình thường mới tìm thấy được. Ở đó có quán cơm gà vỉa hè ngon-nhất-Bangkok, do hai cha con người Thái mở bán buổi trưa cho dân văn phòng xung quanh. Người thanh niên xăm kín mình những hình xăm của Thái, rất giang hồ tứ chiếng nhưng thực chất lại cực kỳ tử tế, luôn hết sức cố gắng phục vụ đám khách quen người nước ngoài ồn ào. Quán vỉa hè có món hơi giống cơm gà Hải Nam nhưng ngon hơn nhiều lần, dù cách chế biến vô cùng đơn giản – chỉ có gà được luộc kỹ bằng nước sương, ăn cùng cơm trắng và có nước sốt chế biến riêng. Rất nhiều buổi trưa, niềm vui của dân văn phòng bình thường chúng tôi là ăn cơm gà rồi đi bộ sang một quán cà phê ngay góc đường bên cạnh – quán Bevanda. Quán rất nhỏ chỉ để vừa hai bộ bàn ghế cho lượng khách hữu hạn, nhưng khu vườn xung quanh lại rộng rãi và có nhiều cây nên chúng tôi ngồi đó tán phét giữa buổi trưa mùa hè Bangkok vẫn thấy dễ chịu. Cô chủ quán thân thiện, dễ mến; chị em phụ nữ kháo nhau rằng cô chủ này toàn mặc những chiếc váy giá 20.000 baht, nên hẳn là cô mở quán cà phê cho vui. Nếu đi thêm một đoạn rẽ vào khu dân sinh, chúng tôi cũng tìm được một quán ăn gia đình của người Thái, nơi phục vụ món canh Tom yum xuất sắc. Vì đám khách người Việt đến quá thường xuyên, menu của quán cuối cùng có thêm cả tiếng Việt, và chúng tôi gọi đó là “quán VIP”. Rất không xa quán đó là một khu trung tâm thương mại nhộn nhịp Robinson – nơi chúng tôi hay đi chợ mua đồ ăn vào cuối tuần. Đối diện với khu đó có một quán Vịt Tàu gia truyền nổi danh, có lịch sử cả trăm năm, không gian bên trong cổ xưa đến mức thời gian dường như không trôi đi tại đây nữa. 

Đó là khu tôi sống ở Bangkok – một khu bản địa bình thường thường, và nơi con tôi đã sinh ra – chính xác từ một bệnh viện rất gần nhà, bệnh viện Saint Louis – tuy trông không quá sang trọng nhưng là một bệnh viện trung lưu của người Công Giáo, phải đến khi mấy đứa nhân viên người Thái của tôi nói thì tôi mới biết bệnh viện này không phải phổ thông cho lắm. Đó cũng là lần đầu tôi và vợ trải nghiệm dịch vụ y tế của Thái Lan. Tôi có một tuần trong viện chăm vợ sinh, gần như không phải làm gì vì mọi thứ có y tá và bác sỹ lo cho hết.

***

Thằng bé bị nhẹ cân và thân nhiệt thấp nên bác sỹ cho theo dõi trong lồng kính hai ngày mới trả về. Chỉ khoảng chưa đến ba mươi phút từ khi vợ tôi được kéo vào phòng mổ, có một chiếc xe đẩy trẻ sơ sinh do y tá đưa ra. Lúc chiếc xe đi lướt qua tôi và mẹ vợ, tôi không biết đó là con mình. Tuy vậy, nhìn thấy đứa bé tôi vẫn tò mò đọc thử tên sản phụ trên xe đẩy thì mới biết. Tôi vội vàng báo cho mẹ và chạy theo xe đẩy của y tá đến phòng chăm sóc dành cho trẻ sơ sinh. Trống ngực đập thình thịch. Cho đến mãi lúc đó, tôi vẫn thấy không thể tin nổi. Con tôi đã đến thế giới này!

Thằng bé được đưa vào phòng chăm sóc sau sinh, nơi cũng có vài đứa trẻ khác vừa ra đời. Căn phòng oe oe tiếng trẻ con khóc. Âm thanh vô tội khởi nguồn của sự sống tại căn phòng đó thật là kỳ diệu, khiến ta thổn thức ngay lập tức. Ngay bên cạnh là một đứa bé Thái hồng hào, to gần gấp đôi con tôi. Mẹ tôi nhìn thấy con tôi bị quấn dây rợ y tế theo dõi khắp người, bé như cái kẹo và yếu ớt, gần như bật khóc vì xót cháu. Cho đến mãi bây giờ khi con tôi đã có thể chất khoẻ mạnh, bà ngoại vẫn hay nhắc lại và xót xa vì nó bé quá khi nằm trong lồng kính. 

Chúng tôi ở viện gần một tuần, được chăm sóc chu đáo. Trên đường đưa con về khu nhà tôi sống, rất nhiều hàng xóm người Thái Lan chúc mừng chúng tôi. Con ngõ nhỏ có thêm một em bé. 

***

Không lâu sau đó tôi nhận một nhiệm vụ mới từ công ty nên trở về Việt Nam. 

Một năm sau, thế giới đón tin dữ từ Trung Quốc với đại dịch covid. 

Tôi không hề biết rằng cuộc chia tay đất nước Thái Lan sẽ kéo dài như thế. Tôi và vợ cứ đinh ninh với điều kiện visa dễ dàng và khoảng cách địa lý thuận lợi, nếu thích thì vài tháng chúng tôi sẽ đi Thái một lần cũng được. Tôi muốn đưa con tôi quay về Thái Lan thường xuyên. Tuy vậy, dại dịch ập đến khiến thế giới đóng cửa với nhau, cái hẹn với Thái Lan mất vài năm mới thực hiện được. 

Khi con tôi bốn tuổi. 

Nghe tin Thái Lan mở cửa du lịch trở lại, tôi và vợ lập tức đăng ký đi ngay.

***

Mẹ ruột tôi rất yêu con tôi vì nó giống tôi như đúc. Tóc xoăn, thuận tay trái, lông mày xếch di truyền, không chệch đi đâu được. Con tôi cũng là một cat person giống tôi. Tình yêu của một người bà dường như là sự đánh thức lần nữa mang tính hoài niệm của tình mẫu tử mà họ từng có khi lần đầu ôm con mình ở tuổi thanh xuân. Đến cả tôi sau này, tôi cũng nghĩ sẽ thật là thú vị khi về già được ôm một thằng “Mìn bé” lần nữa.

Mẹ tôi đã ở cái tuổi cô đơn với cuộc đời. Nhưng mẹ từng kể cho tôi những lần thằng bé đi chợ cùng bà, tay lủng lẳng cái túi đựng đồ chơi mang theo. Tôi biết lúc đó mẹ tôi bớt cô đơn đi nhiều lắm, dù đi bên cạnh mình chỉ là một thằng bé vô lo nghĩ. Tôi cũng có cảm xúc như vậy trong một buổi chiều tàn, hai bố con ở trên nhà quá lâu nên xuống dưới chân toà nhà chung cư đi bộ cùng nhau một lúc. Tôi nắm tay thằng bé, cả hai lững thững đi những đoạn rất ngắn, tôi thấy hai cái bóng một cao một thấp thi thoảng trộn lẫn vào nhau. Chính lúc đó, tôi thấy cơ thể mệt mỏi này dãn ra và biết cuộc đời mình bấy lâu nay không còn cô đơn nữa. Có những lúc ta nhận ra con cái có thể giúp ta xoa dịu đi những u buồn tuổi trẻ, theo cái cách mà không một cuộc tình nào có thể làm nổi.

Tôi cũng hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy con trai mình lớn lên từng ngày, có cảm giác như nhìn thấy chính mình ở một chiều không gian khác. Hoá ra mình đã lớn lên như thế, rất nhiều lần tôi tự nói với chính mình như vậy. Tuổi thơ của tôi và con đương nhiên là khác nhau, nhưng có những lúc ở một khoảnh khắc ngọt ngào và huyền hoặc nào đó, nhìn thằng bé cười đùa hoặc lơ đãng chơi những trò chơi của nó, tôi thấy thân thuộc như thể tôi được trở về một vùng trời ký ức vốn đã quá xa xôi nhưng lại đang ở ngay trước mắt. Tôi nhìn thấy tôi.

Ta thấy em trong tiền kiếp với mặt trời lẻ loi
Ta thấy em đang ngồi hát khi rừng về nhiều mây

Vợ tôi vẫn đùa rằng anh coi thằng bé như “nàng Thơ” của mình. Tôi bật cười, nhưng ngẫm ra thì thật đúng. Thằng con tôi có những lúc lơ đễnh rất giống tôi. Một thằng bé thường xuyên lơ đễnh, và vợ tôi gọi nó là “đứa trẻ mơ mộng”. Từ bé tôi đã luôn luôn là đứa trẻ sống trong thế giới riêng của mình. Giờ đây, khi thấy con mình chìm trong thế giới của nó, dù vẫn ở bên cạnh tôi, tôi hoàn toàn hiểu được. Thời của tôi và chị tôi chưa có công nghệ như bây giờ để ghi lại nhiều khoảnh khắc, trái lại tôi muốn lưu giữ càng nhiều càng tốt sự thơ bé của con tôi, nên lúc nào tôi cũng có thể quay và chụp ảnh nó được. Vì quá giống nhau, tôi biết chính xác góc nào chụp thì đẹp, mái tóc của nó phải do đích thân tôi chải và tạo kiểu thì mới đẹp, vì tóc nó xoăn giống tôi.

Có lẽ thằng bé là nàng Thơ của tôi thật.

**

Vậy là khi Thái Lan mở cửa, tôi đưa cả gia đình mình về lại Bangkok. Lần cuối khi rời đi, tôi mang một thằng bé ba tháng tuổi trở về Việt Nam. Lần này khi quay lại, tôi đã là ông bố ba con khi có thêm một em bé mười sáu tháng tuổi nữa – em Đạn. Tranh thủ đợt dịch, và rất nhiều may mắn, chúng tôi đã kịp có thêm một em gái cho Mìn.

Chúng tôi háo hức mãi cho chuyến đi.

Việc nhập cảnh hết sức dễ dàng, hơn tôi tưởng. Các thủ tục tuy có nhiều hơn một chút nhưng chúng tôi không gặp khó khăn nào. Sân bay Suvarnabhumi không nhộn nhịp như trước dịch nhưng vẫn là cái mùi đó và những lộ trình đó. Chúng tôi biết chính xác phải ra đâu để kiểm tra hành lý của mình ở băng chuyền nào, lấy hành lý xong thì ra bên ngoài mua những chiếc sim du lịch của hãng Dtac và xuống dưới một tầng để đến khu vực bắt taxi. Địa điểm đến không đổi, vẫn là khách sạn ở khu tôi từng sống ba năm. Tôi biết ngay những khung đường nào sẽ tắc và đi đường cao tốc sẽ phải trả bao nhiêu baht. Lộ trình từ sân bay về khách sạn, đi qua những toà nhà cao tầng và các khu phức hợp nổi tiếng, tôi hình dung quãng thời gian bay đi bay lại thường xuyên giữa hai thành phố cách nhau gần hai giờ đồng bồ lênh đênh trên mây mà mình từng trải qua, chỉ giống như một quá khứ gần.

Sau bốn năm mọi thứ vẫn vậy. Về cơ bản. Trước khi về khách sạn chúng tôi đi qua toà nhà nơi công ty tôi từng đặt văn phòng. Con ngõ tôi sống vẫn có những người hàng xóm cũ. Thật biết ơn là dù trải qua một đợt dịch nhưng nhiều người tôi quen vẫn ở đó, kể cả hai bà lão rất già bán lạc rang và bán cháo mà vợ tôi thi thoảng nói chuyện hồi trước. Chú bán hoa quả dạo bên cạnh cửa hàng 7-Eleven, có thể nói được vài từ tiếng Việt vì chúng tôi mua nhiều quá, cũng còn ở đó (dù cửa hàng 7-Eleven không còn) và nhận ra gia đình chúng tôi, hết sức ngạc nhiên và thích thú khi nhìn thấy con trai tôi bây giờ.

Chúng tôi cũng đi thăm lại bệnh viện nơi con tôi sinh ra, mà mẹ vợ tôi bảo là nơi “Mìn chôn nhau cắt rốn”, hehe. Vì bệnh viện hạn chế ra vào do dịch, chúng tôi suýt nữa tưởng sẽ không gặp lại vị bác sỹ từng mổ cho vợ tôi nữa, nhưng cuối cùng bệnh viện sau khi nghe trình bày vẫn hỗ trợ chúng tôi liên lạc với vị bác sỹ kia để chúng tôi gặp mặt và cám ơn. Bác sỹ vẫn nhớ chúng tôi là người Việt Nam.

Một vài địa điểm đã không còn nữa, như khu chợ đêm yêu thích của chúng tôi hồi trước (Ratchada night market) và hiện được thay thế bởi một khu chợ đêm khác (Jodd Fairs). Nhưng cơ bản thì cuộc sống vẫn như nó vẫn thế, những gì thân thuộc không mất đi khi ta tìm lại chúng.

Con tôi đã bốn tuổi, thật ra chưa đủ lớn để ghi nhớ sâu sắc những chuyến đi mà nó trải qua; khác với Bom – con lớn của chúng tôi, đã gần bảy tuổi và nhớ rất tốt mọi thứ; nhưng rất nhiều khi đi qua những góc phố quen, tôi thầm thì giới thiệu cho con rằng đây là nơi bố mẹ từng đi đó.

Hãy tích luỹ cảm xúc và trải nghiệm cho những đứa trẻ, điều đó sẽ tốt cho hành trình hạnh phúc của chúng rất lâu sau này.

 

Viết tặng con nhân tháng sinh nhật.

Hanoi – Bangkok 6/2022

June 27, 2022  Leave a comment

Đi bộ

Cô gái bước từ quán cà phê sang bên vỉa hè mà tôi đang đi tới.

Cô nắm tay bạn trai. Họ đi ngay trước tôi một đoạn không xa. Tôi bước chậm lại, không hẳn là để quan sát họ mà chỉ muốn giữ cái riêng tư cho cả tôi và cặp đôi đó, bởi dẫu sao thì vỉa hè cũng không rộng lắm. Cô gái hơi cao một chút, anh thì hơn cô nửa cái đầu. Họ không nói nhiều lắm với nhau mà chỉ nắm tay đi bộ như vậy. Trông cả hai hoàn toàn thoải mái, có lẽ không phải mới quen nhau. Tôi vẫn thích nhìn các cặp đôi nắm tay nhau ngoài phố, tình yêu bình yên vậy thôi. Không lâu sau đó, cặp đôi rẽ trái ở một ngã ba, vẫn nắm tay khi qua đường. Tôi thì đi thẳng.

Khi ta nhìn ở khoảng cách đủ gần, một số thứ bỗng trở nên rõ ràng hơn.

***

Tôi lướt qua một cửa hàng bán đồ thú cưng ở bên kia đường, suýt nữa không để ý đến con một con mèo đang nằm ngoan ngoãn đằng sau cửa kính cửa hàng, bởi lẽ nhìn từ xa trông nó như một món đồ trang trí mà cửa hàng cố tình bày biện. Chỉ đến khi một người khách vừa gạt chân chống xe máy để bước vào cửa hàng và với tay ra chơi với nó, tôi mới biết là có con mèo thật ở đó. Đã khá lâu tôi không có lũ mèo bên cạnh. Kể từ khi có con, tôi cho đi gửi hết bọn mèo, và không lấy lại nữa. Trước đây chỉ có thời du học là tôi không có mèo thường xuyên bên cạnh (dẫu vậy, tôi vẫn nuôi một con mèo một thời gian ngắn trong quãng thời gian ở bên đó). Có những khoảng thời gian ta bơ vơ đến nỗi không có lấy một con mèo nào. Hiện tại thì tôi không như thế. Tuy thi thoảng thấy hơi thiếu thốn lũ mèo nhưng nhìn chung là tôi ổn, vì tôi có con bên cạnh. Vả lại, tôi biết chắc mình sẽ sớm nuôi lại mèo thôi, khi con của tôi muốn.

Murakami tuy yêu, nhưng lại không nuôi một con mèo nào. Điều đó không ngăn ông hiểu lũ mèo, cũng không ngăn lũ mèo giúp ông – bằng cách này hay cách khác – viết những tiểu thuyết thú vị.

***

Ở một góc phố đâu đó gần nhà, tôi nhìn thấy một ông bố đang dắt con mình đi chơi. Bỗng tôi thấy không hẳn là ghen tị nhưng làm tôi nhớ đến con trai mình. Tôi rất thích những lúc dắt tay nó đi chơi. Bàn tay nhỏ xíu của nó nằm gọn trong tay tôi. Cách mỗi ông bố đưa con mình vào thế giới đều giống như nhau. Ta nắm chặt bàn tay nhỏ xíu đó dìu dắt bước đi, từng bước từng bước, bàn tay trao cho ta tất cả sự dè dặt và tin cậy trên thế giới này, cho đến khi tự mình bước đi được.

