1000K

Tôi vừa tích luỹ được 1.000 kilomet đầu tiên qua hơn 122 giờ chạy.

Nếu tính cả những đoạn đường hỗn hợp vừa chạy vừa đi bộ thì quãng đường thực tế có thể hơn 1.200 kilomet một chút. Còn nếu chỉ tính quãng đường chạy thực sự nghiêm túc thì con số là 1.000.

Ngày đầu tiên tôi chạy là ngày 1/3/2023, một buổi sáng đẹp trời với gió xuân vẫn còn dịu nhẹ và trời thì trong vắt. Chúng tôi (tôi và vợ) quyết định rằng không chỗ nào thích hợp hơn để đánh dấu một sự khởi đầu mới mẻ như vậy bằng việc chạy trên Bờ Hồ. Trải qua bảy tháng rưỡi, tôi đã có cơ hội chạy ở một vài thành phố vui vẻ mà mình đặt chân đến, tích luỹ được cự ly có lẽ là đủ lớn để chắc chắn rằng mình đã bước qua giai đoạn xây dựng thói quen mới cho sinh hoạt hàng ngày, từ đó ghi nhận những thay đổi tích cực lên sức khoẻ và tinh thần của mình.

Tôi không phải một người nghiện chạy bộ. Như đã nói ở lần trước, tôi hợp với tập tạ hơn. Tuy vậy chạy bộ và tập tạ bổ sung lẫn nhau để giúp tôi phát triển những khiếm khuyết thể chất mà nếu thiếu một trong hai tôi sẽ không xây dựng được. Nếu nghĩ sâu xa hơn một chút, nguyên lý của thể thao là đặt bạn vào một trạng thái thử nghiệm cái mới và thất bại liên tục để dạy cho bạn những bài học kinh nghiệm, từ đó dần dần học hỏi, thích nghi, và tìm ra cách để đạt tới mục tiêu.

Đối với tập tạ mà nói, nếu muốn nâng một mức tạ lớn hơn, bạn bắt buộc phải tập với cường độ và tần suất không nhỏ ngày qua ngày, khiến cho các sợi cơ li ti bị tổn thương và trong quá trình phục hồi, nhờ dinh dưỡng, nhờ nền tảng thể chất của bạn mà các sợi cơ dần trở nên gan lỳ cứng cáp hơn chính chúng trong quá khứ, từ đó khiến cơ bắp của bạn phát triển để đáp ứng được sức ép mà chúng phải chịu đựng.

Thể thao tức là đi qua đau đớn để phát triển, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Tính triết học của thể thao chính là điểm gây hứng thú nhất cho ta để không ngừng đào luyện con người mình. Khi tập luyện hai bộ môn cùng lúc, ta lại học được thêm về sự cân bằng giữa chúng – chạy thế nào là quá ít hay quá nhiều, hay tập tạ thế nào là quá nhiều và quá ít, và làm sao để kết hợp nhuần nhuyễn được hai bộ môn – để đạt đến tiêu chuẩn của bản thân cũng chính là khía cạnh gây hứng thú ở một tầm cao mới.

Tôi vẫn đang học hỏi, dựa trên quá trình tập luyện hai bộ môn này hàng ngày.

Nhưng tạm bỏ qua các khía cạnh sâu sa, điều thấy rõ nhất là tôi đã giảm tương đối đáng kể cân nặng từ khi chạy bộ. Có lẽ là sáu đến bảy kilogram gì đó. Một số người lâu không gặp tôi, khi gặp lại phản ứng chung là họ đều ngạc nhiên vì tôi gầy quá. Có một số người còn nghĩ là tôi bị ốm và tỏ ra lo lắng cho tôi (cười). Nhưng họ không biết rằng việc giảm được từng ấy cân nặng khiến tôi khoẻ mạnh hơn ra sao, vì tôi khá chắc chắn rằng phần lớn trong số cân nặng biến mất ấy là mỡ thừa mà cơ thể đã tích luỹ suốt bao năm qua. Hẳn nhiên tôi cũng mất đi một ít cơ bắp xây dựng trong phòng tập, tuy vậy ai mà cần đến từng ấy mỡ thừa cơ chứ.

