30

Rồi cũng đến lúc tôi ba mươi. Nghe thật lạ lùng, cảm giác tôi chưa sẵn sàng gì cho cột mốc “tam thập…” này, chỉ đơn giản là rong chơi và chẳng để ý nhiều lắm đến mọi sự như người ta vẫn thường ở vào cái tuổi ấy. Về sự lạ lùng, sẽ nói ở phía dưới; và dù sao cũng đến cái giai đoạn quan trọng đặc biệt – một giai đoạn gì đó mà tôi lờ mờ nhận ra có ý nghĩa như một bước đệm giữa hai thứ, hai nửa cuộc đời có lẽ không giống nhau lắm, nếu không muốn nói là hoàn toàn khác biệt: Giai đoạn trướcsau ba mươi; vì lẽ đó, có lẽ, tôi muốn kể chuyện đời tôi. Dẫu có ý nghĩa hay không. Những nhìn lại bao giờ cũng thật là quan trọng, nhưng chúng còn có ý nghĩa lớn hơn, cho một thứ khác, sự hướng tới.

Tất cả bắt đầu từ một mùa hè.

***

Đó là một mùa hè vô cùng nóng bỏng, cái nắng nóng cục cằn chỉ luôn muốn lấn át và kéo tuột người ta xuống một cách thảm hại. Về sau tổng kết cuộc đời mình, tôi sẽ sớm nhận ra nhìn chung không có gì tốt đẹp đến từ mùa hè, tôi thích mùa đông hơn; tôi thực sự là con người của mùa đông, đã có những lúc tôi nghĩ mùa thu phù hợp với mình nhưng nhanh chóng đi đến kết luận là cái thứ mùa lửng lơ sẽ dần biến mất vĩnh viễn ấy (và cả mùa xuân nữa) chỉ độc là một sự bạc nhược của thời tiết; chỉ có mùa đông, hoặc mùa hè, với sự tột cùng của nó, cùng sự cố chấp cũng của chính nó, mới thực sự là mùa; tôi tuyệt đối là con người của những gì lên đến cực điểm, cũng như tuyệt đối không phải của những gì lửng lơ ở giữa.

Mùa hè đó, tôi mệt nhọc hết hơi sau một set squat nặng gắng sức, cảm nhận rõ ràng chấn thương ở lưng nghiêm trọng hơn mình tưởng. Một chấn thương gì đó đau buốt khiến việc đứng thẳng trở nên khó khăn vô cùng. Ngồi bệt xuống tấm thảm của phòng tập, tôi có chừng hai phút rưỡi nghỉ ngơi cho một hiệp tiếp theo nhưng không chắc có thể tiếp tục được nữa. Cửa sổ lấp lánh nắng, chiếu xiên vào khoảng không trước mặt tôi một màu vàng rất mới. Tôi mệt mỏi ngồi đó với tất cả sự trống rỗng của mình. Murakami nói tôi chạy để đạt được sự rỗng không. Điều này thật đúng. Thể thao có cái quyền lực vô biên dễ khiến tâm trí trở nên khoáng đạt. Đối với thể hình thì điều này còn đúng hơn; trong lúc đương đầu với sức ép của sắt thép đè nặng lên cơ thể, con người không thể nghĩ đến được điều gì khác ngoài việc tập trung cao độ. Cứ lúc nào cần sự rỗng không tôi lại đi đến phòng tập. Đôi lúc, điều duy nhất đáng kể đó là không phải suy nghĩ gì.

Đó là chấn thương nghiêm trọng thứ hai kể từ khi tôi biết đến thể hình. Lần đầu tiên là chấn thương ở vai sau; đợt đó tôi đã quá chủ quan, tôi còn nhớ rất rõ đó là hôm thực sự đầu tiên tôi bước đến phòng tập bên ngoài (thay vì chỉ sắm đồ và tập ở nhà); vốn quen với thanh đòn hàng phủi ở nhà chỉ 5 kg và không biết trọng lượng thanh đòn ở phòng tập đến 20 kg, tôi thản nhiên lắp khối lượng tạ tương tự vẫn tập và nghe đau buốt bên vai trái khi nhấc lên, và cả thanh tạ gần bảy mươi cân đổ xuống ngực. Mọi người xung quanh vội chạy đến đỡ thanh tạ hộ tôi, tôi choáng váng đứng dậy, vẫn cố tỏ ra bình thản nhưng sự thực là hai tháng sau đó tôi gần như không thể giơ tay cao quá đầu.

Nhưng chấn thương ở lưng này mới thật sự nghiêm trọng. Tôi đã may mắn không bị thoát vị đĩa đệm, coi như chấm dứt sự nghiệp tập tành mới nở, nhưng vết đau vẫn sẵn sàng gào lên bất kể lúc nào để nhắc nhớ về sự có mặt của nó, kể cả khi ngủ, như khẳng định ngôi vị mà nó chiếm đoạt được. Dẫu gì đi nữa, với cái mùa hè đó, mùa hè bắt đầu của tuổi 29, tôi vẫn là kẻ thua cuộc. Tôi còn nhớ rất rõ, mọi sự khởi đầu, khởi đầu nào cũng đi kèm kết thúc, vào cái tháng thật là buồn thảm, tháng 7.

Khoảng thời gian đó, sau những đợt đi quá nhiều, tự nhiên tôi nhận ra hôn nhân của mình tan vỡ. Đến một ngày tôi, chắc chắn là cả nàng, nhận thấy mọi việc không ổn, theo một cách thức nào đó rất khó gọi tên. Tôi không còn nhận ra người vẫn hay gần mình, như thể nàng đã biến thành một ai đó khác; không còn biết, hay hiểu, chút nào về những điều nàng đang nghĩ nữa; nhưng ngay cả điều này tôi cũng không dám chắc lắm, có thể chính tôi đã trở thành một người khác mà tôi không nhận ra. Tôi có cuộc chiến của tôi, về phía nàng, rất có thể, cũng đang vùng vẫy đương đầu với cuộc chiến của nàng; hai cuộc chiến đó có thể là về cùng một thứ nhưng mỗi người lại đối diện một cách độc lập. Rất có thể là như vậy. Hoặc cuộc chiến của nàng chẳng liên quan gì đến tôi, là một cuộc chiến khác mà tôi thậm chí không có hiện diện trong đó. Có lẽ từ lâu rồi nàng đã quen đương đầu với các cuộc chiến mà không có tôi, thành thật mà nói. Tôi vẫn luôn muốn san sẻ, nhưng về phần mình, chính tôi cũng đã quen với việc đương đầu một mình, bởi vì tôi không muốn ai đó phải lo lắng cho tôi cả. Tôi nhớ nàng từng hỏi tôi rằng tôi cần ở nàng cái gì. Ở bên anh, tôi trả lời. Để làm gì? Chỉ cần ở cạnh anh thôi. Nhưng thế thì có ý nghĩa gì chứ?! Anh chỉ cần một người để tối về ôm đi ngủ, để anh có cảm giác an toàn, chỉ vậy thôi, như thế thì là ai cũng được, đúng không? Không phải như vậy, tôi yếu ớt trả lời, nhưng chính mình cũng không thực sự tin tưởng lắm. Những khó khăn vấp váp ở ngoài kia, tôi có thể chịu được, ích gì đâu khi trút nó lên đầu người khác chứ. Nhưng có thể tôi đã lầm. Có lẽ nàng đã từng muốn san sẻ với tôi nhiều hơn thế. Nhưng tôi đã không hiểu. Cũng như không hiểu nàng cần được san sẻ những gì. Có lẽ. Tôi chợt nhớ đến một (hoặc vài) lần, nàng vừa thút thít khóc vừa hỏi anh có cần em không? Em có cảm giác anh chẳng cần ai. Những câu hỏi mệt mỏi ấy luôn làm tôi cảm thấy chân mình không chạm đất và toàn thân lơ lửng, còn bầu không khí xung quanh bỗng mờ mịt cả đi như ảo ảnh. Một bầu không khí nặng nề đặc quánh thít chặt lại các suy nghĩ. Tôi nhớ đến một nhân vật của Murakami, hầu như cả cuộc đời chỉ toàn huỷ hoại các cô gái. Có một quãng nào đó ở thời sinh viên, cô gái mà gã yêu lần đầu tiên nói với gã đôi khi em thấy rất cô đơn khi ở bên cạnh anh. Về sau gã bỏ cô gái lại để đến một thành phố khác, mãi dằn vặt với suy nghĩ không thể làm ai hạnh phúc. Thở dài. Đôi khi tôi cũng tự hỏi mình điều tương tự, rằng tôi thực sự có thể làm ai đó hạnh phúc hay không. Hôn nhân, dường như là một cánh cửa hai mặt, mà người ta bước vào là những người rất quen nhau và bước ra là những người hoàn toàn xa lạ.

Tôi không nhận ra được nhiều thứ khi nó đang diễn ra, nhưng có một điều chắc chắn là đột nhiên mọi thứ rơi tuột khỏi tay rất khó kiểm soát. Khi lờ mờ nhận ra thì những gì quen thuộc đã xa tít tắp rồi. Tôi không có nhiều cơ hội để kéo lại. Tôi cũng không thể kéo lại chính tôi. Tôi ở rất xa, và cả nàng.

Murakami có những kịch tính thuộc hàng điển hình cho những sự đổ vỡ thường thấy ở hôn nhân hiện đại, mang rất nhiều ám ảnh của những sự biến mất. Biên niên ký chim vặn dây cót có một mở đầu thật lạ lùng, bỗng một buổi sáng gã nhân vật chính không thấy vợ mình đâu nữa. Giống hệt như người vợ trong Gone Girl. Chỉ đơn giản là biến mất, bỏ đi, mở đầu cho các cuộc phiêu lưu đi qua các mảng tối tuyệt vọng, để dần hé mở ra nhiều điều. Hình như trong suốt cả câu chuyện, gã chưa từng thực sự gặp lại vợ mình, hoặc chỉ là chạy theo cái bóng.

Trong một tiểu thuyết khác, còn lạ lùng hơn, mở đầu bằng bản tin cáo phó của một cô gái, hoá ra lại là người yêu cũ của gã nhân vật chính, đưa gã trở lại ký ức phóng túng vụng dại của tám năm trước với cô nàng đã chết. Đêm đó gã đi uống say và khi trở về, đột nhiên thấy một cô gái khác trong nhà mình; trong cơn chập chờn của ký ức trộn lẫn với rượu, gã nhận ra đó là người vợ đang ly thân. Gã kể cho nàng vừa đi dự đám tang của một “người quen cũ”. Đó là môt cô gái, gã kể. Vì cô gái đó mà anh đi uống say à? Nàng hỏi. Không, không phải thế. Gã trả lời. Kể cả có phải thì cũng chỉ đến một, hai cốc đầu. Một đoạn mở đầu rất Murakami dường như báo trước là gã sẽ còn gặp các rắc rối thảm khốc với nhiều phụ nữ. Thực tế về sau đúng như vậy. Cô gái có đôi tai đẹp, một nhân vật rất chính nhưng về sau cũng biến mất, không phải là người kỳ quặc duy nhất mà gã nhân vật chính của Cuộc săn cừu hoang dính líu vào trong toàn bộ cuộc phiêu lưu của mình. Đó không phải cuộc đi săn một con cừu mà chính là hành trình tìm lại hạnh phúc. Đó thực sự là một gã đàn ông đánh mất tất cả.

Nhưng trước khi đến được đến đó, nhân vật tôi của Cuộc săn cừu hoang cũng chấm dứt cuộc hôn nhân bốn năm mà không có con của mình. Đó là một ngày cuối tháng bảy của cái năm gã bước sang tuổi ba mươi. Tôi cười như điên nhưng đồng thời cũng méo xệch miệng, văn chương đôi khi cũng có thể tạo ra những định mệnh trớ trêu đấy nhỉ; từ khi cầm quyển sách này lên tôi đã biết là nó dành cho mình. Đây không phải là lần duy nhất tôi gặp chuyện này; trong giai đoạn đầu không mấy dễ dàng của hôn nhân tôi cũng tìm được sự khích lệ rất lớn từ Phía nam biên giới, phía Tây mặt trời, cuốn tiểu thuyết dạy cho tôi rằng đàn ông có thể huỷ hoại và làm tổn thương một người đến thế nào, có thể lầm đường lạc lối ra sao, mà chỉ có sự bao dung của một người đàn bà có thể cứu chữa những sai sót ấy. Đấy là cuốn tiểu thuyết dành cho những kẻ chưa biết mình thuộc về đâu tìm được nơi mình thực sự thuộc về.

Mâu thuẫn tình cảm trong truyện của Murakami không mang màu sắc xung đột và cao trào nhưng đều là những đổ vỡ từ trong nền tảng, đổ vỡ từ rất lâu mà không biết và đến một ngày chỉ đơn giản là chúng vỡ vụn ra không cứu chữa được nữa. Con người, dù sao đi nữa thì cũng thật chông chênh. Có những điều mãi sau này nhắc lại vẫn thật là đau lòng.

Nhưng dẫu có đau lòng cách mấy, hoàn toàn trong tôi không nuôi một chút hận thù nào. Tôi không bao giờ nuôi hận thù cho các mối tình; ngược lại, tôi thật sự biết ơn các mối tình đã từng đến với mình. Về phương diện này, tôi tìm thấy sự đồng cảm tuyệt đối ở Trầm Tử Thiêng. Mang ơn em trao tình một lần, là kỷ niệm dù không đầm ấm. Bài hát đó, cất lên trong tâm trạng nào thì cũng thật là cứu rỗi. Những mối tình, kể cả chúng có dìm ta xuống thật thấp, hoặc nâng ta lên rất cao, thì nhìn chung đều làm được một việc là dẫn lối cho ta bước tiếp. Cuộc đời nếu đứng yên, hoặc thậm chí là tụt lại đằng sau, thì thật thảm hại. Có những người càng đi chỉ càng thấy tụt lùi, đến lúc tuột hẳn xuống hố sâu thăm thẳm của cuộc đời không sao trồi lên nổi. Murakami theo tôi là nhà văn không bao giờ giả dối khi nói về các mối tình, đôi khi ở phương diện rất cao của nó: Sự không lời. Trong Rừng Nauy, Hatsumi có một tình yêu đặc biệt dành cho kẻ không cứu chữa được là Nagasawa; nhưng có lẽ chính vì nhìn thấy ở hắn sự không cứu rỗi được nữa mà nàng dành một tình yêu lớn đến thế và vô ngôn đến thế, bởi đơn giản là nàng biết con người này sớm muộn cũng sẽ đánh mất tất cả; trong tất cả sự thảm bại của hắn, nếu còn có thể vớt vát, đó chính là hắn đã có nàng. Phụ nữ yêu đàn ông có thể đến từ ý thức tự thân về vai trò của họ. Phụ nữ làm đàn ông lớn lên, hay nói cách khác, phụ nữ làm đàn ông thực sự là đàn ông. Đàn ông lớn lên chủ yếu qua các lần huỷ hoại người đàn bà của mình, qua đó huỷ hoại chính mình. Không có cách nào làm người đàn ông lớn lên hơn thế. Cho đến khi đàn ông học được cách yêu ai đó, hoặc lớn hơn một chút, là giữ được ai đó, họ miễn cưỡng có thể tạm gọi là. Nagasawa coi như kết thúc cuộc đời mình kể từ khi Hatsumi bỏ đi.

Đàn ông không biết được rằng có một người phụ nữ hoàn toàn dành cho mình là họ có cả thế giới. Nhưng họ còn không biết một điều là sự toàn tâm toàn ý ấy chỉ có một lần. Hajime sẽ không thể có Yukiko như đã từng có nàng (Phía nam biên giới, phía tây mặt trời).

Tôi không nuôi chút hận thù nào, nhưng rồi cũng tự tha thứ cho mình (nhưng vẫn nhớ) sau những lần huỷ hoại một người phụ nữ. Điều quan trọng là phải bước tiếp. Bước tiếp đi mãi. Như những gì họ đã dạy ta.

Một nhà văn khác cũng không hề giả dối khi nói về các mối tình là Raymond Carver. Ông có cái nhìn không dấu diếm về các đổ vỡ hôn nhân. Hôn nhân chết khi người ta ngừng nỗ lực, ngay tại giây phút đó.

Chấn thương ở lưng vẫn không thôi hành hạ tôi, cho đến khi tôi học được cách dãn cơ và thay đổi suy nghĩ về việc tập luyện. Tất cả chấn thương nhắc nhớ cho ta về việc lắng nghe cơ thể, về những sự kết nối tinh thần từ sâu bên trong. Cơ thể hầu như không hề giả dối đối với sức ép lên nó, chỉ là ta cố tình tảng lờ đi mà thôi.

Mùa hè đó đã đi qua thật là khó nhọc. Cứ nhắm mắt lại là tôi thấy mình bay, bay nhiều đến nỗi tôi dần không thuộc về đâu nữa.

(Về những chuyến bay)

(tiếp)

Có những chuyến bay ta đặc biệt nhớ vì tính chất định đoạn của nó. Chuyến bay ngày hôm ấy không giống những chuyến bay khác; mà những lần bay trước đó chỉ là các đợt háo hức để trở về; chuyến bay ấy đã mang tôi đi thật xa, những ngoảnh mặt chốc lát chỉ là dấu hiệu báo trước của mùa hè bỏ lại sau lưng thật là hoang đàng. Tôi đã nhìn rất kỹ cánh cửa nhà mình, đằng sau nó từng có một không khí thật là đáng sống. Tôi không còn có thể về lại gần nơi mình từng bỏ đi nữa, còn gì chờ đợi và dành cho tôi nữa đâu. Về sau, chủ yếu người ta sẽ chỉ nhớ đến những lần sắp xếp để bỏ đi. Tôi cũng sắp xếp lại sau lưng cả một quãng đời mình.

Nhưng căn nhà, cùng sự bảo bọc của nó, vẫn chờ đợi tôi trở về.

(về căn nhà)

Chỉ có điều, như chưa đủ thảm khốc, con Tuti cũng bỏ tôi đi trong một tai nạn hi hữu. Đôi khi tôi mơ thấy nó và ước giá như quãng thời gian đó đừng tàn nhẫn với mình như vậy; nhưng sau mọi chuyện, mỗi biến cố xảy ra như một báo hiệu về những thay đổi bắt buộc phải đến. Tôi thấy mình giống như một nhân vật của Murakami, bỗng rơi xuống giếng sâu, tắm trong dòng thác ánh sáng để tự chữa lành và tìm cứu rỗi.

Chấn thương ở lưng sau hai tháng cũng đã chịu nhường mà không trêu tôi nữa. Những chấn thương chủ yếu nhắc ta về những sai lầm, nhưng chấn thương còn nói cho ta biết về một điều nữa – sự phục hồi. Tiến trình tự chữa lành cho mình đó không sự thực đau đớn nhưng cũng đã biến tôi thành một người không hoàn toàn là mình trước đây. Đâm đầu xuống giếng là một cách để Toru đương đầu với quá khứ và tìm được đường đi vào sâu trong bản thể của mình, từ đó có thể hướng lên trên. Tôi đã bò lên khỏi giếng, nhưng một phần của mình đã nằm lại dưới đó. Tôi bỏ lại chính tôi.