Những giây phút đó, tôi chỉ cảm thấy không còn gì quan trọng với mình hơn nữa, bằng việc con trai tôi vui.

***

Một gia đình đang ăn tối muộn, tôi thoáng thấy khi đi qua căn nhà mặt đường không đóng cửa. Khu phố này vốn nhiều hàng quán, rất dễ để nhìn thấy những sự tụ họp thân mật của con người. Nếu ta để ý một chút, dù là lướt qua khi đi bộ mà hoàn toàn không phải ngoái lại nhìn, ta sẽ thấy cuộc sống thật sinh động mà không ồn ào. Ai cũng có việc của mình.

Đôi khi lững thững đi bộ, đóng vai một kẻ ngoài lề nhìn vào những thứ ngẫu nhiên xuất hiện trước mắt, trong một tâm trạng không hẳn là vui hay buồn, ta thấy điều mà ta muốn thấy. Và chúng sưởi ấm ta từ bên trong.

Murakami có một câu quote nổi tiếng: “Memories warm you up from the inside. But they also tear you apart”. Kỷ niệm sưởi ấm ta từ bên trong, nhưng cũng xé nát trái tim ta.

Nhưng dẫu sao, có kỷ niệm đã là tốt lắm rồi.

***

Một mình ở thành phố lạ.

Khi ta trẻ hơn, mỗi cơ hội một mình ở thành phố lạ là một lần ta tận hưởng sự cô đơn. Sự bơ vơ của tuổi trẻ đôi khi buồn đến rợn người. Tuổi trẻ lang thang, vô định, rất nhiều khi ta không định hướng được con đường trước mắt, và cả con đường tương lai. “Nghe buồn nhịp chân bơ vơ“, Trịnh từng viết như thế.

Lâu rồi tôi không còn thấy cô đơn. Kể cả khi một mình. Kể ra cũng hiếm khi một mình, nếu không đi công tác xa.

Khi có cơ hội một mình ở thành phố lạ như thế này, tôi chỉ làm mỗi một việc là lững thững đi bộ, và nhìn cuộc đời đầy ắp xung quanh.

Tôi không cảm thấy nỗi cô đơn là cần thiết như trước (hồi tôi trẻ hơn) khi ta có một chỗ để chờ ta, để đi về.

Nhân vật của Paul Auster cứ lang thang suốt ở New York. Patrick Modiano cũng để nhân vật của mình quanh quẩn khắp Paris. Cả hai đều là những kẻ lang thang vĩ đại, miêu tả gần như cặn kẽ từng góc phố, ngõ nhỏ, bờ kè, đại lộ ngoại vi, công viên, cảnh trí… như một bức tranh tả thực được tráng mờ đi bởi ký ức huyền hoặc.

Phải mất bao nhiêu ngày lang thang trong một thành phố để tất cả sự xa lạ này trở nên quá đỗi thân quen?

***

Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn

***

Mỗi phút giây, trên mỗi một dặm đường
Ta sẽ gửi một chút mình ở lại

June 1, 2022  Leave a comment

about happiness

Vì tình hình dịch nên tôi làm việc ở nhà hôm nay.

Trong lúc làm đồ ăn trưa, tôi nghe podcast Hieu.tv phần nói về hạnh phúc. Video này quả có khơi gợi một số suy nghĩ tích cực về cuộc sống. Tôi vừa ăn vừa nghe cho đến khi xong. Tôi hiếm khi chỉ ăn mà không làm gì khác; thường là xem Netflix, nghe nhạc, thậm chí đôi khi là làm việc. Cũng chỉ là một thói quen vô hại.

Ăn xong tôi dọn dẹp và pha cà phê. Vợ tôi tặng một chiếc máy pha espresso vào hôm sinh nhật năm nay, từ đó tôi luôn pha cà phê ở nhà. Tôi có hai công thức pha cà phê. Một kiểu giống Bà Nà của Reng Reng. Kiểu còn lại giống August của Drew Coffee. Thực ra thì chúng đều là cà phê kem béo vốn dựa nhiều vào whipping cream và sữa đặc, nhưng kiểu August có thêm sữa tươi và cà phê đổ vào hỗn hợp đánh bông bằng máy thay vì khuấy bằng tay như kiểu Bà Nà. Tuỳ vào hứng mà tôi sẽ pha kiểu này hoặc kiểu kia chứ không có kế hoạch cố định. Hôm nay thì tôi pha kiểu August, do tôi có nhiều thời gian hơn mọi ngày (vì làm việc ở nhà).

Tôi mang cà phê ra ghế papasan nằm đọc sách.

Hôm nay là ngày đầu tiên thành phố đón đợt lạnh mới tràn về trong đêm. Ngồi bên cửa sổ ở trên cao, nếu hé cửa sẽ thấy gió khô thổi vào khiến ta muốn mặc thêm áo ấm. Nhìn chung là một ngày chớm đông dễ chịu, rất hợp cho việc đọc. Lũ mèo hẳn sẽ uể oải chui vào một góc nằm ngủ cả ngày, nhưng xung quanh tôi không có con mèo nào.

Tôi đang đọc dở tiểu thuyết mới nhất của Murakami, Giết chỉ huy đội kỵ sĩ. Tôi chờ một thời gian sau khi cuốn sách này ra mắt mới tìm đọc, vì cũng chẳng vội. Đây vẫn là một tiểu thuyết “kiểu Murakami“. Một vấn đề với các nhà văn trở nên phổ biến và đại chúng hoá là người ta cứ thích đặt một kỳ vọng khó hiểu lên họ, rằng cuốn sau phải hay hơn cuốn trước, rằng họ phải đạt được các giải thưởng. Tôi cho rằng nhà văn kể những câu chuyện khác nhau và về cơ bản, mỗi câu chuyện có sức sống và ý nghĩa của nó. Trong trường hợp của Murakami, các tiểu thuyết sau này của ông không được đánh giá cao như các tiểu thuyết ở giai đoạn đầu sự nghiệp. Tức là nhiều người coi văn nghiệp là một quá trình và trong quá trình đó, người ta có xu hướng chọn một cột mốc gọi là đỉnh cao sự nghiệp của một nhà văn. Trước và sau cột mốc đó là giai đoạn đi lên và thoái trào. Với Murakami là đang ở giai đoạn sau. Đại khái là thế.

Tôi không nhìn văn nghiệp của một nhà văn theo lối như vậy. Đặt mình vào vai một người viết, điều tôi theo đuổi trong suốt cuộc đời mình đó là mình có nói ra được đầy đủ và trọn vẹn những tư tưởng của mình hay không. Tôi nghĩ suy nghĩ của nhà văn gần với vậy. Đối với họ, việc một tác phẩm này hay hơn tác phẩm khác không quá quan trọng. Điều quan trọng là trong toàn bộ văn nghiệp, họ đã nói được hết những thứ muốn nói, và nói được chúng theo cách tốt nhất đối với họ hay chưa. Tôi cho rằng động lực khiến cho một nhà văn tiếp tục viết, kể cả khi ở tuổi rất già và đã an nhàn từ lâu, hoặc khi danh tiếng đã lẫy lừng, ở việc họ còn muốn nói tiếp những điều phải nói.

Nếu tiếp cận trên quan điểm như vậy, ta sẽ tránh xu hướng so sánh các tác phẩm với nhau mà nhìn vào các thông điệp mà một nhà văn muốn truyền tải. Tôi không cho rằng sau 1Q84, Murakami viết kém hơn trên khía cạnh chất lượng tác phẩm. Ông đã nỗ lực kể những thứ tiếp theo. Tôi cho rằng Murakami trong văn nghiệp của mình đã tạo ra được một phong cách riêng, đó là “kiểu Murakami” siêu thực hậu hiện đại, từa tựa khái niệm Kafkaesque nổi tiếng. Trong văn nghiệp đó, mỗi tác phẩm có vai trò kể một thông điệp và hãy đánh giá năng lực kể thông điệp đó có đạt hay không.

Dông dài như vậy để nói rằng tôi thấy Giết kẻ chỉ huy (tôi thích gọi vậy cho gọn, và sẽ dùng tên này cho đến cuối bài) là một tiểu thuyết thú vị. Công bằng mà nói thì mạch truyện hấp dẫn một cách chậm rãi. Với ai đã quen với Murakami, tức là quen với motif nhân vật chính gặp biến cố lớn khiến cuộc sống trước đây của anh ta hoàn toàn đổ vỡ và bắt buộc dấn thân vào một hành trình đơn độc u tối để giải mã mình, sẽ thấy tiểu thuyết này không khó nắm bắt. Cách tốt nhất để đi vào thế giới của Murakami là hãy thả mình tự do cuốn trôi đi theo lời kể và tham gia vào hành trình của nhân vật. Từng chút một, những gì ta muốn biết sẽ được nói ra. Vậy thì việc gì phải vội?

Tiểu thuyết này là một ví dụ nhỏ cho lý do tôi thích đọc sách. Đôi khi ta chỉ muốn nghe một câu chuyện được kể thật cừ, trong một ngày gió lạnh giữa những trạm nghỉ của cuộc sống.

Và bất giác tôi suy nghĩ về hạnh phúc.

Anh Hieu.tv nói cuộc đời về cơ bản là hành trình tích luỹ thật nhiều ngày hạnh phúc. Tôi thấy suy nghĩ này rất hay, và đúng.

Tôi không hay nói về hạnh phúc của bản thân. Cuộc sống của tôi cũng không có gì quá đặc biệt hay nổi trội. Nhưng những năm gần đây, tôi thấy mình tích luỹ hạnh phúc thêm mỗi ngày.

Tôi thích viết và đọc, những thứ mà tôi chọn sẽ già đi cùng nhau, và qua đó tiêu tan đi các u buồn của tuổi trẻ. Nhưng càng ngày tôi càng có ít thời gian cho chúng. Giống như bất kỳ người trưởng thành nào, tôi dành hầu hết thời gian để làm việc và lo cho gia đình của mình. Nếu ở thời trẻ hơn, những thú vui cá nhân thật là quan trọng và giúp ta cân bằng; thì đến một lúc nào đó ta thấy vui khi san sẻ thời gian và sự chăm lo cho người khác ngoài bản thân ta. Điều quan trọng không phải tỷ trọng thời gian hay mức độ quan tâm giữa bản thân và cho người khác, mà những gì ta làm gột rửa đi bao nhiêu sự cô đơn trong cuộc đời này. Cô đơn là chất liệu của tuổi trẻ, tráng men cho sự vững chãi mà ta phải có để đứng được trong đời, và đôi khi đó là sự cô đơn cần thiết. Nhưng tôi nhận ra mình không còn là gã trai đơn độc hồi xưa nữa.

Kiểu nhân vật điển hình của Murakami là những gã đàn ông trung niên cô đơn, sắp xếp ngăn nắp cuộc sống của mình, không thực sự phụ thuộc vào các rào cản xã hội, gần như ngoài lề định kiến thông thường. Chính sự ngăn nắp và ngoài lề đó khiến trong nhiều trường hợp, khi hành trình mới ập đến cuốn đi, họ không mang theo gì cả. Trong hành trình đó, các nhân vật tích luỹ lại từng mảnh nhỏ của mình.

Quá trình của các nhân vật Murakami luôn là một quá trình hướng lên trên. Đó là điều tích cực trong văn chương của Murakami.

Tích luỹ hạnh phúc mỗi ngày là một hành trình cần thiết.

Tỷ như việc dành ít phút cho bản thân để pha cà phê hàng ngày.

Nằm đọc sách bên cửa sổ.

Hay dạo gần đây, tôi thích nhất khi ở cạnh con trai mình. Đi dạo với nó ở dưới sảnh toà nhà vào chiều tối, khi gió nổi lên, bóng của hai bố con một cao một thấp lẫn vào nhau. Tôi thấy mình của thơ bé và thấy mình của hiện tại, đồng thời.

Hoặc khi lùa được hết bọn nhỏ đi ngủ để tôi và vợ Netflix vội buổi tối, sau một ngày dài. Cùng nói với nhau về những cái hẹn Đà Lạt, Bangkok, Châu Âu – mục tiêu phấn đấu.

Và những điều nhỏ nhặt khác, bằng lòng hoặc không bằng lòng, trong cuộc sống đang diễn ra.

Một câu hát của Trịnh mà ta vẫn hay nghe. Cho đời chút ơn.

Có lẽ vậy.

221121

November 22, 2021  Leave a comment

lặng yên sau giông bão

Tôi 33 tuổi.

Mỗi năm muốn viết một chút khi tuổi mới đến. Tôi nghĩ tài sản lớn nhất của một người, không phải số tiền kiếm được hay các thành tựu, mà chính là các suy tưởng của họ. Suy tưởng là một thứ di sản.

Suy nghĩ, suy tưởng, ý tưởng, trí tuệ, đều chung một nghĩa, tựu chung lại là thứ tài sản thực sự cá nhân mà mỗi người có thể để lại trên đời. Người ta thích ý tưởng lên sao Hoả của Musk hơn là việc ông là cổ đông của tập đoàn ô tô giá trị nhất thế giới. Người ta thích Romain Gary, làm sao mà không thích được một tình yêu nồng nàn như Romain Gary?

Tự dưng tôi có một suy nghĩ, chỉ một hai năm nữa thôi là mình sẽ nằm trong tiêu chí loại trừ của rất nhiều công ty tuyển người trẻ (các loại công việc hay ghi ưu tiên người từ 27 đến 35 tuổi), nhưng ngược lại cũng nằm trong tiêu chí cộng của các công ty tuyển người dày dặn kinh nghiệm (các loại công việc cần tuyển người thâm niên lớn hơn 35 tuổi). Lý tưởng nhất của sự nghiệp là bạn bước ra khỏi một tiêu chí để đạt đến một tiêu chí khác. Nhưng sẽ thật tệ nếu bạn không còn nằm trong bất kỳ tiêu chí tuyển dụng nào. Tức là tôi còn từng ấy năm để quyết định sự nghiệp của mình có sang được một nấc mới hay rơi tõm vào đáy sâu của vùng ở giữa không thuộc về đâu cả. Mid-life crisis của rất nhiều người xảy ra khi bước vào transition time giữa hai giai đoạn đó và bị chối bỏ bởi tứ phía dập dồn.

Nhưng thật ra tôi không quá quan tâm.

Ở cái tuổi này, mà người ta hay nói “không quá trẻ để bla bla, không có già để bla bla”, tôi nhận ra; so với mấy năm trước khi mới ba mươi; các triết lý cuộc đời, mindset, lý tưởng sống, cái mình theo đuổi, đã dần dần xây dựng. Cũng có thể nhiều thứ sẽ thay đổi, thế giới quan và cách ta suy nghĩ cũng thay đổi theo, ai biết trước được, nhưng tôi không còn hỏi mình một loạt các câu hỏi cuộc đời “tôi là ai”, “tôi muốn trở thành gì”, “tại sao…” như hồi trước nữa. Có những câu hỏi đã tìm ra trả lời, có câu hỏi left unanswered, better be that way, có những câu hỏi trở nên không còn đúng nữa. Có những câu hỏi trước kia, vào một lúc nào đó quan sát ông con lớn lên dần và người vợ của mình sống bên cạnh hàng ngày, câu hỏi ấy tự biến mất, trở thành một khẳng định. Cuộc đời không phải là cứ đi tìm các câu trả lời khác nhau cho các câu hỏi. Cuộc đời là để đi tìm lời khẳng định.

Nghe như lời trong cuốn sách Đi tìm lẽ sống của Viktor Emil Frankl, một cuốn sách đầy cảm động từ một nạn nhân sống sót qua trại tị nạn và đợt diệt chủng của phát xít Đức. Người ta phải qua biến cố mới hiểu bản thân, tôi nghĩ là điều này đúng.

Những biến cố đẩy ta vào sâu hơn con người mình.

Có lẽ tôi là kiểu người chẳng bao giờ thoả mãn với tất cả các sự ghi nhận từ bên ngoài. Tôi chỉ thoả mãn khi bản thân mình ghi nhận mình từ bên trong. Cố nhiên, tôi không biết điều này quá sớm, thành ra bao nhiêu năm cố gắng chạy theo các thành tích phù du, theo các tiêu chuẩn xã hội và nhận ra mình không thực sự thấy tốt lắm kể cả khi đạt được cái này cái kia, tôi mới hiểu điều đó hoàn toàn không quá quan trọng với mình.

