Phương

Trên chuyến bay hôm ấy, tôi đã nghe toàn bộ nhạc của Lê Uyên Phương. Cứ lúc nào cần tìm một thứ gì đấy, tôi lại nghe Phương. Một thứ gì đấy, nếu ai nghe hoài hoài thứ nhạc khắc khoải lo âu của gã trai giang hồ phiêu bạt, sẽ hiểu. Âm nhạc của Phương tràn đầy một sự giục giã. Giờ này còn nhìn nhau, ngày mai ta không còn thấy nhau.

Nơi đây, khoảnh khắc này, và ký ức.

Mười năm kể từ nghe tân nhạc; khởi sự bằng Trịnh, tôi đã nương theo dòng chảy tình ca mà tiến tới rất nhiều tri kỷ. Dòng chảy ấy lần lượt cuốn vào trong nó những lời thống khổ của Trầm Tử Thiêng, Từ Công Phụng, Phạm Đình Chương, rồi chầm chậm đưa đẩy tôi về miền đồi nắng gió Đà Lạt để gặp Phương, tri kỷ sau cùng.

Mang trong người dòng máu giang hồ của thân phụ, ở tuổi đôi mươi, Phương đã đi bôn ba khắp miền duyên hải, làm đủ mọi nghề để kiếm sống, trước khi trở về lại Đà Lạt và khởi sự sáng tác. Âm nhạc của Phương là âm nhạc dành cho những tâm hồn trôi dạt, để kệ cuộc đời lặng lẽ cuốn đi. Tôi không có thiện cảm mấy với những kẻ sắp xếp cuộc đời ngăn nắp, cầu toàn, toan tính định trước, bám víu vào sự an toàn, cả đời chỉ ở trong một thứ; tôi luôn thấy ở họ nỗi sợ hãi những sự thay đổi, mà lại còn cực kỳ nhàm chán. Tôi chỉ thấy thu hút với những kẻ vứt bỏ cuộc đời mình trên những con thuyền lênh đênh dạt sóng, những kẻ bất quy tắc, những kẻ chấp nhận dấn thân, vượt ngoài khuôn khổ. Những kẻ trôi dạt liều lĩnh ấy chẳng còn gì để mất, nên đồng thời cũng chất chứa rất nhiều chân thật.

Phạm Duy nhận xét âm nhạc của Phương là thứ âm nhạc không mang tham vọng lớn, hoàn toàn thuần tuý chỉ là âm nhạc của dục tình. Tôi cũng thấy những kẻ mang tham vọng lớn thật là thống thiết, họ cứ cố leo lên cao mãi, đôi khi xảy chân vào vực thẳm cuộc đời không sao trồi lên lại nổi. Ngược lại, những kẻ mong ước nhỏ nhoi, thậm chí không mang tham vọng, cứ thản nhiên đi theo bản năng vẫy gọi, lại rất nhiều khi dựng xây được những kỳ tích phi thường. Lê Uyên Phương chính là nhạc sĩ lớn nhất của Việt Nam, nhạc sĩ tuyệt đối, nếu chỉ xét về phương diện tình. Phương đã sáng tạo ra hẳn một dòng nhạc; trước chưa có dòng nhạc nào như thế, sau này cũng không có dòng nhạc nào như thế, chân chính biểu trưng cho tình yêu ở mức độ cao nhất, và thuần tuý nhất, của nó – dục tình.

Tôi nhớ đến Phương của quãng thời gian rạo rực tuổi trẻ, ngồi lặng lẽ bên Lê Uyên trên đồi thông Đà Lạt, trao cho nhau những hẹn thề nắng gió. Thời đó gã giang hồ đã gần ba chục tuổi đầu, chẳng còn lành lặn sau những đổ vỡ và phiêu bạt đường đời, mang trên mình rất nhiều vết thương, bỗng phải lòng cô bé con gần nhà, lúc đó mới ở tuổi đôi mươi, còn ham bay nhảy; mà không biết rằng đó chính là thú đau thương định mệnh sẽ đi theo suốt kiếp. Chúng ta có Phương từ lúc đó. Nhưng mầm mống bệnh tật, cùng cấm cản nghiệt ngã của gia đình, đã không cho chàng được tự do yêu đương, nỗi ám ảnh chia lìa đã yểm vào âm nhạc của Phương những lời ca vùng vẫy, tuyệt vọng, càng khiến cặp song ca tài tử đó quấn quít nhau hơn trên sân khấu, và trong những nốt nhạc. Chàng ôm đàn, nàng hát, tình tứ như trong cuộc ái ân. Cuộc tình trốn chạy và hạnh ngộ mười lăm năm từ thủa hồng hoang Đà Lạt ấy đã hoàn tất cuộc đời khắc khoải của gã trai giang hồ trong những bản tình ca buồn bã.

Mỗi khi thấy mình chấp chới lo âu, tôi lại nhớ đến Phương. Tôi đã không biết là Phương sẽ có ý nghĩa đối với mình như thế, cho đến khi âm nhạc đó nói cho tôi hiểu, những đổ vỡ, đắng cay chỉ là để thú đau thương được nếm trải đến tận cùng.

Cho tôi yêu em nồng nàn
Cho tôi yêu em nồng nàn
Dù biết yêu tình yêu muộn màng
(Tình khúc cho em)

February 1, 2017

Leave a Reply