Tiến về phía trước
“Hầu hết những người chạy bộ chạy không phải vì họ muốn sống lâu hơn, mà vì họ muốn sống trọn vẹn” – Haruki Murakami
Tôi đang tạo một playlist nhạc để nghe khi chạy bộ.
Như bạn có thể đoán được, vì được truyền cảm hứng rất nhiều từ ông nên tôi cho vào list một số âm nhạc mà Murakami ưa thích. Rolling Stones, The Lovin’ Spoonful, The Beach Boys, bạn biết đấy, những ban nhạc lỗi thời thú vị của thập niên 60 – thời kỳ mà Murakami miêu tả trong Cuộc săn cừu hoang là “không gian tràn đầy nhựa sống, cho dù mọi thứ dường như đang ở bên bờ vực sụp đổ, chỉ đợi một cú hích mạnh nữa thôi”.
Norwegian Wood và Pretend cố nhiên là hai bài quan trọng phải có. Rừng Na Uy và Phía Nam biên giới là hai trong những tiểu thuyết đầu tiên tôi đọc của Murakami, và rất nhanh trở nên vô cùng gắn bó đối với tuổi thanh niên của tôi. Đó là những tiểu thuyết giúp ta trở thành một người đàn ông tốt đẹp hơn, thực thụ hơn, qua cái cách chấp nhận con người mình. Lắng nghe những giai điệu đại diện của chúng luôn mang lại cho tôi một sự an ủi dịu dàng, và quan trọng hơn, chúng không ngừng thúc đẩy ta về phía trước – giống như chạy bộ.
Murakami nói ông nghe nhạc khi chạy bộ và chạy theo nhịp điệu của chúng. Điều này có lẽ hơi cường điệu một chút hoặc mang tính biểu tượng là chính bởi tôi không hình dung ra được ông giữ nhịp điệu đều đặn của marathon như thế nào khi nghe cùng lúc cả Jazz, nhạc cổ điển và Rock nhỉ.
Tuy vậy, tôi vẫn cố gắng nghe thật nhiều âm nhạc khi chạy bộ. Điều này giúp ta tập trung vào thế giới riêng của ta và đôi khi là cách để cố quên đi cái đau đớn mệt mỏi của guồng chân chạy trong những kilomet cuối. Một chiến thuật của Murakami để kéo dài cự ly đó là tự nhủ với bản thân ta là một cỗ máy và vì vậy việc vận hành của hai bàn chân chỉ là một hành vi vô thức. Cố nhiên để hỗ trợ cho việc đó ông sẽ hướng sự tập trung vào việc khác, như nghe nhạc chẳng hạn.
Nhưng bài hát nào nằm đầu tiên trong danh sách nhạc chạy bộ của tôi?
Trong hiện tại thì tôi có hai bài, Lemon Tree của Fools Garden và Ob-La-Di, Ob-La-Da của The Beatles. Đây đều là những phát hiện mới của tôi gần đây khi tôi để cho Youtube Music chơi nhạc ngẫu nhiên theo thuật toán của họ.
***
Thứ lỗi cho tôi nếu tôi không biết đến Fools Garden từ trước. Giai đoạn ra đời và thành danh của ban nhạc Đức này nằm đúng vào những năm đầu đời của tôi, khi tôi còn chưa biết nghe nhạc. Nhưng kể cả sau này khi tôi lớn lên một chút thì Fools Garden cũng đã nhanh chóng đi qua những năm tháng đỉnh cao của họ trước cả khi tôi có thể biết tới. Về danh nghĩa thì dường như ban nhạc vẫn đang hoạt động cho đến tận ngày nay, nhưng rất nhiều người đánh giá họ một dạng ban nhạc có một bản hit duy nhất, chính là Lemon Tree – nằm trong đĩa đơn Dish of the Day đã phát hành từ tận năm 1995, đã quá xa rồi.