Mỗi khi lái xe và thấy trái tim mình vẫn xao xuyến với lời ca của Trịnh, hoặc một câu hát hoang đàng da diết của Lê Uyên Phương, tôi thấy mình mới là đang sống đến trọn cùng.

Xin cho yêu em nồng nàn
Xin cho yêu em nồng nàn
Dù tháng năm buồn vui bàng hoàng

Hay như khi lặng yên bên nhau sau giông bão, sau những niềm vui không nói nổi nên lời, nhìn con mình ngủ say sau một chập khóc hờn, mệt mỏi, chúng tôi thấy tình yêu vô thanh, vô ưu, tự bao giờ.

Những điều thực sự quan trọng với mình.

Những tiêu chuẩn của bản thân.

Tôi nghĩ cuộc đời là cuộc hành trình đi về với chính mình, tìm cho mình các cơ hội để thấu hiểu bản thân, và qua đó tìm được đến sự hài lòng.

Nên đừng quên chăm lo cho các thú vui tinh thần của mình, các thú vui sẽ cùng mình trưởng thành lên và già đi.

Cũng như những người đi cùng mình trên hành trình đó, may làm sao, hành trình đó không hề là một hành trình đơn độc.

Thêm một tuổi nữa cùng em.

Em
Kề vai tôi ngồi bên thềm
Bỏ lại đằng sau
Những khúc quanh co
Và cám dỗ để quay về
060720

July 6, 2020  Leave a comment

Cái hang

“Tôi viết để biết mình nghĩ gì” – Frédéric Beigbeder

Quán cà phê giống như một cái hang.

Hàng quán của Hà Nội dần trở nên giống nhau, không phân biệt đó là quán trà đá vỉa hè, trà chanh, cà phê hay nhà hàng, không gian kín hay mở; tất tần tật khách khứa đến rất đông và nói rất to, hét vào mặt nhau, phì phèo thuốc lá, mặc kệ cho bên cạnh là trẻ em hay phụ nữ mang bầu. Thêm một điểm chung của hàng quán Hà Nội đó là âm nhạc đã trở thành tiếng ồn, như Orhan Pamuk nói, khi âm nhạc trở thành những tiếng ồn, đó chính là sự bất hạnh. Rất khó tìm được một quán cà phê Hà Nội không bật nhạc ngớ ngẩn, không đông khách, và không thừa mứa tiếng ồn. Đôi khi tôi thấy tội nghiệp cho một chuỗi nhà hàng franchise của Tây, toạ lạc ngay trung tâm Hà Nội đắt đỏ, mọi thứ đều rất fancy cho đến khi âm nhạc thị trường thoả sức rắt réo, được thản nhiên bật lên bởi một tay nhân viên nào đó không đếm xỉa gì đến tính cách thương hiệu.

Nhưng bước vào quán cà phê này thì khác, giống như bước vào hang, con người cần phải cúi đầu. Tốt nhất là hạ mình xuống cho thật thấp. Thứ nhất, quán chỉ bán cà phê; tức là, không phải quán cà phê bán, giả dụ, trà sữa, hay những đồ uống rất khó gọi tên vì thành phần hỗn hợp của những chất hoá học trong nó; quán chỉ bán cà phê, cũng tức là, tự hạn chế được một thành phần khách đến quán cà phê chỉ để uống tất cả những gì không phải cà phê, và quán chỉ bán cà phê đúng là cà phê, coi như tiếp tục lọc đi những thành phần không chịu được vị đắng chát của cà phê mà chỉ ưa bột đậu rang hoặc thứ gì đó có màu nâu tương tự. Thứ hai, quán chỉ bật một gu nhạc duy nhất, không phải thị hiếu phổ thông. Và thứ ba, đến quán không được nói to và tụ tập đông người. Quán cà phê rất tối, không có wifi hay toilet, và rất chật chội, nếu hơi đông một chút là mỗi người sẽ nép sát vào nhau.

Tức là mọi thứ ở quán cà phê, hay cái hang, này là một nỗ lực kiệt cùng để chống lại chính mình đừng trở thành một quán cà phê đặc trưng Hà Nội – nơi người ta có thói quen đến đó để rủa xả những căm tức xã hội hay bộc lộ toàn bộ phần che dấu của con người mình. Không đâu người Hà Nội bộc lộ rõ bản chất hơn ở quán cà phê. Nhưng cái hang quy định rất rõ, nói hơi to một chút, âm lượng vượt qua thính giác của người bên cạnh đều là những sự suy đồi lớn, và bạn sẽ bị mời ra ngoài. Tôi từng chứng kiến sự hậm hực của hai người phụ nữ không xinh đẹp lắm nhưng luôn tỏ ra là mình xinh đẹp vốn quen với việc chia sẻ chuyện trong nhà của họ một cách thoải mái ở chỗ công cộng bị mời ra ngoài; trong khoảnh khắc đó cơn sốc của họ, sự tức tối của họ, cơn bùng nổ kinh khủng của họ vì không chấp nhận nổi sự hấp dẫn mà họ tưởng là họ có, sự hấp dẫn vốn đã quen được chiều chuộng và mang đến cho họ những đặc cách, trong trường hợp này hoàn toàn bị khước từ bởi sự thản nhiên của người nam phục vụ trong cái hang, chỉ vì họ nói hơi to. Cách tốt nhất để làm điêu đứng một phụ nữ ư? Cứ mặc kệ họ. Phụ nữ không chịu đựng nổi việc không được chú ý tới.

Phụ nữ hấp dẫn thì rất nguy hiểm. Nhưng phụ nữ tưởng là mình hấp dẫn thì thật thảm hại. Tôi từng ngồi ở một quán cà phê khác, trên vỉa hè Hà Nội sát rạt Hồ Gươm, cũng là một quán cà phê chật chội, vì khá chật chội nên tôi phải chọn một cái ghế mà sát bên cạnh đã có người ngồi; trước khi ngồi xuống, vì lịch sự tôi hỏi cô gái bên cạnh liệu tôi có thể ngồi đó được không, cô gái đó nhìn tôi, theo cách nhìn mà tôi hiểu là cô gái cho rằng câu hỏi đó chỉ là một cách để tôi bắt chuyện và làm quen (rất dễ nhận ra những cô gái đi đến quán cà phê để chờ đợi đàn ông làm quen), như đã quen với việc đàn ông đến làm quen với mình, gửi trả cho tôi một cử chỉ kiêu kỳ. Tôi nhún vai, ngồi xuống bên cạnh, cắm tai nghe vào nghe Bob Dylan và đọc sách. Đó là một cuốn sách rất cảm động của nhà văn người Hungary, viết về tình yêu trong chiến tranh, mà tôi nôn nóng muốn đọc cho xong. Đối với tôi, khi ngồi cà phê một mình và cắm tai nghe nhạc đọc sách là cách để hoàn toàn quên lãng xung quanh, tạo một màng lọc với thế giới bên ngoài, một khoảng cách để thế giới đừng động đến tôi nữa, một tuyên ngôn về lãnh thổ bất khả xâm phạm mà không ai được hoan nghênh vượt qua. Cô gái ấy có vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi ngồi xuống bên cạnh, cắm tai nghe đọc sách. Chừng một lúc, dường như không chịu đựng nổi việc tôi cứ ngồi đó đọc sách và không làm gì (làm quen chẳng hạn, như bất kỳ gã đàn ông nào khác), cô gái đó bắt đầu tìm đủ mọi cách vô tình nhất để gây chú ý của tôi. Một vài cái đụng chạm nhẹ giả vờ, thỉnh thoảng quay sang nhìn tôi đủ lâu để tôi biết, nhìn cuốn sách tôi đọc, lấy điện thoại ra selfie với cô bạn bên cạnh và tỏ ra đáng yêu. Tôi nhã nhặn dịch sang một chút dù gần như không còn khoảng cách bên phải nữa. Tiếp tục đọc sách, theo đuổi cuộc gặp gỡ của hai bệnh nhân người Hung nói tiếng Thuỵ Điển trong hai trại tị nạn làm quen và nâng đỡ nhau qua những lá thư. Đó là cuốn sách dạy cho ta về sự khờ dại của con người, nhưng cũng chính sự khờ dại với thực tế khốc liệt của bệnh tật và chiến tranh lại có thể cứu sống con người, chứ không phải sự tỉnh táo. Cô gái bên cạnh tiếp tục quay qua nhìn tôi, thường xuyên hơn lúc trước, sự sốt ruột của cô cũng cân bằng với sự nôn nóng đi đến cuối câu chuyện của tôi. Bob Dylan đang hát một bài hát về chủ nghĩa hiện sinh, nỗi buồn chán của thân phận con người, nhưng lại là bài hát tràn đầy hy vọng. Cô gái ấy thì thầm gì đó với cô bạn, quay sang nhìn tôi, rồi quay sang nhìn cô bạn, và cứ tiếp tục nhìn tôi mãi và chờ đợi. Cà phê ở quán có một mùi ấm áp và mạnh mẽ, mùa đông Hà Nội đang di chúc nốt những gì còn lại của nó trong những làn gió thoảng kiệt sức, heo may vật vờ không chống đỡ nổi cơn nóng đầu mùa khốc liệt; tôi ở đây nhưng cũng không thực sự ở đâu cả. Cô gái ấy đụng chạm một lần nữa, vờ như vô tình, tôi không phản ứng gì, nhưng cô ấy quay sang nhìn tôi chằm chằm, đủ lâu. Người khách bên cạnh đứng dậy đi về, tôi quyết định chuyển qua bên đó, tạo một khoảng cách, một thái độ, quá đủ cho mọi sự xâm phạm không gian riêng tư của việc đọc, tôi mang cốc cà phê của mình đi theo, cảm nhận sau lưng một sự tức tối lạnh lẽo. Nhưng cũng có sao đâu, tôi còn một phần ba cuốn sách đọc dở.

Tôi thích đến cái hang, chìm vào một góc trong đó, đọc sách và uống cà phê. Con người thì thầm xung quanh, thì thầm đúng nghĩa, nếu như họ không đến cái hang một mình. Cái hang có một không khí căng thẳng nhất định. Nhưng tôi thích cái tối tăm căng thẳng ở đó. Một quán cà phê áp đặt một chút căng thẳng lên khách hàng là một quán cà phê thành công, chứ không phải ngược lại, để mặc khách hàng huỷ hoại và biến nó thành một cái chợ vỡ hung hiểm.

Cái hang phục vụ thứ cà phê rang mộc, mà theo họ tự nhận một cách khiêm tốn, là trung bình yếu về mặt chất lượng, tuy vậy trong suốt các năm lê la cà phê Hà Nội, tôi chưa thấy ở đâu cà phê ngon như ở đây. Cà phê tôi thích uống nhất là ở Đà Lạt, thứ đồ uống được ướp thêm một chút sương mù vùng cao, thưởng thức trong cái nắng gió và không khí tan loãng của thành phố buồn dễ làm người ta xao nhãng và trở về đời sống hưởng thụ đúng nghĩa. Uống cà phê ở Đà Lạt là một sự thưởng thức cuộc đời buồn bã trôi đi. Cà phê của Cái hang cũng có xuất xứ Đà Lạt, đưa từ vùng núi cao về, thưởng thức trong một căn góc bị bỏ quên chật chội trong cái thành phố không còn mấy bản sắc từng có, dĩ nhiên mất đi sự bồng bềnh, nhưng phần nào dễ chịu hơn tất cả các quán cà phê dễ dãi khác. Cái hang không có wifi hay toilet, lại vô cùng tối và chật chội, tức là về mặt tiện nghi hoàn toàn không thiết kế cho việc ngồi lâu dài hay đi đám đông cùng bạn bè. Đối tượng đến với Cái hang phù hợp nhất là những người tìm đến một chút ẩn mình thoáng chốc, lặng lẽ bên một cốc cà phê được pha dày công, cẩn thận. Người pha cà phê vô cùng chậm rãi, nhẩn nha, tĩnh lặng tập trung vào việc của mình, như cách họ tự nhận có phần hơi trầm trọng, phần nào giống một tử tù lặng lẽ cải tà, còn với thiện cảm của tôi thì thấy giống các nghệ nhân khó tính với bản thân mình, kiên quyết không để sơ sảy trong việc rèn luyện kỹ nghệ hơn. Cốc cà phê nóng ấm, được pha điềm tĩnh, mỗi khi đặt xuống bàn của khách, chủ quán cẩn thận căn dặn cách uống sao cho thật vừa, như thể truyền cái nhiệt tình của mình cùng chút u uất lắng đọng trong hồn cốt của cốc cà phê đến người thưởng thức. Cái u uẩn nhẹ nhàng cùng mùi cà phê trong không gian tối tăm chật chội hoá ra lại phần nào dễ chịu.

Cái hang không khuyến khích chụp ảnh hoặc giới thiệu rộng rãi, vậy nên tôi không nêu tên ra làm gì. Phổ biến địa điểm này thực ra sẽ huỷ hoại họ. Những người thích uống cà phê ở Hà Nội có lẽ cũng sẽ tự tìm ra quán cà phê chất lượng này thôi.

March 16, 2020  Leave a comment

Trầm

Cậu bạn đồng nghiệp ở công ty tôi hôm trước dán miếng cao ở cổ, cùng vài vết giác hơi. Hỏi thì cậu ấy bảo bị đau đầu mấy ngày nay. Tôi bảo cậu ấy thực ra bị stress, cậu ấy bảo “vâng”. Cậu bạn này bề ngoài lúc nào cũng bình thản, thuộc style lỳ lợm ít biểu lộ sức ép, năng lực cao; nhưng nói chung vẫn không dấu nổi dấu hiệu của stress công việc.

Tôi nhìn quanh, xung quanh tôi không thiếu những người trẻ có tài thành công sớm, gánh trọng trách cao, và hầu hết đều ít nhiều trầm cảm nhẹ. Dù bạn có giỏi đến đâu thì trong guồng quay của business, bạn vẫn cứ phải rướn mình lên không ít thì nhiều. Nếu bạn không trầm cảm nhẹ, thảng hoặc đôi khi stress công việc, có lẽ bạn đang chơi cái games vẫn dưới sức của mình. Games lớn khiến mình chật vật mới mang lại cảm hứng cao, và games cứ khó dần lên không bao giờ kết thúc. Cho đến khi bạn muốn dừng lại.

Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy, chẳng chừa được mấy người.

Có những ngày ra khỏi văn phòng, ta đồng thời trải qua hai trạng thái; vừa thở phào nhẹ nhõm như trút bỏ được, vừa sợ hãi biết rằng guồng quay vẫn đang vận động về bất tận. Tâm lý nhị nguyên ấy của dân business văn phòng đến mức độ nào đó rất dễ trở thành một thứ bệnh stress trường kỳ. Người Việt trẻ ngày càng đau đầu nhiều hơn. Và work-life balance là một kỹ năng tồn tại trong thế giới vật chất.

Có bao nhiêu dân văn phòng trẻ nhốt mình trong office và deal với trầm cảm trong công việc hàng ngày nhỉ.

***

Ba mươi phút, đôi khi dài hơn, lái xe mỗi ngày; để thoát khỏi công việc tôi nghe nhạc. Mỗi khi lái xe một mình giờ tan tầm, tôi đều nhớ đến quãng đời ở Châu Âu di chuyển trên tàu từ chặng này sang chặng khác. Phương tiện tuy có khác nhưng hoàn cảnh tương đồng, đều là tôi tách mình ra khỏi đám đông bằng cách quăng mình vào âm nhạc. Một chút lánh đời nơi thường nhật. Hồi đó tôi lẻ loi hơn bây giờ, cũng vô lo hơn bây giờ nhiều. Nhưng những lo toan đầu đời hay ở thời hiện tại, trong nhiều trường hợp vẫn được xoa dịu thoáng chốc bởi các các cố nhân xưa, những niềm vui cũ.

Hôm qua nghe lại 70 năm tình ca trong Tân nhạc Việt Nam, phần nói về Phạm Duy, Lê Uyên Phương, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Đoàn Chuẩn, Phạm Đình Chương, Trầm Tử Thiêng… và nghe câu “xin em hãy cho tôi tạ tình” Tuấn Ngọc hát, tôi vẫn thấy mình đủ rung động để yêu thương cuộc đời này, dù mỏi mệt đến đâu.

Mệt quá thân ta này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi

Tôi từng có nhiều thú vui hơn hiện tại, và dựa vào đó để tiêu tan đi những u buồn tuổi trẻ. Trưởng thành hơn, niềm vui gia đình, chơi với con, thảng hoặc hiếm khi có chút thời gian cho bản thân để tặng mình một bản nhạc cũ, tôi bỗng hiểu câu hát của Phạm Duy. Nghe xa vắng mà phảng phất đến bây giờ.

