Tôi nói gì khi nói về chạy bộ
Gần đây tôi quyết định trở thành một người chạy bộ. Tôi và vợ đang hình thành thói quen chạy bộ vài lần mỗi tuần.
Vì không biết liệu mình có theo được bộ môn này lâu dài hay không nên sau ba tuần gì đó khi đã đạt được mốc 5 kilomet (chạy liên tục, đương nhiên) và tin là mình vẫn sẽ chạy tiếp; tôi mới đọc lại quyển sách này của ông.
Về mặt thể chất mà nói, tôi đã sớm biết, cơ thể của mình không phải tạng thiết kế dành cho sức bền. Điều này đúng cho cả mặt sinh học vật lý và ưa thích cá nhân.
Như Murakami giãi bày, nhịp tim của ông khi chạy bộ cự ly dài chỉ ngang với người thường ở trạng thái nghỉ. Đây là một biểu hiện của tạng người sẽ chạy bộ rất cừ. Tôi thì khác, rất dễ tăng nhịp tim và thở dốc (có thể do tôi chưa đủ khoẻ). Tôi có khuynh hướng thích, và cũng khá cừ, các bộ môn rèn luyện sức mạnh có tính chất bùng nổ vào thời điểm hơn là các bộ môn dẻo dai ổn định. Ví dụ như tôi có thể thực hiện bài đẩy tạ bench press ở xuýt xoát mức Advanced theo độ tuổi và cân nặng của tôi – tức nghĩa là trên trung bình (khoẻ hơn một nửa đàn ông cùng tuổi) và gần mức khá (mức vận động viên bán chuyên) – cho dù chắc chắn tôi chỉ là một người tập thể hình tài tử. Trên mức Advanced là Elite, là cấp độ thi đấu thế giới, tất nhiên tôi còn xa mới đến được.
Các cấp độ có thể tìm hiểu tại đây: https://strengthlevel.com/strength-standards/bench-press/kg
Thể chất vật lý thì là thế. Tuy nhiên tôi cũng thực sự thích tập luyện sức mạnh hướng đến xây dựng cơ bắp. Nhưng với chạy bộ thì khác. Từ trong suy nghĩ tôi chưa từng thấy bị hấp dẫn bởi bộ môn này. Đối với tôi, chạy bộ khá tẻ nhạt. Chỉ là một vài động tác lặp đi lặp lại bất tận, tôi nghĩ như thế. Tương đồng với hình thức chạy, tôi thích; hoặc phải nói là đam mê, thậm chí đến mức ước mơ đầu đời là trở thành cầu thủ chuyên nghiệp ở giải Ngoại Hạng Anh; bóng đá hơn. Vẫn là chạy nhưng bóng đá ngoài bền bỉ ra vẫn cần những khoảnh khắc bùng nổ sức mạnh tại thời điểm. Thấy chưa, tính chất sức mạnh bùng nổ tại thời điểm này rõ ràng thuộc về bản chất của cái cơ thể là tôi đây.
***
Tuy cả điều kiện cơ thể và khuynh hướng lựa chọn cá nhân đều đẩy tôi khỏi tất tần tật những gì liên quan đến chạy bộ, tôi vẫn quyết định tập luyện môn này một chút. Do ba lý do.
Trước tiên phải nói về phong cách tập và mục đích tập luyện – tôi là người theo hướng bodybuilding, pha một chút powerlifting. Nôm na có thể hiểu mục đích tập luyện của tôi là để xây dựng cơ bắp mang tính thẩm mỹ, chủ yếu nhờ các bài tập compound phối hợp nhiều nhóm cơ cùng lúc (tôi ít tập các bài cô lập cơ isolation).
Đây rõ ràng không hẳn là phương thức tốt nhất để tập bodybuilding nhưng là cách mà tôi lựa chọn.
Tôi đọc được từ một bạn HLV thể chất mà tôi quen qua Facebook nói rằng, theo nghiên cứu khoa học, đàn ông thì nên tập luyện các môn sức bền và phụ nữ thì nên tập các môn sức mạnh. Một dạng bổ sung thêm điểm hạn chế về mặt giới tính. Vì lời khuyên có tính phổ quát nên chưa chắc đúng cho tất cả mọi người, tuy nhiên tôi thấy ít ra là đúng đối với mình. Tôi quá kém bền.
Như vừa nói ở trên, tôi thấy mình quả thực là quá kém bền. Tôi từng đá bóng suốt từ khi còn nhỏ cho đến hết học phổ thông, chỉ dừng lại khi lên Đại Học. Tức là tôi tuy không khoẻ lắm nhưng không thể gọi là hoàn toàn không chơi thể thao tí nào. Sau đó là gần như không có hoạt động thể chất nào nữa cho đến vài năm sau khi đi làm. Từng ấy năm tích luỹ sự lười biếng và yếu ớt khiến tôi mất rất nhiều công sức mới cải thiện được chút ít thể chất của mình, nhưng vẫn kém xa so với kỳ vọng.
