Bóng
Chiếc máy bay vụt lên tầng không đúng lúc nhạc mở bài Snow (Hey oh) của Red Hot Chili Peppers, một giai điệu sôi động, phấn khích. Cùng lúc đó, tôi cũng đang đọc đến đoạn nhân vật chính ở tuyến thứ hai của cuốn tiểu thuyết Xứ sở kỳ diệu vô tình và nơi tận cùng thế giới tìm được nhạc cụ trong khu nhà kho ở trong rừng. Rất nhanh chóng, máy bay rời bỏ thành phố, vượt lên làn sương mỏng ngăn cách không khí nặng nề tù đọng ở phía dưới với lớp chân không nhẹ bỗng ở bên trên. Tôi bắt đầu cảm thấy lơ lửng, trọng lực dường như quên mất vai trò của nó mỗi khi máy bay lướt nhẹ trên không. Nhìn ra cửa sổ, thành phố đã hoàn toàn luẩn quất sau mây. Chiếc máy bay nằm trọn vẹn trong những đụn mây khổng lồ mịn màng. Bốn phía là mây, trải rộng đến vô cùng. Có cảm giác thực ra máy bay cứ đứng im một chỗ như thế, lười biếng nép mình vào những đám mây dịu dàng, trôi dạt đi bởi gió chứ không còn bay nữa. Ở trên mây, mọi thứ đều trở nên lặng lẽ, uể oải. Có một cảm giác cực kỳ hạnh phúc khi nghe Snow (Hey oh) ở thời khắc máy bay lướt lên không trung; thêm nữa, nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết kỳ thú mà tôi đang đọc cũng tìm được chiếc nhạc cụ, chính xác là một chiếc Phong cầm (mà về sau chiếc Phong cầm này có vai trò chìa khoá quan trọng), làm tôi cảm thật tương hợp giữa cả ở ngoài đời và trong sách. Âm nhạc tràn ngập không gian xung quanh tôi theo đúng nghĩa đen, chúng ngấm vào từng tận tế bào, lan đến từng mạch máu, trôi vào sâu thẳm tâm hồn.
Tôi đang bay về nhà để ăn Tết.
Máy bay không còn một chỗ trống, sân bay chật ních người, phần lớn trong đó là người Việt cũng đang háo hức về ăn Tết như tôi. Mắt họ lấp lánh một niềm hạnh phúc xum họp. Đã quá lâu rồi họ chưa trở về nhà chăng? Từng đoàn người hồi hương về xum họp trong lịch sử loài người đều là những cuộc di cư vĩ đại. Như những cánh chim thiên di tránh rét rồi trở về, chúng ta không được phép quên nguồn. Tuổi trẻ có cái khao khát hăm hở đặc trưng, đó là: Đi! Đôi khi là chạy trốn, chối bỏ, chán nản chính nơi chốn mình sinh sống, thèm khát được ra đi, được theo thuyền đón sóng, lênh đênh trên những cuộc hành trình mới mẻ, trôi dạt về đâu cũng được. Nhưng bên cạnh cái háo hức của Đi, sau những cuộc dấn thân ngật ngưỡng vào cuộc đời, nhựa sống tuổi trẻ đã bị bào mòn đi ít nhiều nhiệt huyết, người ta sẽ có một tâm lý bồn chồn ngang ngửa, đó là Về! Văn chương đã nương tựa vào hai đầu của cuộc hành trình bản chất nhất của con người mà hoài thai ra rất nhiều kiệt tác.
Tôi nhập vào đoàn người trở về lê thê ấy.
Chuyến bay kéo dài hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, tôi có từng đó thời gian để kết thúc nốt cuốn tiểu thuyết của mình.