Dăm eo sèo nhân thế
Chưa phai lòng say mê

March 16, 2020  Leave a comment

Ký ức Châu Âu

Khoảnh khắc máy bay vọt lên không trung là một cơ hội lớn cho những đón lõng của ký ức bủa vây. Không có lúc nào hợp lý hơn để nghĩ về cuộc đời như khi ở trên trời. Toàn bộ quãng thời gian phi lý bất tận từ khi máy bay chầm chậm lăn bánh đến khi cất cánh chỉ làm con người bạc nhược dần đi, chờ đợi cũng như không chờ đợi, nới lỏng hết những đề phòng tự thân để mặc cho tiếng vọng từ quá khứ được dịp tràn về, lấp kín không gian xung quanh bằng kỷ niệm.

có những điều biết chỉ để mà quên
nhưng vẫn nhớ
vì quên là bất khả

Có một tiểu thuyết mở đầu bằng chính cái khoảnh khắc nới lỏng của ý chí con người khi vừa cất cánh hoặc hạ cánh ấy, đó là Rừng Nauy của Murakami. Tôi rất hiểu vì sao khi nghe bài hát của ban nhạc The Beatles và đương đầu với cơn tràn lên của ký ức, người đàn ông ba mươi bảy tuổi Toru bỗng vụt nhớ về thời hoa niên của mình, và tất nhiên, một mối tình cũ. Không có lúc nào hợp lý hơn để nhớ về bản thân mình (và những người tình cũ) như khi trôi dạt trên bầu trời.

Chiếc máy bay cứ bay lên mãi, đôi khi tôi ước gì nó cứ bay lên mãi như vậy, chẳng cần phải đặt chân xuống đất nữa, bỏ lại sau lưng những gánh nặng phố phường thì cuộc đời sẽ nhẹ nhàng đi biết bao. Ở trên không, con người tuyệt đối không làm gì, cũng chẳng thể làm được gì, trừ việc bạc nhược ngồi đó, mải miết suy nghĩ mà cũng không thực sự suy nghĩ về bản thân mình. Nhưng cũng có khi máy bay nghiêng cánh, cả một góc nghiêng mở ra chân trời rộng lớn đến phi lý, trải rộng về bất tận, khiến tôi thực sự có thể mơ hồ nhìn thấy phía bên kia bán cầu. Nhìn thấy Phương Tây. Tôi còn nghĩ nếu tôi cố gắng, tôi thậm chí còn có thể nhìn thấy chính mình; ở một lát cắt thời gian vô tình lọt qua khe hở mà thứ tự trước sau chỉ là một khái niệm tạm quy ước không thực sự có ý nghĩa; đang mệt nhọc bước đi trên những ngoại ô hoang vu của Châu Âu mùa lạnh.

đường thiên lý không em buồn hối hả
đã âm thầm
nhuộm biếc cả màu mây

Châu Âu đối với tôi là một thế giới khác, một vùng trời khác; nơi duy nhất chứa chấp nổi tôi, thay vì ném trả tôi về như những vùng đất khác – những vùng đất đối với tôi vô cùng quen thuộc; mỗi khi tôi rách rưới tan hoang nhất, trong tay hoàn toàn không có gì cả. Đó là những quãng tươi đẹp và buồn bã của tuổi trẻ, rất nhiều khi tôi không thực sự làm gì ngoài việc quăng quật, lang thang trên những ngoại ô vào buổi chiều tàn; những ngoại ô hoang vu và ảm đạm, rẽ hướng nào cũng thấy xa lạ như nhau. Tuổi trẻ hình như cứ phải sôi nổi như thế, hoang vu như thế. Đến mãi sau này, tôi vẫn khôn nguôi nhớ tiếc quãng thời gian hoang vụ ảm đạm đó.

Ký ức Châu Âu của tôi gắn liền với các mối tình. Mỗi bận đi về, tôi lại kịp có cho mình một mối tình, ngạc nhiên chứng kiến mỗi cuộc tiễn đưa ở sân bay là đều đặn những lần biến mất của một cô gái và xuất hiện của một cô gái mới. Các cô gái cứ thay nhau biến mất và xuất hiện trong cuộc đời của tôi, kéo dài bất tận cảm giác nuối tiếc dày vò của việc không thực sự giữ được ai cả, đôi khi là cả bản thân mình. Châu Âu nằm giữa ở những đổi thay, mà kết thúc của thứ này chỉ là để liên tục mở ra những thứ khác, kéo cuộc đời trôi dạt về những ngã rẽ không thực sự rõ đường. Lần trở lại Châu Âu sắp tới liệu có chứng kiến sự xuất hiện của một cô gái khác? Tôi cũng không chắc lắm.

Nhưng dẫu có hoang vu ảm đạm đến đâu, tôi vẫn không ngừng biết ơn Châu Âu đã ở cạnh tôi, chứa chấp tôi ở quãng thời gian trai trẻ non nớt của mình. Châu Âu dạy tôi rất nhiều thứ, chủ yếu là những ý niệm về khoảng cách. Mãi sau này khi trở về các vùng đất vốn thân quen với mình, nhưng không sao chịu đựng nổi sự gần gũi quá mức của con người với nhau mà chỉ khiến tôi thấy ngột ngạt khủng khiếp; rồi tôi nhanh chóng chuyển sang một vùng đất khác, Bangkok – nơi khoảng cách con người được tôn trọng hơn chút ít và cũng thấy dễ thở hơn chút ít; tôi mới hiểu rằng mình nhớ cuộc sống tuyệt đối tự do và cách biệt ở Châu Âu biết bao. Sự cách biệt của cuộc sống Châu Âu vừa thể hiện ở mặt vật lý – những thành phố của Châu Âu, nhất là vùng nông thôn không cách quá xa đô thị, những căn nhà thực sự rất xa nhau, nhỏ xinh và lặng lẽ ngủ yên trong những khu vườn và mảnh đất ngập tràn hoa và nắng của mình; đi mệt mỏi mới đến nhà bên cạnh, vốn là rào chắn lý tưởng cho những sự nhìn ngó ác ý – vừa thể hiện ở mặt văn hoá, tinh thần – người Châu Âu không có thói quen để tâm quá mức đến đời sống cá nhân của người khác. Đồng nghiệp lâu năm với nhau có khi không biết người kia lập gia đình hay chưa. Châu Âu dạy tôi về sự một mình, về những trải nghiệm tự thân. Hình như cả cuộc đời mình, cuộc chiến của tôi chỉ là cuộc chiến để có thể cách biệt càng nhiều càng tốt, tránh đám đông càng xa càng tốt, nhất là những đám đông như vậy.

Ký ức lang thang Châu Âu của tôi gắn liền với những toa tàu. Không phải những toa tàu chật ứ xác người mệt mỏi ngủ gật như ở Tokyo, mà chen chúc trên đó vốn dĩ là một nơi có phép tắc cư xử riêng rất khó nắm bắt, tôi nghĩ tốt nhất là mình cứ thu nhỏ lại thì tốt hơn, hoặc thậm chí biến mất. Những toa tàu Việt Nam, không biết gọi là tàu chở người hay hàng, hay là cả hai, trộn lẫn những mùi, những người, và không khí đề phòng thường trực làm người ta rất khó ngủ. Hay những toa tàu Bangkok, không quá đông cũng không quá vắng, nhưng vẫn rất ít khi có ghế trống, và không khí nóng bỏng thường trực. Đôi khi mải cắm mặt vào điện thoại mà quên lãng xung quanh, bất chợt ngẩng lên thấy phía trước mặt mình là một cô gái Thái xinh đến điêu đứng. Những cô gái Thái thực sự là Thái có một vẻ đẹp rất riêng, môi đầy đặn, mặt sắc nét và đằm thắm, nhất là đôi mắt, cùng sự tròn trịa lúc nào cũng chỉ trực quyến dụ người ta, mà tôi biết sự ngoan ngoãn lễ độ của họ cũng đối nghịch khủng khiếp với sự hoang dại từng trải đầy hứa hẹn cũng của chính họ. Trong khoảnh khắc ấy tôi gần như không biết phải làm gì với cô gái trước mặt; đội mũ lưỡi chai và áo phông bó sát, tôi vốn thích các cô gái đội mũ lưỡi trai, ở họ lúc nào cũng tỏ ra một sự bướng bỉnh rất đáng yêu; cũng đang cắm cúi vào điện thoại như mình. Cho đến khi tôi nghĩ ra sẽ phải bắt chuyện với nàng như thế nào (các cô gái Thái thật ra không khó bắt chuyện lắm) thì tàu bỗng dừng lại vì đến bến – cũng là bến của tôi. Tôi ngần ngừ mất một lúc nghĩ xem có nên bỏ qua bến này để ở lại bắt chuyện với nàng không, vì nàng cũng vừa kịp nhìn tôi và chắc ngạc nhiên chứng kiến sự bối rối của tôi. Nàng xinh quá đỗi, nhưng cuối cùng, tôi quyết định xuống tàu. Những chuyến tàu của Bangkok là những quãng di chuyển ngắn không thực sự đủ thời gian cho sự bùng nổ của các mối tình, nếu là tàu đường dài Shinkansen như ở Nhật Bản thì may ra, đấy là tôi cứ tự bảo mình như thế. Vả lại tôi đang cần ăn trưa hơn.

Những đoàn tàu ở Châu Âu quy củ và sạch sẽ, đặc biệt im ắng như một quy ước bất thành văn về giọng nói tránh vượt qua phạm vi thính giác của người đối diện. Sự cách biệt từ bản chất của người Châu Âu cũng không ngừng thể hiện trên các toa tàu. Cứ lên tàu là mỗi người chìm vào thế giới của riêng mình, hiếm ai nói chuyện, nhưng điện thoại thì vô tư, người ta vẫn thoải mái nói chuyện điện thoại chứ không như người Nhật kể cả bất đắc dĩ phải nói điện thoại thì cũng im lìm như xác ướp.

Còn tôi, cứ lên tàu là đương đầu với những khoảng thời gian đằng đẵng. Có rất ít thứ để nhìn ngắm ở bên ngoài cửa sổ khi bốn bề là tuyết, những sa mạc mà trước đây là vườn hoa và cảnh trí các thứ bây giờ hoàn toàn chìm trong sự dày đặc của tuyết phủ. Thảng hoặc đôi khi đoàn tàu lướt qua những khu đô thị hoặc núi non đồng bằng vui mắt một tí chỉ là các quãng nghỉ giữa những sự chuyển tiếp của vùng sa mạc trắng xoá này với vùng sa mạc trắng xoá khác. Tôi buồn chán nghe nhạc hoặc làm gì đó, chủ yếu gà gật nhưng toàn bộ thời gian hầu hết tôi không thể ngủ. Ấy thế mà có lần, không chỉ là một, tôi rơi tõm vào các giấc mộng mị ngắn ngủi mệt mỏi chỉ để sau đó phát hiện ra mình đã lỡ bến tàu.

Lỡ bến tàu vào mùa đông Châu Âu ở những thành phố không lớn lắm thực sự là một thảm hoạ. Hoặc bạn đi tiếp đến bến cuối rồi quay ngược lại, tốn rất nhiều thời gian, hoặc bạn đến bến này và chờ tàu ngược, vốn dĩ cũng tốn nhiều thời gian như thế. Các chuyến tàu ngược của những thành phố hoang vu không nhộn nhịp lắm, đôi ba tiếng, đôi khi lên đến sáu bảy tiếng, thậm chí nếu bất hạnh rơi vào lỡ chuyến cuối thì đương nhiên ta phải ngủ lại cả đêm ở bến tàu để chờ chuyến sớm hôm sau. Nhà ga Châu Âu không phải cái nào cũng mở qua đêm, chủ yếu thì con người sẽ phải ngủ ở ngoài đường, dưới cái lạnh âm độ.

Tôi không bất hạnh lắm vì không phải lỡ chuyến cuối, nhưng chuyến tàu ngược sẽ chỉ đến đây sau dăm ba tiếng nữa gì đó, đấy là tôi đoán thế chứ không thực sự biết được vì hôm đó chẳng hiểu thế nào mà nhà ga đóng cửa hết cả. Không có ai nói cho tôi biết điều gì. Bến tàu hoang vắng như sa mạc, tuyết phủ trắng xoá, trời lạnh căm căm. Hồi đó tôi cũng không đủ dạn dĩ để đi tìm một nơi trú thân, nhà nghỉ hoặc khách sạn gì đó nếu có , vả lại tôi cũng có nhiều tiền đâu, nên cứ cắn răng đương đầu với sự chờ đợi vô tận như thế, trong lòng tràn đầy tuyệt vọng. Sốt ruột chờ tàu, không thực sự rõ là đến bao giờ, ở những thành phố xa lạ chưa từng đặt chân tới, xung quanh không một bóng người, hoặc giả trong sự tuyệt vọng của tôi con người bỗng biến đâu mất cả. Tuyết rơi mỗi lúc một dày hơn, tôi bắt đầu thấm lạnh, cái lạnh của tuyết đóng băng dần con người ta; đôi khi tôi không thực sự cảm nhận rõ cơ thể mình. Mỗi tiếng trôi qua tăng dần niềm tin trong tôi rằng tàu thực sự sẽ không bao giờ đến nữa. Rằng tôi thực ra đã bị bỏ lại ở cái chốn này. Hồi đó tôi còn quá non nớt để hiểu được các dấu hiệu mà cuộc đời mang lại, nhưng có một điều tôi hiểu rất rõ đó là con người có thể lẻ loi đến thế nào. Những trải nghiệm về sự đơn độc sâu sắc nhất với tôi đều đến từ Châu Âu già cỗi.

Rồi thì tàu cũng đến; nó lầm lũi từ xa chạy lại mờ mịt trong sương mù làm tôi không thực sự chắc chắn là thật hay không, hay chỉ là những hình ảnh biến thể của ước vọng xa xôi nào đó rọi lại. Nhưng dù sao thì tôi cũng lên tàu, và không lần nào có thể ngủ được nữa.

(tuy vậy, tôi vẫn tiếp tục ngủ quên để rồi lỡ bến; nếm trải thêm các trải nghiệm tuyệt vọng tương tự khi một mình đối phó tại bến tàu; tôi đồ rằng về sau này một phần nào đó sâu thẳm trong tôi không mấy kỳ vọng vào con người hẳn đến từ nguyên nhân sâu xa của những lần bị “bỏ rơi” tại các bến tàu lạnh lẽo, nhưng về cơ bản, những trải nghiệm đơn độc kiểu ấy không hoàn toàn làm thui chột con người ta đi mà trái lại, góp phần rất nhiều vào việc rèn giũa nên sự cứng cáp)

Cuộc sống Châu Âu, có thể do sự cách biệt của nó, đánh dấu một chuyển biến quan trọng trong việc định hình con người tôi sau này. Những năm sống ở Châu Âu, do không mấy khi phải tiếp xúc với quá nhiều con người xung quanh (cuộc sống xã hội ở Việt Nam là một môi trường bủa vây dày đặc của các mối quan hệ), và do sống xa nhà, theo thiên hướng tự nhiên thôi thúc tôi trở về cội nguồn, tôi bắt đầu tìm hiểu về văn chương và tân nhạc Việt; tất nhiên không chỉ gói gọn trong sự duy mỹ của Việt Nam, về cơ bản thì tôi thích tất cả những sự duy mỹ thể hiện bằng ngôn từ và nhịp điệu; để rồi phát hiện ra một đam mê lớn của mình. Ở tuổi mười chín đôi mươi, tôi tự thấy tôi có may mắn hơn nhiều người ở chỗ sớm phát hiện ra mình yêu thích cái gì và có niềm vui theo đuổi nó. Những va chạm với văn chương và âm nhạc thời đó kích hoạt một thứ nhiệt huyết tuổi trẻ đầu đời không dễ lặp lại. Đó là một thứ hạnh ngộ mà cuộc đời đã hết sức hậu đãi tôi.

Để rồi ở tuổi hai mươi, khi hầu hết chúng bạn vẫn còn đang say mê với các cái của khỉ gì không biết, tôi thậm thụt nghiên cứu văn chương và túc tắc viết những bài thơ đầu đời. Thậm chí tôi còn tập toẹ dịch cả Đường Thi, nhưng nhanh chóng nhận ra mình thích thơ mới Việt Nam hơn nên từ bỏ.