Tôi vẫn tiếp tục kiếm tìm sự rỗng không, chỉ có sự rỗng không là an ủi và khích lệ tôi nhiều nhất; nhưng đâu đó sâu thẳm dường như tôi vẫn đi tìm, một thứ gì đó có khả năng lấp đầy mình. Tôi không tuyệt vọng lắm dù cuộc sống có bết bát đến mấy. Ý thức làm lại trong tôi chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế.

Điều đầu tiên tôi dựng lại cho mình, đó là nhịp điệu.

Quá trình luyện tập không dễ dàng gì khi phải cân bằng giữa cuộc sống cùng các trách nhiệm mệt mỏi của nó, nhưng bằng cách nào đó tôi vẫn duy trì được. Điều giữ nhịp cho một nhà văn như Murakami có thể miệt mài sáng tác mà không hề giảm sức hấp dẫn đó là chạy bộ. Cuộc sống của một nhà văn đương đại thuộc hàng kiệt xuất nhất hiện nay đơn giản đến không ngờ: mỗi ngày ông dậy sớm lúc 5 giờ sáng, vào bàn viết, chạy bộ, về nhà nghe nhạc Jazz trong bộ sưu tập hàng chục nghìn đĩa của ông và đi ngủ sớm. Một con người của sức làm việc dựng xây trên tính kỷ luật và sự cân bằng tinh thần. Murakami dù có xu hướng phản kháng lại sự truyền thống đến đâu thì từ trong máu, ông vẫn là một người Nhật.

Tôi đi đến phòng tập hàng tuần, cố gắng để không bị gián đoạn vào bất cứ tuần nào, dù có phải xoay sở ra sao. Về cơ bản, đối với tôi không có gì còn quan trọng hơn sự ổn định về tinh thần nữa. Những gắng gượng về một số thứ, về sau nghĩ lại thật là vô ích, tôi rút ra kết luận là bằng bất cứ giá nào cũng phải giữ cho cuộc sống của mình tính tổ chức, mà đại diện của nó là tính kỷ luật, là nhịp điệu. Tôi bắt đầu tìm hiểu về thể hình một cách nghiêm túc, tự mua đồ về nấu ăn cho mình, để ý đến tỷ lệ mỡ cơ thể cũng như tốc độ phát triển của cơ bắp. Tôi lên lịch tập luyện theo những giáo trình nghiên cứu kỹ càng, đăng ký một khóa online coaching của người có uy tín nhất trên mạng, dành nhiều thời gian tìm hiểu về dinh dưỡng và sự liên quan giữa cơ bắp và tinh thần (mind-muscle connection) để biết cách điều khiển thần kinh của mình. Sẽ thật lố bịch nếu ai đó biết tôi tiêu tốn bao nhiêu một tháng cho việc tập luyện và dinh dưỡng, nhưng như Murakami nói, hãy tiêu tiền vào những thứ tiền có thể mua được, còn hãy tiêu thời gian vào những thứ tiền không thể mua; xét cho cùng thì đầu tư vào bản thân là món đầu tư hời nhất. Tôi vẫn nhớ một câu cậu coach hỏi tôi anh có hay bị stress không. Không hề, tôi trả lời. Nhưng sau khi kiểm tra các vấn đề tôi gặp phải trong tập luyện, cậu ấy vẫn cho rằng tôi bị stress. Tôi đã nghĩ rất nhiều về việc này cho đến khi giật mình nhận ra có lẽ tôi quả đã stress thật mà không hề hay biết.

Có lẽ tôi mỏi mệt hơn tôi nghĩ. Những thay đổi ấy, những nỗi buồn ấy, những sự mất phương hướng ấy… Đã từ rất lâu tôi mới bị mất ngủ.

Thể hình có một triết lý nền tảng đó là sự phát triển của cơ bắp dựa vào sự kết nối với thần kinh. Về mặt vật lý, trong cơ thể có vô số sợi cơ nằm dưới da, nếu huy động được càng nhiều sợi cơ tham gia vào hoạt động thì càng có khả năng kích thích sự tăng trưởng của cơ bắp. Điều này có thể làm được qua sự tập luyện, càng tập nặng thì cơ bắp càng nhớ và càng có xu hướng huy động nhiều sợi cơ tham gia hơn, nhưng sự huy động từ thần kinh cũng quan trọng không kém. Nếu bằng cách nào đó mà não bộ ra lệnh được cho tất cả các sợi cơ hoạt động thì kết quả tập luyện có thể thật phi thường. Tất cả điều này cần một sự kết nối từ bên trong.

Việc tập luyện đã không chỉ là một sở thích nhằm tăng cường sức khoẻ đối với tôi, đó là con đường để tôi tìm đến sự rỗng không, qua đó tìm cho mình sự thanh thản; nhưng lớn hơn, thông qua tập luyện tôi hoàn thiện được triết lý sống cho mình; mọi sự thật là đơn giản lúc bắt đầu, ta cứ đi sâu vào nó mà không biết trước những gì sẽ xảy ra, rồi dần dần mới chợt nhận ra mọi thứ không hề đơn giản, tất cả đều có ý nghĩa của nó, đã ở sẵn đấy rồi chỉ chờ đợi ta có đủ kiên nhẫn khám phá ra hay không. Những chấn thương dạy tôi về lắng nghe cơ thể, sức chịu đựng và giới hạn của mình; còn bản thân việc tập luyện giúp tôi kết nối với nguồn sức mạnh ở bên trong – sức mạnh tinh thần. Trước hết, việc duy trì một nhịp điệu mang tính kỷ luật cao độ. Nếu chỉ tập được chăng hay chớ thì không bao giờ tiến xa, còn tôi chắc chắn không phải người làm gì qua loa đại khái. Tôi là kiểu người làm gì cũng nỗ lực hết mình, cũng chẳng phải để đạt được cái gì to tát hoặc vươn đến cái này cái kia, chỉ đơn giản là tôi không chịu nổi sự hời hợt.

Đối với Murakami, mọi thành tích và giải thưởng đều không quan trọng bằng việc đạt được đến tiêu chuẩn cá nhân tự đề ra. Tôi là người tuyệt đối có tiêu chuẩn của mình, một trong số đó: tránh xa sự hời hợt. Bầu không khí xung quanh những kẻ hời hợt luôn toả ra một thứ mùi giả dối, và là thứ không khí tôi ít muốn tiếp xúc nhất. Những kẻ hời hợt đều ngu ngốc như nhau, ghê sợ nhất là những kẻ hời hợt với chính đam mê của mình; tôi từng chứng kiến một số người miệng thì nói là thích cái này cái kia lắm, rồi muốn trở thành thứ này thứ nọ, nhưng một chút cố gắng để tìm hiểu về cái mình thích cũng lười biếng, cuối cùng dậm chân tại chỗ một cách thảm hại. Một điểm chung nữa của những kẻ hời hợt đó là luôn chỉ chọn đường dễ, hẳn nhiên sẽ không thể đi được xa, rồi kết quả là chạm ngưỡng rất nhanh, một nửa trở nên tự hài lòng với những thành công nhỏ (có một sự thật là tôi ghét những kẻ hài lòng với những thành công nhỏ, đáng buồn cười là tập đoàn những kẻ như vậy thật nhiều đến đáng ngạc nhiên), nửa còn lại biến tướng thành những kẻ than vãn, làm như cuộc đời bất công với mình lắm. Họ không biết rằng cuộc đời công bằng hơn thế, tất nhiên, cho những người nỗ lực. Việc duy trì tập luyện trong điều kiện phải làm tốt mọi trách nhiệm khác (hoặc ở mức vừa đủ, cũng cần gì hơn thế đâu) không dễ như tôi nghĩ, nhưng một sở trường của con người là tìm lý do để trì hoãn bất cứ khi nào thấy khó khăn, tôi tránh hết sức để trở thành những kiểu người thoái thác như thế. Tôi nhớ đến Murakami với những cuộc thi marathon đầy khó nhọc của ông và tìm được sự khích lệ lớn. Đó là một nhà văn muốn viết trên bia mộ mình dòng chữ một nhà văn (và người chạy bộ). Ít nhất là ông ấy chưa từng phải đi bộ.

Đi sâu vào hơn, cái tôi thực sự thích ở thể hình là những gì thuộc về bản chất của nó. Nguyên lý của thể hình là sự tự làm tổn thương cơ thể; những mạch máu li ti trong cơ bắp và những sợi cơ sẽ roách toạc và đứt gãy mỗi khi chịu áp lực từ tạ sắt, để từ đó phục hồi qua việc hấp thụ dinh dưỡng và ngủ nghỉ. Chính cơ chế bị tổn thương và phục hồi đó kích thích cho sự phát triển của cơ bắp. Thể hình là một chuỗi gia tăng tổn thương và gia tăng phục hồi. Con người thật kỳ diệu, đôi khi. Vẻ đẹp của thể hình nằm chính trong việc dạy con người về hi sinh và nghị lực, nhìn chung không có gì là dễ dàng. Cơ thể con người là một cỗ máy bền bì và ở một phạm vi nào đó, có thể coi là hoàn hảo, nó phản hồi lại toàn bộ các tác động lên nó theo một cách ghi nhớ và học hỏi hết sức thông minh, từ đó tạo nên sự thích ứng phù hợp với các tác động. Thể thao tận dụng chức năng ghi nhớ và thích ứng của cơ thể một cách tối đa. Nếu ngay lập tức bắt cơ thể làm quen với một thử thách mới, ví dụ như một chặng đường dài hơn của môn chạy bộ, hay một mức tạ mới của thể hình, cơ thể sẽ từ chối nhưng đồng thời ghi nhớ thử thách đó. Nếu chúng ta tiếp tục bắt cơ thể ghi nhớ thử thách cho đến khi chúng hiểu rằng chúng phải chịu đựng được và vượt qua, chúng sẽ dần thích ứng – hệ thần kinh khi đã hiểu được rằng chúng phải làm gì, nó sẽ ngay lập tức phát ra tín hiệu đến cơ bắp bắt chúng thực hiện. Hệ thần kinh, hay não bộ, có thể coi là trung khu điều khiển, chỉ cần thần kinh ra lệnh thì cơ bắp sẽ làm được. Cơ thể sẽ tự điều tiết năng lượng để bắt con người chạy được xa hơn, hoặc kích thích cho cơ bắp phát triển đến mức độ chiến thắng được áp lực từ mức tạ mới. Cứ cho cơ thể thời gian để thích nghi rồi nó sẽ làm được, miễn là trong quá trình kiên nhẫn chờ đợi cơ thể hiểu được cái chúng phải làm, ta liên tục nhắc cho chúng nhớ – không gì khác ngoài việc tập luyện, lặp đi lặp lại hàng ngày. Ở đây ta thấy tính kỷ luật trong tập luyện bắt đầu trở nên có ý nghĩa, vì nêu không có chúng, ta sẽ kích hoạt một chức năng khác của cơ thể, bên cạnh chức năng ghi nhớ, đó là chức năng quên. Não bộ của chúng ta hoạt động theo một nguyên lý tối ưu nguồn lực, để làm được điều đó chúng liên tục ghi nhớ cái mới đồng thời cũng liên tục bỏ đi những thứ không cần thiết nữa. Nếu một thời gian dài, thật ra không cần dài lắm, ta không cho cơ thể tập luyện thì chúng sẽ dễ dàng hiểu rằng ta không cần chúng phải tận dụng nguồn sức mạnh ấy nữa, và chỉ đơn giản là quên đi. Con người thật kỳ diệu, đôi khi.

Hiểu được nguyên lý của thể hình làm tôi thấy thật sự tôn trọng môn thể thao này. Trong chuyến đi Nhật cuối năm ngoái, tôi học được một triết lý của người Nhật đó là làm mọi thứ với niềm tôn trọng (do things with respect); nghệ thuật, đầu tiên là một việc làm đi làm lại một thứ cho đến khi thành thục. Trong bộ phim nổi tiếng về đề tài sushi của Nhật, bí quyết để làm được món sushi ngon nhất thế giới của người nghệ nhân không có gì ngoài việc không ngừng luyện tập hàng ngày cho đến khi đạt được trạng thái hợp nhất giữa sản phẩm và người làm ra nó. Đối với tôi, vẻ đẹp của thể hình nằm ở chỗ con người lặng lẽ vượt qua chính mình; vì lẽ đó, đối với tôi phòng tập trở thành một ngôi đền linh thiêng mà ở đó mỗi người âm thầm theo đuổi các mục tiêu tuyệt đẹp của mình, mục tiêu chinh phục. Về mặt này, đây cũng là một điểm mà tôi thích ở một môn thể thao như thể hình mà ở đó tính ganh thua trở thành thứ yếu. Thể hình là một môn rất cá nhân. Tôi không phải con người của tập thể, dù ở mặt thể hiện tôi có nằm trong một tập thể nào đó đi nữa thì tôi vẫn luôn cách biệt khỏi nó.

Mỗi khi ngồi đó nghỉ ngơi sau những set tập nặng, tôi rơi vào trạng thái rỗng không, cũng chẳng thể nghĩ được gì. Nhưng cũng có đôi lúc, sau những thất bại của lần thử mức tạ mới, tôi ngồi đó, quanh quẩn với suy nghĩ. Tôi cố nghĩ xem, tôi là ai?

(tiếp)

Không có lúc nào thích hợp để nghĩ xem mình là ai hơn những lúc trống rỗng ngồi đó sau những set tập nặng. Tự hỏi xem mình là ai? Điều này có thông thường không? Thường nhật có lẽ người ta chẳng bao giờ tự hỏi, và cất công đi tìm, xem mình là ai. Con người tự hỏi bản thân cái gì đấy đã là hiếm rồi, còn cố nghĩ xem mình là ai có lẽ càng lạ lùng hơn. Những người như thế hoặc đã biết rõ về bản thân mình, hoặc tự bằng lòng với việc chẳng cần biết mình là ai; trong phạm vi những người tôi biết, vế thứ hai nhìn chung là nhiều hơn, dù cho đa số vế thứ hai cứ nghĩ là mình thuộc về vế thứ nhất. Thêm một điều thông thường nữa là hầu hết chúng ta nhầm lẫn về bản thân hết, những cái cứ tưởng mình là thế này hoá ra là thế kia, vân vân và vân vân. Tôi quen biết một số cô gái, nói chung thuộc vào tập hợp cái xu thế gì đó mà người ta vẫn hay gọi là tự do, tài giỏi; không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để thể hiện sự không cần đàn ông của mình, thế hệ phụ nữ hiện đại không-thuộc-về-ai mà tôi hết sức ngưỡng mộ, luôn truyền cảm hứng cho các cô gái khác mạnh dạn đi theo lối sống young and wild đầy cuốn hút. Những cô gái sẵn sàng gánh vác cả thế giới trên vai mình. Tôi thấy đàn ông thật là thảm hại đối với họ. Thế nhưng tôi cũng hết sức ngạc nhiên khi cũng chính họ, luôn âm thầm kêu gào tủi thân mạnh mẽ nhất vào những dịp như Valentine hay Noel các thứ khi, dù đã tinh tế thả thính khắp nơi trước đó, không có bóng dáng đàn ông nào để chiều chuộng đưa nàng đi chơi. Nỗi ấm ức từ niềm kiêu hãnh của họ cũng lớn như sự bạc nhược của đàn ông. Tôi thấy đàn ông thảm hại gấp đôi mỗi khi như thế, chỉ giỏi tán tỉnh vui đùa nhưng đứng trước các mẫu phụ nữ độc lập thì thường tự khắc thu nhỏ mình lại. Đàn ông mang trong mình nỗi mặc cảm vô biên trước các phụ nữ lớn hơn mình. Nhưng, tôi cũng lại rất ngạc nhiên, mỗi khi có may mắn được cởi bỏ hết đồ của một cô gái độc lập tự chủ không-thuộc-về-ai trên giường, tưởng rằng nàng sẽ quyết liệt lắm như vốn dĩ, sẽ vồ vập nuốt chửng lấy tôi, không ngại thể hiện ham muốn và sự kiêu bạc của nàng; nhưng phụ nữ nhìn chung là khi bị lột hết đồ ra sẽ trở lại bản chất mềm mại kỳ diệu của họ, và đôi lúc yếu đuối đến mong manh, chỉ chạm vào một chút thôi là họ có thể khóc oà lên được. Về sau tôi hiểu ra, đối với phụ nữ, khi cởi bỏ một trong hai thứ, một là quần áo, hay là lớp phấn son trang điểm, là giống như giúp phụ nữ trút đi một gánh nặng lớn của cuộc đời gồng gánh ngoài kia, để họ có thể trở về con người thật đằng sau của mình, nép sát vào ta mà thổn thức những chông gai cuộc đời, bất kể trước đó họ đã từng cứng rắn thế nào đi nữa. Phụ nữ không biết rằng đàn ông ngưỡng mộ sự tự chủ của họ nhưng chính phần mềm mại của họ mới là phần phụ nữ nhất. Đàn ông yêu phụ nữ khi họ là chính mình. Đàn ông cũng cảm thấy mình là đàn ông nhất khi được phụ nữ tin tưởng. Cũng chính bởi ân sủng từ sự tin tưởng ấy mà tôi mang nỗi biết ơn vô cùng lớn tới các cô gái đã vui lòng trút bỏ cả những bộ đồ và lớp trang điểm kỳ công của họ để cho tôi bước vào. Hơn hết thảy, tôi thấy biết ơn nàng, người tôi rất hân hạnh được mời chia sẻ cuộc đời mình.

Nếu nói tiếp thì tôi sẽ chìm đắm vào các cô gái, trong khi tôi chỉ đang tự hỏi xem mình là ai. Vì thế, tôi tiếp tục ngồi đó, nhìn ánh nắng chói chang của một mùa hè chiếu xiên từ cửa sổ vào làm chiếc bóng tôi đổ dài trên sàn tập, cái dáng bóng uể oải như không còn linh hồn nữa giống trong truyện Xứ sở diệu kỳ vô tình và nơi tận cùng thế giới; tôi ngồi đó nhìn lại tất cả quãng đường đã qua của mình. Không có cách nào để biết mình là ai tốt hơn là nhìn lại tất cả quãng đường đã qua. Đối với Kundera, cuộc đời là để chứng kiến tiếng thì thầm của quá khứ suy yếu dần. Tôi đã sống hai mươi chín năm, tưởng tượng đến hai mươi chín năm đã qua đó, tôi thực sự hiểu Kundera muốn nói gì; quá khứ rồi sẽ thu nhỏ lại, thật nhỏ, thậm chí nhỏ đến cực cùng kích cỡ của nó. Toàn bộ cuộc đời phía sau của con người, qua màng lọc ký ức, có thể chỉ đựng vừa trong một dung lượng thời gian vẻn vẹn vài phút. Ký ức thu gọn đến cực điểm, nhưng dù tinh gọn đến mấy thì nó vẫn ở đó, không chối bỏ được sự từng hiện diện của nó, còn người ta thì sống tiếp, vẫn sống tiếp bất kể đã từng có quá khứ hay không. Tất cả những gì gọi là rực sáng nhất của quá khứ hai mươi chín năm đang không ngừng đi về phía sau có lẽ tinh gọn lại chưa đến hai phút, tôi nhìn thấy tất cả những thứ muốn thấy, muốn nhớ, muốn quên đi nhưng vẫn nhớ (“Có những điều biết chỉ để mà quên/nhưng vẫn nhớ/vì quên là bất khả…”)… có những điều thật lạ lùng, những mảnh ghép không hiểu tại sao lại chắp nối vào với nhau, những ngã rẽ tự dưng lạc lối bước vào. Có rất nhiều điều tôi không hiểu về cuộc đời, nếu có gì đó tôi hiểu thì nó hoàn toàn không phải một đường thẳng tắp được định sẵn, mà là một kết nối liên tục của những ngã rẽ không ngờ. Có những người có khả năng hoạch định cuộc đời theo tỷ lệ đúng đến đáng ngưỡng mộ, nhưng có lẽ tôi thuộc về số những người cứ để cuộc đời lặng lẽ cuốn đi, giống như Phương, âm nhạc của người nghệ sĩ ấy là dành cho những tâm hồn trôi dạt.