Tôi đã biết Hà Nội hôm nay sẽ không lạnh ngay từ khi chập chờn nhìn thấy nắng phát tán dưới tầng mây gần mặt đất nhất. Murakami bảo người ta hiểu đôi chút về thời tiết, nếu ngày nào cũng theo dõi các chuyển động của mây; tôi thì vừa ở trên mây xuống, nên tôi không bất ngờ trước cái nóng nực của mùa đáng lẽ ra phải là Đông đang không ngừng chói chang bốn phía. Mùa đông năm nay quá độ sớm quá, những mùa đông kỳ quặc cứ ấm dần lên và qua đi thật nhanh làm người ta sửng sốt có thật sự còn mùa đông hay không, hay nó chỉ làm một biến thể của mùa gì đó lai giữa mùa thu và mùa xuân, hay mùa xuân và mùa hạ, hay là một sự trộn lẫn của cả ba, để rồi tạo thành một thứ mùa rất không có màu sắc. Cái mùa đông bàng bạc khiến người ta run rẩy yêu nhau đã không còn nữa, kéo theo nó những sự xa nhau rất đỗi vô tình.
Nhưng mặc kệ cái nắng nóng phi lý, không khí Tết vẫn thấm đẫm từ cả lớp sương mỏng bao trùm thành phố ở trên cao. Tết làm người ta vội vã hơn, tất bật hơn, nhưng đồng thời cũng làm người ta tử tế hơn. Tôi thấy những kẻ cứ ra rả đòi bỏ Tết cổ truyền đều là những kẻ ngu xuẩn. Lý lẽ của họ đều có vẻ hợp lý, đôi khi hợp lý đến giả dối, nhưng người ta quên mất một điều là Tết, trong phạm vi khái niệm bản chất nhất của nó, vốn dĩ chẳng có gì xấu. Quốc gia nào mà chẳng có ngày lễ Tết của mình? Chính con người và những thứ bày vẽ phù phiếm xung quanh Tết mới làm cho nó trở nên xấu xí đi. Trong một năm có vài tuần tự dưng vật giá leo thang hẳn lên đến mức phi lý, dịch vụ thì đi xuống, xong rồi con người lao vào vòng xoáy của cúng bái, lễ lạt, bon chen gồng gánh trong những sự chuẩn bị phung phí để có một cái Tết “đủ đầy” dù họ biết rõ rằng những thứ hình thức như vậy chỉ là họ một nghèo nàn đi. Cái chúng ta cần đâu phải là bỏ Tết đi, chúng ta cần là phải bỏ hết hủ tục đi đấy chứ. Mà mặc kệ lũ người ngu xuẩn đang bi kịch hoá Tết đi, hoặc thống thiết kêu gào phải gộp chung Tết này Tết nọ, tôi thấy chúng rặt là một lũ rởm đời. Khi chúng ta chọn nhìn vào cuộc đời bằng cái nhìn đầy bi kịch, thì cuộc đời xung quanh cũng sẽ chỉ ngập tràn bi kịch. Tôi vẫn luôn nhìn vào Tết bằng đôi mắt háo hức đã in hằn vào ký ức bé thơ, dù đã không còn bé nữa. Khác với mọi người cứ luôn tất bật, tôi chỉ đơn giản tận hưởng Tết theo cách nhẹ nhàng nhất.
Về đến nhà, đã được dọn sạch tinh tươm bởi mẹ (thật là biết ơn mẹ!), cùng một số đồ đạc cũ đã được tống khứ đi, căn nhà trông trống hoác hẳn đi so với kiểu của tôi vẫn ở. Mẹ thậm chí còn cắm một lọ hoa để trên bàn, càng làm nó không giống kiểu của tôi ở hơn. Nhưng dù sao bó hoa rất đẹp, mang đến một sắc thái mới mẻ lạ lẫm. Nhờ có mẹ qua chăm sóc hộ mà căn nhà này không có vẻ một căn nhà vô chủ đã lâu mà vẫn có mùi của con người. Cảm giác của tôi giống hệt như cảm giác của nhân vật chính trong Xứ sở kỳ diệu vô tình khi trở về nhà sau một cuộc đi vào lòng đất tối tăm, khủng khiếp; căn nhà đã được một “lực lượng vệ sinh” bí ẩn chu đáo dọn sạch từ bãi chiến trường (sau này nhân vật chính phát hiện ra người dọn nhà cho gã là cô thủ thư ở thư viện, khởi đầu cho một tình yêu oái ăm nhưng cũng rất đẹp). Thấy nhà cửa ngăn nắp khi trở về là một cảm giác tuyệt vời.
