Kết thúc để bắt đầu
Nào, chúng ta hãy cùng đến với những gì hấp dẫn nhất của văn chương.
Điều gì làm cho văn chương thú vị? Chính là vì nó luôn luôn từ chối.
Văn chương hay ở chỗ chúng ta không cách gì hiểu cho trọn vẹn. Một tiểu thuyết thực sự lớn sẽ khước từ bất cứ cơ hội nào để được nhìn nhận đến tận cùng; các nhân vật được tạo ra, các tình tiết được mang đến, các nút thắt, các đoạn mở… tự bản thận chúng đòi hỏi một sự đánh giá đi đánh giá lại; mỗi câu chuyện đều sẵn sàng mang đến cho mỗi người đọc một cửa vào, đôi khi giống nhau hoặc khác nhau, và đưa họ đến một cửa ra, đôi khi cũng giống hoặc khác nhau, nhìn chung là tuỳ vào độc giả, có thể có cả nghìn cánh cửa như vậy, những giao cắt vô tình hữu ý trên những cánh cửa mở ra và đóng lại đó mang độc giả lại gần nhau hơn (trên khía cạnh cảm xúc, cảm nhận), những cũng đồng thời đưa chúng ta ra rất xa nhau. Đọc là việc hết sức cá nhân, mỗi chúng ta đều có một cửa vào và một cửa ra của riêng mình. Còn hơn cả thế, mỗi một lần đọc lại quyển sách nào đó, rất nhiều khi chúng ta sẽ tìm ra một đường vào khác, và đi ra ở một cánh cổng khác, có hoặc không các giao cắt với lần đọc cũ, mở ra cho chúng ta rất nhiều cảm nhận mới mẻ. Đừng ngạc nhiên khi thấy chúng ta nhìn một nhân vật ở lần này khác hẳn so với lần trước.
Đi vào một quyển sách, cũng như đi vào bản thân, là việc phải từng chút từng chút một, đi qua rất nhiều ngã rẽ, đôi khi sai đường, mà nói chung làm gì có đường nào gọi là đúng, con người vốn dĩ tràn ngập mâu thuẫn. Nhưng đồng thời con người cũng vô cùng nhất quán, bởi lẽ chúng ta chỉ đi loanh quanh trong cái bản thể của mình, trong cái vòng tròn số phận của mình. Bản chất con người nhất quán trong một sự mâu thuẫn tuyệt đối.
Cùng với văn chương, thi ca cũng nuôi dưỡng cho nó sự từ chối thấu hiểu đến tận cùng tương tự, và cả âm nhạc cũng vậy. Tất tần tật đều giống như nhau hết. Cả ba thứ này (có lẽ còn có những thứ khác) đều đến từ những tầng sâu của con người. Có trải nghiệm viết một chút, tôi biết rằng một nhà văn cũng có thể hoàn toàn không, và cũng không cần thiết, thực sự thấu hiểu tuyệt đối tác phẩm của mình. Đôi khi giọng nói ở bên trong nói rằng phải viết “điều ấy”, phải kể câu chuyện đấy, một cách phi lý trí nhất có thể, và mọi thứ cứ tự diễn ra thế thôi. Văn chương từ chối sự hiểu từ bất kỳ ai, ngay cả từ chính người viết ra chúng.
Con người với nhau cũng vậy, chúng ta cũng duy trì một sự từ chối thấu hiểu một cách tự nhiên, một cách bản năng. Con người không phải để hiểu. Chúng ta chỉ có thể nhận thức được các hiện tượng (người này thích điều này, thích điều kia, anh này thích đọc văn, thích đá bóng vv) và từ đó phỏng đoán ý nghĩa của các hiện tượng đó (thích đọc sách tức là kiểu người này, thích đá bóng tức là kiểu người kia). Chúng ta nhìn nhau qua các phỏng đoán. Bản thân các phỏng đoán cũng đầy rẫy những sự vô căn cứ, những sự mơ hồ. Cũng đừng ngạc nhiên khi phần lớn thời gian con người nhầm lẫn về nhau hết. Mọi thứ chỉ là phỏng đoán, chỉ là hiểu lầm. Con người không phải để hiểu, chúng ta chỉ có thể “cảm nhận”. Khái niệm tương đối gần điều này nhất có lẽ là thấu thị. Để hiểu một con người, thực ra đúng hơn là để “lại gần”, hãy nhìn họ. Nhưng nhìn không phải là “nhìn”. Chúng ta hiểu lầm một con người chủ yếu do chúng ta nhìn vẫn chỉ là nhìn, chứ không phải là nhìn.