Điều kém bền này đôi khi tai hại đến mức nếu tôi tập bài bobybuilding nào đó với số reps quá 10 là đã thở hồng hộc rồi. Kể cả vì tôi luôn tập với mức tạ nặng hết sức thì cũng không thể bào chữa được cho sự dễ hụt hơi đó. Nguyên lý cơ bản của tập sức mạnh là tăng volume theo thời gian để cơ bắp quen với áp lực và tăng trưởng để phản kháng lại. Tuy vậy hiện tượng trên khiến thành tích tập sức mạnh của tôi chững đáng kể nhiều năm nay, và đối với một người tập, quả thực hết sức khó chịu.
Vì thế tôi nghĩ nếu tôi tăng sức bền hơn một chút, từ đó cơ thể có thể chịu đựng áp lực tốt hơn, tôi sẽ tăng được thành tích tập tạ và qua đó gia tăng được cơ bắp.
Lý do thứ ba (hai lý do đã nói ở trên), lát nữa tôi sẽ giải thích sau.
***
Vậy nên tôi quyết định chạy bộ, ở tuổi ba mươi lăm. Muộn hơn đôi chút so với Murakami khi bắt đầu ở quãng ba mươi ba tuổi.
Mục đích chạy bộ của tôi tuy vậy có lẽ khác ông khá nhiều. Tôi chạy bộ là để bổ trợ cho con đường luyện tập sức mạnh để gia tăng cơ bắp của mình. Với dân bodybuilding mà nói, các bài tập HIIT tuy tốt và cần thiết nhưng tập bền quá nhiều có thể còn làm giảm cơ bắp ở dài hạn. Vì lẽ đó tôi tự xác định giới hạn chạy bộ cho bản thân là ở mốc 10 kilomet. Tức là luyện tập đến mức bền có thể cho phép tôi chạy ở cự ly 10 kilomet không nghỉ với nhịp độ tối đa là 7 phút trên một kilomet. Ở nhịp độ đó miễn sao nhịp tim và huyết áp của tôi ổn định là được. Tôi có thể mong muốn giảm pace xuống 6 nếu thấy mình làm được điều này, nhưng có lẽ không tham vọng xuống mức thấp hơn làm gì.
Đây rõ ràng không phải là một mục tiêu cao xa gì với bất kỳ người chạy bộ nào ngoài kia. Nhưng so với bản thân tôi của hiện tại khi mới chạy nổi cự ly 5 kilomet và pace hơn 6 (đôi khi là 7) thì quãng đường trước mắt vẫn còn xa lắm.
Tôi dự định là khi nào đạt được cột mốc đó (không cần khẩn trương lắm) tôi sẽ giữ thành tích ở mức đó và duy trì lâu dài.
Tương lai xa hơn, có thể trở thành một người chạy bộ cự ly dài như Murakami không thì chưa thể biết được. Có thể tôi sẽ chán chạy bộ ngay tháng sau không biết chừng.
***
Sau khi thực hành chạy bộ tương đối nghiêm túc – tức là vượt qua vài ngày đầu băn khoăn đến nhức nhối vì việc tại sao mình phải làm điều này, và vượt qua cảm giác nhàm chán của việc lầm lũi chạy trong vô vọng, phải nghỉ liên tục và chỉ muốn dừng lại phắt cho xong; vượt qua tất cả những điều phiền phức bước đầu của chạy bộ để ta tiến đến một trạng thái không còn lười, và chán ghét, việc xỏ giày xuống đường nữa, và thậm chí còn tốt hơn, ta bắt đầu nhìn thấy những điều tích cực nhỏ bé hiện ra trong bản thân việc chạy bộ lẫn cái hiện thực cuộc sống xung quanh cứ liên tục bị ta bỏ lại phía sau qua từng bước chạy – tôi đọc lại quyển sách nhỏ của ông.
Đối với tôi, đây vẫn là quyển sách gần gũi, thuần tuý, chính xác nhất của Murakami.
Tôi thích sách nhưng không hề là một người chi li giữ sách cẩn thận. Quyển sách nào qua tay tôi đọc xong cũng gần như là tơi tả, đầy những nếp gấp đánh dấu những trang quan trọng, nhiều vết bút tích ghi nhớ và nhiều cung cách cá nhân khác nữa. Sách không phải để trưng trong tủ và giữ cho thật mới. Sách là để đọc, để ta ôm ấp, lọc ra trong đó những điều ta cần biết, muốn biết, và cả đã biết rồi. Vì lẽ đó, cứ đối xử với sách theo cách mà ta muốn.