Cả một mùa thu đã quá giang…

Xâm nhập sâu hơn vào thế giới của văn chương, thi ca dẫn lối tôi vào một thế giới rộng lớn của nội tâm mình. Tôi kinh ngạc nhận ra viết chỉ là một trạng thái khác, một biểu hiện khác, của ý thức. Khả năng viết được ra chính xác những suy nghĩ trong đầu trong biểu hiện và quy tắc của ngôn ngữ, đừng nghĩ là dễ, và quả thực phải tập luyện rất lâu. Đó là chưa kể đến viết thơ, về cơ bản là sự bay vụt lên của ý thức (quan điểm này của Nhị Linh rất chính xác); bay vụt lên tức là chọn một biểu hiện khác, biểu hiện duy mỹ và xuất thần của ý thức dưới dạng ngôn từ. Chính vì thế mà nỗi sung sướng khi viết được ra những câu mà biểu đạt trung thành với suy nghĩ nhưng bay vọt lên về mặt duy mỹ luôn làm tôi mất ngủ. Viết chính là một biểu hiện đẹp hơn của nghĩ.

Đôi khi tôi choáng váng vì vẻ đẹp của ngôn ngữ khi đọc được những văn chương mê hồn. Có rất nhiều người yêu Tiếng Việt, yêu một cách trong sáng. Tôi thuộc vào những người thực sự hiểu được Tiếng Việt có thể đẹp đến mức nào. Tôi cũng hay mỉm cười khi có ai đó phê phán về việc phải sử dụng Tiếng Việt cho “thuần Việt”, vì chưa chắc họ đã đọc nổi một bài thơ nào. Ngôn ngữ thì có quy tắc, nhưng những gì xuất sắc nhất lại đến từ sự bất quy tắc, Nhị Linh lại một lần nữa đúng.

Tôi vẫn giữ những đam mê đấy cho riêng mình, thích thú với sự theo đuổi những lĩnh vực riêng tư không mấy ai hiểu được, ít nhất là so với chúng bạn, và hoàn toàn thoả mãn với cõi riêng, với sự cách biệt của mình. Một lần nữa phải nhắc lại, cuộc chiến cơ bản nhất với tôi là cuộc chiến để trở nên cách biệt hoàn toàn so với đám đông. Thế giới ở ngoài kia dẫu có màu mè thế nào đi nữa thì tôi vẫn chỉ âm thầm hân thưởng thế giới của mình.

Có khi do sống ở Châu Âu quãng thời gian đó, vốn dĩ làm gì đó khác người hay không theo đám đông là điều hết sức tự nhiên, con người không phải lo để ý đến người khác nghĩ gì về mình, mà tôi có khoảng không để phát hiện ra thiên hướng của mình chăng.

March 16, 2020  Leave a comment

Căn cước

Tôi là một người từ quá khứ…” – Frédéric Beigbede trả lời như vậy trong một cuộc phỏng vấn. Tôi nghĩ đến gã nhà văn trầm cảm và rất nhộn người Pháp này mãi và tôi thấy là mình thật là giống gã (hơi hơi). Frédéric Beigbede vẫn là một trong những nhà văn dạy cho tôi nhiều điều nhất, về sự phù phiếm, về ý nghĩa của việc viết. Không cần đọc quá nhiều, nhất quyết không cần quá nhiều, chỉ cần đọc đủ. Đọc để thấy thứ mình cần, tìm những mảnh nhỏ rời rạc của mình. Và nhất thiết nên rút ra một điều giá trị mà mỗi nhà văn muốn dạy cho ta.

“Murakami dạy cho tôi về tính kỷ luật, thứ quyết định đến toàn bộ tập tính của tôi trong cuộc sống. Cuộc đời tức là một cuộc rèn luyện lớn để đạt được tới tiêu chuẩn của bản thân, và chỉ có tiêu chuẩn của bản thân là quan trọng. Không thể chịu nổi những kẻ hay tự hào với những thành công nhỏ (như xưa đã nói). Con người tha hoá đi vì thấy giấc mơ của mình được thực hiện dễ quá, những thành công nhỏ vì chúng đến sớm, khi người ta chưa đủ lớn để nhận nó đồng thời tiêu chuẩn của họ đơn giản quá. Làm gì có thành công, mà nếu có, thành công, đúng nghĩa phải là, làm sao nâng được tiêu chuẩn của bản thân lên và nâng lên mãi. Con người có thể mưu cầu thành công, tất nhiên, cùng toàn bộ tính chất phù phiếm của nó; nhưng ngược lại, quan trọng hơn, con người phải chạy trốn thành công mới đúng. Tức là kháng cự lại chính mình đừng để bị cám dỗ bởi những thứ nhỏ, ít nhất, nhỏ hơn chính mình. Như thế thì rẻ rúng lắm. Tôi nghĩ giải thưởng đối với Murakami trong tư cách một nhà văn đều là thành công nhỏ, một sự công nhận cho những gì bé hơn bản thân nhà văn ấy. Thành công đối với Murakami là viết văn thật cừ, và làm sao để cừ hơn nữa, giống như việc không ngừng chạy tốt hơn trong bộ môn marathon. Mọi người hầu hết nhầm lẫn về tôi hết, họ cứ tưởng là đối với tôi những gì tôi đạt được ở đâu đó là to tát lắm, kỳ thực, đối với tôi chẳng quan trọng. Tôi còn chẳng thực sự nỗ lực lắm để có một vài thứ. Tiêu chuẩn bản thân ở chỗ khác, là những thứ đáng viễn vọng và tận hưởng hơn nhiều, có một niềm vui riêng tư được tận hưởng những thành quả hết sức cá nhân mà không phải ai cũng hiểu được. Tôi nghĩ Murakami dầu sao vẫn là một người hạnh phúc vì ông hoàn toàn bỏ được những gánh nặng của các lao xao bên ngoài và áp đặt của người khác qua vai.

Frédéric Beigbede nói cho tôi về việc viết. Viết tức là giọng nói ở bên trong mình, là để biết mình nghĩ gì, đôi khi thật đáng ngạc nhiên, con người vẫn hay ngạc nhiên về bản thân mình, thường xuyên đến nỗi việc này không còn gây ngạc nhiên nữa. Ngạc nhiên cả về những điều đã biết và chưa biết. Đừng ngạc nhiên khi ta thấy ngạc nhiên về bản thân mình. Hoá ra ta là như vậy? Đúng, ta chính xác là như vậy. Frédéric Beigbede không ngừng ngạc nhiên về bản thân và viết những cuốn sách kể về việc ngạc nhiên ấy. Và tôi thấy như vậy rất khoái khẩu.

Guy de Maupassant, một nhà văn Pháp duyên dáng, người hiểu sâu sắc về uy lực của một từ đặt đúng chỗ. Chữ duyên dáng này tôi dành cho rất ít người, ví dụ như Romain Gary. Văn chương khó thấy điều này hơn thơ vì thơ có tính cô đặc; người có chút kinh nghiệm về thơ, đặc biệt là Thơ Đường, sẽ hiểu điều này, việc chọn một từ sao cho thật gọn, thật vừa vặn không phải là điều thông thường mà nhất thiết phải là một khoảnh khắc xuất thần cao vút, là ánh sáng chói lọi. Làm sao miêu tả nổi tính chất huyền ảo của ngôn từ khi dùng từ đúng chỗ? Thật là vô phương, bất khả.

Và Milan Kundera, con người uyên bác chỉ ra (một cách hết sức đơn giản về) sức nặng của sự nhẹ. Việc sống vốn hết sức đáng cười.

Những ông hoàng văn chương ấy cứ lần lượt thì thầm với tôi đến là nhiều điều. Nhưng biết làm sao được.

Tôi cũng là một người từ quá khứ; khi đọc Istanbul, tôi thấy thật gần gũi vì đó chính xác là cách tôi nghĩ về một thành phố nên được miêu tả, được hiện ra như thế nào, vô cùng sương khói mờ ảo nhưng sự mờ ảo sương khói đó là do ký ức vương vấn tạo ra chứ không phải lớp sương mù của khói tàu bên bờ vịnh Bosphorus, nơi phân chia ranh giới Đông và Tây. Một thành phố ở trong ta tức là những gì đã mất đi nhưng dường như vẫn ở lại đây mãi. Văn chương cũ, âm nhạc xưa, thơ cổ gây cho tôi hứng thú lớn. Du Tử Lê và Đinh Hùng đã từng rất máu thịt đối với tôi (bây giờ vẫn máu thịt) và có những câu thơ đối với tôi hết sức tuyệt đối (*) (Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời; Cả một mùa thu đã quá giang; Thấy cả bóng một vầng đông thuở trước). Âm nhạc của Trịnh Công Sơn và Lê Uyên Phương cũng là đỉnh cao của cái đẹp cũ. Ở đầu hai mươi tuổi tôi đã sớm biết đến những gì đẹp nhất trong Tiếng Việt, một ấn tượng mạnh mẽ khiến về sau này dẫu thế nào tôi vẫn giữ lại cho mảnh đất có thứ ngôn ngữ tuyệt này một tình cảm âm thầm, tôi không ghét nó nổi. Thế giới ước lệ trong quá khứ gọi mời người trẻ là tôi, khi ấy đang lang thang ở Châu Âu và thường xuyên nhớ nhà. Tôi là người truy ức đến cực cùng, lạc lõng đến cực cùng trước thế giới này nhưng đồng thời cũng thả trôi theo nó. Khi đọc Núi thần của Thoman Mann, ngap lập tức tôi hiểu điều mà ông muốn nói, cuộc đời tức là trở nên thích nghi với những sự không thể thích nghi được, và như những gã ở trên, đây là điều quan trọng nhất mà ông nhà văn già hiền hậu người Đức thì thầm vào tai tôi như một niềm an ủi. Tôi thấy dễ dàng hơn khi bớt bắt mình thích nghi với con người và sự vớ vẩn xung quanh đi, thay vào đó, cho phép mình hiểu rằng, tốt nhất là không nghĩ đến con người nữa. Thế giới thật ra chỉ nên thật hẹp.

Nếu sống là để thích nghi với việc không thể thích nghi nổi thì rốt cuộc, sống để làm gì? Sau khi lặng lẽ bước qua ngưỡng ba mươi tuổi, tức là bước qua ngưỡng quan trọng vô biên, tôi nghĩ là mình cần trả lời cho bản thân câu hỏi này.

Ba mươi tôi, câu hỏi lớn nhất đối với tôi đó là tôi là ai. Ba mươi mốt tuổi, tôi nghĩ câu hỏi lớn thứ hai mình cần trả lời, đó là mình muốn gì trong cuộc đời này?

Muốn gì trong cuộc đời này?

***

Khi những con thuyền chở mộng ra đi
Giấc mộng phiêu lưu như bầy hải điểu

(còn tiếp)

(*): Mượn ý của Nhị Linh (“máu thịt” và “tuyệt đối” khi viết về nhạc Trịnh Công Sơn)

July 6, 2018  Leave a comment

30

Rồi cũng đến lúc tôi ba mươi. Nghe thật lạ lùng, cảm giác tôi chưa sẵn sàng gì cho cột mốc “tam thập…” này, chỉ đơn giản là rong chơi và chẳng để ý nhiều lắm đến mọi sự như người ta vẫn thường ở vào cái tuổi ấy. Về sự lạ lùng, sẽ nói ở phía dưới; và dù sao cũng đến cái giai đoạn quan trọng đặc biệt – một giai đoạn gì đó mà tôi lờ mờ nhận ra có ý nghĩa như một bước đệm giữa hai thứ, hai nửa cuộc đời có lẽ không giống nhau lắm, nếu không muốn nói là hoàn toàn khác biệt: Giai đoạn trướcsau ba mươi; vì lẽ đó, có lẽ, tôi muốn kể chuyện đời tôi. Dẫu có ý nghĩa hay không. Những nhìn lại bao giờ cũng thật là quan trọng, nhưng chúng còn có ý nghĩa lớn hơn, cho một thứ khác, sự hướng tới.

Tất cả bắt đầu từ một mùa hè.

***

Đó là một mùa hè vô cùng nóng bỏng, cái nắng nóng cục cằn chỉ luôn muốn lấn át và kéo tuột người ta xuống một cách thảm hại. Về sau tổng kết cuộc đời mình, tôi sẽ sớm nhận ra nhìn chung không có gì tốt đẹp đến từ mùa hè, tôi thích mùa đông hơn; tôi thực sự là con người của mùa đông, đã có những lúc tôi nghĩ mùa thu phù hợp với mình nhưng nhanh chóng đi đến kết luận là cái thứ mùa lửng lơ sẽ dần biến mất vĩnh viễn ấy (và cả mùa xuân nữa) chỉ độc là một sự bạc nhược của thời tiết; chỉ có mùa đông, hoặc mùa hè, với sự tột cùng của nó, cùng sự cố chấp cũng của chính nó, mới thực sự là mùa; tôi tuyệt đối là con người của những gì lên đến cực điểm, cũng như tuyệt đối không phải của những gì lửng lơ ở giữa.

Mùa hè đó, tôi mệt nhọc hết hơi sau một set squat nặng gắng sức, cảm nhận rõ ràng chấn thương ở lưng nghiêm trọng hơn mình tưởng. Một chấn thương gì đó đau buốt khiến việc đứng thẳng trở nên khó khăn vô cùng. Ngồi bệt xuống tấm thảm của phòng tập, tôi có chừng hai phút rưỡi nghỉ ngơi cho một hiệp tiếp theo nhưng không chắc có thể tiếp tục được nữa. Cửa sổ lấp lánh nắng, chiếu xiên vào khoảng không trước mặt tôi một màu vàng rất mới. Tôi mệt mỏi ngồi đó với tất cả sự trống rỗng của mình. Murakami nói tôi chạy để đạt được sự rỗng không. Điều này thật đúng. Thể thao có cái quyền lực vô biên dễ khiến tâm trí trở nên khoáng đạt. Đối với thể hình thì điều này còn đúng hơn; trong lúc đương đầu với sức ép của sắt thép đè nặng lên cơ thể, con người không thể nghĩ đến được điều gì khác ngoài việc tập trung cao độ. Cứ lúc nào cần sự rỗng không tôi lại đi đến phòng tập. Đôi lúc, điều duy nhất đáng kể đó là không phải suy nghĩ gì.

Đó là chấn thương nghiêm trọng thứ hai kể từ khi tôi biết đến thể hình. Lần đầu tiên là chấn thương ở vai sau; đợt đó tôi đã quá chủ quan, tôi còn nhớ rất rõ đó là hôm thực sự đầu tiên tôi bước đến phòng tập bên ngoài (thay vì chỉ sắm đồ và tập ở nhà); vốn quen với thanh đòn hàng phủi ở nhà chỉ 5 kg và không biết trọng lượng thanh đòn ở phòng tập đến 20 kg, tôi thản nhiên lắp khối lượng tạ tương tự vẫn tập và nghe đau buốt bên vai trái khi nhấc lên, và cả thanh tạ gần bảy mươi cân đổ xuống ngực. Mọi người xung quanh vội chạy đến đỡ thanh tạ hộ tôi, tôi choáng váng đứng dậy, vẫn cố tỏ ra bình thản nhưng sự thực là hai tháng sau đó tôi gần như không thể giơ tay cao quá đầu.

Nhưng chấn thương ở lưng này mới thật sự nghiêm trọng. Tôi đã may mắn không bị thoát vị đĩa đệm, coi như chấm dứt sự nghiệp tập tành mới nở, nhưng vết đau vẫn sẵn sàng gào lên bất kể lúc nào để nhắc nhớ về sự có mặt của nó, kể cả khi ngủ, như khẳng định ngôi vị mà nó chiếm đoạt được. Dẫu gì đi nữa, với cái mùa hè đó, mùa hè bắt đầu của tuổi 29, tôi vẫn là kẻ thua cuộc. Tôi còn nhớ rất rõ, mọi sự khởi đầu, khởi đầu nào cũng đi kèm kết thúc, vào cái tháng thật là buồn thảm, tháng 7.