Tôi cũng ghi nhận mình không hề bị ốm kể từ khi chạy bộ. Chạy suốt từ mùa xuân cho đến cuối thu, tức là qua vài đợt giao mùa với cái thời tiết độc hại của Hà Nội chỉ chực chờ đánh gục ta xuống; hầu như năm nào tôi cũng sẽ ốm vài lần; tôi không gặp một vấn đề đáng kể nào về sức khoẻ, một trận ốm nhẹ cũng không. Tuy vậy tôi biết rằng mùa đông Hà Nội mới thực sự là khó chịu. Tôi tự đặt ra thử thách cho bản thân là sẽ không ốm vào mùa đông sắp tới. Nếu điều này xảy ra thì sẽ là một kỷ lục.

Thật vậy, kể từ khi chạy bộ tôi cảm nhận được mình đã trở nên rất khó bị ốm, ít nhất là so với tôi hồi trước.

Tôi cũng thoát khỏi bệnh đau đầu kinh niên. Tôi không rõ mình có bị đau nửa đầu hay không nhưng thường thì một tuần tôi sẽ bị đau một lần, nhất là những khi trời nắng gắt. Và nếu ở trong những giai đoạn công việc căng thẳng thì càng tệ hại. Đây vốn là điều bất tiện nhất trong cuộc sống của tôi trong nhiều năm nhưng tôi bất ngờ khi cơn đau đầu đã thực sự biến mất.

Tuy không hẳn là một lời kêu gọi; tôi ít khi kêu gọi ai đi tập hoặc đi chạy bộ vì vốn dĩ việc rèn luyện sức khoẻ là một vấn đề hết sức cá nhân và phần nhiều phải đến từ sự tự giác và tự nhận thức của mỗi người; tôi muốn nói điều này: Nếu bạn đang thấy không khoẻ mạnh, thử chạy bộ xem sao. Tôi cảm thấy rằng nếu bạn đã bước qua tuổi 30 mà không duy trì một hoạt động rèn luyện thể chất nào đó, sẽ sớm thôi bạn cảm thấy mình như 40 tuổi. Sau tuổi 30, hoặc muộn hơn là sau tuổi 40, những hoa mộng phù vân và tham vọng của tuổi trẻ, tin tôi đi, sẽ không còn đủ lớn đến mức bạn đánh đổi sức khoẻ của mình giống như khi bạn trẻ hơn đâu.

***

Nhưng có phải cứ xách giày ra đường chạy bộ thì bạn sẽ tự nhiên khoẻ mạnh, vui vẻ và hạnh phúc hơn không?

Không hẳn là như vậy.

Tôi nhận ra những thứ trên được cải thiện là do mình đã thay đổi phần nhiều nếp sống hàng ngày. Việc xoay xở để dành chút ít thời gian trong ngày cho chạy bộ chắc chắn đòi hỏi ta phải sắp xếp lại đôi thứ trong cuộc sống. Tôi để mình dậy sớm hơn, đặng có thời gian cho những nghi lễ buổi sáng. Một buổi sáng lý tưởng, thường nhật của tôi ngay từ khi mở mắt sẽ là vệ sinh cá nhân thật sớm, uống một cốc quất mật ong ấm ba mươi phút trước khi ăn sáng với ngũ cốc, sữa tươi và hoa quả. Khoảng thời gian ở giữa là dành cho dãn cơ phục hồi. Hầu hết thời gian tôi kịp xong xuôi mọi việc trước khi mọi người trong nhà ngủ dậy. Sau đó là khoảng thời gian gia đình.

Nghe có vẻ lạ nhưng tôi đã bỏ hẳn cà phê. Một, hai năm gần đây tôi phải lòng với thứ cà phê kem béo. Nếu bạn từng uống Bà Nà ở Reng Reng hoặc August của Drew Coffee thì bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì. Đó là espresso pha cùng sữa tươi, kem béo và sữa đặc, uống chung với đá lạnh. Từng có thời gian việc loay hoay pha chế từng cốc cà phê là khởi đầu tốt lành cho một ngày mới của tôi, chưa kể đến việc nhâm nhi chúng sau đó. Nếu đó là một ngày nắng đẹp để có thể nằm dài trên ghế papasan mà đọc sách, để mặc cho nắng mới bên ngoài cửa sổ thi nhau chiếu xuống ôm ấp lấy thân thể của ta thì đó quả là một buổi sáng mùa Thu đáng sống cho trọn vẹn.

Nhưng sau một thời gian thì tôi nhận ra mình gặp hiện tượng giống như nhiều người bị không dung nạp được lactose khi uống sữa. Cà phê kem béo rất ngon, đặc biệt ở hậu vị, nhưng tôi dễ gặp chứng đầy bụng gây khó chịu suốt nhiều tiếng đồng hồ. Và tất nhiên vì có chứa nhiều chất béo, nếu uống quá nhiều ta hẳn sẽ tích tụ một lượng mỡ thừa không thể xem thường.