Cứ bình tĩnh, mọi chuyện không phức tạp đến thế.
Khi chúng ta bỏ đi ham muốn chân chính thấu hiểu một con người, thì mọi sự trở nên tột cùng đơn giản.
Đối với Đinh Hùng, mỗi con người là một hành tinh (Anh sẽ tìm em như tìm một hành tinh/Mặc trái đất sắp tan vào mộng ảo). Tôi cũng cho rằng như vậy. Con người, cũng có thể là một vũ trụ nữa, với đầy rầy những sự mâu thuẫn, bí ẩn, không lời đáp của nó. Con người cũng có thể chẳng là cái gì.
Hình như từ đầu tôi định nói đến một việc khác, nhưng lại lan man đến chuyện con người. Tôi sẽ trở lại với nó ngay sau đây.
Quyển sách của năm của tôi trong năm 2016 chắc chắn phải là Tôi nói gì khi tôi nói về chạy bộ của Murakami. Một phần lớn ý thức hệ của tôi đã được củng cố từ tinh thần của quyển sách này. Những người follow tôi sẽ còn nhớ những gì tôi nói về nó, có lẽ là những thứ khả dĩ đáng kể nhất mà tôi từng huyên thuyên trong cả năm nay.
Còn quyển sách của năm 2017, dù mới bắt đầu năm thôi, tính tới hiện tại phải là Xứ sở kỳ diệu vô tình và nơi tận cùng thế giới. Đây cũng là quyển sách từ chối sự thấu hiểu đến tận cùng.
Tôi đọc quyển sách này vì một lý do rất riêng tư, và cũng rất tình cờ. Tôi đã có ý tưởng viết Bóng từ trước đây, cho đến khi tôi biết được rằng Xứ sở kỳ diệu vô tình là một tiểu thuyết mang nhiều khái niệm và ẩn dụ thực sự hay về chiếc bóng (the shadow). Tôi quyết định sẽ đọc nó để tìm cảm hứng, và khác với các tiểu thuyết nặng ký khác của Murakami mà tôi thường đọc hàng tháng trời, tôi đọc quyển này trong vẻn vẹn vài ngày. Đọc ngấu nghiến và bị hút vào trong nó theo đúng nghĩa đen.
Đây là một câu chuyện tuyến tính về hai tuyến nhân vật (thực ra chỉ là một người, theo cách nhìn của tôi); một người đi về nơi kết thúc, người kia đi về nơi bắt đầu. Nơi kết thúc có tên gọi Xứ sở kỳ diệu, nơi bắt đầu là Tận cùng thế giới. Đây là một điểm đặc sắc và tinh tế, nghịch lý nhưng cũng đầy ẩn ý bậc thầy, của tác giả. Kết thúc của Xứ sở kỳ diệu (nhưng) vô tình, với những con người có tâm hồn, có mục đích (thậm chí dã tâm, tham vọng) là Nơi tận cùng thế giới, một thành phố bất khả xâm phạm có tường thành vây quanh, với những con người chấp nhận bỏ đi tâm hồn của mình, giết chết cái bóng của mình, để sống, hay tồn tại theo một chức năng duy nhất, một vai trò duy nhất đã được định sẵn. Nói tới đây, hãy nhắc đến một ẩn dụ về chiếc bóng: “Muốn nói gì thì nói, bóng là cái ở gần người ta nhất”, chiếc bóng chính là bản thân chúng ta, ở một thể hiện khác. Nơi tận cùng thế giới là nơi của những con người mất bóng. Sự kết thúc của Xứ sở kỳ diệu vô tình mở ra sự bắt đầu của Nơi tận cùng thế giới.
“Cái chết là có thực, nó không phải là đối nghịch của cuộc sống, mà là một phần của cuộc sống.” – Rừng Nauy.