Tôi không thực sự biết mình là ai, sau những gì đã xảy ra mà tôi không hiểu tại sao, tôi dần đi đến kết luận đó. Nghe như những nhân vật của Modiano, những nhân vật già cỗi đã sống quả nửa đời người nhưng không ai thực sự biết mình là ai. Tất cả tiểu thuyết của Modiano đều kể đi kể lại các cuộc đi tìm căn cước cá nhân của những người đến một giai đoạn nào đó của cuộc đời, không gì quan trọng hơn là đi tìm lại chính mình. Hầu hết bọn họ đều đương đầu với quá khứ, với những gì dở dang trong quá khứ, đi qua các lát cắt thời gian và màng lọc mờ ảo của ký ức để chắp nối các kỷ niệm tưởng như rời rạc nhưng lại rất có ý nghĩa trong việc xác định danh tính bản thân. Tại sao việc đi tìm lại căn cước cá nhân lại quan trọng đối với Modiano như vậy? Có lẽ bởi đối với ông, tìm lại căn cước cá nhân là những cuộc nhìn lại, một cách rời rạc nhưng hết sức tổng thể, những gì thực sự là quan trọng nhất đối với cuộc đời mỗi con người. Cuộc đời thì ngắn, nhưng vẫn đủ dài để ta sống qua phần lớn thời gian không thực sự có mấy ý nghĩa. nhìn chung khi tổng kết cuộc đời một con người, chỉ cần nhớ những gì mang tính định đoạt là được, có phải thế chăng? Những ký ức định đoạn ngắn ngủi nhưng có thể nói trọn vẹn về một cuộc đời; khi cuộc sống không phải là cố để cho thật dài, mà làm sao để những phút giây có tính xác quyết cao ấy xảy đến  với mình. Nếu không thì thật chẳng còn gì ý nghĩa. Chúng ta sẽ nhớ gì khi nhớ về quá khứ của mình?

Tôi nhìn lại mãi dung lượng ít ỏi hai phút cuộc đời mình. Hai mươi chín năm cô đọng vào hai phút không biết là nhiều hay ít, nhưng sự sống động của nó khiến tôi ngạc nhiên bất tận. Liệu vài chục năm nữa, khi tôi già hơn, ký ức cuộc đời được tinh gọn lại khi ấy có dài ra không, hay chúng rồi sẽ lại thu ngắn lại hơn nữa? Tôi sắp bước sang tuổi ba mươi, coi như giở sang trang tiếp theo hết sức quan trọng của cuộc đời.

Ý nghĩa chạm vào cột mốc ba mươi tuổi làm tôi thấy thật lạ lẫm.

(tiếp)

 *********

(rẽ ngang một chút để nói về tuổi ba mươi)

Một cách tự nhiên, tôi thuộc về những người quan niệm rằng cuộc đời của một người đàn ông có những cột mốc trọng đại. Có nhiều cách chia cột mốc cuộc đời, nghiêm túc nhất là theo dạng sự kiện biểu đạt mức độ trưởng thành đã thành khuôn mẫu đại để bao gồm thứ tự lớp lang hoàn chỉnh: hoàn thành việc học hành, đi làm, thăng tiến, lấy vợ, sinh con, trở thành ông bà viên mãn, chết đi để lại ít nhiều di sản; ít nghiêm túc hơn là những sự kiện khiến đàn ông thay đổi dần con người vụng dại của mình, kiểu như lần đầu cúp học, nhận thức được sự vô nghĩa của giáo dục, theo đuổi cái mình thích với rất nhiều hoài bão và ít nhiều nghi ngờ, chinh phục được cô gái đầu tiên của cuộc đời, nhanh chóng huỷ hoại nàng để đi tìm những thứ ý nghĩa hơn nhằm so ngang với đời, rồi càng nhanh chóng hơn nhận ra thất bại và thu mình vào một góc, ngụp lặn trong vũng bùn cho đến lúc chớp được một thời cơ nào đấy không thực sự đến từ năng lực cũng như ý chí cá nhân, bằng lòng với việc đứng ở một vị trí không mấy nổi bật trong xã hội nhưng miễn sao tránh xa được đáy vực để ngửa mặt với cuộc đời là đã sung sướng lắm rồi, vì đã chán một mình chủ yếu do cứ thấy phải chăm lo cho bản thân là rối tung lên nên lấy một, đôi khi là nhiều, cô vợ với tiêu chí nhìn chung không giống mấy, đôi khi là hoàn toàn đối ngược, với hình mẫu tự đặt ra cho các cô gái cách đây mười lăm năm khi còn ham muốn tự quyết định mọi thứ trong cuộc đời, sinh những đứa con hoàn toàn không có khả năng dạy bảo chúng và đương đầu với các cuộc chiến thường xuyên của việc ép lũ trẻ vào khuôn khổ – thực chất là để cứu vớt ám ảnh quyền lực thường trực nơi người đàn ông – cái khuôn khổ mà, như mọi mâu thuẫn thế hệ, kẻ trẻ hơn luôn ấm ức muốn thoát ra khỏi những gì mà người già hơn muốn ép họ vào – đến khi nhận ra điều đó vượt quá khả năng của mình, chán nản buông bỏ gia đình vốn dĩ hầu như chỉ một tay người vợ xây dựng, quay sang tìm cách tạo dựng sản nghiệp nhỏ nhoi coi như vớt chút thanh danh còn lại để đỡ cảm thấy lụi bại mỗi khi người khác nhìn vào. Sự bất đắc chí của đàn ông có thể là vô cùng lớn khi cả cuộc đời họ chỉ là đi giải quyết những việc mình đã gây ra. Cách chia cuộc đời thứ hai này có thể chẳng cần thứ tự lớp lang mà cứ lẫn lộn hết cả các sự kiện lên cũng được, dường như như thế lại càng đúng bản chất nhất.

Tôi không biết mình là ai, nên cũng không thực sự biết các sự kiện nào là quan trọng đối với mình (có những thứ tưởng là quan trọng hoá ra thâm chí còn chẳng nằm trong hai phút tinh gọn cuộc đời ấy), nên tôi sẽ chỉ chọn cách chia cột mốc chân phương nhất theo các mốc tuổi vậy thôi. Có lẽ chịu bởi ảnh hưởng bởi quan niệm thông thường nào đó mà tôi nghĩ, mốc ba mươi tuổi có ý nghĩa to lớn vô biên, cuộc đời có thể sẽ chỉ có hai nửa trước và sau ba mươi, với những ý nghĩa khác nhau trời vực. Mùa hè đó tôi hai mươi chín tuổi, chấp nhận đón nhận mọi thứ đến với mình, coi như để chuẩn bị giã biệt cuộc đời nửa trước, để sẵn sàng bỏ lại những thứ không thực sự quan trọng sau lưng, chỉ mang theo những gì nằm gọn trong hai phút cuộc đời được lựa chọn bằng năng lực chọn lọc đáng tin của ký ức. Ký ức có lẽ chưa bao giờ phản bội tôi, ít nhất nó quyết định hộ tôi phần nào của mình là đáng để nhớ đến (và mang theo), phần nào chỉ xứng đáng rơi vào vùng trũng của trí nhớ, nằm đó chờ cơn lốc thời gian cuốn trôi đi hết thảy. Chẳng có gì nghiệt ngã như ký ức, chúng quyết định hộ ta toàn bộ cuộc đời.

Nhưng ý nghĩ chạm đến tuổi ba mươi làm tôi bối rối, bởi lẽ, thành thật mà nói, tôi đã từng nghĩ rằng mình không sống lâu đến thế.

Cuộc đời không phải là để cố sống lâu nhất có thể, mà là sống làm sao để mình thấy không còn tiếc nuối gì nữa. Vấn đề là ham muốn của con người không có điểm dừng, đạt được cái này lại muốn đạt thêm cái khác nữa. Bất cứ khi nào thấy đã bắt đầu hài lòng với cuộc đời rồi thì nó sẽ chìa ra thêm những miếng bánh khác mời gọi, quyến dụ ta phải đạt được lấy, phải tóm được để rồi tận hưởng sự ngon miệng của chính ta. Cảm giác chớm chạm tay vào một thứ khó chịu, bứt rứt đến nỗi con người ta cứ phải cố vươn dài tay ra mãi, ra mãi đến khi cánh tay dài đến dị dạng. Có những người mang trong mình khuôn mặt đau khổ của tiếc nuối và cánh tay méo mó kéo dài rất đặc trưng cho sự tham lam gặm nhấm chiếc bánh lởn vởn ở trước mặt. Trong hầu hết các cuộc giã biệt một người vừa nằm xuống, lời chia buồn đặc trưng nhất là sự cảm thông cho những dang dở chưa làm được mà họ bỏ lại. Thật là lố bịch. Ám ảnh về sự chưa làm xong hết những điều mình muốn dường như là lời nguỵ biện lớn nhất cho nỗi sợ hãi về thứ vĩ đại và tuyệt đối như cái chết. Nhưng như thế nào là đủ mới được. Phải làm đủ bao nhiêu thứ trong đời thì người chết đi mới được có cái quyền nằm xuống trong sự im lặng và tử tế của người đời, thay vì bị đánh động bởi những lời rên rỉ ngu ngốc của họ?

Tôi thuộc về những người muốn tự quyết định cái chết cho mình. Tôi muốn khi mình chết đi chẳng phải thấy tiếc nuối cái gì dở dang cả, mặc cho có thể những người ngu ngốc ở lại vẫn sẽ ngây thơ tuôn ra những lời cảm thông rằng tôi chưa làm xong cái này cái kia thì cũng kệ họ. Tôi không phải có một cuộc sống đặc biệt gì hơn những người khác để thấy tự hào, nhưng suốt cả cuộc đời mình, như trên đã nói, tôi là con người luôn luôn kiếm tìm những gì lên đến cực điểm. Tôi là kiểu người không chịu được sự vớ vẩn ở giữa cũng như tất cả những sự hời hợt không chút đáng tin. Nếu tôi thích gì đó, tôi sẽ tìm hiểu thật nhiều để hiểu bản chất, hay những gì quan trọng đằng sau nó, tất cả với sự thích thú tự nhiên. Nếu ở trong một cuộc tình, tôi sẽ tìm đến những cảm xúc cao trào, cao nhất có thể, càng cao càng tốt (trừ những cuộc tình không mấy cần nghiêm túc, thật hổ thẹn là có những cuộc tình như vậy, nhưng kể cả trong những cuộc tình như thế đi chăng nữa thì bản năng cũng sẽ dẫn lối tôi đến những cao độ đích đáng, dù chỉ là chập chờn thoáng qua; nếu thấy một cuộc tình nào đó sắp sửa xảy ra mà khả năng sẽ không dẫn đến cao độ nào thì tôi cũng sẽ bỏ đi ngay, nói như một nhà văn nào đó – có những cuộc tình chết đi trước khi nó kịp bắt đầu; một cái chết thật đẹp).

Những cảm xúc cao độ, như không khí và thức ăn, là nguồn sống chủ yếu của tôi trong suốt nhiều năm tuổi trẻ. Âm nhạc, cũng như các cuộc tình, mang trong nó những độ cao thật sự chất ngất, tìm đến với tôi đầu tiên, mở ra một thế giới thật sự khác biệt, mà sau này cái cảm giác lơ lửng êm ái khi nằm lẫn trong bầu khí quyển có trọng lực rất nhẹ mà âm nhạc mang lại tôi bỗng bắt gặp, ở một độ cao thấp hơn và ít bồng bềnh hơn, mỗi khi chiếc máy bay mang tôi vụt lên bầu trời, đưa đến những vùng trời xa xôi, bỏ lại đằng sau những hoang đàng đổ nát. Thi ca, ở một phương diện khác, là sự bay vụt lên, ở sẵn trên một tầng cao trống trải và hoang vắng. Thi ca tách biệt hoàn toàn. Âm nhạc thì đưa người ta lên cao dần, còn thi ca đặt người ta về đúng mức độ cách biệt, cách xa vời vợi với xung quanh. Tôi chỉ thấy mình được thoải mái nhất, một mình một cõi khi ở trong thi ca, một thế giới bất khả xâm phạm. Tôi vẫn đang nghĩ xem liệu văn chương có cái sức mạnh kéo người ta lên trên như thế hay không, bởi lẽ, nói cho cùng, văn chương là công việc của đi vào sâu thẳm, vậy nên những xúc cảm quyết liệt mà văn chương mang lại vẫn thật là đủ đầy. Tôi chỉ tìm thấy những mảnh nhỏ của mình qua văn chương, đôi khi ngẫu nhiên bất chợt từ những vùng xa xôi đã hoàn toàn bị lịch sử quên lãng, như thành phố Istanbul quá vãng lặng lẽ chôn cất mình cùng nỗi buồn Hüzün khắc khoải.

Tôi cứ dung dưỡng, và không ngừng kiếm tìm, mình trong những xúc cảm cao độ, cho đến khi nhận ra, ở quãng hai mươi tuổi trở đi, ham muốn tự sát của tôi cũng nhiều như ham muốn được sống. Tôi rất sớm biết dòng âm nhạc nào dành cho mình, cũng như thi ca đích thực là phải ra sao, để rồi chạm vào những hạnh ngộ lớn lao khiến tôi không còn tiếc nuối gì nữa. Cái đêm nghe Khánh Ly lần đầu tiên hát tại Hà Nội sau sáu mươi năm ấy thật sự đã lấp đầy một chặng đường nghe nhạc nâng đỡ cuộc đời. Và thi ca của Đinh Hùng dường như là tiền kiếp của tôi quay về để nhắc nhớ về nguồn gốc của mình. Tôi đã rất sớm tìm thấy niềm khát vọng xứng đáng ghi vào huyết sử (“Niềm khát vọng, ta ghi vào huyết sử; dưới chân em, thơ lạc mất linh hồn…”).

Ở quãng hai mươi tuổi trở đi, tôi không tuyệt vọng lắm, nhưng rất thường xuyên nghĩ đến cái chết, khi thấy không còn gì tiếc nuối nữa. Cũng có thể nói, đôi lúc tôi đã thực sự cận kề cái chết; ở một lúc nào đó, dưới một vùng trời nào đó hoang vu của Châu Âu, trong cái giá lạnh và sự bất cần lên đến đỉnh điểm, tôi không thiết tha gì nữa ngoài ham muốn được chấm dứt cuộc đời mình; ở rất gần cái chết đến mức có thể nghe thấy tiếng quá khứ vẫy gọi, rất nhiều lần như vậy cho đến cả sau này, nhưng những thành trì cuối cùng của sự sống vẫn kiên cố bám trụ ở đó, đẩy ngược tôi trở lại. Về một mặt nào đó, tôi hết sức tôn trọng những người tự tìm sự kết thúc cho mình (không phải tất cả, nhưng phần lớn là tôi tôn trọng họ); những con người can đảm vượt qua ranh giới và thành trì để tự định đoạn cho mình, đứng trước sự nghiêm túc ấy, còn gì ý nghĩa hơn ta có thể làm cho họ, ngoài sự thành thật và tôn trọng của mình? Kizuki trong Rừng Nauy là một nhân vật lẻ loi vĩ đại, vì không còn muốn gì hơn nữa (và cũng có thể là kháng cự lại sự hỏng hóc gọi tên sự trưởng thành), đã tự nguyện ra đi. Ở đúng chỗ cậu dừng lại, sự hỏng hóc chuyển sang cho Naoko, để rồi sau này nàng cũng tự vẫn trong một khu rừng hoang vắng để tự chữa lành mình. Toru sau này khi đã nhận ra nhiều điều, thành thật thú nhận với Kizuki rằng cậu đã đúng Kizuki ạ, cậu chẳng bỏ lỡ gì ở cuộc đời này nữa. Cậu đã đúng.

Một tiểu thuyết đang nổi gần đây, Cửa hiệu tự sát, cấp pháp cho người ta cái quyền được chết, thậm chí lựa chọn hộ họ các cách thức quên đi cuộc đời, phần lớn trong đó là lấy cảm hứng từ những cuộc tự vẫn nổi tiếng. Một tiểu thuyết hài hước nhưng cũng không hài hước lắm, mà chất lố bịch trộn lẫn nghiêm túc có thể khiến người ta suy ngẫm đôi chút về cách sống và chết, nhưng nhìn chung vẫn nhìn về cái chết thật là sai lệch.

Tôi chạm ngưỡng ba mươi tuổi, với tất cả sự bỡ ngỡ và nghi ngờ của mình, bởi lẽ ám ảnh tự sát kéo dài từ tuổi hai mươi đến giờ, và những cao độ cảm xúc nuôi dưỡng đồng thời cũng khiến tôi không còn luyến tiếc gì nữa; nhưng dẫu có bỡ ngỡ đến đâu thì tuổi ba mươi cũng đến. Tôi chấp nhận việc đó cũng như chấp nhận mình đã bước qua một giai đoạn chứa chấp tất cả sai lầm và phục hồi, mà tôi dẫu có thế nào cũng thấy thật là đáng sống.

*********

(còn tiếp)

July 6, 2017  Leave a comment

Điêu linh

Bangkok, May 30 2017, last day

Những ngày vui tang tóc dần quên
kỉ niệm hồn nhiên lùi vào dĩ vãng
dịu dàng hôn lên những nỗi buồn bảng lảng
ngây ngất hương xưa trong khói ban chiều
… tôi bỗng nhớ người yêu…
tháng 5 về tắm cây cỏ trong màu nắng cô liêu
lồng ngực quặn lên một mùi tóc rối
thịt da điêu linh…
quyện trong mùa yêu thương vô tội
những ngày tháng không lời
Nàng đã xa xôi…
như vết son tàn rữa ở đầu môi
lưu ảnh lung linh của nụ hôn vừa mới dứt
ký ức miên man
ngủ vùi giữa hai miền ảo – thực
phiêu lãng quên đời (ai còn màng) kiếp trước – kiếp sau

05/2010

***

May 31. Ngày cuối cùng tháng 5. Cuộc đời vòng lặp nhỉ, chỉ là tiếp nối của những thứ không còn nữa.

Có lẽ bài này lại là di ngôn của mình chăng.