Khoảng thời gian đó, sau những đợt đi quá nhiều, tự nhiên tôi nhận ra hôn nhân của mình tan vỡ. Đến một ngày tôi, chắc chắn là cả nàng, nhận thấy mọi việc không ổn, theo một cách thức nào đó rất khó gọi tên. Tôi không còn nhận ra người vẫn hay gần mình, như thể nàng đã biến thành một ai đó khác; không còn biết, hay hiểu, chút nào về những điều nàng đang nghĩ nữa; nhưng ngay cả điều này tôi cũng không dám chắc lắm, có thể chính tôi đã trở thành một người khác mà tôi không nhận ra. Tôi có cuộc chiến của tôi, về phía nàng, rất có thể, cũng đang vùng vẫy đương đầu với cuộc chiến của nàng; hai cuộc chiến đó có thể là về cùng một thứ nhưng mỗi người lại đối diện một cách độc lập. Rất có thể là như vậy. Hoặc cuộc chiến của nàng chẳng liên quan gì đến tôi, là một cuộc chiến khác mà tôi thậm chí không có hiện diện trong đó. Có lẽ từ lâu rồi nàng đã quen đương đầu với các cuộc chiến mà không có tôi, thành thật mà nói. Tôi vẫn luôn muốn san sẻ, nhưng về phần mình, chính tôi cũng đã quen với việc đương đầu một mình, bởi vì tôi không muốn ai đó phải lo lắng cho tôi cả. Tôi nhớ nàng từng hỏi tôi rằng tôi cần ở nàng cái gì. Ở bên anh, tôi trả lời. Để làm gì? Chỉ cần ở cạnh anh thôi. Nhưng thế thì có ý nghĩa gì chứ?! Anh chỉ cần một người để tối về ôm đi ngủ, để anh có cảm giác an toàn, chỉ vậy thôi, như thế thì là ai cũng được, đúng không? Không phải như vậy, tôi yếu ớt trả lời, nhưng chính mình cũng không thực sự tin tưởng lắm. Những khó khăn vấp váp ở ngoài kia, tôi có thể chịu được, ích gì đâu khi trút nó lên đầu người khác chứ. Nhưng có thể tôi đã lầm. Có lẽ nàng đã từng muốn san sẻ với tôi nhiều hơn thế. Nhưng tôi đã không hiểu. Cũng như không hiểu nàng cần được san sẻ những gì. Có lẽ. Tôi chợt nhớ đến một (hoặc vài) lần, nàng vừa thút thít khóc vừa hỏi anh có cần em không? Em có cảm giác anh chẳng cần ai. Những câu hỏi mệt mỏi ấy luôn làm tôi cảm thấy chân mình không chạm đất và toàn thân lơ lửng, còn bầu không khí xung quanh bỗng mờ mịt cả đi như ảo ảnh. Một bầu không khí nặng nề đặc quánh thít chặt lại các suy nghĩ. Tôi nhớ đến một nhân vật của Murakami, hầu như cả cuộc đời chỉ toàn huỷ hoại các cô gái. Có một quãng nào đó ở thời sinh viên, cô gái mà gã yêu lần đầu tiên nói với gã đôi khi em thấy rất cô đơn khi ở bên cạnh anh. Về sau gã bỏ cô gái lại để đến một thành phố khác, mãi dằn vặt với suy nghĩ không thể làm ai hạnh phúc. Thở dài. Đôi khi tôi cũng tự hỏi mình điều tương tự, rằng tôi thực sự có thể làm ai đó hạnh phúc hay không. Hôn nhân, dường như là một cánh cửa hai mặt, mà người ta bước vào là những người rất quen nhau và bước ra là những người hoàn toàn xa lạ.

Tôi không nhận ra được nhiều thứ khi nó đang diễn ra, nhưng có một điều chắc chắn là đột nhiên mọi thứ rơi tuột khỏi tay rất khó kiểm soát. Khi lờ mờ nhận ra thì những gì quen thuộc đã xa tít tắp rồi. Tôi không có nhiều cơ hội để kéo lại. Tôi cũng không thể kéo lại chính tôi. Tôi ở rất xa, và cả nàng.

Murakami có những kịch tính thuộc hàng điển hình cho những sự đổ vỡ thường thấy ở hôn nhân hiện đại, mang rất nhiều ám ảnh của những sự biến mất. Biên niên ký chim vặn dây cót có một mở đầu thật lạ lùng, bỗng một buổi sáng gã nhân vật chính không thấy vợ mình đâu nữa. Giống hệt như người vợ trong Gone Girl. Chỉ đơn giản là biến mất, bỏ đi, mở đầu cho các cuộc phiêu lưu đi qua các mảng tối tuyệt vọng, để dần hé mở ra nhiều điều. Hình như trong suốt cả câu chuyện, gã chưa từng thực sự gặp lại vợ mình, hoặc chỉ là chạy theo cái bóng.

Trong một tiểu thuyết khác, còn lạ lùng hơn, mở đầu bằng bản tin cáo phó của một cô gái, hoá ra lại là người yêu cũ của gã nhân vật chính, đưa gã trở lại ký ức phóng túng vụng dại của tám năm trước với cô nàng đã chết. Đêm đó gã đi uống say và khi trở về, đột nhiên thấy một cô gái khác trong nhà mình; trong cơn chập chờn của ký ức trộn lẫn với rượu, gã nhận ra đó là người vợ đang ly thân. Gã kể cho nàng vừa đi dự đám tang của một “người quen cũ”. Đó là môt cô gái, gã kể. Vì cô gái đó mà anh đi uống say à? Nàng hỏi. Không, không phải thế. Gã trả lời. Kể cả có phải thì cũng chỉ đến một, hai cốc đầu. Một đoạn mở đầu rất Murakami dường như báo trước là gã sẽ còn gặp các rắc rối thảm khốc với nhiều phụ nữ. Thực tế về sau đúng như vậy. Cô gái có đôi tai đẹp, một nhân vật rất chính nhưng về sau cũng biến mất, không phải là người kỳ quặc duy nhất mà gã nhân vật chính của Cuộc săn cừu hoang dính líu vào trong toàn bộ cuộc phiêu lưu của mình. Đó không phải cuộc đi săn một con cừu mà chính là hành trình tìm lại hạnh phúc. Đó thực sự là một gã đàn ông đánh mất tất cả.

Nhưng trước khi đến được đến đó, nhân vật tôi của Cuộc săn cừu hoang cũng chấm dứt cuộc hôn nhân bốn năm mà không có con của mình. Đó là một ngày cuối tháng bảy của cái năm gã bước sang tuổi ba mươi. Tôi cười như điên nhưng đồng thời cũng méo xệch miệng, văn chương đôi khi cũng có thể tạo ra những định mệnh trớ trêu đấy nhỉ; từ khi cầm quyển sách này lên tôi đã biết là nó dành cho mình. Đây không phải là lần duy nhất tôi gặp chuyện này; trong giai đoạn đầu không mấy dễ dàng của hôn nhân tôi cũng tìm được sự khích lệ rất lớn từ Phía nam biên giới, phía Tây mặt trời, cuốn tiểu thuyết dạy cho tôi rằng đàn ông có thể huỷ hoại và làm tổn thương một người đến thế nào, có thể lầm đường lạc lối ra sao, mà chỉ có sự bao dung của một người đàn bà có thể cứu chữa những sai sót ấy. Đấy là cuốn tiểu thuyết dành cho những kẻ chưa biết mình thuộc về đâu tìm được nơi mình thực sự thuộc về.

Mâu thuẫn tình cảm trong truyện của Murakami không mang màu sắc xung đột và cao trào nhưng đều là những đổ vỡ từ trong nền tảng, đổ vỡ từ rất lâu mà không biết và đến một ngày chỉ đơn giản là chúng vỡ vụn ra không cứu chữa được nữa. Con người, dù sao đi nữa thì cũng thật chông chênh. Có những điều mãi sau này nhắc lại vẫn thật là đau lòng.

Nhưng dẫu có đau lòng cách mấy, hoàn toàn trong tôi không nuôi một chút hận thù nào. Tôi không bao giờ nuôi hận thù cho các mối tình; ngược lại, tôi thật sự biết ơn các mối tình đã từng đến với mình. Về phương diện này, tôi tìm thấy sự đồng cảm tuyệt đối ở Trầm Tử Thiêng. Mang ơn em trao tình một lần, là kỷ niệm dù không đầm ấm. Bài hát đó, cất lên trong tâm trạng nào thì cũng thật là cứu rỗi. Những mối tình, kể cả chúng có dìm ta xuống thật thấp, hoặc nâng ta lên rất cao, thì nhìn chung đều làm được một việc là dẫn lối cho ta bước tiếp. Cuộc đời nếu đứng yên, hoặc thậm chí là tụt lại đằng sau, thì thật thảm hại. Có những người càng đi chỉ càng thấy tụt lùi, đến lúc tuột hẳn xuống hố sâu thăm thẳm của cuộc đời không sao trồi lên nổi. Murakami theo tôi là nhà văn không bao giờ giả dối khi nói về các mối tình, đôi khi ở phương diện rất cao của nó: Sự không lời. Trong Rừng Nauy, Hatsumi có một tình yêu đặc biệt dành cho kẻ không cứu chữa được là Nagasawa; nhưng có lẽ chính vì nhìn thấy ở hắn sự không cứu rỗi được nữa mà nàng dành một tình yêu lớn đến thế và vô ngôn đến thế, bởi đơn giản là nàng biết con người này sớm muộn cũng sẽ đánh mất tất cả; trong tất cả sự thảm bại của hắn, nếu còn có thể vớt vát, đó chính là hắn đã có nàng. Phụ nữ yêu đàn ông có thể đến từ ý thức tự thân về vai trò của họ. Phụ nữ làm đàn ông lớn lên, hay nói cách khác, phụ nữ làm đàn ông thực sự là đàn ông. Đàn ông lớn lên chủ yếu qua các lần huỷ hoại người đàn bà của mình, qua đó huỷ hoại chính mình. Không có cách nào làm người đàn ông lớn lên hơn thế. Cho đến khi đàn ông học được cách yêu ai đó, hoặc lớn hơn một chút, là giữ được ai đó, họ miễn cưỡng có thể tạm gọi là. Nagasawa coi như kết thúc cuộc đời mình kể từ khi Hatsumi bỏ đi.

Đàn ông không biết được rằng có một người phụ nữ hoàn toàn dành cho mình là họ có cả thế giới. Nhưng họ còn không biết một điều là sự toàn tâm toàn ý ấy chỉ có một lần. Hajime sẽ không thể có Yukiko như đã từng có nàng (Phía nam biên giới, phía tây mặt trời).

Tôi không nuôi chút hận thù nào, nhưng rồi cũng tự tha thứ cho mình (nhưng vẫn nhớ) sau những lần huỷ hoại một người phụ nữ. Điều quan trọng là phải bước tiếp. Bước tiếp đi mãi. Như những gì họ đã dạy ta.

Một nhà văn khác cũng không hề giả dối khi nói về các mối tình là Raymond Carver. Ông có cái nhìn không dấu diếm về các đổ vỡ hôn nhân. Hôn nhân chết khi người ta ngừng nỗ lực, ngay tại giây phút đó.

Chấn thương ở lưng vẫn không thôi hành hạ tôi, cho đến khi tôi học được cách dãn cơ và thay đổi suy nghĩ về việc tập luyện. Tất cả chấn thương nhắc nhớ cho ta về việc lắng nghe cơ thể, về những sự kết nối tinh thần từ sâu bên trong. Cơ thể hầu như không hề giả dối đối với sức ép lên nó, chỉ là ta cố tình tảng lờ đi mà thôi.

Mùa hè đó đã đi qua thật là khó nhọc. Cứ nhắm mắt lại là tôi thấy mình bay, bay nhiều đến nỗi tôi dần không thuộc về đâu nữa.

(Về những chuyến bay)

(tiếp)

Có những chuyến bay ta đặc biệt nhớ vì tính chất định đoạn của nó. Chuyến bay ngày hôm ấy không giống những chuyến bay khác; mà những lần bay trước đó chỉ là các đợt háo hức để trở về; chuyến bay ấy đã mang tôi đi thật xa, những ngoảnh mặt chốc lát chỉ là dấu hiệu báo trước của mùa hè bỏ lại sau lưng thật là hoang đàng. Tôi đã nhìn rất kỹ cánh cửa nhà mình, đằng sau nó từng có một không khí thật là đáng sống. Tôi không còn có thể về lại gần nơi mình từng bỏ đi nữa, còn gì chờ đợi và dành cho tôi nữa đâu. Về sau, chủ yếu người ta sẽ chỉ nhớ đến những lần sắp xếp để bỏ đi. Tôi cũng sắp xếp lại sau lưng cả một quãng đời mình.

Nhưng căn nhà, cùng sự bảo bọc của nó, vẫn chờ đợi tôi trở về.

(về căn nhà)

Chỉ có điều, như chưa đủ thảm khốc, con Tuti cũng bỏ tôi đi trong một tai nạn hi hữu. Đôi khi tôi mơ thấy nó và ước giá như quãng thời gian đó đừng tàn nhẫn với mình như vậy; nhưng sau mọi chuyện, mỗi biến cố xảy ra như một báo hiệu về những thay đổi bắt buộc phải đến. Tôi thấy mình giống như một nhân vật của Murakami, bỗng rơi xuống giếng sâu, tắm trong dòng thác ánh sáng để tự chữa lành và tìm cứu rỗi.

Chấn thương ở lưng sau hai tháng cũng đã chịu nhường mà không trêu tôi nữa. Những chấn thương chủ yếu nhắc ta về những sai lầm, nhưng chấn thương còn nói cho ta biết về một điều nữa – sự phục hồi. Tiến trình tự chữa lành cho mình đó không sự thực đau đớn nhưng cũng đã biến tôi thành một người không hoàn toàn là mình trước đây. Đâm đầu xuống giếng là một cách để Toru đương đầu với quá khứ và tìm được đường đi vào sâu trong bản thể của mình, từ đó có thể hướng lên trên. Tôi đã bò lên khỏi giếng, nhưng một phần của mình đã nằm lại dưới đó. Tôi bỏ lại chính tôi.

Tôi vẫn tiếp tục kiếm tìm sự rỗng không, chỉ có sự rỗng không là an ủi và khích lệ tôi nhiều nhất; nhưng đâu đó sâu thẳm dường như tôi vẫn đi tìm, một thứ gì đó có khả năng lấp đầy mình. Tôi không tuyệt vọng lắm dù cuộc sống có bết bát đến mấy. Ý thức làm lại trong tôi chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế.

Điều đầu tiên tôi dựng lại cho mình, đó là nhịp điệu.

Quá trình luyện tập không dễ dàng gì khi phải cân bằng giữa cuộc sống cùng các trách nhiệm mệt mỏi của nó, nhưng bằng cách nào đó tôi vẫn duy trì được. Điều giữ nhịp cho một nhà văn như Murakami có thể miệt mài sáng tác mà không hề giảm sức hấp dẫn đó là chạy bộ. Cuộc sống của một nhà văn đương đại thuộc hàng kiệt xuất nhất hiện nay đơn giản đến không ngờ: mỗi ngày ông dậy sớm lúc 5 giờ sáng, vào bàn viết, chạy bộ, về nhà nghe nhạc Jazz trong bộ sưu tập hàng chục nghìn đĩa của ông và đi ngủ sớm. Một con người của sức làm việc dựng xây trên tính kỷ luật và sự cân bằng tinh thần. Murakami dù có xu hướng phản kháng lại sự truyền thống đến đâu thì từ trong máu, ông vẫn là một người Nhật.

Tôi đi đến phòng tập hàng tuần, cố gắng để không bị gián đoạn vào bất cứ tuần nào, dù có phải xoay sở ra sao. Về cơ bản, đối với tôi không có gì còn quan trọng hơn sự ổn định về tinh thần nữa. Những gắng gượng về một số thứ, về sau nghĩ lại thật là vô ích, tôi rút ra kết luận là bằng bất cứ giá nào cũng phải giữ cho cuộc sống của mình tính tổ chức, mà đại diện của nó là tính kỷ luật, là nhịp điệu. Tôi bắt đầu tìm hiểu về thể hình một cách nghiêm túc, tự mua đồ về nấu ăn cho mình, để ý đến tỷ lệ mỡ cơ thể cũng như tốc độ phát triển của cơ bắp. Tôi lên lịch tập luyện theo những giáo trình nghiên cứu kỹ càng, đăng ký một khóa online coaching của người có uy tín nhất trên mạng, dành nhiều thời gian tìm hiểu về dinh dưỡng và sự liên quan giữa cơ bắp và tinh thần (mind-muscle connection) để biết cách điều khiển thần kinh của mình. Sẽ thật lố bịch nếu ai đó biết tôi tiêu tốn bao nhiêu một tháng cho việc tập luyện và dinh dưỡng, nhưng như Murakami nói, hãy tiêu tiền vào những thứ tiền có thể mua được, còn hãy tiêu thời gian vào những thứ tiền không thể mua; xét cho cùng thì đầu tư vào bản thân là món đầu tư hời nhất. Tôi vẫn nhớ một câu cậu coach hỏi tôi anh có hay bị stress không. Không hề, tôi trả lời. Nhưng sau khi kiểm tra các vấn đề tôi gặp phải trong tập luyện, cậu ấy vẫn cho rằng tôi bị stress. Tôi đã nghĩ rất nhiều về việc này cho đến khi giật mình nhận ra có lẽ tôi quả đã stress thật mà không hề hay biết.

Có lẽ tôi mỏi mệt hơn tôi nghĩ. Những thay đổi ấy, những nỗi buồn ấy, những sự mất phương hướng ấy… Đã từ rất lâu tôi mới bị mất ngủ.