Hãy cho rằng sự tuyến tính của câu chuyện này có liên quan đến triết lý nổi tiếng nhất về cái chết của Rừng Nauy, mặc dù Xứ sở kỳ diệu vô tình là tiểu thuyết thứ tư Murakami viết, sau Cuộc săn cừu hoang và trước Rừng Nauy. Tôi cho rằng Murakami đã vô tình phát hiện ra một cách nhìn về cái chết trong khi viết Xứ sở kỳ diệu vô tình, và sau khi hoàn tất nó đã cắt riêng phần này đi để tiếp tục triển khai thành tiểu thuyết thứ năm của mình. Toàn bộ Rừng Nauy có vẻ chỉ là một sự mở rộng theo một hình thái biểu hiện khác của Xứ sở kỳ diệu vô tình.
Cả hai xứ sở đều có Tình yêu, và đều thuần phác. Tình yêu giữa nhân vật ở tuyến một với cô gái thủ thư là thứ tình yêu mang đến sự giải thoát để tìm về cõi chết, Tình yêu giữa nhân vật ở tuyến hai với cô gái, cũng là một dạng khác của thủ thư thư viện; hai cô gái này về bản chất chỉ là một người ở hai thể hiện khác nhau; là Tình yêu đã níu kéo lại gã này trước ý định chạy trốn khỏi Thành phố, đồng nghĩa với việc quay trở lại hố sâu địa ngục của Xứ sở kỳ diệu mà chính gã vừa từ đó thoát thai. Hai thế giới này có chung cổng vào là chiếc đầu lâu của con thú một sừng. Ở Tình yêu thứ nhất, gã đàn ông trao cho cô gái chiếc đầu lâu rồi chết đi, thực chất là trao cho số phận của gã. Ở Tình yêu thứ hai, gã đàn ông thông qua chiếc đầu lâu chở “giấc mơ xưa” để tìm lại linh hồn cho cô gái. Cái gì kết thúc ở thế giới này sẽ tìm lại ở thế giới kia theo một cách thể hiện khác. Cái chết nối dài cho sự sống mới. Chỉ có Tình yêu là vẫn thuần phác như vậy. Tình yêu dẫn đường cho gã đi vào chính mình. Xứ sở kỳ diệu vô tình là thế giới rộng lớn bên ngoài của nhân vật chính, còn Nơi tận cùng thế giới chỉ là thế giới ở bên trong của gã.
Theo dòng sáng tác, Xứ sở kỳ diệu vô tình là tiểu thuyết thứ tư của Murakami; tôi chưa đọc Lắng nghe gió hát (tiểu thuyết đầu tiên) và Pinball (tiểu thuyết thứ hai), nên không dám chắc lắm, nhưng rất có thể Xứ sở kỳ diệu vô tình là tiểu thuyết đầu tiên Murakami viết theo lối tuyến tính – lối viết đã trở thành kinh điển của Murakami mà sau này sẽ gặp rất nhiều ở Kafka bên bờ biển và đặc biệt là 1Q84. Ngoài tuyến tính trên khía cạnh các nhân vật khác nhau, sự tuyến tính về thế giới song song ở Xứ sở kỳ diệu vô tình cũng dường như đặt nền móng cho sự xuất hiện dày đặc các thế giới song song sau này trong các cuộc hành trình kỳ quặc của phần lớn tiểu thuyết Murakami: Nhảy nhảy nhảy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Người tình Sputnik, 1Q84… Những thế giới song song nhưng cũng giao cắt, hoặc dần dần chập vào một.
Xứ sở kỳ diệu vô tình dường như có một ý nghĩa hết sức đặc biệt trong việc sáng tác của Murakami. Quyển tiểu thuyết này trao cho Murakami một quyền năng đặc biệt, giúp ông mở ra những cánh cửa cho mình. Những tiểu thuyết sau này của Murakami, tôi cho rằng, phần lớn đều lấy từ những mảnh nhỏ nào đó trong Xứ sở kỳ diệu vô tình mà triển khai ra, kể cả những kiệt tác đồ sộ như 1Q84 đi nữa.