Nhưng tôi biết căn nhà này cần nhiều hơn thế để có cảm giác là nhà tôi. Nhìn quanh một lát, tôi định sẽ chạy đi mua một cành đào rừng trang trí để có không khí Tết, và giăng đèn neon các thứ nữa. Hôm nay là hai mươi chín Tết. Không phải quá sớm cho các việc mua sắm nữa. Tôi quyết định sẽ chẳng mua gì cả. Dẹp hết mấy trò đào, quất với cúng bái lễ lạt đi, tôi chỉ muốn cái Tết này sẽ thật nhẹ nhàng và nhẹ nhàng. Cần gì cứ phải có đào, quất thì mới có Tết cơ chứ. Bà ngoại tôi không may qua đời vài tuần trước nên Tết này nhà tôi sẽ hầu như chẳng đi đâu chúc Tết ai cả. Ngoài một số người thân thiết, tôi không có nhu cầu đặc biệt phải gặp ai (các Tết trước tôi vẫn đều đi thăm anh em bạn bè khá đầy đủ), nên về cơ bản thì tôi sẽ có bốn ngày Tết hoàn toàn nghỉ ngơi. Có lẽ tôi sẽ chỉ dọn dẹp qua nhà cửa một chút, chuẩn bị ít bánh kẹo trong trường hợp nhà có khách, mua một ít rượu, đón con mèo về, thay ga gối; đã đến lúc phải thay ga gối rồi, tôi cần một cái mùi khác trong căn nhà mình, mùi hương – đôi khi chúng mang ý nghĩa rất gần với linh hồn, phải, tôi cần căn nhà có một diện mạo khác, một linh hồn khác, nó đã quá cũ kĩ; và chuẩn bị dăm cuốn sách để đọc. Tôi không nghĩ ra việc gì đặc biệt hơn để làm nữa.
Tôi chạy ra phố một lúc, cái nắng nóng giờ tan tầm đã tiêu tan bớt đi bởi không khí lạnh khe khẽ tràn về. Hai chín Tết nhưng ngoài đường vẫn đông đúc đến đáng ngạc nhiên. Mọi người hối hả, tấp nập, nhưng không ai căng thẳng như người ta vẫn hay kêu ca. Tôi mang bộ chăn ga gối mới từ mẹ về và đón cả ChiChi. Lần này về thì chỉ còn mỗi ChiChi thôi, tôi bỗng thấy nhớ Tuti da diết, nó còn chưa có nổi một cái Tết đầu tiên. Về đến nhà, tôi nhanh chóng thay bộ ga gối cũ, vứt hết đống quần áo bẩn vào máy giặt, đốt tinh dầu lên, xịt phòng, cho mèo ăn, bật nhạc. Căn nhà đã có dáng vẻ của tôi hơn. ChiChi hoảng hốt một chút lúc đầu khi mới về rồi sẽ quen ngay với địa bàn mới, nhanh chóng lăn ra ngủ. Mùi tinh dầu toả ra khắp nhà mang lại khoái cảm dễ chịu. Không gian tôi sống cứ phải có một chút mùi hương dụ hoặc thì mới chịu được. Đã xong hầu hết mọi việc quan trọng, tôi đột nhiên rất thèm uống rượu vang nên khui một chai dở ở trên kệ xuống, mang ra sofa nằm đọc sách. ChiChi vừa tỉnh ngủ, đang lục lọi gì đó ở xung quanh. Mùi của mèo là một phần trong linh hồn của ngôi nhà này. Âm thanh có sức sống nhất ở đây là tiếng gừ gừ của mấy con mèo khi chúng yên tâm dựa dẫm vào người tôi ngủ. Nhạc đang chơi của Regina Spektor, album Essentials, vang lừng cả không gian xung quanh, tẩy trần đi không khí trầm mặc. Căn nhà đã tiếp nhận tôi trở về.