May 31, 2017  Leave a comment

Xử sở kỳ diệu vô tình và nơi tận cùng thế giới

Trầy trật với kết quả kinh doanh tháng rồi không phải tệ lắm (chán thật, khi phải bắt đầu việc viết bằng một thứ liên quan đến công việc như vậy, nhưng thực chất nó là thế, tôi không thể chối bỏ được, chỉ làm xong những việc đó thì tôi mới làm được các việc khác. Việc khác là gì?), kết thúc cuộc họp, nhẹ nhõm rời khỏi văn phòng, tôi nhanh chóng chạy lên trung tâm ăn trưa. Quán tôi chọn là Pepper Lunch, một chuỗi fast-steak của Nhật với món cơm jumbo bò rang xèo xèo trên bếp, ăn ngay khi chế biến. Ăn xong, ném mình vào Starbucks, tôi nhận ra là đã hai ngày rồi mình chưa nạp caffein vào người. Quán chật ních, cũng dễ hiểu thôi cho một ngày thứ bảy. Tôi chấp nhận ngồi ngay quầy bar, chứng kiến các cô phục vụ béo tốt xinh đẹp luôn tay luôn chân, chấp nhận luôn hầu hết ánh mắt của khách khứa chọc vào mình vì chỗ tôi ngồi là nơi ra đồ, ai cũng phải đứng đây đợi. Phần lớn thời gian tôi mặc kệ tất cả, dẫu sao thì tôi cũng chẳng quen ai. Tôi lấy sách ra đọc. Frank Kafka. Thực ra tôi muốn thử đọc Balzac hơn, nhưng lại không có cuốn nào.

Ngày đầu tiên của tháng tư. Bangkok bước vào mùa hè nóng nực của mình với tất cả sự thiêu đốt và dấp dính trên lưng áo. Cái xứ này thì quanh năm nắng nóng, nhưng có những thời điểm cái nắng nóng đỡ bực bội hơn mà phả vào gáy người dân những cơn gió thực sự dễ chịu. Ngồi cafe ở quán gần văn phòng, là sân sau của một toà nhà thương mại với đầy đủ cây xanh và bóng mát xung quanh, với những tiểu cảnh sân vườn dễ chịu, giữa tháng ba chuyển mùa, rất nhiều khi tôi thấy thế giới đã nhượng bộ mình. Nhưng cũng có những cuối tuần như cuối tuần này, cái nắng nóng dấp dính báo hiệu cho ta biết mùa hè sắp tới sẽ thực sự ác liệt.

Dân chúng hối hả đi rồi đến ở xung quanh, quán vẫn không ngừng chiến đấu với sự đầy lên rồi vắng đi của con người. Tôi bật Linkin Park nghe, nhanh chóng tạo một màng lọc với thế giới xung quanh bằng âm nhạc, để chìm vào vũng lầy của mình. Hầu hết thời gian, tôi không đếm xỉa gì đến thế giới này nữa khi cắm tai nghe vào tai, lang thang vô định. Thế giới đã quên mất tôi, hoặc nói đúng hơn, tôi quên đi thế giới, như vẫn thường làm vào cuối tuần. Chẳng có gì đáng để nhớ đến. Không gì nhẹ nhõm hơn việc hoàn thành nghĩa vụ với những đương đầu của cuộc sống, rồi nhanh chóng được quên đi, để tạm lánh vào thế giới của mình. Tôi thèm khát được quên lãng đến phát điên, nhưng thảng hoặc đôi khi vẫn có những việc xảy ra, rồi khiến mọi thứ nát bét. Tôi đâu có nhiều đòi hỏi gì trong cuộc đời này ngoài việc được yên thân một lúc. Cuộc chiến để có những cuối tuần yên thân có lẽ là cuộc chiến cốt yếu, cốt tử.

Mike đang hát Somewhere I belong. “When this began, I had nothing to say…”. Một ngày quá đỗi bình thường. Giống như bất kể một ngày hoàn toàn bình thường nào khác.

Chính lúc đó, tôi bỗng tự hỏi nếu đây là ngày cuối cùng mình phải sống thì sẽ ra sao. Nếu ngày mai mình chết đi, vân vân và vân vân. Khi lặn lội vào câu hỏi mệt mỏi này, nhiều người hẳn sẽ lên những bức tranh kế hoạch hoành tráng cho ngày cuối cùng trên đời, rơi vào khu rừng của các thể loại câu điều kiện loại 2 và loại 3 “nếu…thì…” đầy cạm bẫy. Như một nhân vật của Murakami từng nói, người nào chỉ còn sống được 24 giờ nữa sẽ có vô số việc phải làm, họ sẽ tức tốc tranh thủ nốt quãng đời ngắn ngủi còn lại với những ham muốn mãnh liệt được làm cái này, cái kia. Có thật thế không? Sau khi suy nghĩ rất lung, tôi rút ra kết luận là, bất kể thế nào thì ngày cuối cùng của cuộc đời, tôi cũng sẽ chỉ làm những việc như vẫn thường, nếu quả có ngày đó thật.

Đó chính xác là số phận của nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết tuyệt đẹp của Murakami, Xứ sở kỳ diệu vô tình và nơi tận cùng thế giới. Bỗng nhiên một ngày, sau khi nhân vật chính dính vào hết những điều phi lý kinh ngạc xảy đến với mình, có người nói với gã là thôi nhé, hôm nay là ngày cuối ngươi được sống. Cuộc sống của ngươi sẽ kết thúc ở thế giới này, để mở ra ở một thế-giới-khác. Tận hưởng nốt ngày hôm nay đi nhé.

Hầu hết các nhân vật của Murakami đều bị kéo thốc vào một cuộc hành trình bất ngờ dụ hoặc mà không kịp mang theo gì. Đang sống thông thường, bỗng có một sự kiện xảy ra, ai đó xuất hiện, nói (đúng hơn là yêu cầu) họ phải tức tốc lên đường. Họ có rất ít thời gian để suy nghĩ và chuẩn bị. Gần như không có lựa chọn. Cứ thế dấn thân, chẳng mang theo gì cả theo đúng nghĩa đen. Hầu hết trong mọi trường hợp, các nhân vật nhanh chóng tẩu tán tài sản, nhà cửa, gần như chẳng tạm biệt ai, đôi khi thậm chí còn chẳng làm gì, nhanh chóng bỏ lại toàn bộ sự nghiệp dường như cũng chẳng quan trọng lắm. Có vẻ như họ đều là những người sẵn sàng buông bỏ cuộc sống, chỉ chờ một cuộc gọi là cuốn chiếu khỏi gánh nặng cuộc đời. Những con người chỉ chờ để trôi dạt.

Dễ dàng buông bỏ cũng thể hiện việc khoảng cách giữa con người thực sự rất xa. Trong 1Q84, nếu tôi nhớ không nhầm, Tengo chỉ mang theo cuốn sách và một cây bút khi lên đường tìm lại Aoname, cô bạn gái từ thời đi học của mình, bỏ lại toàn bộ sự nghiệp văn chương đầy hứa hẹn, buông bỏ luôn những kế hoạch cuộc đời. Nhân vật chính của Cuộc săn cừu hoang, vốn đã ly dị vợ sau bốn năm chung sống, cũng nhanh chóng không nối tiếc gì, bỏ lại căn nhà, công ty đang điều hành và những lặt vặt cuộc sống bên cạnh, rồi cuốn vào cuộc hành trình đi vào tầng sâu hơn của chính mình. Nhưng không có cuộc buông bỏ nào khốc liệt như nhân vật chính trong Xứ sở kỳ diệu vô tình – gã bị bắt buộc lôi vào cuộc chạy trốn chính cuộc đời của mình. Điểm cuối của cuộc hành trình ở phía bên này, rất rõ ràng, khốc liệt, là cái chết. Bên kia cái chết là một thế giới mới, hứa hẹn sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng dẫu thế nào có người đến bảo ta phải chết đi thì cũng là một sự kiện kinh khủng.

Hãy sống như ngày mai bạn không còn sống nữa. Tôi kinh sợ nhất là những khẩu hiệu như vậy, nghe thì rất có lý, tạo động lực các thứ, nhưng nếu con người thực sự nhận thức được rằng cái chết có thể đến bất cứ lúc nào thì thế giới đáng lẽ sẽ tốt đẹp hơn biết bao. Sở trường của con người là trì hoãn, trì hoãn mọi thứ, kể cả việc sống cho ra sống, cho đến khi không thể sống nữa, vì cứ nghĩ rằng có thể trì hoãn tiếp. Từ đó mà nuối tiếc cứ nối tiếp nuối tiếc mãi. Con người vẫn cứ “nếu… thì…” một cách thảm hại. Nên những nhân vật của Murakami, đại diện cho lớp người bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng buông bỏ, chẳng hề tiếc nuối, tự bản thân cũng trở thành một lý tưởng sống đặc biệt. Nhìn lại cuộc đời mình, không có quá nhiều thứ thực sự xứng đáng níu kéo mình nữa, không hẳn là chúng quá tệ hại, chẳng có gì tệ hại cả, ngược lại thì đúng hơn, mọi thứ quá yên ổn tốt đẹp; nhưng dường như từ lâu tôi đã tự chuẩn bị cho mình với tất cả sự buông bỏ khi cần, ai biết được cuộc hành trình tiếp theo sẽ kéo thốc mình vào cái gì?

Nửa sau của cuốn tiểu thuyết hoàn toàn là thước phim chiếu chậm của hai mươi tư giờ cuối cùng của gã nhân vật chính. Thoát khỏi đường hầm với những hang hốc và cạm bẫy trong bóng tối của lũ ma đen, gã cùng cô gái mập mạp mười bảy tuổi trở về thế giới trên mặt đất của Tokyo, quay về căn hộ của mình và ngẫm nghĩ xem gã muốn làm gì trong ngày cuối cùng của cuộc đời.

Hôm đó là một ngày mưa tháng mười buồn bã. Những ngày mưa cuốn ta vào dòng chảy ướt đẫm của nó, nhấn chìm trong những suy nghĩ và ký ức lầy lội của những cuộc tình phóng đãng đượm mùi tuổi trẻ. Chẳng có gì hợp lý hơn để làm trong những ngày mưa là nhớ đến người yêu cũ, hoặc cảm thấy may mắn vì đã thoát khỏi được một cuộc tình như thế, hoặc cảm thấy nghi hoặc liệu mình đã thực sự thoát khỏi cuộc tình đó chưa, và thở dài nhẹ nhõm khi thấy khoảng cách đã xa hơn vùng an toàn. Mưa vào ngày cuối cùng của cuộc đời thì lại càng tệ, nó đẩy ta xa dần hơn khỏi thế giới này. Trong lúc ngồi đó chờ mưa và nghĩ xem mình muốn làm gì trong hai mươi tư tiếng còn lại, gã quyết định rằng mình muốn gặp nàng, cô thủ thư xinh đẹp, cho một bữa ăn tối. Nàng nhận lời.

Không có gì quá đặc biệt để làm trong ngày cuối của cuộc đời, dù biết rằng thời gian vàng ngọc được sống sắp hết; thế nhưng gã vẫn phung phí vài chục phút đồng hồ trong tiệm giặt đồ. Sau đó là các hoạt động không thể bình thường hơn: Mua thuốc hút, vào quán bia uống vài chai, ra hàng đĩa nhạc mua vài băng cassette bật nghe trên oto, đi mua quần áo mới để mặc trong buổi hẹn. Gã đón nàng ở trước thư viện, đưa đến một nhà hàng Ý, ăn hết những món ngon nhất rồi về nhà nàng, khởi đầu cho một sự bùng nổ của cuộc tình bằng ba lần làm tình liên tiếp, rồi lặng lẽ ôm nhau nghe Bing Crosby. Đó là nửa đêm. Trước khi tất cả thiếp đi vào giấc ngủ.

Ngày hôm sau, tỉnh dậy trong ảo ảnh của những mộng mị buổi sáng, khác với những tiểu thuyết khác, nàng vẫn ở đấy chứ không biến mất, đặt gã nhân vật chính vào một thực tại dịu dàng của ngày cuối cuộc đời mình không lẻ loi đến thế. Họ cùng nhau ra công viên, nằm dài ở đó nghe nhạc, ngắm mây trôi lững thững. Mọi thứ xung quanh gã đều là ảo ảnh, đều là ký ức. Rồi họ chia tay, gã ôm nàng, ghi nhớ rất kỹ hơi ấm từ cái ôm dài đó.

Gã lái xe đi đến những vùng trời khác, những nơi chốn khác. Âm nhạc lặng lẽ trải dài. Những miền ký ức xa xôi chấp chới chạm vào những góc khuất mơ hồ nào đó. Gã nhớ đến những mất mát của mình, như những cơn sóng nằm dưới đại dương, chỉ chực trào lên bất chợt.

Rồi giấc ngủ tìm đến. Mưa vẫn rơi không ngừng.

May 27, 2017  Leave a comment

xuống thấp

Văn chương, thi ca, và cả âm nhạc – tôi chỉ tìm thấy những mảnh nhỏ của mình trong chúng. Có thể là có những cái khác nữa, nhưng có lẽ cũng chẳng mạnh bằng.

Những cuốn sách cứ tự tìm đến với tôi, lần lượt nói cho tôi hiểu, tôi là ai, loay hoay trong cuộc đời này làm gì. Những mảnh vụn ấy cứ tự ghép lại dần thôi.

Có những lúc rách rưới nhất… Patrick Modiano nói cho tôi rằng, yên tâm đi, cuộc đời vẫn có thể hướng lên trên được đấy.

Dẫu có thế nào, tôi vẫn chọn hướng lên trên, kể cả khi đã xuống rất thấp.

May 25, 2017  Leave a comment

Forever and one

nguồn ảnh: Homelessness ZDA

“Em đến cõi tình thiên, ta về nơi nghiệt hải…”

Trong đám đông cuồng loạn đó, tôi bỗng chú ý đến nàng, người duy nhất không gào thét theo tiếng âm nhạc kim loại đang không ngừng được ban nhạc chơi trên sâu khấu đỏ rực bởi lửa. Nàng đứng bất động, lẫn vào đám đông nhưng vẫn hoàn toàn cách biệt với xung quanh, dựa lưng vào tường, lặng lẽ khóc. Vẻ bình thản của nàng không che dấu nổi những chất chứa dồn nén ở bên trong. Không khí xung quanh nàng thấm đẫm một nỗi thống khổ, thảm thiết. Một cô gái đứng khóc lặng lẽ trong đám đông đang quay cuồng theo tiếng nhạc kích động dường như là điều lạ lùng nhất tôi từng thấy. Chẳng ai chú ý đến nàng cả, trừ tôi. Dù tôi cũng đang hoà lẫn vào đám đông cuồng loạn đó, không ngừng lắc lư theo điệu nhạc quay cuồng. Tôi không thực sự nhìn rõ nàng, trên thực tế tôi đã gần như rơi vào một trạng thái lơ lửng mộng mị của Gin và khói thuốc chập chờn; trong cái không gian chát chúa đó, thật khó để thực sự nhìn rõ điều gì. Tôi thả mình trôi đi theo đám đông không ngừng xô lệch xung quanh, mặc kệ cho những dẫm, đạp, lôi, kéo đẩy mình đi hết sang trái rồi sang phải. Tôi chỉ làm hết sức để kháng cự lại việc mình ngã gục xuống và bị đè bẹp, ngoài ra không thực sự quan tâm đến điều gì. Năng lực suy nghĩ của tôi đã dần tê liệt rồi. Những vết thương ở toàn thân dường như đang dần loang máu.

Đó là khoảnh khắc khi ban nhạc chơi bản Stairway to heaven của Led Zeppelin. Đêm nay là một đêm nhạc Rock của quán quen trong thành phố. Khán phòng kín đặc người. Những đêm nhạc Rock có mùi tuyệt vọng rất riêng, không khó để nhận ra nó đã hoà lẫn vào từng xác thịt đang quay cuồng buồn thảm. Tôi không hề nhớ tại sao mình lại ở đây. Cả những vết đau trên thân thể cũng không rõ đến từ đâu nữa. Tôi nhận ra mình đã rơi tõm vào đám đông đó từ lúc nào, xung quanh không một bóng người quen. Kể cả tình cờ có người quen đi nữa thì trong cái đám đông đen kịt hoà lẫn những người đó thật khó để phân biệt ra ai với ai. Tất cả là những bóng đen kịt không rõ hình thù. Trong cảnh tranh tối tranh sáng đó, chỉ có nàng là thực sự hiện rõ hình người, với hào quang vô hình mềm mại toả ra xung quanh ngăn cách nàng với bóng tối thù địch.

Ban nhạc kết thúc bản nhạc trong tiếng vỗ tay phấn khích của đám đông. Đèn vàng sân khấu lạnh lẽo chiếu xuống, mang lại chút sinh khí yếu đuối cho không gian đặc quánh xung quanh. Gã MC giới thiệu một màn trình diễn khác và mời ca sĩ lên sân khấu. Rất ngạc nhiên, chính là nàng. Ánh đèn rọi xuống sáng rực, phủ một không khí huy hoàng giả dối lên toàn bộ tấm thân của nàng. Nàng từ từ ngẩng đầu lên, ánh mắt vô hồn nhưng rực rỡ thuỷ tinh ấy nhìn thằng vào đường dẫn ánh sáng ở trước mặt, từ từ bước lên sân khấu. Ở nàng toả ra một nguồn năng lượng u uất thần bí. Không còn dáng vẻ uể oải thất thần nữa từ khi ánh sáng chiếu xuống, tôi ngạc nhiên tự hỏi nỗi thổn thức của nàng đã biến đi đâu mất. Nàng lặng lẽ cười trước khi bước đi, mang trong đó toàn bộ sự tuyệt vọng thảm khốc kín đáo. Đám đông hò hét mở đường, vỗ tay không dứt. Họ gọi to tên nàng. Hoá ra nàng dường như là một ca sĩ có tiếng của quán này. Đèn tắt dần. Nhạc đã nổi lên. Vần vũ như thánh đường vang lên lời kinh nguyện.

Nàng cầm lấy chiếc micro như ôm ấp một sinh linh nhỏ bé, chầm chậm hát. Chậm rãi. Điềm đạm. Những nỗi đau vô ngôn cũng buồn bã cất cánh.

What can I do?
Will I be getting through?
Now that I must try
To leave it all behind

Đó là bản Forever and one của Helloween. Giọng của nàng ấm áp, bi tráng, ngập tràn thống khổ, như tiếng từ cõi khác vọng về. Một âm thanh khắc khoải có tác dụng xoa dịu nỗi đau, nhưng đồng thời cũng đánh động nó. Đám đông dường như trải qua một cơn xúc động mạnh mẽ. Và cả tôi nữa. Một sự xúc động đánh thẳng vào trái tim mình, mang về những cảm xúc xa vắng đã cất giấu vĩnh viễn trong ngăn kéo tâm hồn từ nghìn năm nay, phong ấn lại bằng biết bao đổ vỡ và mất mát, đột ngột trở lại như những đợt sóng ngầm nằm dưới thuỷ triều. Ký ức lung linh kéo dạt con người vào những hoài niệm đẹp đến thảm khốc. Nỗi đau đội mồ sống dậy, chỉ trực nuốt chửng ta vào những vũng lầy thời gian xưa cũ không sao thoát nổi. Hình như con người hầu hết đều bị đóng đinh vào một dấu vết thời gian nào đó, một khoảnh khắc khắc nghiệt nào đó, nơi tàn nhẫn định đoạt toàn bộ phần linh hồn con người ta phải bị trói giữ ở đấy, vĩnh viễn không thoát ra nổi. Có những người sống mà như chết rồi. Có những người cả đời chỉ đi tìm lại một thứ đã mất. Con người về cơ bản là tuyệt vọng.