Xứ sở kỳ diệu vô tình có ẩn dụ về mọi thứ. Hay nói cách khác, mọi thứ ở đây đều là ẩn dụ, và đặc biệt nhiều. Ẩn dụ từ thiên nhiên: Rừng. Núi. Sông suối. Mây. Thời tiết. Ẩn dụ về Thành phố, đường hầm, lòng đất. Ẩn dụ về các thế lực: Con người. Thiên tài. Ma quỷ. Ẩn dụ về Thiện, Ác. Ẩn dụ về giấc mơ, về tâm hồn. Ẩn dụ về thú vật: Thú một sừng, chim chóc. Ẩn dụ về sự sống, cái chết. Mọi thứ đều là ẩn dụ, đều là khái niệm. Cuốn tiểu thuyết này là một khu rừng về ẩn dụ, trùng trùng điệp điệp. Ngay cả cách ví về khu rừng, cũng là một ẩn dụ nốt.
Chính vì cả cuốn sách là một sự ẩn dụ, nên nó chân chính từ chối những nỗ lực để hiểu cho trọn vẹn. Ở đây cần một sự thấu thị. Chính vì nó có quá nhiều cánh cổng vào mở ra, nên nó cũng đòi hỏi những sự đọc đi đọc lại nhiều lần.
Có lẽ là sự tình cờ, tôi đọc quyển tiểu thuyết này ở nửa cuối năm ngoái cho đến khi sang năm mới (lịch âm), giống như hai tuyến truyện của kết thúc và bắt đầu vậy. Quyển tiểu thuyết này cũng thực sự chạm đến tôi nhất ở những góc sâu khuất rất khó động đến, không phải chỉ bởi vì cái giao cắt nhất định đối với Bóng, hay những triết lý mang tính bản lề mà tôi sẽ còn kế thừa được rất lâu sau này, mà còn ở một cái nhân duyên nào đó từ một cánh cửa đã mở ra, rốt cuộc cũng để tôi đi vào chính mình, ở một tầng sâu hơn từng biết đến.
“Cioran dạy tôi rằng muốn suy nghĩ thì phải ở chiều ngang. Và qua rất nhiều điều không liền lạc với nhau, tôi hiểu ra ông ấy muốn dạy cho tôi một điều rất quan trọng: đọc có ba cấp độ, cấp độ một là đọc để biết những điều mình chưa biết, cấp độ hai là đọc để biết rằng những gì mình tưởng là đã biết hóa ra mình còn chưa biết, nhưng cấp độ ba mới là đỉnh cao, đọc là để biết rằng những gì mình tưởng còn chưa biết hóa ra mình đã biết rồi, chỉ là chưa bao giờ học được cách lôi nó ra từ sâu thẳm đâu đó bên trong con người bí ẩn muôn trùng, tức là bản thân chúng ta.” – Nhị Linh
Văn chương, xét cho cùng là để chúng ta đi tìm từng chút một những mảnh vụn của mình (câu này cũng là ý của Nhị Linh nốt).
Tôi thích tiểu thuyết này của Murakami bởi lẽ ông đã viết một cách rất thoải mái, dù đề tài mà ông tiếp cận (sáng tạo ra một thế giới mới, thế giới ở bên trong) không hề nhỏ, thậm chí nó thực sự lớn. Phạm vi quy mô của những chủ đề mà cuốn sách này tham vọng nói đến rộng lớn vô cùng, và tôi tin rằng nó lớn hơn cả khả năng, bút lực của ông thời đó (quãng 1985, chỉ vài năm sau cái tuổi hai mươi chín khi Murakami quyết định trở thành nhà văn); nhưng ông đã xoay sở một cách nhẹ nhàng để đưa mọi thứ ở trong tầm kiểm soát và vẫn đạt được đến mức độ chất lượng cao cho từng thứ mà ông muốn nói đến. Về sau bút lực mạnh mẽ hơn, và liên tục đẩy giới hạn sáng tạo của mình lên nhưng đôi lúc Murakami vẫn sẩy chân một cách phí phạm. Đọc thêm về cú thất bại của Murakami với 1Q84 tại đây.
Đây là một tiểu thuyết hết sức vô khuyết, nhưng cũng đừng coi nó là một thứ hoàn hảo. Về sự hoàn hảo, bản thân hai xứ sở trong cuốn truyện này cũng là thể hiện của hai thế giới hoàn hảo, nhưng chính trong sự hoàn hảo đó có mầm mống của đổ vỡ, của sự bất toàn. Nơi tận cùng thế giới thiếu linh hồn, còn xứ sở kỳ diệu vô tình thì thiếu ước mơ.
Thế giới hoàn hảo bởi sự bất toàn như thế.
February 1, 2017