Bạn hẳn có thể hình dung ra được, sau khi làm tất cả những nghi lễ buổi sáng kể trên, nếu tiếp tục lách cách pha cà phê thì tôi sẽ không còn thời gian nữa. Vả lại, sau khi đổ chút mồ hôi cho dãn cơ buổi sáng, cái tôi thèm muốn là một chai nước suối mát lạnh hơn. Vì vậy sau một khoảng thời gian, một cách tự nhiên, tôi tiến tới giảm dần cà phê và cuối cùng là cắt hẳn. Hãn hữu lắm tôi mới pha một cốc, hoặc chỉ uống cà phê mỗi dịp ra ngoài ngồi ở quán quen, vốn dĩ cũng không còn quá nhiều (đúng vậy, tôi đã không còn thích lê la ở một quán cà phê ngoài đường so với việc nằm đọc sách ở nhà mình).

Tôi chưa ngủ được sớm hơn đáng kể, nhưng chắn chắn là ngủ nhanh và ngủ ngon hơn mỗi khi đi chạy bộ về. Vợ tôi hay than phiền rằng đôi khi chúng tôi đã làm hết sức để cho con đi ngủ sớm và xong hết các việc để có thể xem phim đêm với nhau, nhưng chưa kịp xem thì tôi đã ngủ mất rồi. Thật vậy, trong những giai đoạn tập luyện cật lực, bao gồm cả tập tạ và chạy bộ, tôi quả là đã cố tình thúc ép bản thân một cách nặng nhọc. Tôi vui khi thấy mình chạy được lâu hơn và nhanh hơn, dù kết quả hết sức chậm rãi. Nên khi đặt ra một mục tiêu mới, tôi nôn nóng bản thân thực hiện. Kết quả là hầu hết cuối ngày tôi trở nên kiệt quệ, chỉ mau chóng để đặt lưng lên chiếc giường êm ái. Nhưng sự kiệt quệ có kiểm soát này chỉ kéo dài trong một đêm, đến sáng hôm sau khi đã được nghỉ ngơi vừa đủ, nguồn năng lượng sống trong tôi trở lại để sẵn sàng cho một chu kỳ ngày mới tiếp theo không có mấy điểm khác biệt.

Tôi cũng bén duyên với ngủ trưa, hoặc nói đúng hơn là những chợp mắt ngắn, đôi khi là siêu ngắn, ở khoảng giữa mỗi ngày. Tôi từng không coi trọng việc ngủ trưa. Cho đến khi vận động nhiều và nặng nhọc hơn trong ngày tôi mới thấy việc có thể chợp mắt dăm ba phút vào buổi trưa là tuyệt đối không thể coi thường. Nó giống như việc bạn sạc lại pin cho một chiếc xe điện để đi được quãng đường dài hơn vậy. Dù có mạnh mẽ đến đâu thì một động cơ tốt nhất cũng cần những chặng nghỉ bù.

Rõ ràng nhận thấy tôi đã xây dựng nề nếp hàng ngày với trụ cột chính là chạy bộ cùng những vệ tinh sinh hoạt cố gắng để trở nên lành mạnh quay xung quanh nó. Nói cho cùng thì chạy bộ là một hoạt động nặng nhọc. Tôi chạy sáu ngày mỗi tuần, một tiếng đến một tiếng rưỡi đồng hồ mỗi ngày. Qua thời gian tôi cố gắng để nâng cự ly hoặc tốc độ của mình lên. Gần đây tôi đã có thể chạy mỗi ngày bảy kilomet, nếu đó là ngày chạy dài thì cự ly thông thường là mười kilomet. Kèm theo đó tôi vẫn duy trì tập thể lực với tạ ba hoặc bốn buổi. Tôi đã lặng lẽ duy trì nhịp điệu tập luyện như vậy được hơn nửa năm nay rồi. Bạn cũng có thể đoán được, nếu không cố gắng để trở nên lành mạnh hơn, tôi chắc chắn không thể giữ được nhịp độ thông thường và khiến chính bản thân mình mệt mỏi. Nói cho cùng thì luyện tập thể chất là để cơ thể khoẻ mạnh hơn chứ không phải là ngược lại.