Đây không phải là lần đầu tôi đọc Tôi nói gì khi nói về chạy bộ.
Cầm quyển sách này lại trên tay, tôi nhìn thấy rất nhanh rất nhiều trang nếp gấp đánh dấu của những lần đọc trước. Tôi vẫn xúc động và hoa mắt với nhiều câu văn đẹp, những đoạn miêu tả, và cảm xúc sống động trong các câu chuyện kể của ông.
Tuy vậy, ở lần đọc này tôi cũng ngạc nhiên nhận thấy mình vẫn có thể lọc ra những gì đã vô ý bỏ qua, hoặc chưa thấy là quan trọng ở lần đọc trước. Và như thế, nhiều trang nữa lại được gấp lại, nhiều đoạn văn (mới) đã được tô thêm.
Đó có lẽ là một cách hình dung về một quyển sách hay.
Sách hay thì không cũ bao giờ – ta luôn có thể tìm thêm điều đẹp đẽ nữa ở bất kỳ lần đọc lại nào tiếp theo.
Nhất là lần này tôi đọc với tư cách của một người chạy bộ.
***
Một điểm thú vị là dường như Murakami đã trở thành một người chạy Marathon rất nhanh kể từ khi bắt đầu chạy bộ. 26,2 dặm hay 42 kilomet tuyệt đối không hề là một cự ly dễ dàng cho bất kỳ đối tượng nào, kể cả có thiên phú về sức bền đi chăng nữa. Người lính năm xưa hẳn đã không chết vì kiệt sức nếu quãng đường đó nằm trong giới hạn thông thường của con người.
Murakami không nói chính xác thời gian bao lâu để ông đạt được mốc Marathon, ta chỉ có thể đoán được là khá nhanh. Điều này có lẽ không quá phi thực tế khi thể chất của ông vốn thân thiện với môn chạy bộ.
Tuy vậy 26,2 dặm hay 42 kilomet đơn giản vẫn là một cự ly dài, vô cùng dài, mà bạn không thể chinh phục được nếu không nghiêm túc tập luyện đằng đẵng, thậm chí là cật lực, từ đầu cho đến khi bất kỳ lúc nào đột nhiên đạt được tuỳ vào thiên phú thể chất của mỗi người.
Trước khi chạy bộ, tôi đã lường trước được sự khó khăn của chạy bền và cự ly Marathon lừng danh. Sau khi chạy bộ, tôi vẫn choáng váng vì độ lớn bao la của cự ly này trong trải nghiệm thực tế. Để mà nói thì mốc 5 kilomet của tôi chỉ là một màn khởi động ngắn của một vận động viên chạy đường trường.
Dù sao đi nữa tôi cũng không, hoặc chưa, đạt mục tiêu Marathon, nên cứ tạm để nó qua một bên đi đã.
Điều đáng ghi nhận tiếp theo đến từ trải nghiệm của Murakami trong chạy Marathon đó là bạn sẽ chinh phục cột mốc 26,2 dặm hay 42 kilomet mỗi lần mỗi khác. Không có tính chất mặc định trong thể thao. Tức nghĩa là kể cả bạn đã từng chạy cự ly này một cách thoải mái ở lần thử trước, không có nghĩa là đến lần sau bạn sẽ tiếp tục đạt được thành tích này với cùng sự nỗ lực, nhịp độ, sự vui vẻ, bằng lòng, đôi khi bạn còn có thể thất bại không rõ lý do. Chung quy lại, bạn không thể nói trứơc được điều gì nếu chưa chạy đến số dặm cuối cùng và bước qua vạch đích. Chính tính chất không nhất quán của thành tích đó có thể là sức hút cho môn chạy bộ này, là động lực khiến người chạy bộ nỗ lực tập luyện hơn nữa, mỗi ngày, để có những trải nghiệm chinh phục khác đi.
Giờ đây, khi đã là một người chạy bộ (tuy chỉ là bước đầu), tôi vẫn nhận ra những vẻ đẹp bình dị và nhỏ nhoi mà bộ môn này mang lại.
Ở một khía cạnh, chạy bộ nói riêng và thể thao nói chung đặt ta mau chóng vào một tình trạng rỗng không. Đương nhiên sẽ có lúc ta bắt đầu chạy với hàng mớ suy nghĩ ngổn ngang trong đầu. Nhưng trong hầu hết trường hợp, khi đã đến lúc phải tập trung để phản kháng lại cơn đấu tranh đòi dừng lại của cơ thể, ta bắt buộc sẽ dần phải học cách tĩnh lặng ở sâu sa bên trong, bỏ bớt các suy nghĩ, tập trung vào ba thước trước mặt và một mục tiêu duy nhất là làm sao để bước tiếp một bước, rồi một bước nữa. Cứ như thế ta dần đạt đến trạng thái rỗng không.