Nàng phủ kín người bằng một màu đen, áo dài và quần ôm sát, tóc đen dài xoã theo cơ thể, một phục trang giản dị trên sân khấu. Khi hát, nàng chỉ nhìn vào một điểm mơ hồ nào đó ở phía trước, hoàn toàn không để ý gì đến xung quanh. Thế giới vô hình đối với nàng. Nàng không còn khóc nữa, nhưng nỗi niềm và sự thổn thức cứ thế chảy tràn ra theo câu từ vô vọng. Nàng còn ý thức không? Tôi không hề biết.

Forever and one
I will miss you
However, I kiss you
Yet again
Way down in Neverland

Ban nhạc đã chơi như lên đồng, như thể có cả một dàn giao hưởng đang nhịp xướng, âm nhạc uy nghi vang rền cuồn cuộn chảy vào cả những góc khuất nhất của quán, làm bong tróc đi cả những mảng tường cũ mòn. Toàn thể sinh vật sống bao gồm cả con người trong không gian mà âm nhạc phủ tới đều thổn thức nghe, quằn quại trong sự cuồng loạn của mình. Tôi cũng dần hoà lẫn vào trong đám đông phấn khích ấy, mặc cho những ảo ảnh lấp loáng không thật ở trước mắt. Tôi không thực sự còn nhìn rõ được điều gì. Trong không khí nửa tỉnh nửa mê ấy, có lẽ tôi đã đến một thế giới khác khi cảm giác chân mình bồng bềnh không còn chạm đất. Tôi bắt đầu thấy các bóng đen dần biến mất, chỉ còn lại nàng rực rỡ ở trên cao.

Tiếng ngân dài của nàng đi dần vào xa vắng, cuốn sâu vào lịch sử, mang theo niềm tiếc nuối đau đớn. Nhạc tắt dần rồi im bặt. Đám đông vỡ oà, đã bao lâu rồi họ mới được nghe thứ âm nhạc hạnh phúc đến như thế? Tiếng vỗ tay như nổ tung nền trời. Nàng đứng đó, huy hoàng trên sân khấu, nhưng ngăn cách bởi sự cô độc tuyệt đối xung quanh.

Hai tay nàng nắm chặt chiếc micro, bất động nhìn vào đám đông hò hét ở phía dưới. Từ từ hướng ánh mắt của mình lên trần nhà, nàng khẽ mỉm cười lặng lẽ. Đó là nụ cười của người nghệ sĩ hoàn thành màn trình diễn của mình; nhưng đâu đó trong sự u uất của nàng, nụ cười đó có ý nghĩa nhiều hơn thế, nó báo hiệu cho một sự hoàn thành tâm nguyện, một sự kết thúc, một sự khải hoàn để sẵn sàng tan biến đi. Vẻ mặt của nàng cũng dần dần thay đổi, sáng bừng lên, rạng rỡ một niềm thanh thản.

Nàng không thôi nhìn lên trần nhà, chiếu theo hướng tia nhìn của nàng, tôi kinh ngạc nhận ra trần nhà bỗng trở nên trong suốt, nhìn xuyên thấu đến bầu trời đêm thăm thẳm. Bầu trời tràn ngập những vì tinh tú quần tụ lại thành những chòm sao nhỏ rực rỡ. Mây dường như đã biến đi đâu mất, để lộ ra cả thiên hà đã tụ hội ở ngoài kia, không ngừng phát quang ánh sáng huyền ảo. Ở thành phố khó có thể ngắm nhìn bầu trời đêm đầy sao rõ ràng đến như thế, một vẻ đẹp siêu thực đến huyễn hoặc khiến tôi hồ nghi chính mắt mình. Đằng nào thì ở cái trạng thái lơ lửng đó, tôi cũng không cách nào nhìn rõ được bất cứ điều gì. Nhưng ý thức ở bên trong nói cho tôi biết bầu trời rực sáng thiên cung kia là thật, dù nó đẹp đến phi lý, đẹp đến tàn nhẫn.

Nàng vẫn mải miết ngắm nhìn bầu trời ở trên kia, nụ cười không tắt. Ánh mắt nàng như thể đã bị thôi miên bởi ánh sáng tà dị của sao trời.

Nhưng vẫn còn có thể huyễn hoặc hơn được nữa; những chòm sao đêm ấy bỗng vần vũ quanh một vì sao gày guộc le lói và dần dần quy tụ lại, từng chút một, thành một hình người. Thành một thứ gì đó giống như hình người thì đúng hơn, vì thứ đó hoàn toàn không có mắt, mũi, chân tay thực sự mà chỉ là những hình dáng mô phỏng bởi tinh tú xung quanh; nhưng vẫn không khó để nhận ra hình dáng một người đàn ông mờ ảo. Một người đàn ông có gương mặt ảm đảm. Hai hốc mắt của gã là hai ngôi sao vằng vặc. Gã đứng đó, ở trên cao, trong hình hài rất giống một thiên sứ giáng trần. Hào quang xung quanh gã toả ra một hơi ấm nhiệm màu. Từ bầu trời đêm, gã hướng ánh nhìn xuống phía dưới nàng, chìa tay xuống ban phát vầng hào quang dịu dàng rọi thẳng vào người nàng đang đứng bất động trên sân khấu. Tôi kinh ngạc nhận ra đám đông dường như không hề biết đến những sự kì lạ này. Chỉ mình tôi là nhìn thấy. Nhưng chính nàng dường như cũng không nhìn, hoặc để ý đến tôi. Nàng chỉ lặng lẽ bất động ở đó, nhìn ngắm sao trời.

Rồi từ một khoảnh khắc nào đó, chiếc bóng của nàng; mãi một lúc tôi mới hiểu thực ra không phải bóng, mà là linh hồn nàng, đột ngột thoát ra rồi bay lên miền trời thăm thẳm đó. Phần linh hồn xanh xao ấy từ khi rời khỏi nàng, nương vào dòng hào quang ấm áp như đón nhận một sức sống mới, rực rỡ hẳn lên. Linh hồn của nàng hoà lẫn vào gã đàn ông, được bao bọc bởi những chùm sao vần vũ xung quanh, biếc lên một thứ ánh sáng trải rộng tới chân trời.

Dòng hào quang chiếu xuống sân khấu tắt dần. Thân xác còn lại của nàng vẫn không ngừng bất động. Đám đông dường như đã hoá đá xung quanh. Thời gian từ bao lâu đã ngừng lại. Âm nhạc vọng lên những dĩ vãng của chính nó. Ngay cả các vết thương trên người tôi cũng đã dịu đi. Chỉ còn một sự cô liêu cực cảm xung quanh mình.

Nàng đã bước xuống sân khấu, rẽ qua đám đông bắt đầu phấn khích trở lại, lặng lẽ thoát khỏi khán phòng. Nàng đi ngang qua tôi ở cửa vào, ánh mắt không chạm nhau nhưng tôi cảm thấy một sự xuyên thấu, như thể nàng đã ở bên trong tôi từ kiếp trước. Thân xác không còn linh hồn của nàng đi qua khỏi tôi, một luồng không khí lạnh kéo theo cuốn tôi vào một nỗi sợ hãi vô hình. Trong một chốc, tôi bỗng cảm thấy nàng không hề còn ở đấy nữa. Thứ còn lại ở nàng chỉ là một khái niệm mơ hồ nào đó thôi. Cái bóng đen đó cắm cúi bước đi, mỗi bước xa dần khỏi tôi nhưng cũng dường như tiến dần sang một thế giới khác.

Không phải chỉ mình tôi để ý đến nàng. Tôi nghe thấy giọng gã bartender ở quầy bar cảm khái:

– Tội nghiệp M. người yêu cô ấy vừa chết hôm nay…

Câu nói đó mang tính thức tỉnh. Đúng lúc ấy, tôi bỗng hiểu nỗi sợ hãi của mình. Tôi cảm thấy gương mặt của gã đàn ông ở trên cao vô cùng quen thuộc, nhưng không thể nhớ ra đã gặp ở đâu.

Rồi tôi thấy thân thể của mình trở nên trong suốt, vỡ vụn ra dần. Những vết đau trên người tấy đỏ, rực sáng. Tôi cảm nhận rất rõ từng phần thân xác đang tan rã rời xa khỏi mình, từng chút một cho đến khi không còn gì nữa.

Liếc mắt lên trên cao, tôi thấy họ đang nhìn mình. Rồi họ quay lưng đi, bay về cuối trời. Để lại ánh sáng lấp lánh từ hàng ngàn ngôi sao nhỏ.

Trước khi tan biến đi, tôi nghe thấy tiếng vọng từ giọng hát nàng triệu hồi tôi về một miền xa vắng.

March 3, 2017  Leave a comment

Kết thúc để bắt đầu

Nào, chúng ta hãy cùng đến với những gì hấp dẫn nhất của văn chương.

Điều gì làm cho văn chương thú vị? Chính là vì nó luôn luôn từ chối.

Văn chương hay ở chỗ chúng ta không cách gì hiểu cho trọn vẹn. Một tiểu thuyết thực sự lớn sẽ khước từ bất cứ cơ hội nào để được nhìn nhận đến tận cùng; các nhân vật được tạo ra, các tình tiết được mang đến, các nút thắt, các đoạn mở… tự bản thận chúng đòi hỏi một sự đánh giá đi đánh giá lại; mỗi câu chuyện đều sẵn sàng mang đến cho mỗi người đọc một cửa vào, đôi khi giống nhau hoặc khác nhau, và đưa họ đến một cửa ra, đôi khi cũng giống hoặc khác nhau, nhìn chung là tuỳ vào độc giả, có thể có cả nghìn cánh cửa như vậy, những giao cắt vô tình hữu ý trên những cánh cửa mở ra và đóng lại đó mang độc giả lại gần nhau hơn (trên khía cạnh cảm xúc, cảm nhận), những cũng đồng thời đưa chúng ta ra rất xa nhau. Đọc là việc hết sức cá nhân, mỗi chúng ta đều có một cửa vào và một cửa ra của riêng mình. Còn hơn cả thế, mỗi một lần đọc lại quyển sách nào đó, rất nhiều khi chúng ta sẽ tìm ra một đường vào khác, và đi ra ở một cánh cổng khác, có hoặc không các giao cắt với lần đọc cũ, mở ra cho chúng ta rất nhiều cảm nhận mới mẻ. Đừng ngạc nhiên khi thấy chúng ta nhìn một nhân vật ở lần này khác hẳn so với lần trước.

Đi vào một quyển sách, cũng như đi vào bản thân, là việc phải từng chút từng chút một, đi qua rất nhiều ngã rẽ, đôi khi sai đường, mà nói chung làm gì có đường nào gọi là đúng, con người vốn dĩ tràn ngập mâu thuẫn. Nhưng đồng thời con người cũng vô cùng nhất quán, bởi lẽ chúng ta chỉ đi loanh quanh trong cái bản thể của mình, trong cái vòng tròn số phận của mình. Bản chất con người nhất quán trong một sự mâu thuẫn tuyệt đối.

Cùng với văn chương, thi ca cũng nuôi dưỡng cho nó sự từ chối thấu hiểu đến tận cùng tương tự, và cả âm nhạc cũng vậy. Tất tần tật đều giống như nhau hết. Cả ba thứ này (có lẽ còn có những thứ khác) đều đến từ những tầng sâu của con người. Có trải nghiệm viết một chút, tôi biết rằng một nhà văn cũng có thể hoàn toàn không, và cũng không cần thiết, thực sự thấu hiểu tuyệt đối tác phẩm của mình. Đôi khi giọng nói ở bên trong nói rằng phải viết “điều ấy”, phải kể câu chuyện đấy, một cách phi lý trí nhất có thể, và mọi thứ cứ tự diễn ra thế thôi. Văn chương từ chối sự hiểu từ bất kỳ ai, ngay cả từ chính người viết ra chúng.

Con người với nhau cũng vậy, chúng ta cũng duy trì một sự từ chối thấu hiểu một cách tự nhiên, một cách bản năng. Con người không phải để hiểu. Chúng ta chỉ có thể nhận thức được các hiện tượng (người này thích điều này, thích điều kia, anh này thích đọc văn, thích đá bóng vv) và từ đó phỏng đoán ý nghĩa của các hiện tượng đó (thích đọc sách tức là kiểu người này, thích đá bóng tức là kiểu người kia). Chúng ta nhìn nhau qua các phỏng đoán. Bản thân các phỏng đoán cũng đầy rẫy những sự vô căn cứ, những sự mơ hồ. Cũng đừng ngạc nhiên khi phần lớn thời gian con người nhầm lẫn về nhau hết. Mọi thứ chỉ là phỏng đoán, chỉ là hiểu lầm. Con người không phải để hiểu, chúng ta chỉ có thể “cảm nhận”. Khái niệm tương đối gần điều này nhất có lẽ là thấu thị. Để hiểu một con người, thực ra đúng hơn là để “lại gần”, hãy nhìn họ. Nhưng nhìn không phải là “nhìn”. Chúng ta hiểu lầm một con người chủ yếu do chúng ta nhìn vẫn chỉ là nhìn, chứ không phải là nhìn.

Cứ bình tĩnh, mọi chuyện không phức tạp đến thế.

Khi chúng ta bỏ đi ham muốn chân chính thấu hiểu một con người, thì mọi sự trở nên tột cùng đơn giản.

Đối với Đinh Hùng, mỗi con người là một hành tinh (Anh sẽ tìm em như tìm một hành tinh/Mặc trái đất sắp tan vào mộng ảo). Tôi cũng cho rằng như vậy. Con người, cũng có thể là một vũ trụ nữa, với đầy rầy những sự mâu thuẫn, bí ẩn, không lời đáp của nó. Con người cũng có thể chẳng là cái gì.

Hình như từ đầu tôi định nói đến một việc khác, nhưng lại lan man đến chuyện con người. Tôi sẽ trở lại với nó ngay sau đây.

Quyển sách của năm của tôi trong năm 2016 chắc chắn phải là Tôi nói gì khi tôi nói về chạy bộ của Murakami. Một phần lớn ý thức hệ của tôi đã được củng cố từ tinh thần của quyển sách này. Những người follow tôi sẽ còn nhớ những gì tôi nói về nó, có lẽ là những thứ khả dĩ đáng kể nhất mà tôi từng huyên thuyên trong cả năm nay.

Còn quyển sách của năm 2017, dù mới bắt đầu năm thôi, tính tới hiện tại phải là Xứ sở kỳ diệu vô tình và nơi tận cùng thế giới. Đây cũng là quyển sách từ chối sự thấu hiểu đến tận cùng.

Tôi đọc quyển sách này vì một lý do rất riêng tư, và cũng rất tình cờ. Tôi đã có ý tưởng viết Bóng từ trước đây, cho đến khi tôi biết được rằng Xứ sở kỳ diệu vô tình là một tiểu thuyết mang nhiều khái niệm và ẩn dụ thực sự hay về chiếc bóng (the shadow). Tôi quyết định sẽ đọc nó để tìm cảm hứng, và khác với các tiểu thuyết nặng ký khác của Murakami mà tôi thường đọc hàng tháng trời, tôi đọc quyển này trong vẻn vẹn vài ngày. Đọc ngấu nghiến và bị hút vào trong nó theo đúng nghĩa đen.

Đây là một câu chuyện tuyến tính về hai tuyến nhân vật (thực ra chỉ là một người, theo cách nhìn của tôi); một người đi về nơi kết thúc, người kia đi về nơi bắt đầu. Nơi kết thúc có tên gọi Xứ sở kỳ diệu, nơi bắt đầu là Tận cùng thế giới. Đây là một điểm đặc sắc và tinh tế, nghịch lý nhưng cũng đầy ẩn ý bậc thầy, của tác giả. Kết thúc của Xứ sở kỳ diệu (nhưng) vô tình, với những con người có tâm hồn, có mục đích (thậm chí dã tâm, tham vọng) là Nơi tận cùng thế giới, một thành phố bất khả xâm phạm có tường thành vây quanh, với những con người chấp nhận bỏ đi tâm hồn của mình, giết chết cái bóng của mình, để sống, hay tồn tại theo một chức năng duy nhất, một vai trò duy nhất đã được định sẵn. Nói tới đây, hãy nhắc đến một ẩn dụ về chiếc bóng: “Muốn nói gì thì nói, bóng là cái ở gần người ta nhất”, chiếc bóng chính là bản thân chúng ta, ở một thể hiện khác. Nơi tận cùng thế giới là nơi của những con người mất bóng. Sự kết thúc của Xứ sở kỳ diệu vô tình mở ra sự bắt đầu của Nơi tận cùng thế giới.

“Cái chết là có thực, nó không phải là đối nghịch của cuộc sống, mà là một phần của cuộc sống.” – Rừng Nauy.

Hãy cho rằng sự tuyến tính của câu chuyện này có liên quan đến triết lý nổi tiếng nhất về cái chết của Rừng Nauy, mặc dù Xứ sở kỳ diệu vô tình là tiểu thuyết thứ tư Murakami viết, sau Cuộc săn cừu hoang và trước Rừng Nauy. Tôi cho rằng Murakami đã vô tình phát hiện ra một cách nhìn về cái chết trong khi viết Xứ sở kỳ diệu vô tình, và sau khi hoàn tất nó đã cắt riêng phần này đi để tiếp tục triển khai thành tiểu thuyết thứ năm của mình. Toàn bộ Rừng Nauy có vẻ chỉ là một sự mở rộng theo một hình thái biểu hiện khác của Xứ sở kỳ diệu vô tình.

Cả hai xứ sở đều có Tình yêu, và đều thuần phác. Tình yêu giữa nhân vật ở tuyến một với cô gái thủ thư là thứ tình yêu mang đến sự giải thoát để tìm về cõi chết, Tình yêu giữa nhân vật ở tuyến hai với cô gái, cũng là một dạng khác của thủ thư thư viện; hai cô gái này về bản chất chỉ là một người ở hai thể hiện khác nhau; là Tình yêu đã níu kéo lại gã này trước ý định chạy trốn khỏi Thành phố, đồng nghĩa với việc quay trở lại hố sâu địa ngục của Xứ sở kỳ diệu mà chính gã vừa từ đó thoát thai. Hai thế giới này có chung cổng vào là chiếc đầu lâu của con thú một sừng. Ở Tình yêu thứ nhất, gã đàn ông trao cho cô gái chiếc đầu lâu rồi chết đi, thực chất là trao cho số phận của gã. Ở Tình yêu thứ hai, gã đàn ông thông qua chiếc đầu lâu chở “giấc mơ xưa” để tìm lại linh hồn cho cô gái. Cái gì kết thúc ở thế giới này sẽ tìm lại ở thế giới kia theo một cách thể hiện khác. Cái chết nối dài cho sự sống mới. Chỉ có Tình yêu là vẫn thuần phác như vậy. Tình yêu dẫn đường cho gã đi vào chính mình. Xứ sở kỳ diệu vô tình là thế giới rộng lớn bên ngoài của nhân vật chính, còn Nơi tận cùng thế giới chỉ là thế giới ở bên trong của gã.