Nếu không có sự kiện gì lớn lao ngăn chặn và giả dụ sắp xếp được chút ít thời gian, tôi luôn sẵn sàng xuống đường chạy bộ. Mỗi khi đến thăm một thành phố mới, và nếu đó là một thành phố xinh đẹp mà tôi yêu mến, cái thôi thúc bên trong tôi được chầm chậm chạy qua một vài góc phố đặng quan sát cuộc sống ở nơi đây lại càng trào lên mạnh mẽ dữ dội. Và tôi cứ thế mà chạy.

***

Tính đến tháng Mười, tôi đã tích luỹ được 1.000 kilomet đầu tiên. Để đánh dấu sự kiện nho nhỏ này, tôi quyết định thử chạy một vòng Hồ Tây.

Tôi chỉ mới chạy cự ly dài nhất không ngừng nghỉ là 10 kilomet, hoặc hơn một chút. Tuy vậy, lần cuối chạy cự ly dài vào tuần trước tôi đã cảm thấy hoàn toàn thoải mái và dường như mình thậm chí còn chút sức lực để chạy thêm. Nên khi ý tưởng ập đến, tôi tò mò liệu mình đã đủ sức để chạy một vòng Hồ Tây hay chưa. Phải biết rằng chu vi một vòng Hồ Tây rơi vào đâu đó từ 14.5 đến 16 kilomet tuỳ vào cung đường bạn chạy. Tức là gần gấp rưỡi so với cự ly dài nhất của tôi. Nếu là một người chạy khôn ngoan, thông thường người ta sẽ không tăng hẳn cự ly lên như vậy mà sẽ tập từ từ và tích luỹ một vài lần chạy ở cự ly 12 đến 13 kilomet, trước khi thực sự chạy 15, 16 kilomet một cách an toàn.

Đợt gió lạnh tràn đến dưới ảnh hưởng của cơn bão số 5 khiến tiết Thu trở nên bỗng giống mùa Đông hơn. Nói cách khác, nếu thời tiết cứ duy trì tình trạng mát mẻ ổn định thì những người chạy bộ chúng tôi sẽ vô cùng hạnh phúc. Từ tháng Mười trở đi cũng là lúc các giải chạy marathon được tổ chức bùng nổ. Những người chạy bộ chuyên nghiệp hầu như đã hoàn tất chương trình tập luyện kéo dài của mình để sẵn sàng cạnh tranh cho thành tích mới. Thế giới marathon vừa có hai sự kiện chấn động, Kipchope vô địch giải Berlin lần thứ năm và người đồng hương Kenya trẻ tuổi của anh, Kelvin Kiptum, phá kỷ lục marathon trong một cuộc thi chính thức tại Chicago với thành tích 2:00:35. Giới hạn của con người quả thật là phi thường.

Người chạy bộ phong trào thường thường như tôi cũng chỉ mong làm được một cái gì đó khác thường. Nên tôi liều mạng chạy một vòng Hồ Tây. Tôi đã tập bài chạy dài 10 kilomet vào thứ bảy tuần trước, và tiếp tục một buổi chạy nhẹ 8 kilomet vào ngày hôm sau mà không cảm thấy quá sức mệt mỏi. Trái lại, tôi cảm thấy cực kỳ sung mãn. Tôi nhẩm tính nếu mình nghỉ ngơi hoàn toàn vào thứ hai thì có lẽ sẽ đủ sức khoẻ để chạy Hồ Tây vào sáng thứ ba. Trời đẹp gần đây, hoàn toàn không có nắng và gió thì đủ để khiến ta có thể chạy mà không đổ quá nhiều mồ hôi. Nói cho phải thì đó quả là điều kiện lý tưởng để chạy dài.

Nhưng hoá ra đó lại là ngày tệ nhất để tôi chạy một cự ly mới.

Thật không may, sáng hôm trước tôi vô tình khiến đầu gối của mình bị thương khi tập tạ. Vết đau không đốn ngã hai chân tôi, nhưng đó là kiểu vết thương sẽ cần vài ngày để tiêu tan cơn đau hoàn toàn, và khoảng thời gian ở giữa sẽ khiến đầu gối ta không thực sự dễ chịu. Như thể thế là chưa đủ, sáng hôm sau khi đưa các con đi học bằng xe máy, tôi lại tự quệt bàn chân mình xuống vỉa hè khiến nó lệch đi một đoạn và đau mất một lúc. Chỉ hai tiếng nữa là tôi sẽ chạy bộ và nếu tất cả những cơn đau này không chịu nhượng bộ, dường như tôi đã thất bại ngay trước khi thực sự bắt đầu. Góp phần vào cái sự không may của ngày hôm đó, cơn bão dường như tan đi khiến nắng gắt cứ tàn nhẫn tràn xuống thành phố. Thứ nắng hè đúng nghĩa, như để nhắc nhớ cho người ta hiểu chúng vẫn ở đây chứ chưa hề đi đâu, rằng mùa hè khốc liệt của Hà Nội sẽ còn kéo dài mãi mãi. Nói cho dễ hiểu, tôi đơn giản là đã chọn sai ngày để chạy bộ.