Ngoài ra, vì hầu hết người chạy bộ sẽ chạy ở một cung đường quen thuộc nào đó, tuy thỉnh thoảng có thay đổi, khiến ta dần lặp lại không chỉ một số hành động thể thao cố hữu, mà cảnh trí xung quanh ta cũng là một bức hình không có quá nhiều thay đổi hàng ngày – điều kiện tưởng như là mầm mống của tẻ nhạt, nhưng thực tế thì tất cả những gì một người chạy bộ quan tâm là cung đường của ta có đủ thuận lợi để ta hoàn thành bài tập của mình hay không. Vậy nên những gì xung quanh có ra sao cũng không thực sự tác động nhiều lắm, miễn là nó không ảnh hưởng đến chính việc chạy bộ của ta là được.
Tức là chạy bộ là một hình thức khiến ta tập trung cho bản thân.
Và đó là một điều cần thiết trong cái thế giới hàng ngày ta vốn dĩ đã phải ném mình vào xã hội tệ hại này quá nhiều.
***
Lý do thứ ba tôi chạy bộ là vì tôi muốn một ngày nào đó con trai tôi cũng sẽ nhìn gương tôi mà chạy bộ.
Thừa hưởng bộ gen từ ông bố như tôi, con trai tôi có thể chất không hẳn là khoẻ mạnh lắm. Nó vốn bị thân nhiệt thấp từ khi lọt lòng, khiến bệnh viện quyết định theo dõi trong lồng kính cho đến khi nó ổn định thì mới đưa về cho gia đình.
Lớn lên một chút, tôi thấy rõ nó cũng có biểu hiện hạn chế về sức bền như tôi. Rất dễ hụt hơi và thở dốc.
Điều này ngược lại với em gái nó. Tuy cùng bố cùng mẹ sinh ra nhưng cô em lại khoẻ mạnh, ăn uống ngủ nghê giỏi, và thể chất tuyệt vời.
Tôi không muốn nó trở thành một thanh niên yếu ớt như tôi trước kia, rồi mất rất lâu mới cải thiện được thể chất tí chút. Đó là tôi tương đối may mắn khi có đủ nhận thức về thể chất của mình, và không quá lười biếng để quyết tâm cải thiện trong nhiều năm nay rồi đó.
Nên tôi hy vọng vài năm nữa khi con trai tôi lớn lên một chút, nó sẽ có ý thức cải thiện thể chất của mình từ sớm. Điều này sẽ dễ dàng và có khả năng hơn khi xung quanh nó là những người cũng thực hiện việc tập luyện thể chất đều đặn. Trẻ con về cơ bản rất hay quan sát và bắt chước người lớn xung quanh, nên nếu được thì tôi muốn con trai tôi hình thành ý niệm về thể thao, và hơn cả thế, xây dựng được niềm yêu thích với thể thao và theo đuổi một thói quen tập luyện thể chất nào đó càng sớm càng tốt.
Tôi muốn giúp đỡ con trai tôi, nên chắc chắn là tôi phải duy trì việc tập luyện cho đều rồi.
Một ngày nào đó, tôi sẽ cùng chạy bộ với con trai tôi. Và cả tập thể hình nữa, nếu nó có hứng thú.
***
Đây là một cuốn sách tự truyện tập trung vào hành động chạy bộ, và cũng là nơi thể hiện những triết lý Murakami một cách trung thực và rõ ràng nhất.
Qua chạy bộ, ông dần hình thành những ý niệm cơ bản nhất về cuộc đời, tích luỹ những trải nghiệm quý giá để từ đó hình thành nên con người nhà văn sau này.
Murakami có lẽ vẫn sẽ là một nhà văn nếu không phải một người chạy bộ. Nhưng Murakami đó chắc chắn sẽ là một Murakami rất khác mà giới văn chương biết hiện nay.
Và tôi yêu quý một Murakami nhà văn như ông đã trở thành.
Cũng như tôi trân trọng và yêu quý ông trên tư cách những người chạy bộ – những người mà hàng ngày chia sẻ một hành trình chung là lầm lũi tập trung vào bản thân, vượt qua những cung đường, vượt qua những con người hoặc bị những con người vượt qua, để từ đó đạt đến những tiêu chuẩn của bản thân.
Bởi, không có gì ngoài tiêu chuẩn của bản thân là quan trọng.
12:33 AM
080423
Một người chạy bộ viết vội khi vừa vượt qua mốc 5 kilomet pace 6.2 một lần nữa
April 8, 2023