Theo dòng sáng tác, Xứ sở kỳ diệu vô tình là tiểu thuyết thứ tư của Murakami; tôi chưa đọc Lắng nghe gió hát (tiểu thuyết đầu tiên) và Pinball (tiểu thuyết thứ hai), nên không dám chắc lắm, nhưng rất có thể Xứ sở kỳ diệu vô tình là tiểu thuyết đầu tiên Murakami viết theo lối tuyến tính – lối viết đã trở thành kinh điển của Murakami mà sau này sẽ gặp rất nhiều ở Kafka bên bờ biển và đặc biệt là 1Q84. Ngoài tuyến tính trên khía cạnh các nhân vật khác nhau, sự tuyến tính về thế giới song song ở Xứ sở kỳ diệu vô tình cũng dường như đặt nền móng cho sự xuất hiện dày đặc các thế giới song song sau này trong các cuộc hành trình kỳ quặc của phần lớn tiểu thuyết Murakami: Nhảy nhảy nhảy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Người tình Sputnik, 1Q84… Những thế giới song song nhưng cũng giao cắt, hoặc dần dần chập vào một.

Xứ sở kỳ diệu vô tình dường như có một ý nghĩa hết sức đặc biệt trong việc sáng tác của Murakami. Quyển tiểu thuyết này trao cho Murakami một quyền năng đặc biệt, giúp ông mở ra những cánh cửa cho mình. Những tiểu thuyết sau này của Murakami, tôi cho rằng, phần lớn đều lấy từ những mảnh nhỏ nào đó trong Xứ sở kỳ diệu vô tình mà triển khai ra, kể cả những kiệt tác đồ sộ như 1Q84 đi nữa.

Xứ sở kỳ diệu vô tình có ẩn dụ về mọi thứ. Hay nói cách khác, mọi thứ ở đây đều là ẩn dụ, và đặc biệt nhiều. Ẩn dụ từ thiên nhiên: Rừng. Núi. Sông suối. Mây. Thời tiết. Ẩn dụ về Thành phố, đường hầm, lòng đất. Ẩn dụ về các thế lực: Con người. Thiên tài. Ma quỷ. Ẩn dụ về Thiện, Ác. Ẩn dụ về giấc mơ, về tâm hồn. Ẩn dụ về thú vật: Thú một sừng, chim chóc. Ẩn dụ về sự sống, cái chết. Mọi thứ đều là ẩn dụ, đều là khái niệm. Cuốn tiểu thuyết này là một khu rừng về ẩn dụ, trùng trùng điệp điệp. Ngay cả cách ví về khu rừng, cũng là một ẩn dụ nốt.

Chính vì cả cuốn sách là một sự ẩn dụ, nên nó chân chính từ chối những nỗ lực để hiểu cho trọn vẹn. Ở đây cần một sự thấu thị. Chính vì nó có quá nhiều cánh cổng vào mở ra, nên nó cũng đòi hỏi những sự đọc đi đọc lại nhiều lần.

Có lẽ là sự tình cờ, tôi đọc quyển tiểu thuyết này ở nửa cuối năm ngoái cho đến khi sang năm mới (lịch âm), giống như hai tuyến truyện của kết thúc và bắt đầu vậy. Quyển tiểu thuyết này cũng thực sự chạm đến tôi nhất ở những góc sâu khuất rất khó động đến, không phải chỉ bởi vì cái giao cắt nhất định đối với Bóng, hay những triết lý mang tính bản lề mà tôi sẽ còn kế thừa được rất lâu sau này, mà còn ở một cái nhân duyên nào đó từ một cánh cửa đã mở ra, rốt cuộc cũng để tôi đi vào chính mình, ở một tầng sâu hơn từng biết đến.

“Cioran dạy tôi rằng muốn suy nghĩ thì phải ở chiều ngang. Và qua rất nhiều điều không liền lạc với nhau, tôi hiểu ra ông ấy muốn dạy cho tôi một điều rất quan trọng: đọc có ba cấp độ, cấp độ một là đọc để biết những điều mình chưa biết, cấp độ hai là đọc để biết rằng những gì mình tưởng là đã biết hóa ra mình còn chưa biết, nhưng cấp độ ba mới là đỉnh cao, đọc là để biết rằng những gì mình tưởng còn chưa biết hóa ra mình đã biết rồi, chỉ là chưa bao giờ học được cách lôi nó ra từ sâu thẳm đâu đó bên trong con người bí ẩn muôn trùng, tức là bản thân chúng ta.” – Nhị Linh

Văn chương, xét cho cùng là để chúng ta đi tìm từng chút một những mảnh vụn của mình (câu này cũng là ý của Nhị Linh nốt).

Tôi thích tiểu thuyết này của Murakami bởi lẽ ông đã viết một cách rất thoải mái, dù đề tài mà ông tiếp cận (sáng tạo ra một thế giới mới, thế giới ở bên trong) không hề nhỏ, thậm chí nó thực sự lớn. Phạm vi quy mô của những chủ đề mà cuốn sách này tham vọng nói đến rộng lớn vô cùng, và tôi tin rằng nó lớn hơn cả khả năng, bút lực của ông thời đó (quãng 1985, chỉ vài năm sau cái tuổi hai mươi chín khi Murakami quyết định trở thành nhà văn); nhưng ông đã xoay sở một cách nhẹ nhàng để đưa mọi thứ ở trong tầm kiểm soát và vẫn đạt được đến mức độ chất lượng cao cho từng thứ mà ông muốn nói đến. Về sau bút lực mạnh mẽ hơn, và liên tục đẩy giới hạn sáng tạo của mình lên nhưng đôi lúc Murakami vẫn sẩy chân một cách phí phạm. Đọc thêm về cú thất bại của Murakami với 1Q84 tại đây.

Đây là một tiểu thuyết hết sức vô khuyết, nhưng cũng đừng coi nó là một thứ hoàn hảo. Về sự hoàn hảo, bản thân hai xứ sở trong cuốn truyện này cũng là thể hiện của hai thế giới hoàn hảo, nhưng chính trong sự hoàn hảo đó có mầm mống của đổ vỡ, của sự bất toàn. Nơi tận cùng thế giới thiếu linh hồn, còn xứ sở kỳ diệu vô tình thì thiếu ước mơ.

Thế giới hoàn hảo bởi sự bất toàn như thế.

February 1, 2017  Leave a comment

Bóng

Chiếc máy bay vụt lên tầng không đúng lúc nhạc mở bài Snow (Hey oh) của Red Hot Chili Peppers, một giai điệu sôi động, phấn khích. Cùng lúc đó, tôi cũng đang đọc đến đoạn nhân vật chính ở tuyến thứ hai của cuốn tiểu thuyết Xứ sở kỳ diệu vô tình và nơi tận cùng thế giới tìm được nhạc cụ trong khu nhà kho ở trong rừng. Rất nhanh chóng, máy bay rời bỏ thành phố, vượt lên làn sương mỏng ngăn cách không khí nặng nề tù đọng ở phía dưới với lớp chân không nhẹ bỗng ở bên trên. Tôi bắt đầu cảm thấy lơ lửng, trọng lực dường như quên mất vai trò của nó mỗi khi máy bay lướt nhẹ trên không. Nhìn ra cửa sổ, thành phố đã hoàn toàn luẩn quất sau mây. Chiếc máy bay nằm trọn vẹn trong những đụn mây khổng lồ mịn màng. Bốn phía là mây, trải rộng đến vô cùng. Có cảm giác thực ra máy bay cứ đứng im một chỗ như thế, lười biếng nép mình vào những đám mây dịu dàng, trôi dạt đi bởi gió chứ không còn bay nữa. Ở trên mây, mọi thứ đều trở nên lặng lẽ, uể oải. Có một cảm giác cực kỳ hạnh phúc khi nghe Snow (Hey oh) ở thời khắc máy bay lướt lên không trung; thêm nữa, nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết kỳ thú mà tôi đang đọc cũng tìm được chiếc nhạc cụ, chính xác là một chiếc Phong cầm (mà về sau chiếc Phong cầm này có vai trò chìa khoá quan trọng), làm tôi cảm thật tương hợp giữa cả ở ngoài đời và trong sách. Âm nhạc tràn ngập không gian xung quanh tôi theo đúng nghĩa đen, chúng ngấm vào từng tận tế bào, lan đến từng mạch máu, trôi vào sâu thẳm tâm hồn.

Tôi đang bay về nhà để ăn Tết.

Máy bay không còn một chỗ trống, sân bay chật ních người, phần lớn trong đó là người Việt cũng đang háo hức về ăn Tết như tôi. Mắt họ lấp lánh một niềm hạnh phúc xum họp. Đã quá lâu rồi họ chưa trở về nhà chăng? Từng đoàn người hồi hương về xum họp trong lịch sử loài người đều là những cuộc di cư vĩ đại. Như những cánh chim thiên di tránh rét rồi trở về, chúng ta không được phép quên nguồn. Tuổi trẻ có cái khao khát hăm hở đặc trưng, đó là: Đi! Đôi khi là chạy trốn, chối bỏ, chán nản chính nơi chốn mình sinh sống, thèm khát được ra đi, được theo thuyền đón sóng, lênh đênh trên những cuộc hành trình mới mẻ, trôi dạt về đâu cũng được. Nhưng bên cạnh cái háo hức của Đi, sau những cuộc dấn thân ngật ngưỡng vào cuộc đời, nhựa sống tuổi trẻ đã bị bào mòn đi ít nhiều nhiệt huyết, người ta sẽ có một tâm lý bồn chồn ngang ngửa, đó là Về! Văn chương đã nương tựa vào hai đầu của cuộc hành trình bản chất nhất của con người mà hoài thai ra rất nhiều kiệt tác.

Tôi nhập vào đoàn người trở về lê thê ấy.

Chuyến bay kéo dài hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, tôi có từng đó thời gian để kết thúc nốt cuốn tiểu thuyết của mình.

Tôi đã biết Hà Nội hôm nay sẽ không lạnh ngay từ khi chập chờn nhìn thấy nắng phát tán dưới tầng mây gần mặt đất nhất. Murakami bảo người ta hiểu đôi chút về thời tiết, nếu ngày nào cũng theo dõi các chuyển động của mây; tôi thì vừa ở trên mây xuống, nên tôi không bất ngờ trước cái nóng nực của mùa đáng lẽ ra phải là Đông đang không ngừng chói chang bốn phía. Mùa đông năm nay quá độ sớm quá, những mùa đông kỳ quặc cứ ấm dần lên và qua đi thật nhanh làm người ta sửng sốt có thật sự còn mùa đông hay không, hay nó chỉ làm một biến thể của mùa gì đó lai giữa mùa thu và mùa xuân, hay mùa xuân và mùa hạ, hay là một sự trộn lẫn của cả ba, để rồi tạo thành một thứ mùa rất không có màu sắc. Cái mùa đông bàng bạc khiến người ta run rẩy yêu nhau đã không còn nữa, kéo theo nó những sự xa nhau rất đỗi vô tình.

Nhưng mặc kệ cái nắng nóng phi lý, không khí Tết vẫn thấm đẫm từ cả lớp sương mỏng bao trùm thành phố ở trên cao. Tết làm người ta vội vã hơn, tất bật hơn, nhưng đồng thời cũng làm người ta tử tế hơn. Tôi thấy những kẻ cứ ra rả đòi bỏ Tết cổ truyền đều là những kẻ ngu xuẩn. Lý lẽ của họ đều có vẻ hợp lý, đôi khi hợp lý đến giả dối, nhưng người ta quên mất một điều là Tết, trong phạm vi khái niệm bản chất nhất của nó, vốn dĩ chẳng có gì xấu. Quốc gia nào mà chẳng có ngày lễ Tết của mình? Chính con người và những thứ bày vẽ phù phiếm xung quanh Tết mới làm cho nó trở nên xấu xí đi. Trong một năm có vài tuần tự dưng vật giá leo thang hẳn lên đến mức phi lý, dịch vụ thì đi xuống, xong rồi con người lao vào vòng xoáy của cúng bái, lễ lạt, bon chen gồng gánh trong những sự chuẩn bị phung phí để có một cái Tết “đủ đầy” dù họ biết rõ rằng những thứ hình thức như vậy chỉ là họ một nghèo nàn đi. Cái chúng ta cần đâu phải là bỏ Tết đi, chúng ta cần là phải bỏ hết hủ tục đi đấy chứ. Mà mặc kệ lũ người ngu xuẩn đang bi kịch hoá Tết đi, hoặc thống thiết kêu gào phải gộp chung Tết này Tết nọ, tôi thấy chúng rặt là một lũ rởm đời. Khi chúng ta chọn nhìn vào cuộc đời bằng cái nhìn đầy bi kịch, thì cuộc đời xung quanh cũng sẽ chỉ ngập tràn bi kịch. Tôi vẫn luôn nhìn vào Tết bằng đôi mắt háo hức đã in hằn vào ký ức bé thơ, dù đã không còn bé nữa. Khác với mọi người cứ luôn tất bật, tôi chỉ đơn giản tận hưởng Tết theo cách nhẹ nhàng nhất.

Về đến nhà, đã được dọn sạch tinh tươm bởi mẹ (thật là biết ơn mẹ!), cùng một số đồ đạc cũ đã được tống khứ đi, căn nhà trông trống hoác hẳn đi so với kiểu của tôi vẫn ở. Mẹ thậm chí còn cắm một lọ hoa để trên bàn, càng làm nó không giống kiểu của tôi ở hơn. Nhưng dù sao bó hoa rất đẹp, mang đến một sắc thái mới mẻ lạ lẫm. Nhờ có mẹ qua chăm sóc hộ mà căn nhà này không có vẻ một căn nhà vô chủ đã lâu mà vẫn có mùi của con người. Cảm giác của tôi giống hệt như cảm giác của nhân vật chính trong Xứ sở kỳ diệu vô tình khi trở về nhà sau một cuộc đi vào lòng đất tối tăm, khủng khiếp; căn nhà đã được một “lực lượng vệ sinh” bí ẩn chu đáo dọn sạch từ bãi chiến trường (sau này nhân vật chính phát hiện ra người dọn nhà cho gã là cô thủ thư ở thư viện, khởi đầu cho một tình yêu oái ăm nhưng cũng rất đẹp). Thấy nhà cửa ngăn nắp khi trở về là một cảm giác tuyệt vời.

Nhưng tôi biết căn nhà này cần nhiều hơn thế để có cảm giác là nhà tôi. Nhìn quanh một lát, tôi định sẽ chạy đi mua một cành đào rừng trang trí để có không khí Tết, và giăng đèn neon các thứ nữa. Hôm nay là hai mươi chín Tết. Không phải quá sớm cho các việc mua sắm nữa. Tôi quyết định sẽ chẳng mua gì cả. Dẹp hết mấy trò đào, quất với cúng bái lễ lạt đi, tôi chỉ muốn cái Tết này sẽ thật nhẹ nhàng và nhẹ nhàng. Cần gì cứ phải có đào, quất thì mới có Tết cơ chứ. Bà ngoại tôi không may qua đời vài tuần trước nên Tết này nhà tôi sẽ hầu như chẳng đi đâu chúc Tết ai cả. Ngoài một số người thân thiết, tôi không có nhu cầu đặc biệt phải gặp ai (các Tết trước tôi vẫn đều đi thăm anh em bạn bè khá đầy đủ), nên về cơ bản thì tôi sẽ có bốn ngày Tết hoàn toàn nghỉ ngơi. Có lẽ tôi sẽ chỉ dọn dẹp qua nhà cửa một chút, chuẩn bị ít bánh kẹo trong trường hợp nhà có khách, mua một ít rượu, đón con mèo về, thay ga gối; đã đến lúc phải thay ga gối rồi, tôi cần một cái mùi khác trong căn nhà mình, mùi hương – đôi khi chúng mang ý nghĩa rất gần với linh hồn, phải, tôi cần căn nhà có một diện mạo khác, một linh hồn khác, nó đã quá cũ kĩ; và chuẩn bị dăm cuốn sách để đọc. Tôi không nghĩ ra việc gì đặc biệt hơn để làm nữa.

Tôi chạy ra phố một lúc, cái nắng nóng giờ tan tầm đã tiêu tan bớt đi bởi không khí lạnh khe khẽ tràn về. Hai chín Tết nhưng ngoài đường vẫn đông đúc đến đáng ngạc nhiên. Mọi người hối hả, tấp nập, nhưng không ai căng thẳng như người ta vẫn hay kêu ca. Tôi mang bộ chăn ga gối mới từ mẹ về và đón cả ChiChi. Lần này về thì chỉ còn mỗi ChiChi thôi, tôi bỗng thấy nhớ Tuti da diết, nó còn chưa có nổi một cái Tết đầu tiên. Về đến nhà, tôi nhanh chóng thay bộ ga gối cũ, vứt hết đống quần áo bẩn vào máy giặt, đốt tinh dầu lên, xịt phòng, cho mèo ăn, bật nhạc. Căn nhà đã có dáng vẻ của tôi hơn. ChiChi hoảng hốt một chút lúc đầu khi mới về rồi sẽ quen ngay với địa bàn mới, nhanh chóng lăn ra ngủ. Mùi tinh dầu toả ra khắp nhà mang lại khoái cảm dễ chịu. Không gian tôi sống cứ phải có một chút mùi hương dụ hoặc thì mới chịu được. Đã xong hầu hết mọi việc quan trọng, tôi đột nhiên rất thèm uống rượu vang nên khui một chai dở ở trên kệ xuống, mang ra sofa nằm đọc sách. ChiChi vừa tỉnh ngủ, đang lục lọi gì đó ở xung quanh. Mùi của mèo là một phần trong linh hồn của ngôi nhà này. Âm thanh có sức sống nhất ở đây là tiếng gừ gừ của mấy con mèo khi chúng yên tâm dựa dẫm vào người tôi ngủ. Nhạc đang chơi của Regina Spektor, album Essentials, vang lừng cả không gian xung quanh, tẩy trần đi không khí trầm mặc. Căn nhà đã tiếp nhận tôi trở về.

Tôi ngồi ở sofa, uống vang đỏ, ăn thịt bò khô. Mặc kệ là thịt bò khô có hợp nhắm với vang đỏ hay không. Lần cuối tôi uống vang là đợt Lộc về Việt Nam mấy tuần trước. Chúng tôi uống vang, đôi khi uống lẫn cả whiskey pha đá lạnh, đến khi nói năng tếu táo thì đi ngủ. Những cơ hội ngồi với bạn thân như thế trong cuộc sống hiện đại càng ít, và càng đáng quý trọng. Tôi đọc nốt tiểu thuyết Xứ sở kỳ diệu vô tình. Đôi khi tôi thấy mình trong chính cuốn tiểu thuyết ấy. Có đoạn nhân vật chính cũng trở về nhà, cởi quần áo, chui lên giường và nhâm nhi whiskey. Đối với gã, đó là một nghi thức ngọt ngào khi đi làm về, là mấy phút đồng hồ yêu thích. Hắn cũng mang sách lên giường đọc và nghe nhạc như tôi. Gã yêu mấy phút ấy như người khác yêu mặt trời lặn hay yêu không khí trong lành. Một tiểu thuyết thật sự tuyệt vời. Tại sao tôi lại bỏ lỡ tiểu thuyết này của Murakami nhỉ? Nếu nói nữa thì tôi sẽ chỉ sa đà vào tán dương, nên tôi sẽ dành kể về cuốn sách nặng ký đầy thu hút này vào một lần sau. Regina Spektor đang hát đến The Call, bài hát tôi đã mê say từ rất lâu. Giọng của nàng da diết, sương khói, đầy ám ánh. It started out as a feeling, which then grew into a hope. Mọi thứ bắt đầu bằng một xúc cảm vu vơ, bỗng biến thành một niềm hi vọng lớn lao sau đó… Cuộc đời có khi đổi thay hoàn toàn từ những khởi đầu giản dị như thế. Những nhân duyên đã đến và sẽ đến. Chúng mình sẽ và chúng mình sẽ.