Tôi ngồi ở sofa, uống vang đỏ, ăn thịt bò khô. Mặc kệ là thịt bò khô có hợp nhắm với vang đỏ hay không. Lần cuối tôi uống vang là đợt Lộc về Việt Nam mấy tuần trước. Chúng tôi uống vang, đôi khi uống lẫn cả whiskey pha đá lạnh, đến khi nói năng tếu táo thì đi ngủ. Những cơ hội ngồi với bạn thân như thế trong cuộc sống hiện đại càng ít, và càng đáng quý trọng. Tôi đọc nốt tiểu thuyết Xứ sở kỳ diệu vô tình. Đôi khi tôi thấy mình trong chính cuốn tiểu thuyết ấy. Có đoạn nhân vật chính cũng trở về nhà, cởi quần áo, chui lên giường và nhâm nhi whiskey. Đối với gã, đó là một nghi thức ngọt ngào khi đi làm về, là mấy phút đồng hồ yêu thích. Hắn cũng mang sách lên giường đọc và nghe nhạc như tôi. Gã yêu mấy phút ấy như người khác yêu mặt trời lặn hay yêu không khí trong lành. Một tiểu thuyết thật sự tuyệt vời. Tại sao tôi lại bỏ lỡ tiểu thuyết này của Murakami nhỉ? Nếu nói nữa thì tôi sẽ chỉ sa đà vào tán dương, nên tôi sẽ dành kể về cuốn sách nặng ký đầy thu hút này vào một lần sau. Regina Spektor đang hát đến The Call, bài hát tôi đã mê say từ rất lâu. Giọng của nàng da diết, sương khói, đầy ám ánh. It started out as a feeling, which then grew into a hope. Mọi thứ bắt đầu bằng một xúc cảm vu vơ, bỗng biến thành một niềm hi vọng lớn lao sau đó… Cuộc đời có khi đổi thay hoàn toàn từ những khởi đầu giản dị như thế. Những nhân duyên đã đến và sẽ đến. Chúng mình sẽ và chúng mình sẽ.
Chai vang đã hết. Đêm còn rất dài. Tôi quyết định uống nốt chỗ whiskey pha đá lạnh còn lại. Một cảm giác chập chờn xuất hiện. Ánh sáng trong căn phòng không hiểu sao tối dần, như thể ánh sáng đã bị rút đi đâu mất; thay vào đó là ánh trăng dội từ cửa sổ vào, nhưng tôi biết chắc là không hề có trăng ở ngoài kia. Ánh sáng vàng vọt phát tán vào từ bên ngoài trông rất giống ánh trăng, nhưng tuyệt đối không phải, nó chỉ là một thứ gì đó giống trăng mà thôi. Ánh sáng chiếu thẳng vào chỗ tôi ngồi, như thể đèn sân khấu chiếu vào người biểu diễn, khiến cho không gian xung quanh trở nên tăm tối. Tôi cũng không để ý lắm, cứ thế ngồi uống nốt chỗ whiskey còn lại. Chiếc bóng của tôi trải dài đến tận chân tường, nhờ ánh trăng (hoặc một thứ gì đó giống như ánh trăng) mà nó trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Tôi ngồi đó, lặng lẽ nhìn vào chiếc bóng của mình.
Cho đến khi tôi cảm thấy, chiếc bóng hình như không làm theo đúng các động tác của mình nữa.
Cụ thể là khi tôi nâng cốc whiskey lên để hớp cho cạn, cái bóng vẫn khoanh tay ngồi đó nhìn tôi.
Nó cứ nhìn chằm chằm vào tôi, như lúc nãy tôi nhìn chằm chằm vào nó.
Cũng có lẽ tôi đã uống quá nhiều whiskey, nhưng rõ ràng là tôi không thể nhầm được. Chiếc bóng vẫn ngồi đấy, cái tư thế vừa xong của tôi, và nhìn chằm chằm vào tôi. Hay là cái bóng đã bị đóng băng, hoặc giả nguyên lý ánh sáng thế nào đó đã khiến cái bóng không thể di chuyển được theo chính chủ của nó nữa nhỉ?
Tôi chịu không hiểu nổi, bản thôi tôi cũng không dám chắc có thực ở đằng trước mặt mình là cái bóng hay không; mọi thứ cứ lấp loá bởi thứ ánh sáng le lói chiếu rọi từ ngoài vào, làm tôi không phán đoán nổi tôi đang nhìn vào cái gì, đang ngồi ở đâu nữa. Có thể tôi đã ngủ rồi cũng nên.