Thể hình có một triết lý nền tảng đó là sự phát triển của cơ bắp dựa vào sự kết nối với thần kinh. Về mặt vật lý, trong cơ thể có vô số sợi cơ nằm dưới da, nếu huy động được càng nhiều sợi cơ tham gia vào hoạt động thì càng có khả năng kích thích sự tăng trưởng của cơ bắp. Điều này có thể làm được qua sự tập luyện, càng tập nặng thì cơ bắp càng nhớ và càng có xu hướng huy động nhiều sợi cơ tham gia hơn, nhưng sự huy động từ thần kinh cũng quan trọng không kém. Nếu bằng cách nào đó mà não bộ ra lệnh được cho tất cả các sợi cơ hoạt động thì kết quả tập luyện có thể thật phi thường. Tất cả điều này cần một sự kết nối từ bên trong.

Việc tập luyện đã không chỉ là một sở thích nhằm tăng cường sức khoẻ đối với tôi, đó là con đường để tôi tìm đến sự rỗng không, qua đó tìm cho mình sự thanh thản; nhưng lớn hơn, thông qua tập luyện tôi hoàn thiện được triết lý sống cho mình; mọi sự thật là đơn giản lúc bắt đầu, ta cứ đi sâu vào nó mà không biết trước những gì sẽ xảy ra, rồi dần dần mới chợt nhận ra mọi thứ không hề đơn giản, tất cả đều có ý nghĩa của nó, đã ở sẵn đấy rồi chỉ chờ đợi ta có đủ kiên nhẫn khám phá ra hay không. Những chấn thương dạy tôi về lắng nghe cơ thể, sức chịu đựng và giới hạn của mình; còn bản thân việc tập luyện giúp tôi kết nối với nguồn sức mạnh ở bên trong – sức mạnh tinh thần. Trước hết, việc duy trì một nhịp điệu mang tính kỷ luật cao độ. Nếu chỉ tập được chăng hay chớ thì không bao giờ tiến xa, còn tôi chắc chắn không phải người làm gì qua loa đại khái. Tôi là kiểu người làm gì cũng nỗ lực hết mình, cũng chẳng phải để đạt được cái gì to tát hoặc vươn đến cái này cái kia, chỉ đơn giản là tôi không chịu nổi sự hời hợt.

Đối với Murakami, mọi thành tích và giải thưởng đều không quan trọng bằng việc đạt được đến tiêu chuẩn cá nhân tự đề ra. Tôi là người tuyệt đối có tiêu chuẩn của mình, một trong số đó: tránh xa sự hời hợt. Bầu không khí xung quanh những kẻ hời hợt luôn toả ra một thứ mùi giả dối, và là thứ không khí tôi ít muốn tiếp xúc nhất. Những kẻ hời hợt đều ngu ngốc như nhau, ghê sợ nhất là những kẻ hời hợt với chính đam mê của mình; tôi từng chứng kiến một số người miệng thì nói là thích cái này cái kia lắm, rồi muốn trở thành thứ này thứ nọ, nhưng một chút cố gắng để tìm hiểu về cái mình thích cũng lười biếng, cuối cùng dậm chân tại chỗ một cách thảm hại. Một điểm chung nữa của những kẻ hời hợt đó là luôn chỉ chọn đường dễ, hẳn nhiên sẽ không thể đi được xa, rồi kết quả là chạm ngưỡng rất nhanh, một nửa trở nên tự hài lòng với những thành công nhỏ (có một sự thật là tôi ghét những kẻ hài lòng với những thành công nhỏ, đáng buồn cười là tập đoàn những kẻ như vậy thật nhiều đến đáng ngạc nhiên), nửa còn lại biến tướng thành những kẻ than vãn, làm như cuộc đời bất công với mình lắm. Họ không biết rằng cuộc đời công bằng hơn thế, tất nhiên, cho những người nỗ lực. Việc duy trì tập luyện trong điều kiện phải làm tốt mọi trách nhiệm khác (hoặc ở mức vừa đủ, cũng cần gì hơn thế đâu) không dễ như tôi nghĩ, nhưng một sở trường của con người là tìm lý do để trì hoãn bất cứ khi nào thấy khó khăn, tôi tránh hết sức để trở thành những kiểu người thoái thác như thế. Tôi nhớ đến Murakami với những cuộc thi marathon đầy khó nhọc của ông và tìm được sự khích lệ lớn. Đó là một nhà văn muốn viết trên bia mộ mình dòng chữ một nhà văn (và người chạy bộ). Ít nhất là ông ấy chưa từng phải đi bộ.

Đi sâu vào hơn, cái tôi thực sự thích ở thể hình là những gì thuộc về bản chất của nó. Nguyên lý của thể hình là sự tự làm tổn thương cơ thể; những mạch máu li ti trong cơ bắp và những sợi cơ sẽ roách toạc và đứt gãy mỗi khi chịu áp lực từ tạ sắt, để từ đó phục hồi qua việc hấp thụ dinh dưỡng và ngủ nghỉ. Chính cơ chế bị tổn thương và phục hồi đó kích thích cho sự phát triển của cơ bắp. Thể hình là một chuỗi gia tăng tổn thương và gia tăng phục hồi. Con người thật kỳ diệu, đôi khi. Vẻ đẹp của thể hình nằm chính trong việc dạy con người về hi sinh và nghị lực, nhìn chung không có gì là dễ dàng. Cơ thể con người là một cỗ máy bền bì và ở một phạm vi nào đó, có thể coi là hoàn hảo, nó phản hồi lại toàn bộ các tác động lên nó theo một cách ghi nhớ và học hỏi hết sức thông minh, từ đó tạo nên sự thích ứng phù hợp với các tác động. Thể thao tận dụng chức năng ghi nhớ và thích ứng của cơ thể một cách tối đa. Nếu ngay lập tức bắt cơ thể làm quen với một thử thách mới, ví dụ như một chặng đường dài hơn của môn chạy bộ, hay một mức tạ mới của thể hình, cơ thể sẽ từ chối nhưng đồng thời ghi nhớ thử thách đó. Nếu chúng ta tiếp tục bắt cơ thể ghi nhớ thử thách cho đến khi chúng hiểu rằng chúng phải chịu đựng được và vượt qua, chúng sẽ dần thích ứng – hệ thần kinh khi đã hiểu được rằng chúng phải làm gì, nó sẽ ngay lập tức phát ra tín hiệu đến cơ bắp bắt chúng thực hiện. Hệ thần kinh, hay não bộ, có thể coi là trung khu điều khiển, chỉ cần thần kinh ra lệnh thì cơ bắp sẽ làm được. Cơ thể sẽ tự điều tiết năng lượng để bắt con người chạy được xa hơn, hoặc kích thích cho cơ bắp phát triển đến mức độ chiến thắng được áp lực từ mức tạ mới. Cứ cho cơ thể thời gian để thích nghi rồi nó sẽ làm được, miễn là trong quá trình kiên nhẫn chờ đợi cơ thể hiểu được cái chúng phải làm, ta liên tục nhắc cho chúng nhớ – không gì khác ngoài việc tập luyện, lặp đi lặp lại hàng ngày. Ở đây ta thấy tính kỷ luật trong tập luyện bắt đầu trở nên có ý nghĩa, vì nêu không có chúng, ta sẽ kích hoạt một chức năng khác của cơ thể, bên cạnh chức năng ghi nhớ, đó là chức năng quên. Não bộ của chúng ta hoạt động theo một nguyên lý tối ưu nguồn lực, để làm được điều đó chúng liên tục ghi nhớ cái mới đồng thời cũng liên tục bỏ đi những thứ không cần thiết nữa. Nếu một thời gian dài, thật ra không cần dài lắm, ta không cho cơ thể tập luyện thì chúng sẽ dễ dàng hiểu rằng ta không cần chúng phải tận dụng nguồn sức mạnh ấy nữa, và chỉ đơn giản là quên đi. Con người thật kỳ diệu, đôi khi.

Hiểu được nguyên lý của thể hình làm tôi thấy thật sự tôn trọng môn thể thao này. Trong chuyến đi Nhật cuối năm ngoái, tôi học được một triết lý của người Nhật đó là làm mọi thứ với niềm tôn trọng (do things with respect); nghệ thuật, đầu tiên là một việc làm đi làm lại một thứ cho đến khi thành thục. Trong bộ phim nổi tiếng về đề tài sushi của Nhật, bí quyết để làm được món sushi ngon nhất thế giới của người nghệ nhân không có gì ngoài việc không ngừng luyện tập hàng ngày cho đến khi đạt được trạng thái hợp nhất giữa sản phẩm và người làm ra nó. Đối với tôi, vẻ đẹp của thể hình nằm ở chỗ con người lặng lẽ vượt qua chính mình; vì lẽ đó, đối với tôi phòng tập trở thành một ngôi đền linh thiêng mà ở đó mỗi người âm thầm theo đuổi các mục tiêu tuyệt đẹp của mình, mục tiêu chinh phục. Về mặt này, đây cũng là một điểm mà tôi thích ở một môn thể thao như thể hình mà ở đó tính ganh thua trở thành thứ yếu. Thể hình là một môn rất cá nhân. Tôi không phải con người của tập thể, dù ở mặt thể hiện tôi có nằm trong một tập thể nào đó đi nữa thì tôi vẫn luôn cách biệt khỏi nó.

Mỗi khi ngồi đó nghỉ ngơi sau những set tập nặng, tôi rơi vào trạng thái rỗng không, cũng chẳng thể nghĩ được gì. Nhưng cũng có đôi lúc, sau những thất bại của lần thử mức tạ mới, tôi ngồi đó, quanh quẩn với suy nghĩ. Tôi cố nghĩ xem, tôi là ai?

(tiếp)

Không có lúc nào thích hợp để nghĩ xem mình là ai hơn những lúc trống rỗng ngồi đó sau những set tập nặng. Tự hỏi xem mình là ai? Điều này có thông thường không? Thường nhật có lẽ người ta chẳng bao giờ tự hỏi, và cất công đi tìm, xem mình là ai. Con người tự hỏi bản thân cái gì đấy đã là hiếm rồi, còn cố nghĩ xem mình là ai có lẽ càng lạ lùng hơn. Những người như thế hoặc đã biết rõ về bản thân mình, hoặc tự bằng lòng với việc chẳng cần biết mình là ai; trong phạm vi những người tôi biết, vế thứ hai nhìn chung là nhiều hơn, dù cho đa số vế thứ hai cứ nghĩ là mình thuộc về vế thứ nhất. Thêm một điều thông thường nữa là hầu hết chúng ta nhầm lẫn về bản thân hết, những cái cứ tưởng mình là thế này hoá ra là thế kia, vân vân và vân vân. Tôi quen biết một số cô gái, nói chung thuộc vào tập hợp cái xu thế gì đó mà người ta vẫn hay gọi là tự do, tài giỏi; không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để thể hiện sự không cần đàn ông của mình, thế hệ phụ nữ hiện đại không-thuộc-về-ai mà tôi hết sức ngưỡng mộ, luôn truyền cảm hứng cho các cô gái khác mạnh dạn đi theo lối sống young and wild đầy cuốn hút. Những cô gái sẵn sàng gánh vác cả thế giới trên vai mình. Tôi thấy đàn ông thật là thảm hại đối với họ. Thế nhưng tôi cũng hết sức ngạc nhiên khi cũng chính họ, luôn âm thầm kêu gào tủi thân mạnh mẽ nhất vào những dịp như Valentine hay Noel các thứ khi, dù đã tinh tế thả thính khắp nơi trước đó, không có bóng dáng đàn ông nào để chiều chuộng đưa nàng đi chơi. Nỗi ấm ức từ niềm kiêu hãnh của họ cũng lớn như sự bạc nhược của đàn ông. Tôi thấy đàn ông thảm hại gấp đôi mỗi khi như thế, chỉ giỏi tán tỉnh vui đùa nhưng đứng trước các mẫu phụ nữ độc lập thì thường tự khắc thu nhỏ mình lại. Đàn ông mang trong mình nỗi mặc cảm vô biên trước các phụ nữ lớn hơn mình. Nhưng, tôi cũng lại rất ngạc nhiên, mỗi khi có may mắn được cởi bỏ hết đồ của một cô gái độc lập tự chủ không-thuộc-về-ai trên giường, tưởng rằng nàng sẽ quyết liệt lắm như vốn dĩ, sẽ vồ vập nuốt chửng lấy tôi, không ngại thể hiện ham muốn và sự kiêu bạc của nàng; nhưng phụ nữ nhìn chung là khi bị lột hết đồ ra sẽ trở lại bản chất mềm mại kỳ diệu của họ, và đôi lúc yếu đuối đến mong manh, chỉ chạm vào một chút thôi là họ có thể khóc oà lên được. Về sau tôi hiểu ra, đối với phụ nữ, khi cởi bỏ một trong hai thứ, một là quần áo, hay là lớp phấn son trang điểm, là giống như giúp phụ nữ trút đi một gánh nặng lớn của cuộc đời gồng gánh ngoài kia, để họ có thể trở về con người thật đằng sau của mình, nép sát vào ta mà thổn thức những chông gai cuộc đời, bất kể trước đó họ đã từng cứng rắn thế nào đi nữa. Phụ nữ không biết rằng đàn ông ngưỡng mộ sự tự chủ của họ nhưng chính phần mềm mại của họ mới là phần phụ nữ nhất. Đàn ông yêu phụ nữ khi họ là chính mình. Đàn ông cũng cảm thấy mình là đàn ông nhất khi được phụ nữ tin tưởng. Cũng chính bởi ân sủng từ sự tin tưởng ấy mà tôi mang nỗi biết ơn vô cùng lớn tới các cô gái đã vui lòng trút bỏ cả những bộ đồ và lớp trang điểm kỳ công của họ để cho tôi bước vào. Hơn hết thảy, tôi thấy biết ơn nàng, người tôi rất hân hạnh được mời chia sẻ cuộc đời mình.

Nếu nói tiếp thì tôi sẽ chìm đắm vào các cô gái, trong khi tôi chỉ đang tự hỏi xem mình là ai. Vì thế, tôi tiếp tục ngồi đó, nhìn ánh nắng chói chang của một mùa hè chiếu xiên từ cửa sổ vào làm chiếc bóng tôi đổ dài trên sàn tập, cái dáng bóng uể oải như không còn linh hồn nữa giống trong truyện Xứ sở diệu kỳ vô tình và nơi tận cùng thế giới; tôi ngồi đó nhìn lại tất cả quãng đường đã qua của mình. Không có cách nào để biết mình là ai tốt hơn là nhìn lại tất cả quãng đường đã qua. Đối với Kundera, cuộc đời là để chứng kiến tiếng thì thầm của quá khứ suy yếu dần. Tôi đã sống hai mươi chín năm, tưởng tượng đến hai mươi chín năm đã qua đó, tôi thực sự hiểu Kundera muốn nói gì; quá khứ rồi sẽ thu nhỏ lại, thật nhỏ, thậm chí nhỏ đến cực cùng kích cỡ của nó. Toàn bộ cuộc đời phía sau của con người, qua màng lọc ký ức, có thể chỉ đựng vừa trong một dung lượng thời gian vẻn vẹn vài phút. Ký ức thu gọn đến cực điểm, nhưng dù tinh gọn đến mấy thì nó vẫn ở đó, không chối bỏ được sự từng hiện diện của nó, còn người ta thì sống tiếp, vẫn sống tiếp bất kể đã từng có quá khứ hay không. Tất cả những gì gọi là rực sáng nhất của quá khứ hai mươi chín năm đang không ngừng đi về phía sau có lẽ tinh gọn lại chưa đến hai phút, tôi nhìn thấy tất cả những thứ muốn thấy, muốn nhớ, muốn quên đi nhưng vẫn nhớ (“Có những điều biết chỉ để mà quên/nhưng vẫn nhớ/vì quên là bất khả…”)… có những điều thật lạ lùng, những mảnh ghép không hiểu tại sao lại chắp nối vào với nhau, những ngã rẽ tự dưng lạc lối bước vào. Có rất nhiều điều tôi không hiểu về cuộc đời, nếu có gì đó tôi hiểu thì nó hoàn toàn không phải một đường thẳng tắp được định sẵn, mà là một kết nối liên tục của những ngã rẽ không ngờ. Có những người có khả năng hoạch định cuộc đời theo tỷ lệ đúng đến đáng ngưỡng mộ, nhưng có lẽ tôi thuộc về số những người cứ để cuộc đời lặng lẽ cuốn đi, giống như Phương, âm nhạc của người nghệ sĩ ấy là dành cho những tâm hồn trôi dạt.