Chai vang đã hết. Đêm còn rất dài. Tôi quyết định uống nốt chỗ whiskey pha đá lạnh còn lại. Một cảm giác chập chờn xuất hiện. Ánh sáng trong căn phòng không hiểu sao tối dần, như thể ánh sáng đã bị rút đi đâu mất; thay vào đó là ánh trăng dội từ cửa sổ vào, nhưng tôi biết chắc là không hề có trăng ở ngoài kia. Ánh sáng vàng vọt phát tán vào từ bên ngoài trông rất giống ánh trăng, nhưng tuyệt đối không phải, nó chỉ là một thứ gì đó giống trăng mà thôi. Ánh sáng chiếu thẳng vào chỗ tôi ngồi, như thể đèn sân khấu chiếu vào người biểu diễn, khiến cho không gian xung quanh trở nên tăm tối. Tôi cũng không để ý lắm, cứ thế ngồi uống nốt chỗ whiskey còn lại. Chiếc bóng của tôi trải dài đến tận chân tường, nhờ ánh trăng (hoặc một thứ gì đó giống như ánh trăng) mà nó trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Tôi ngồi đó, lặng lẽ nhìn vào chiếc bóng của mình.

Cho đến khi tôi cảm thấy, chiếc bóng hình như không làm theo đúng các động tác của mình nữa.

Cụ thể là khi tôi nâng cốc whiskey lên để hớp cho cạn, cái bóng vẫn khoanh tay ngồi đó nhìn tôi.

Nó cứ nhìn chằm chằm vào tôi, như lúc nãy tôi nhìn chằm chằm vào nó.

Cũng có lẽ tôi đã uống quá nhiều whiskey, nhưng rõ ràng là tôi không thể nhầm được. Chiếc bóng vẫn ngồi đấy, cái tư thế vừa xong của tôi, và nhìn chằm chằm vào tôi. Hay là cái bóng đã bị đóng băng, hoặc giả nguyên lý ánh sáng thế nào đó đã khiến cái bóng không thể di chuyển được theo chính chủ của nó nữa nhỉ?

Tôi chịu không hiểu nổi, bản thôi tôi cũng không dám chắc có thực ở đằng trước mặt mình là cái bóng hay không; mọi thứ cứ lấp loá bởi thứ ánh sáng le lói chiếu rọi từ ngoài vào, làm tôi không phán đoán nổi tôi đang nhìn vào cái gì, đang ngồi ở đâu nữa. Có thể tôi đã ngủ rồi cũng nên.

Nhưng tôi thấy không thoải mái lắm khi ở đằng trước là cái bóng đen cứ nhìn chằm chằm vào mình, tôi còn cảm giác nó đang thiểu não nữa, y hệt nỗi thiểu não của tôi, nên tôi quyết định thử đứng dậy, biết đâu sẽ thoát khỏi cái ảo giác whiskey này. Cái bóng vẫn ngồi đấy. Nhưng rất chậm thôi, nó từ từ đứng dậy, dối diện với tôi.

Tôi biết là sẽ phải chấp nhận sự kì quặc này. Hay là ma chăng? Tôi vốn vô thần nên không tin vào ma quỷ lắm. Ma quỷ chỉ là khái niệm. Con người tạo ra ma quỷ chính là từ nỗi sợ hãi của mình. Nhưng cũng có thể có ma thật, ai mà dám chắc được. Nhất là trước mặt tôi đang là một cái bóng đen kì quặc cứ chằm chằm nhìn mình. Nhưng nếu có là ma thì tôi cũng đếch quan tâm. Ma quỷ mà là phản vật chất thì nó cũng sẽ chẳng làm gì được mình, còn nếu là vật chất thì tôi sẽ dễ dàng đấm chết nó, nếu quả thật nó cân bằng với người về mặt sức mạnh. Tôi trở nên ít sợ ma quỷ ,cái chết hơn sau khi chứng kiến người ta bốc mộ ông bà tôi vài năm trước. Đêm đó, tôi ngồi giữa cánh đồng, canh mộ của hai ông bà để chờ đến giờ làm lễ và thay áo quan. Nửa đêm rất lạnh, bãi tha ma đông nhung nhúc các ngôi mộ liền kề, nhưng tôi không hề thấy sợ hãi, thậm chí còn gà gật được. Có lẽ ông bà tôi đã phù hộ yên lành cho tôi chăng. Trong tôi chỉ ngập tràn một nỗi nhớ tiếc ông bà khi còn sống, và niềm thanh thản khi được ở gần ông bà vào đêm đó đến vậy.

Cái bóng đen của tôi nhìn tôi một lúc, rồi nó lặng lẽ bước đi, mặc cho tôi sửng sốt đối diện. Bóng đi khắp phòng khách, sờ mó vào khắp nơi, ở chỗ nào cũng tỏ ra luyến tiếc, đau khổ. Tôi ái ngại thay cho nó. Rồi tôi thấy nó đứng rất lâu ở trước bếp; bỗng ôm lấy một cái bóng khác, bóng của một người phụ nữ bỗng đâu xuất hiện, từ đằng sau, cũng được tạo ra từ ánh trăng vàng vọt ở bên ngoài. Hai chúng nó có vẻ quấn quít. Một lúc sau, chúng buông nhau ra, rồi bắt đầu xoay xở ở bếp để làm gì đó thoăn thoắt mà tôi hiểu là đang nấu nướng. Hai cái bóng cứ nhảy nhót quấn quít như thế, trong khi vẫn làm các động tác trông rất giống như thái thịt hoặc chiên xào gì đó. Hẳn là một bữa thịnh soạn. Tôi vừa sợ hãi vừa tò mò cứ ngây dại nhìn ngắm hai cái bóng ngu xuẩn không biết ở đâu ra làm hết trò này đến trò khác ở nhà mình. Nhưng nhìn ngắm chúng, tôi nhớ đến một thời quá vãng xa xôi mà ký ức của mình đang trở nên mờ mịt hết cả.

Một trong hai cái bóng biến mất, chỉ còn lại bóng của tôi. Nó ra bàn ăn ngồi một mình, lặng lẽ nhìn vào chiếc bình mang tro cốt của con Tuti ở góc tủ. Rồi tôi thấy bóng của con Tuti nhảy lên lòng nó, kêu gừ gừ rất thật. Bóng của Tuti hơi khác một chút, không đen kịt như bóng của tôi mà có hình dáng màu sắc hơn hẳn. Nói cho đúng ra, bóng của Tuti dần trở thành một phiên bản của chính nó, không phải bóng nữa, mà là hình thật, với lớp lân tinh le lói bao phủ xung quanh lớp lông bóng mượt của nó. Tôi dần nhìn thấy bộ lông của nó, đôi mắt của nó, đôi tai vểnh ngược lên của nó, và cái đuôi dài như đuôi cáo tuyệt đẹp của nó, rõ ràng như thể nó đang thực sự ở đây. Tôi thấy bóng của tôi cầm con chuột đồ chơi lên vứt sang một góc, tức thì Tuti sẽ lao theo ngay để nhặt lại, tha về chỗ cũ. Đây là trò mà tôi vẫn hay chơi với con Tuti, không phải con mèo nào cũng biết tha hồ về chỗ cũ như vậy. Rồi tôi thấy Tuti nhảy nhót, đùa giỡn với chiếc bóng của mình. Tuti chạy đến đâu thì đám lân tinh bao quanh nó đi theo đến đó, làm rực sáng cả một góc phòng.

Khi Tuti biến mất, đám lân tinh kia cũng dần tan biến vào hư không. Đôi mắt của Tuti biến mất sau cùng, nhìn thẳng vào tôi, tròn xoe ngơ ngác, như lần đầu tiên tôi mang nó về nhà.

Tôi mệt mỏi ngồi thụp xuống sofa. Chai vang và whiskey lăn lóc. Tôi với lấy cốc whiskey đã tan ra vì đá, húp cho cạn nốt dù không còn gì. Những ký ức nặng nề đè nặng xuống vai tôi, sức nặng của nó khiến không khí xung quanh cũng trở nên cô đặc, ngột ngạt. Tôi mở cửa ra cho thoáng dù không có một cơn gió nào. Ánh trăng vẫn xanh xao ở đằng xa, chiếu vào tôi yếu ớt, nhưng xuyên thấu tâm trạng tôi một nỗi cực cảm vô bờ.

Chiếc bóng ngồi xuống đối diện tôi, tiếp tục nhìn chằm chằm vào mình. Tôi và nó, như hai cái bóng, nhìn chằm chằm vào nhau như hoá đá, dù tôi biết tôi chẳng thực sự nhìn vào cái gì. Tôi chỉ thấy lấp lánh một nỗi buồn thảm trong ánh nhìn của nó, soi vào đó tôi còn thấy mình buồn thảm hơn. Rồi tôi nhận ra chiếc bóng đen kịt của mình dần có hình dáng, nó không chỉ là một chiếc bóng phẳng dẹt nữa mà đã hoàn toàn trông giống con người, hay là giống chính tôi. Lớp da thịt của nó đổi sang màu hồng, đôi mắt của nó phát sáng ấm áp trong đêm, tôi thậm chí dường như còn nhìn thấy nó mấp máy cười qua chuyển động rất khẽ ở làn môi. Bóng đặt một tay lên vai tôi. Tôi đưa tay ra chạm vào nó. Nhưng bàn tay tôi đã không còn sức nặng thông thường nữa mà trở nên nhẹ bẫng. Tôi thấy mình biến dần thành một màu đen kịt.

Có thể tôi đã trở thành chính chiếc bóng của mình. Trong khi nó biến thành tôi. Nếu thế thì khi ánh trăng kia không còn nữa, tôi sẽ biến mất chăng. Điều đó ngang gì là cái chết? Mà nếu chết thì sao, tôi càng không quan tâm. Đã từ lâu, ham muốn được chết của tôi cũng lớn như ham muốn được sống, đôi khi còn lớn hơn. Như Murakami nói, bản thân cái chết không làm tôi sợ lắm. Như lời Shakespeare: Ai chết năm nay thì năm sau khỏi phải chết. Tôi không có quá nhiều thứ đặc biệt phải luyến tiếc ở cuộc đời này, thế thì có gì đáng sợ đâu? Người ta ai cũng phải chết kia mà, nhất là khi tôi có thể sẽ chết khi đã trở thành cái bóng của cái bóng của mình, như thế thì lại tuyệt đối không có gì đáng tiếc.

Cái bóng đặt tay lên tôi, tôi biết là nó muốn an ủi cho những vết thương tôi đã mang trong lòng. Nhìn rất sâu vào đôi mắt đang trở nên đen kịt của tôi, ánh mắt của nó soi chiếu đến tận cùng sâu thẳm tâm hồn còn sót lại chưa bị đóng băng đen kịt. Tôi thấy đôi mắt của nó toả ra một đám lân tinh nhỏ rực rỡ như những ngọn lửa, dịu dàng phủ xuống quanh tôi như những thiên sứ phúc lành.

Ánh trăng yếu dần rồi tắt hẳn. Bóng của tôi thoi thóp dần rồi biến mất trong hàng vạn điểm lân tinh rơi rớt. Màu đen kịt trên cơ thể tôi biến mất, trả lại hình dạng nguyên thuỷ con người cho tôi.

Whiskey bắt đầu phát huy tác dụng. Tôi biết là mình không thể cưỡng lại được nữa. Cơn buồn ngủ xâm chiếm dữ dội như cuộc xâm lăng của người ngoài hành tinh khác. Tôi bị kéo tuột vào giấc ngủ như rơi xuống vực thẳm. Tiếng kêu của con Tuti là âm thanh cuối cùng tôi kịp nghe thấy.

Ở ngoài kia ngập tràn cái âm thanh ấy, âm thanh của im lặng.

Sáng hôm sau thức dậy, tôi biết mình đã trở thành một người khác. Bóng cũng là người mà người cũng là bóng. Cái bóng đã không còn tách rời tôi nữa.

Ngôi nhà này cần có linh hồn.

Tôi đi tìm linh hồn cho nhà mình.

Biết không em…

February 1, 2017  Leave a comment

Phương

Trên chuyến bay hôm ấy, tôi đã nghe toàn bộ nhạc của Lê Uyên Phương. Cứ lúc nào cần tìm một thứ gì đấy, tôi lại nghe Phương. Một thứ gì đấy, nếu ai nghe hoài hoài thứ nhạc khắc khoải lo âu của gã trai giang hồ phiêu bạt, sẽ hiểu. Âm nhạc của Phương tràn đầy một sự giục giã. Giờ này còn nhìn nhau, ngày mai ta không còn thấy nhau.

Nơi đây, khoảnh khắc này, và ký ức.

Mười năm kể từ nghe tân nhạc; khởi sự bằng Trịnh, tôi đã nương theo dòng chảy tình ca mà tiến tới rất nhiều tri kỷ. Dòng chảy ấy lần lượt cuốn vào trong nó những lời thống khổ của Trầm Tử Thiêng, Từ Công Phụng, Phạm Đình Chương, rồi chầm chậm đưa đẩy tôi về miền đồi nắng gió Đà Lạt để gặp Phương, tri kỷ sau cùng.

Mang trong người dòng máu giang hồ của thân phụ, ở tuổi đôi mươi, Phương đã đi bôn ba khắp miền duyên hải, làm đủ mọi nghề để kiếm sống, trước khi trở về lại Đà Lạt và khởi sự sáng tác. Âm nhạc của Phương là âm nhạc dành cho những tâm hồn trôi dạt, để kệ cuộc đời lặng lẽ cuốn đi. Tôi không có thiện cảm mấy với những kẻ sắp xếp cuộc đời ngăn nắp, cầu toàn, toan tính định trước, bám víu vào sự an toàn, cả đời chỉ ở trong một thứ; tôi luôn thấy ở họ nỗi sợ hãi những sự thay đổi, mà lại còn cực kỳ nhàm chán. Tôi chỉ thấy thu hút với những kẻ vứt bỏ cuộc đời mình trên những con thuyền lênh đênh dạt sóng, những kẻ bất quy tắc, những kẻ chấp nhận dấn thân, vượt ngoài khuôn khổ. Những kẻ trôi dạt liều lĩnh ấy chẳng còn gì để mất, nên đồng thời cũng chất chứa rất nhiều chân thật.

Phạm Duy nhận xét âm nhạc của Phương là thứ âm nhạc không mang tham vọng lớn, hoàn toàn thuần tuý chỉ là âm nhạc của dục tình. Tôi cũng thấy những kẻ mang tham vọng lớn thật là thống thiết, họ cứ cố leo lên cao mãi, đôi khi xảy chân vào vực thẳm cuộc đời không sao trồi lên lại nổi. Ngược lại, những kẻ mong ước nhỏ nhoi, thậm chí không mang tham vọng, cứ thản nhiên đi theo bản năng vẫy gọi, lại rất nhiều khi dựng xây được những kỳ tích phi thường. Lê Uyên Phương chính là nhạc sĩ lớn nhất của Việt Nam, nhạc sĩ tuyệt đối, nếu chỉ xét về phương diện tình. Phương đã sáng tạo ra hẳn một dòng nhạc; trước chưa có dòng nhạc nào như thế, sau này cũng không có dòng nhạc nào như thế, chân chính biểu trưng cho tình yêu ở mức độ cao nhất, và thuần tuý nhất, của nó – dục tình.

Tôi nhớ đến Phương của quãng thời gian rạo rực tuổi trẻ, ngồi lặng lẽ bên Lê Uyên trên đồi thông Đà Lạt, trao cho nhau những hẹn thề nắng gió. Thời đó gã giang hồ đã gần ba chục tuổi đầu, chẳng còn lành lặn sau những đổ vỡ và phiêu bạt đường đời, mang trên mình rất nhiều vết thương, bỗng phải lòng cô bé con gần nhà, lúc đó mới ở tuổi đôi mươi, còn ham bay nhảy; mà không biết rằng đó chính là thú đau thương định mệnh sẽ đi theo suốt kiếp. Chúng ta có Phương từ lúc đó. Nhưng mầm mống bệnh tật, cùng cấm cản nghiệt ngã của gia đình, đã không cho chàng được tự do yêu đương, nỗi ám ảnh chia lìa đã yểm vào âm nhạc của Phương những lời ca vùng vẫy, tuyệt vọng, càng khiến cặp song ca tài tử đó quấn quít nhau hơn trên sân khấu, và trong những nốt nhạc. Chàng ôm đàn, nàng hát, tình tứ như trong cuộc ái ân. Cuộc tình trốn chạy và hạnh ngộ mười lăm năm từ thủa hồng hoang Đà Lạt ấy đã hoàn tất cuộc đời khắc khoải của gã trai giang hồ trong những bản tình ca buồn bã.

Mỗi khi thấy mình chấp chới lo âu, tôi lại nhớ đến Phương. Tôi đã không biết là Phương sẽ có ý nghĩa đối với mình như thế, cho đến khi âm nhạc đó nói cho tôi hiểu, những đổ vỡ, đắng cay chỉ là để thú đau thương được nếm trải đến tận cùng.

Cho tôi yêu em nồng nàn
Cho tôi yêu em nồng nàn
Dù biết yêu tình yêu muộn màng
(Tình khúc cho em)

February 1, 2017  Leave a comment

Lân tinh

Lân tinh

“Céline có một quan niệm rất đơn giản về bất hạnh: nhìn chung, ta chẳng bao giờ thực sự biết về bất hạnh của người khác, nếu người đó vẫn ngủ được, thì chẳng có gì là bất hạnh cả, chỉ cần ngủ, mọi thứ còn lại không mấy ý nghĩa” – (Nhị Linh).

Một giờ đêm, không ngủ được, tôi quyết định ra ngoài đi bộ. Lần cuối cùng tôi thực sự bị mất ngủ, tháng bảy thì phải, cũng không gần đây lắm. Còn rất ít thứ có ý nghĩa đến mức có thể khiến ta trằn trọc ở trên giường. Mọi thứ vô nghĩa bị đốt thành tro bụi ngay khi mặt trời lên. Nắng mới là thứ có khả năng tàn sát thảm khốc. Chỉ cần ngủ, mọi thứ còn lại không mấy ý nghĩa, vì khi thức dậy chúng ta đã trở thành một người khác. Giấc ngủ cuốn trôi đi hết thảy. Những dư âm thoáng chốc của ngày hôm qua.