Vợ tôi cũng khuyên tôi nên hoãn sang ngày khác khi ái ngại nhìn tôi than thở về những điều phiền toái. Tuy vậy, tôi đã mất công chuẩn bị cho buổi hôm nay không hề qua loa chút nào. Tôi nghỉ ngơi đủ, đã dãn cơ đầy đủ và lặn lội đi mua chút ít gel chạy bộ để bổ sung năng lượng cho quãng đường dài. Tôi thậm chí đã tự chạy xe máy để tiền trạm con đường và đo đạc cẩn thận vào ngày hôm trước. Cơn háo hức khiến tôi dậy từ rất sớm, thực tế tôi đã ngủ hơi ít hơn cần thiết một chút, nhưng khi ngủ dậy tôi thấy khoẻ mạnh và chỉ muốn chạy. Cái nắng là thứ làm nản chí tôi nhất, nhưng biết đâu những ngày tới đây trời vẫn sẽ chỉ nắng nóng như vậy. Nếu thế thì tôi sẽ trì hoãn đến vô tận mất.

Thở dài một hơi, tôi xách xe lên Hồ Tây để chạy bộ.

***

Tôi gửi xe ở đầu đường Thanh Niên, làm nóng người cẩn thận, uống chút ít nước muối và bình tĩnh bắt đầu ở đầu đường Thuỵ Khê.

Cái nắng quả thực không thể chê được, tuy vậy bầu trời xanh ngắt và chút ít gió hồ phảng phất đến làm cho cảnh quan dịu bớt đi sự gay gắt. Nói cho đúng thì nếu còn có cây to che bóng nắng, ta cảm thấy tương đối dễ chịu. Tuy vậy hầu hết cung đường Hồ Tây chỉ có một lượng cây xanh vô cùng khiêm tốn, và trong phần lớn quãng đường tôi chịu đựng cái nắng chiếu thẳng xuống đầu mình. Đừng hiểu nhầm ý tôi, tôi không hề phàn nàn. Công bằng mà nói tôi đang được làm điều mình thích – chẳng những được chạy mà còn được thưởng thức khung cảnh bên hồ ngoạn ngục xung quanh. Mây không nhiều lắm trong một sáng mùa Thu nền nã như thế, nhưng tôi biết ơn vì đã có đủ mây để thi thoảng dấu đi bóng nắng rực rỡ của mặt trời. Những cơn gió là bạn đồng hành với tôi, dù không thường xuyên lắm. Và tôi bắt gặp ba đến bốn người chạy bộ ngược chiều với mình, chúng tôi đều vẫy tay với nhau, như một sự khích lệ tinh thần nho nhỏ.

Tôi nghỉ vài lần để uống chút nước và ăn ít gel chạy bộ. Khi đã quá kilomet thứ mười, tôi thấy thực sự tự tin mà không biết rằng vấn đề chỉ xảy ra sau kilomet thứ mười ba, cũng tức là tới giới hạn của mình. Những kilomet cuối tôi thấy mình y như trong mô tả của Murakami, trở thành một cỗ máy chỉ đơn giản là tự vận hành theo quán tính với sự rỗng không. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng kịp kết thúc chặng đường trước khi cơn đau từ bắp chân và đầu gối chờ đến. Đó là cảm giác không hẳn là tự hào, nhưng tôi thấy vui vì mình đã hoàn thành, và trên hết là một sự nhẹ nhõm vì không còn phải chạy nữa.

Tôi đã có thể chạy một vòng Hồ Tây lần đầu tiên với tốc độ dưới 7 phút mỗi kilomet theo như kế hoạch. Nếu tập luyện chăm chỉ thêm nữa, tôi hẳn có thể tham gia một giải chạy nào đó vào năm sau và đó là mục tiêu của tôi.

Tôi dừng ở chùa Trấn Quốc và uống hai cốc trà đá lớn.

Phần thưởng cho tôi là những cảnh đẹp hết tầm mắt như thế này.

10/2023

October 27, 2023

Leave a Reply