Tôi không thực sự biết mình là ai, sau những gì đã xảy ra mà tôi không hiểu tại sao, tôi dần đi đến kết luận đó. Nghe như những nhân vật của Modiano, những nhân vật già cỗi đã sống quả nửa đời người nhưng không ai thực sự biết mình là ai. Tất cả tiểu thuyết của Modiano đều kể đi kể lại các cuộc đi tìm căn cước cá nhân của những người đến một giai đoạn nào đó của cuộc đời, không gì quan trọng hơn là đi tìm lại chính mình. Hầu hết bọn họ đều đương đầu với quá khứ, với những gì dở dang trong quá khứ, đi qua các lát cắt thời gian và màng lọc mờ ảo của ký ức để chắp nối các kỷ niệm tưởng như rời rạc nhưng lại rất có ý nghĩa trong việc xác định danh tính bản thân. Tại sao việc đi tìm lại căn cước cá nhân lại quan trọng đối với Modiano như vậy? Có lẽ bởi đối với ông, tìm lại căn cước cá nhân là những cuộc nhìn lại, một cách rời rạc nhưng hết sức tổng thể, những gì thực sự là quan trọng nhất đối với cuộc đời mỗi con người. Cuộc đời thì ngắn, nhưng vẫn đủ dài để ta sống qua phần lớn thời gian không thực sự có mấy ý nghĩa. nhìn chung khi tổng kết cuộc đời một con người, chỉ cần nhớ những gì mang tính định đoạt là được, có phải thế chăng? Những ký ức định đoạn ngắn ngủi nhưng có thể nói trọn vẹn về một cuộc đời; khi cuộc sống không phải là cố để cho thật dài, mà làm sao để những phút giây có tính xác quyết cao ấy xảy đến  với mình. Nếu không thì thật chẳng còn gì ý nghĩa. Chúng ta sẽ nhớ gì khi nhớ về quá khứ của mình?

Tôi nhìn lại mãi dung lượng ít ỏi hai phút cuộc đời mình. Hai mươi chín năm cô đọng vào hai phút không biết là nhiều hay ít, nhưng sự sống động của nó khiến tôi ngạc nhiên bất tận. Liệu vài chục năm nữa, khi tôi già hơn, ký ức cuộc đời được tinh gọn lại khi ấy có dài ra không, hay chúng rồi sẽ lại thu ngắn lại hơn nữa? Tôi sắp bước sang tuổi ba mươi, coi như giở sang trang tiếp theo hết sức quan trọng của cuộc đời.

Ý nghĩa chạm vào cột mốc ba mươi tuổi làm tôi thấy thật lạ lẫm.

(tiếp)

 *********

(rẽ ngang một chút để nói về tuổi ba mươi)

Một cách tự nhiên, tôi thuộc về những người quan niệm rằng cuộc đời của một người đàn ông có những cột mốc trọng đại. Có nhiều cách chia cột mốc cuộc đời, nghiêm túc nhất là theo dạng sự kiện biểu đạt mức độ trưởng thành đã thành khuôn mẫu đại để bao gồm thứ tự lớp lang hoàn chỉnh: hoàn thành việc học hành, đi làm, thăng tiến, lấy vợ, sinh con, trở thành ông bà viên mãn, chết đi để lại ít nhiều di sản; ít nghiêm túc hơn là những sự kiện khiến đàn ông thay đổi dần con người vụng dại của mình, kiểu như lần đầu cúp học, nhận thức được sự vô nghĩa của giáo dục, theo đuổi cái mình thích với rất nhiều hoài bão và ít nhiều nghi ngờ, chinh phục được cô gái đầu tiên của cuộc đời, nhanh chóng huỷ hoại nàng để đi tìm những thứ ý nghĩa hơn nhằm so ngang với đời, rồi càng nhanh chóng hơn nhận ra thất bại và thu mình vào một góc, ngụp lặn trong vũng bùn cho đến lúc chớp được một thời cơ nào đấy không thực sự đến từ năng lực cũng như ý chí cá nhân, bằng lòng với việc đứng ở một vị trí không mấy nổi bật trong xã hội nhưng miễn sao tránh xa được đáy vực để ngửa mặt với cuộc đời là đã sung sướng lắm rồi, vì đã chán một mình chủ yếu do cứ thấy phải chăm lo cho bản thân là rối tung lên nên lấy một, đôi khi là nhiều, cô vợ với tiêu chí nhìn chung không giống mấy, đôi khi là hoàn toàn đối ngược, với hình mẫu tự đặt ra cho các cô gái cách đây mười lăm năm khi còn ham muốn tự quyết định mọi thứ trong cuộc đời, sinh những đứa con hoàn toàn không có khả năng dạy bảo chúng và đương đầu với các cuộc chiến thường xuyên của việc ép lũ trẻ vào khuôn khổ – thực chất là để cứu vớt ám ảnh quyền lực thường trực nơi người đàn ông – cái khuôn khổ mà, như mọi mâu thuẫn thế hệ, kẻ trẻ hơn luôn ấm ức muốn thoát ra khỏi những gì mà người già hơn muốn ép họ vào – đến khi nhận ra điều đó vượt quá khả năng của mình, chán nản buông bỏ gia đình vốn dĩ hầu như chỉ một tay người vợ xây dựng, quay sang tìm cách tạo dựng sản nghiệp nhỏ nhoi coi như vớt chút thanh danh còn lại để đỡ cảm thấy lụi bại mỗi khi người khác nhìn vào. Sự bất đắc chí của đàn ông có thể là vô cùng lớn khi cả cuộc đời họ chỉ là đi giải quyết những việc mình đã gây ra. Cách chia cuộc đời thứ hai này có thể chẳng cần thứ tự lớp lang mà cứ lẫn lộn hết cả các sự kiện lên cũng được, dường như như thế lại càng đúng bản chất nhất.

Tôi không biết mình là ai, nên cũng không thực sự biết các sự kiện nào là quan trọng đối với mình (có những thứ tưởng là quan trọng hoá ra thâm chí còn chẳng nằm trong hai phút tinh gọn cuộc đời ấy), nên tôi sẽ chỉ chọn cách chia cột mốc chân phương nhất theo các mốc tuổi vậy thôi. Có lẽ chịu bởi ảnh hưởng bởi quan niệm thông thường nào đó mà tôi nghĩ, mốc ba mươi tuổi có ý nghĩa to lớn vô biên, cuộc đời có thể sẽ chỉ có hai nửa trước và sau ba mươi, với những ý nghĩa khác nhau trời vực. Mùa hè đó tôi hai mươi chín tuổi, chấp nhận đón nhận mọi thứ đến với mình, coi như để chuẩn bị giã biệt cuộc đời nửa trước, để sẵn sàng bỏ lại những thứ không thực sự quan trọng sau lưng, chỉ mang theo những gì nằm gọn trong hai phút cuộc đời được lựa chọn bằng năng lực chọn lọc đáng tin của ký ức. Ký ức có lẽ chưa bao giờ phản bội tôi, ít nhất nó quyết định hộ tôi phần nào của mình là đáng để nhớ đến (và mang theo), phần nào chỉ xứng đáng rơi vào vùng trũng của trí nhớ, nằm đó chờ cơn lốc thời gian cuốn trôi đi hết thảy. Chẳng có gì nghiệt ngã như ký ức, chúng quyết định hộ ta toàn bộ cuộc đời.

Nhưng ý nghĩ chạm đến tuổi ba mươi làm tôi bối rối, bởi lẽ, thành thật mà nói, tôi đã từng nghĩ rằng mình không sống lâu đến thế.

Cuộc đời không phải là để cố sống lâu nhất có thể, mà là sống làm sao để mình thấy không còn tiếc nuối gì nữa. Vấn đề là ham muốn của con người không có điểm dừng, đạt được cái này lại muốn đạt thêm cái khác nữa. Bất cứ khi nào thấy đã bắt đầu hài lòng với cuộc đời rồi thì nó sẽ chìa ra thêm những miếng bánh khác mời gọi, quyến dụ ta phải đạt được lấy, phải tóm được để rồi tận hưởng sự ngon miệng của chính ta. Cảm giác chớm chạm tay vào một thứ khó chịu, bứt rứt đến nỗi con người ta cứ phải cố vươn dài tay ra mãi, ra mãi đến khi cánh tay dài đến dị dạng. Có những người mang trong mình khuôn mặt đau khổ của tiếc nuối và cánh tay méo mó kéo dài rất đặc trưng cho sự tham lam gặm nhấm chiếc bánh lởn vởn ở trước mặt. Trong hầu hết các cuộc giã biệt một người vừa nằm xuống, lời chia buồn đặc trưng nhất là sự cảm thông cho những dang dở chưa làm được mà họ bỏ lại. Thật là lố bịch. Ám ảnh về sự chưa làm xong hết những điều mình muốn dường như là lời nguỵ biện lớn nhất cho nỗi sợ hãi về thứ vĩ đại và tuyệt đối như cái chết. Nhưng như thế nào là đủ mới được. Phải làm đủ bao nhiêu thứ trong đời thì người chết đi mới được có cái quyền nằm xuống trong sự im lặng và tử tế của người đời, thay vì bị đánh động bởi những lời rên rỉ ngu ngốc của họ?

Tôi thuộc về những người muốn tự quyết định cái chết cho mình. Tôi muốn khi mình chết đi chẳng phải thấy tiếc nuối cái gì dở dang cả, mặc cho có thể những người ngu ngốc ở lại vẫn sẽ ngây thơ tuôn ra những lời cảm thông rằng tôi chưa làm xong cái này cái kia thì cũng kệ họ. Tôi không phải có một cuộc sống đặc biệt gì hơn những người khác để thấy tự hào, nhưng suốt cả cuộc đời mình, như trên đã nói, tôi là con người luôn luôn kiếm tìm những gì lên đến cực điểm. Tôi là kiểu người không chịu được sự vớ vẩn ở giữa cũng như tất cả những sự hời hợt không chút đáng tin. Nếu tôi thích gì đó, tôi sẽ tìm hiểu thật nhiều để hiểu bản chất, hay những gì quan trọng đằng sau nó, tất cả với sự thích thú tự nhiên. Nếu ở trong một cuộc tình, tôi sẽ tìm đến những cảm xúc cao trào, cao nhất có thể, càng cao càng tốt (trừ những cuộc tình không mấy cần nghiêm túc, thật hổ thẹn là có những cuộc tình như vậy, nhưng kể cả trong những cuộc tình như thế đi chăng nữa thì bản năng cũng sẽ dẫn lối tôi đến những cao độ đích đáng, dù chỉ là chập chờn thoáng qua; nếu thấy một cuộc tình nào đó sắp sửa xảy ra mà khả năng sẽ không dẫn đến cao độ nào thì tôi cũng sẽ bỏ đi ngay, nói như một nhà văn nào đó – có những cuộc tình chết đi trước khi nó kịp bắt đầu; một cái chết thật đẹp).

Những cảm xúc cao độ, như không khí và thức ăn, là nguồn sống chủ yếu của tôi trong suốt nhiều năm tuổi trẻ. Âm nhạc, cũng như các cuộc tình, mang trong nó những độ cao thật sự chất ngất, tìm đến với tôi đầu tiên, mở ra một thế giới thật sự khác biệt, mà sau này cái cảm giác lơ lửng êm ái khi nằm lẫn trong bầu khí quyển có trọng lực rất nhẹ mà âm nhạc mang lại tôi bỗng bắt gặp, ở một độ cao thấp hơn và ít bồng bềnh hơn, mỗi khi chiếc máy bay mang tôi vụt lên bầu trời, đưa đến những vùng trời xa xôi, bỏ lại đằng sau những hoang đàng đổ nát. Thi ca, ở một phương diện khác, là sự bay vụt lên, ở sẵn trên một tầng cao trống trải và hoang vắng. Thi ca tách biệt hoàn toàn. Âm nhạc thì đưa người ta lên cao dần, còn thi ca đặt người ta về đúng mức độ cách biệt, cách xa vời vợi với xung quanh. Tôi chỉ thấy mình được thoải mái nhất, một mình một cõi khi ở trong thi ca, một thế giới bất khả xâm phạm. Tôi vẫn đang nghĩ xem liệu văn chương có cái sức mạnh kéo người ta lên trên như thế hay không, bởi lẽ, nói cho cùng, văn chương là công việc của đi vào sâu thẳm, vậy nên những xúc cảm quyết liệt mà văn chương mang lại vẫn thật là đủ đầy. Tôi chỉ tìm thấy những mảnh nhỏ của mình qua văn chương, đôi khi ngẫu nhiên bất chợt từ những vùng xa xôi đã hoàn toàn bị lịch sử quên lãng, như thành phố Istanbul quá vãng lặng lẽ chôn cất mình cùng nỗi buồn Hüzün khắc khoải.

Tôi cứ dung dưỡng, và không ngừng kiếm tìm, mình trong những xúc cảm cao độ, cho đến khi nhận ra, ở quãng hai mươi tuổi trở đi, ham muốn tự sát của tôi cũng nhiều như ham muốn được sống. Tôi rất sớm biết dòng âm nhạc nào dành cho mình, cũng như thi ca đích thực là phải ra sao, để rồi chạm vào những hạnh ngộ lớn lao khiến tôi không còn tiếc nuối gì nữa. Cái đêm nghe Khánh Ly lần đầu tiên hát tại Hà Nội sau sáu mươi năm ấy thật sự đã lấp đầy một chặng đường nghe nhạc nâng đỡ cuộc đời. Và thi ca của Đinh Hùng dường như là tiền kiếp của tôi quay về để nhắc nhớ về nguồn gốc của mình. Tôi đã rất sớm tìm thấy niềm khát vọng xứng đáng ghi vào huyết sử (“Niềm khát vọng, ta ghi vào huyết sử; dưới chân em, thơ lạc mất linh hồn…”).

Ở quãng hai mươi tuổi trở đi, tôi không tuyệt vọng lắm, nhưng rất thường xuyên nghĩ đến cái chết, khi thấy không còn gì tiếc nuối nữa. Cũng có thể nói, đôi lúc tôi đã thực sự cận kề cái chết; ở một lúc nào đó, dưới một vùng trời nào đó hoang vu của Châu Âu, trong cái giá lạnh và sự bất cần lên đến đỉnh điểm, tôi không thiết tha gì nữa ngoài ham muốn được chấm dứt cuộc đời mình; ở rất gần cái chết đến mức có thể nghe thấy tiếng quá khứ vẫy gọi, rất nhiều lần như vậy cho đến cả sau này, nhưng những thành trì cuối cùng của sự sống vẫn kiên cố bám trụ ở đó, đẩy ngược tôi trở lại. Về một mặt nào đó, tôi hết sức tôn trọng những người tự tìm sự kết thúc cho mình (không phải tất cả, nhưng phần lớn là tôi tôn trọng họ); những con người can đảm vượt qua ranh giới và thành trì để tự định đoạn cho mình, đứng trước sự nghiêm túc ấy, còn gì ý nghĩa hơn ta có thể làm cho họ, ngoài sự thành thật và tôn trọng của mình? Kizuki trong Rừng Nauy là một nhân vật lẻ loi vĩ đại, vì không còn muốn gì hơn nữa (và cũng có thể là kháng cự lại sự hỏng hóc gọi tên sự trưởng thành), đã tự nguyện ra đi. Ở đúng chỗ cậu dừng lại, sự hỏng hóc chuyển sang cho Naoko, để rồi sau này nàng cũng tự vẫn trong một khu rừng hoang vắng để tự chữa lành mình. Toru sau này khi đã nhận ra nhiều điều, thành thật thú nhận với Kizuki rằng cậu đã đúng Kizuki ạ, cậu chẳng bỏ lỡ gì ở cuộc đời này nữa. Cậu đã đúng.

Một tiểu thuyết đang nổi gần đây, Cửa hiệu tự sát, cấp pháp cho người ta cái quyền được chết, thậm chí lựa chọn hộ họ các cách thức quên đi cuộc đời, phần lớn trong đó là lấy cảm hứng từ những cuộc tự vẫn nổi tiếng. Một tiểu thuyết hài hước nhưng cũng không hài hước lắm, mà chất lố bịch trộn lẫn nghiêm túc có thể khiến người ta suy ngẫm đôi chút về cách sống và chết, nhưng nhìn chung vẫn nhìn về cái chết thật là sai lệch.

Tôi chạm ngưỡng ba mươi tuổi, với tất cả sự bỡ ngỡ và nghi ngờ của mình, bởi lẽ ám ảnh tự sát kéo dài từ tuổi hai mươi đến giờ, và những cao độ cảm xúc nuôi dưỡng đồng thời cũng khiến tôi không còn luyến tiếc gì nữa; nhưng dẫu có bỡ ngỡ đến đâu thì tuổi ba mươi cũng đến. Tôi chấp nhận việc đó cũng như chấp nhận mình đã bước qua một giai đoạn chứa chấp tất cả sai lầm và phục hồi, mà tôi dẫu có thế nào cũng thấy thật là đáng sống.

*********

(còn tiếp)

July 6, 2017  Leave a comment

« older posts newer posts »