Tôi rẽ trái ở ngã tư, đi thẳng đến một nơi tôi chưa từng đến bao giờ, ngang qua nhiều ngõ nhỏ đặc biệt tối. Tôi trở nên không còn e dè bóng tối nữa khi đã nằm trong cái bóng tối tuyệt đích của đường hầm trong ngôi chùa Thanh Thuỷ ở Kyoto. Hai bài By the wayCalifornication của Red Hot Chili Peppers được ngẫu nhiên bật liền nhau. Xác suất để hai bài tôi thích nhất được bật liên tục là vô cùng thấp, mới chỉ có một lần; thế mà đêm nay chiếc iPhone lại chiều tôi như vậy. Tôi đã từng nói là giữa tôi và chiếc điện thoại có một mối quan hệ tâm linh nào đó, trong hầu hết trường hợp nó thường biết tôi muốn nghe gì, để hoặc là nâng tôi dậy hoặc là dìm tôi hẳn xuống đáy – như thế nào thì cũng đều tốt cả vì sợ nhất là cứ trôi ở lưng chừng. Chúng ta lost nhất là bởi không ngã hẳn về bên nào mà cứ chới với ở chỗ không có điểm tựa ấy. Nếu đã rơi thì hãy rơi đến tận cùng. Chính ở dưới đáy giếng là nơi Toru tìm ra đường hầm để đi vào một thế giới khác, thế giới bên trong của Kano Creta (Chim vặn dây cót). Đêm nay, trong cái tâm trạng cuồng loạn rất cần tìm đến Rock, tôi chỉ muốn qua khu Ratchada và ném mình vào một quán bar nào đó có nhạc sống chơi đến muộn và uống bia lạnh, bết xê lết được thì càng tốt. Anthony Kiedis đang hát đến bài Parallel Universe. Không cách gì hiểu được âm nhạc của Red Hot Chili Peppers trọn vẹn. Âm nhạc của họ có mọi thứ. Đại đa số các bài hát được Anthony Kiedis viết từ khi còn trẻ, nói về ma tuý, nghiện ngập, tình dục, phân biệt chủng tộc, và đặc biệt là cái chết vì Anthony đã chứng kiến những người bạn thân của mình lần lượt ra đi. Âm nhạc của Red Hot Chili Peppers đi rất gần với xã hội hippi thời đó, một thứ âm nhạc chán chường nhưng không u uất, tuyệt vọng.

Tôi bỗng nhớ đến cái đêm lang thang trong rừng ở Seinäjoki. Tháng mười hai, tuyết phủ lạnh lẽo, chúng tôi đi party về vào đêm thứ Bảy, khật khừ đến nỗi không còn nhớ rõ lối đi. Thay vì về nhà, tôi bỗng có cái ham muốn ngồi ở bìa rừng ở phía sau lưng khu tập thể. Lũ sóc đã đi ngủ cả. Con suối đã dần đóng băng. Từng hàng bạch dương khẳng khiu oằn mình trong bão tuyết. Tôi phong phanh ngồi đó, giữa cái lạnh âm, không còn nhớ rõ mình đã tỉnh hay thức, nghĩ về tuổi trẻ tự do vô định của mình. Thời đó tôi vẫn còn nghe Coldplay. Giọng của Chris Martin da diết, “You are… you are… you are… Home, where I wanted to go. Home, where I wanted to go…”. Tôi nằm trên tuyết, hơi thở đóng băng ngay trên không khí, nhắm mắt lại. Tôi đã may mắn không thiếp đi ngay tại bìa rừng để rồi trở thành một người tuyết khô khốc vào hôm sau, nhưng tôi cũng không nhớ đã về nhà như thế nào.

Tôi quyết định đi thẳng mãi, vượt qua những ngã tư không có bóng con người. Chỗ này đã cách nhà tôi khoảng hai cây số. Tôi sẽ đi bộ dọc hết con đường này để đến một nơi rộng rãi có thể nghỉ chân, hoặc cứ thế đi mãi. Tôi nhớ đến đoạn đi bộ giữa Naoko và Toru trong Rừng Nauy, một cuộc đi bộ lặng lẽ dài khủng khiếp dọc Tokyo, Naoko không nói gì cả. Họ đã đi bộ cùng nhau suốt những ngày cuối tuần của mùa hè năm ấy, trước sinh nhật tuổi hai mươi của nàng. Những vỉa hè đặc biệt nhỏ ở Bangkok, thảng hoặc đôi khi có những dãy cầu thang bắc ngang qua đường dành cho người đi bộ choáng hết cả làm tôi phải bước xuống lòng đường. Từng đoàn ô tô và xe phân khối lớn vùn vụt lao qua như ánh chớp. Phi nhanh đến mức tạo thành một gia tốc lạnh lẽo chỉ chực hút thẳng người ta vào trong nó. Màn đêm mang đến những cạm bẫy vô hình. Rất đột ngột, từ phía đằng sau của tôi vụt lên một cô gái; có lẽ từ ngã tư bên kia rẽ sang. Nàng bước song song với tôi, không hề do dự. Tôi đang chìm đắm trong âm nhạc của Red Hot Chili Peppers, nghe Anthony hát Road Trippin’ xa vắng; “It’s time to leave this town. It’s time to steal away, let’s go get lost anywhere in the USA…”. Đoạn riff từ chiếc guitar gãy đôi trong video của bài này mang đầy tính giục giã chạy trốn. Tôi và cô gái không quen cứ thế bước đi bên cạnh nhau. Tôi thấy không thoải mái, ngại thì đúng hơn, một cô gái xa lạ đi cạnh mình giữa đêm, thế mà nàng lại thản nhiên như không. Tôi đã cố tình đi chậm lại một bước, nàng cũng đi chậm lại, tôi đi nhanh hơn, nàng cũng đi nhanh hơn. Tôi chịu thua. Thôi được, thích đi cùng cũng được, đằng nào thì tôi cũng chỉ đang đi bộ thôi. Đèn vàng hắt xuống hai chiếc bóng của chúng tôi trải dài trên phố. Nhạc đang chuyển sang Easily. Calling calling for something in the air. Calling calling I know you must be there. Nàng không hề quay sang nhìn tôi. Tôi cũng gần như không liếc nhìn nàng. Chúng tôi là hai kẻ lữ hành lững thững nhất thế giới. Màn đêm dày đặc ở xung quanh. Khi đi sau nàng một chút, tôi để ý nàng mặc chiếc áo để lộ toàn bộ lưng trần. Hoàn toàn không mặc áo ngực. Tay nàng buông thõng. Nhìn theo đường cong phập phồng trước ngực thì có thể quả quyết phía sau lớp áo cực kỳ đáng phấn phởi. Tóc nàng ngắn sau tai một chút. Đó là tất cả những gì tôi biết sau một phần mười giây liếc vội sang bên. Có lẽ ở giữa màn đêm thẳm này thì một kẻ xa lạ là tôi còn an toàn hơn một gã vô gia cư nào đó, dù sau một cuộc rượu chuếnh choáng với bạn bè lúc nãy thì tôi trông cũng không khác một gã vô gia cư cho lắm. Nhưng nàng đã chọn tôi để đi cùng, những điều vô lý vẫn thỉnh thoảng xảy ra như thế. Tôi đang phân vân sẽ bắt đầu một cuộc hội thoại ngu ngốc như thế nào thì trước mặt tôi là một ngã tư nữa. Nàng không hề giảm tốc độ lại cho tôi biết là nàng sẽ tiếp tục đi tiếp. Chần chừ một lát, tôi quyết định đi lên trên cầu thang đi bộ. Chúng tôi chia tách nhau từ lúc đó. Đêm còn rất dài, tôi thực ra đang muốn ở một mình để tiêu tán đi nỗi buồn không tên được chuốc bởi whiskey và đá lạnh. Ở trên cầu thang nhìn xuống, tôi thấy nàng hơi khẽ liếc sang một chút rồi bước đi thẳng. Chiếc bóng của nàng biến mất rất nhanh ở cuối đường. Anthony bảo với tôi, “… I’m left alone in another zone” (This Velvet Glove). Tiếng guitar bass vang lên chát chúa kéo thốc tôi vào lãnh địa vô hình của nó.

Tôi rẽ ngang qua một ngõ nhỏ tăm tối, nơi sẽ dẫn tới một quảng trường rộng lớn nối liền bến tàu điện trên cao với những dãy nhà cao tầng. Ở dưới chân một khu tập thể cũ có hai con mèo đen đang uể oải ăn đêm. Tôi thử bắt chuyện với nó, rất ngạc nhiên một trong hai con chạy ngay lại. Lũ mèo hoang ở Bangkok thường chẳng mấy khi để ý đến con người. Tôi phải hết sức vất vả nịnh nọt thì mới có thể vuốt ve được chúng một lúc, thế nhưng nàng mèo đen này thì lại thân thiện đến sửng sốt. Tôi nhận ra là mình thèm chơi với mèo. Lũ mèo hoang ở Bangkok tinh ranh ma quái hơn lũ mèo hoang béo múp và đặc biệt thân thiện với người ở Kyoto nhiều. Mèo hoang du đãng ở Bangkok luôn luôn cảnh giác, dù đã nằm yên trong lòng người. Chúng có vẻ là giống mèo hơn cả. Tôi vuốt ve nó, đôi lúc nó đứng yên, đôi lúc chỉ trực lao đi, tôi nhận ra là lũ mèo hoang đặc biệt giống mình. Về cơ bản thì lũ mèo là loài thế nào cũng được. Bạn vuốt ve chúng cũng được, mà không để ý đến chúng cũng không sao. Lũ mèo không thực sự coi điều gì là quan trọng cả, chúng cũng không coi lũ người thực sự là người. Nhưng chúng vẫn là sinh vật cực kỳ đáng yêu. Tôi nhớ đến hai con mèo của tôi đang gửi ở nhà mẹ nuôi hộ. Chúng tôi đã xa nhau quá lâu rồi. Con mèo đen vẫn quấn quít dưới chân tôi, con còn lại chỉ hờ hững đứng từ xa nhìn. Một điều nên biết, mèo đen là loài đặc biệt tinh khôn trong giới nhà mèo! Chúng luôn bình tĩnh, điềm đạm, nhìn mọi vật với con mắt dò xét kín đáo. Vẻ đẹp của mèo đen là vẻ đẹp của con báo nhỏ đang kiên nhẫn rình mồi. Tôi đứng lên, vờ bước đi để xem nó có chạy theo tôi không. Nó chạy theo, bước đi cùng tôi một đoạn. Một con mèo đen hết sức thú vị, có lẽ đã lâu nó đã không gần con người. Tôi dừng lại, nó lại quấn lấy chân tôi, và như ngứa răng, cắn vào gấu quần tôi nghịch ngợm. Có thể nhận ra rất nhiều thứ từ việc cắn của một con mèo; về cơ bản thì lũ hung hăng này không thật lòng muốn cắn con người lắm, trừ khi hết sức tức tối. Nó cứ gặm lấy gấu quần của tôi, rồi đột ngột cắn một nhát vào mắt cá chân tôi đau điếng. Ôi cha, một miếng cắn thật sự là cắn. Miếng cắn dằn mặt thể hiện sự hả hê hết mức của nàng mèo đã lâu lắm không có sự quan tâm của con người. Nàng cắn rất ngọt. Tôi khập khiễng bước đi, nó vẫn theo tôi; tôi đã yên tâm là mình lại có kẻ đồng hành thì nàng đột ngột dừng lại rồi quay ngoắt. Lũ mèo là thế, ta không thực sự biết được đến lúc nào thì chúng nó không cần ta nữa. Màu đen của nó hoà lẫn rất nhanh vào màu đen của ngõ vắng rồi khuất hẳn. Nó biến mất nhưng cái đau từ vết cắn vẫn ở đây. Từ bé đến lớn, trên người tôi vô số vết sẹo từ mèo cắn. Đôi khi, những vết xước dài trên tay gợi lại cho ta những ký ức ngọt ngào.

Quảng trường rộng lớn nằm giữa một đại lộ bốn phía là nhà cao tầng. Đây là địa điểm mà ban ngày sẽ thu hút rất nhiều học sinh đến chụp ảnh kỷ yếu và từng nhóm bạn bè cosplay chụp ảnh tấp nập. Nghệ sĩ đường phố cũng thỉnh thoảng vác đàn ra hát ở đây, thứ âm nhạc trẻ thịnh hành dành cho thanh niên. Vậy mà đêm nay chỉ có mình tôi. Đứng giữa quảng trường đón gió, từng hàng xe vẫn chạy vùn vụt ở dưới đường, tôi như vẫn thấy hàng trăm linh hồn đang nháo nhác chung quanh. Một vẻ yên tĩnh mà vẫn vang vọng lại rất nhiều tiếng động. Tôi dựa lưng vào lan can, nhìn xuống đường. Ánh đèn từ hàng trăm chiếc xe dọi lại như những chùm lân tinh lập loè trước mặt. Một không khí cực kỳ cô liêu. Tôi thấy nỗi cực cảm của mình. Red Hot Chili Peppers chơi Purple Stain. Chad Smith như đang lên đồng. Đoạn solo trống dài như một bản trường ca trong bài này vô cùng lừng lẫy, đã làm tôi ngây ngất đến thắt ngực.

Nếu đi tiếp thì sẽ hoàn toàn lạc lối. Cơn buồn ngủ cũng đã dần xâm chiếm tôi rồi. Tôi chuếnh choáng bước xuống đường để quay trở về. Ma lực từ những ánh chớp xe cộ bên đường vẫn tiếp tục quyến dụ tôi, nhưng tôi đã đi sát lề trái để ngăn chặn cơn ham muốn lao mình qua đường bất chợt. Gió lộng lẫy ở trên cao. Tôi bước lên trạm BTS để có thể nhìn ngó thành phố trong phút chốc. Ba giờ sáng. Những tiếng lao xé gió của xe cộ phía dưới làm rách toạc màn đêm. Tôi đứng ở lan can, nhìn xe vùn vụt qua. Bỗng có ham muốn nhảy xuống mãnh liệt. Độ cao khoảng hai mươi mét vẫn dụ dỗ không ngừng. Trong đầu tôi luẩn quẩn những câu thơ của Vi Nhất Tiếu…

Chính là em
vầng dương nào vẫn đỏ
trên đỉnh sầu oan nghiệt của chia phôi

“trên đỉnh sầu oan nghiệt của chia phôi…”, tôi lẩm bẩm, như những dòng thần chú mặc niệm. Ký ức vụt qua lạnh lẽo. Chính ở lúc đó, tôi nhìn thấy một cô gái, cũng đứng ở phía bên kia lan can như mình.

Tôi không rõ nàng đã ở đó tự bao giờ vì lúc tôi lên đây thì chỉ có một mình. Chỉ biết là khi tôi ngẩng lên thì đã nhìn thấy nàng ở đó rồi. Giống như tôi, nàng nhìn chăm chăm xuống đường. Nàng mặc một chiếc váy ngắn tối màu, áo sơ mi thuỷ thủ, tóc dài thả trôi, bồng bềnh sương khói. Mặt nàng lộ liễu một ham muốn nhảy xuống còn rõ ràng hơn tôi. Tôi cứ đứng đó, kinh ngạc nhìn nàng. Ở khoảng cách này, nếu thực sự nàng muốn nhảy xuống thì chắc chắn tôi cũng không thể kịp chạy đến được. Tôi bỗng thấy như mình bị đặt vào tình thế là chứng nhân cho một kẻ sắp kết liễu cuộc đời mình, mà chỉ ít phút trước chính tôi cũng có khao khát đó. Nhưng tôi lại thấy mình không thể nói, cứ như thể giọng nói đã rời bỏ tôi rồi, họng tôi khô khốc. Tôi nhìn nàng, trong đầu vẫn không ngừng niệm chú. Xin đấy, đừng nhảy có được không! Tôi muốn nói như vậy, nhưng ngôn từ đã tan biến mất từ trước khi nó được thốt ra rồi.

Nàng quay sang phía tôi.

Mắt tôi nhìn thẳng vào mắt nàng, hoặc một cái gì đó giống như là mắt nàng; vì ở khoảng cách này cùng sự nhá nhem đồng loã của bóng tối, tôi không thực sự rõ đồng tử của nàng ở đâu nữa. Nàng đứng bất động ở đó, chằm chằm nhìn tôi. Nàng tuyệt đẹp. Một vẻ đẹp rực rỡ sẽ làm điêu đứng mọi ánh mắt nhìn. Tôi không thấy một cảm xúc nào trên gương mặt nàng cả, chỉ chăm chăm nhìn vào cái thằng tôi đang đờ đẫn ở trước mặt. Tôi muốn lắc đầu với nàng, ý muốn nói với nàng là đừng làm thế, nhưng một cử động nhỏ tôi cũng không làm được. Ánh nhìn của nàng lặng lẽ, xuyên thấu. Tôi bỗng hiểu ra, nàng không thực sự nhìn tôi, mà nhìn xuyên qua tôi. Ánh mắt của nàng không phải là ánh mắt của con người trên cõi đời này, dù vẻ đẹp của nàng vô cùng trần thế. Ánh mắt của nàng như thôi miên, dụ hoặc, dù không có một tia ấm áp trìu mến nào toả ra từ đôi mắt sâu thẳm của nàng cả. Nhưng cũng không có một sự đe doạ nào trong ánh mắt lạnh lẽo ấy.

Nàng khẽ lắc đầu, vai nàng run lên một chút, rồi quay người bỏ đi.

Một điểm lân tinh từ ánh mắt nàng thoát thai, bay lơ lửng trong không trung và lẽo đẽo theo nàng. Đốm sáng nhỏ le lói ở đằng sau gày guộc như một linh hồn nhỏ, khuất dần rồi mất hẳn. Tôi nhìn theo nàng khuất bóng ở phía xa, nhưng ở chỗ nàng đứng như vẫn còn một vầng hào quang mờ mịt vô hình ẩn hiện. Một vài lân tinh rơi rớt lại, thoi thóp trong không trung, tắt dần ánh sáng. Tôi giơ tay đỡ lấy một linh hồn đang lịm dần ở gần mình như một con đom đóm nhỏ. Nó cũng dần tắt lịm trên tay tôi, tan biến.

Không còn gì bên cạnh. Tôi nhìn xuống đường, cũng chẳng còn bóng dáng xe cộ nào. Chỉ còn sự thăm thẳm của màn đêm.

Tôi trở về nhà.

Căn phòng của tôi đã được dọn dẹp sạch sẽ, làm tôi bỡ ngỡ phút chốc, bởi tôi thấy như mình đang lạc vào một căn phòng khác. Mùi không khí xung quanh cũng là một mùi lạ lẫm, tươi mới. Không còn những dư hương ấm áp từ đêm hôm qua nữa, tôi nghi hoặc một lúc rồi thở dài, ném mình vào chăn gối. Đằng nào thì vẫn là căn phòng ấy, tôi không thể miễn cưỡng được cơn buồn ngủ nữa, nó đã quá sốt ruột chờ tôi rồi.

***

Sáng hôm sau, tôi ngủ dậy, mở cửa sổ để cho không khí tràn vào căn phòng. Ánh nắng chiếu qua rèm cửa rực rỡ.

Ở giữa phòng, một điểm lân tinh nhỏ lơ lửng trong không trung, toả ra thứ ánh sáng ấm áp nhiệm màu.

Điểm lân tinh từ từ hạ xuống thấp dần, rơi rớt thành hàng ngàn lân tinh nhỏ, rồi tan biến giữa hư không.

Tôi đã trải qua một giấc ngủ dài không mộng mị.

December 20, 2016  2 Comments

« older posts newer posts »