Đó là một nhóm nhạc sinh viên từ khởi thuỷ, với hai thành viên sáng lập cốt cán đã xoay xở qua nhiều thăng trầm để duy trì hoạt động của nhóm. Đã có nhiều thành viên liên tục đến và đi, khiến lực lượng thường xuyên của ban nhạc không hề ổn định qua từng giai đoạn. Bằng cách nào đó họ vẫn cho ra đời được một chục album và giành được hơn một chục giải thưởng âm nhạc tại Đức. Nhưng đáp lại những nỗ lực duy trì suốt nhiều năm như vậy khó có thể nói là họ quá thành công về mặt thương mại. Fools Garden giống như một cơn sóng trào, nhanh chóng tan vào biển cả mà không thể tạo thành một dòng hải lưu riêng cho mình.
Có lẽ họ không đủ may mắn, hoặc không đủ tài năng, hoặc đơn giản là những năm 90 ngẫu nhiên lại là giai đoạn cực thịnh của phong trào âm nhạc với quá nhiều nhóm nhạc lừng danh khác nữa. Tuy vậy khi nghe âm nhạc của họ, tôi vẫn nhận ra cái tinh thần sảng khoái và nhiệt huyết của tuổi trẻ mà ban nhạc mang lại. Những tháng năm rực rỡ mà ta nghĩ ta có nhiều điều để nói với, và nhiều điều để làm cho thế giới này. Khi nghe âm nhạc của họ, tôi không thể không hình dung ra hình ảnh hai người nghệ sĩ trẻ, Peter và Volker, đã háo hức viết những dòng nhạc đầu tiên chứa đựng những triết lý và thông điệp của mình, và nôn nóng tập luyện cùng nhóm nhạc cho những buổi trình diễn khởi đầu đầy hứa hẹn.
Quả thực thì Fools Garden đã từng tương đối thành công, và Lemon Tree là một bài hát nhanh và mạnh mẽ.
***
Ob-la-di Ob-la-da là một bài hát của nhóm The Beatles. Ta không thể thực sự biết cho rõ ngọn ngành câu chuyện xung quanh những người được đồn đoán có liên quan đến bài hát này. Kể cả việc John Lennon có không thích bài hát và nảy sinh tranh cãi với Paul McCartney, dường như không hẳn là chính xác.
Bài hát xuất hiện trong album The Beatles xuất bản năm 1968, và là một trong những bài hát nổi bật nhất. Vì vướng phải một số chỉ trích và lùm xùm xung quanh vấn đề tác quyền về ý tưởng của cụm từ “Ob-la-di Ob-la-da”, ban nhạc quyết định không phổ biến bài hát ở tất cả các thị trường và hạn chế trình diễn trực tiếp. Điều này không ngăn được việc Ob-la-di Ob-la-da, vốn dĩ là một bài hát hay với phần tiết tấu nhanh, mạnh mang tính thúc giục rất đặc trưng của âm nhạc những năm 60, được yêu thích và trở thành đề tài hát lại (cover) của nhiều nhóm nhạc khác. Cuối cùng thì kể từ năm 2009, Paul đã trình diễn bài hát thường xuyên trên sân khấu.
Bạn nhất định phải xem Paul trình diễn nó trực tiếp trên sân khấu, để thấy âm nhạc có thể tự do đến mức nào, và qua đó, có thể tuyệt vời đến mức nào. Đó là thứ âm nhạc trẻ trung không có tuổi. Khi Paul trình diễn nó, kể cả khi ông đã hơi già, ta đều thấy cái nhựa sống của chàng thanh niên ôm đàn nghêu ngao hát trở lại, căng tràn, và thúc giục ta hãy sống đi, hãy sống cho trọn vẹn.
***
Hai bài hát đó, theo thứ tự lần lượt nằm trước tiên trong danh sách nhạc nghe khi chạy bộ của tôi. Những sải chân đầu tiên của tôi khi chạm xuống đường tương ứng với những nốt nhạc đầu tiên được cất lên, nhanh chóng hoà vào với bước chạy của tôi và giúp tôi hình thành một nhịp điệu cần thiết để bắt đầu duy trì cự ly chạy đường dài.
Trong đầu tôi là tiếng hát thúc giục mạnh mẽ. Nhịp thở của tôi ổn định.
Tôi nhanh chóng tiến về phía trước.
May 5, 2023