Nhưng tôi thấy không thoải mái lắm khi ở đằng trước là cái bóng đen cứ nhìn chằm chằm vào mình, tôi còn cảm giác nó đang thiểu não nữa, y hệt nỗi thiểu não của tôi, nên tôi quyết định thử đứng dậy, biết đâu sẽ thoát khỏi cái ảo giác whiskey này. Cái bóng vẫn ngồi đấy. Nhưng rất chậm thôi, nó từ từ đứng dậy, dối diện với tôi.
Tôi biết là sẽ phải chấp nhận sự kì quặc này. Hay là ma chăng? Tôi vốn vô thần nên không tin vào ma quỷ lắm. Ma quỷ chỉ là khái niệm. Con người tạo ra ma quỷ chính là từ nỗi sợ hãi của mình. Nhưng cũng có thể có ma thật, ai mà dám chắc được. Nhất là trước mặt tôi đang là một cái bóng đen kì quặc cứ chằm chằm nhìn mình. Nhưng nếu có là ma thì tôi cũng đếch quan tâm. Ma quỷ mà là phản vật chất thì nó cũng sẽ chẳng làm gì được mình, còn nếu là vật chất thì tôi sẽ dễ dàng đấm chết nó, nếu quả thật nó cân bằng với người về mặt sức mạnh. Tôi trở nên ít sợ ma quỷ ,cái chết hơn sau khi chứng kiến người ta bốc mộ ông bà tôi vài năm trước. Đêm đó, tôi ngồi giữa cánh đồng, canh mộ của hai ông bà để chờ đến giờ làm lễ và thay áo quan. Nửa đêm rất lạnh, bãi tha ma đông nhung nhúc các ngôi mộ liền kề, nhưng tôi không hề thấy sợ hãi, thậm chí còn gà gật được. Có lẽ ông bà tôi đã phù hộ yên lành cho tôi chăng. Trong tôi chỉ ngập tràn một nỗi nhớ tiếc ông bà khi còn sống, và niềm thanh thản khi được ở gần ông bà vào đêm đó đến vậy.
Cái bóng đen của tôi nhìn tôi một lúc, rồi nó lặng lẽ bước đi, mặc cho tôi sửng sốt đối diện. Bóng đi khắp phòng khách, sờ mó vào khắp nơi, ở chỗ nào cũng tỏ ra luyến tiếc, đau khổ. Tôi ái ngại thay cho nó. Rồi tôi thấy nó đứng rất lâu ở trước bếp; bỗng ôm lấy một cái bóng khác, bóng của một người phụ nữ bỗng đâu xuất hiện, từ đằng sau, cũng được tạo ra từ ánh trăng vàng vọt ở bên ngoài. Hai chúng nó có vẻ quấn quít. Một lúc sau, chúng buông nhau ra, rồi bắt đầu xoay xở ở bếp để làm gì đó thoăn thoắt mà tôi hiểu là đang nấu nướng. Hai cái bóng cứ nhảy nhót quấn quít như thế, trong khi vẫn làm các động tác trông rất giống như thái thịt hoặc chiên xào gì đó. Hẳn là một bữa thịnh soạn. Tôi vừa sợ hãi vừa tò mò cứ ngây dại nhìn ngắm hai cái bóng ngu xuẩn không biết ở đâu ra làm hết trò này đến trò khác ở nhà mình. Nhưng nhìn ngắm chúng, tôi nhớ đến một thời quá vãng xa xôi mà ký ức của mình đang trở nên mờ mịt hết cả.
Một trong hai cái bóng biến mất, chỉ còn lại bóng của tôi. Nó ra bàn ăn ngồi một mình, lặng lẽ nhìn vào chiếc bình mang tro cốt của con Tuti ở góc tủ. Rồi tôi thấy bóng của con Tuti nhảy lên lòng nó, kêu gừ gừ rất thật. Bóng của Tuti hơi khác một chút, không đen kịt như bóng của tôi mà có hình dáng màu sắc hơn hẳn. Nói cho đúng ra, bóng của Tuti dần trở thành một phiên bản của chính nó, không phải bóng nữa, mà là hình thật, với lớp lân tinh le lói bao phủ xung quanh lớp lông bóng mượt của nó. Tôi dần nhìn thấy bộ lông của nó, đôi mắt của nó, đôi tai vểnh ngược lên của nó, và cái đuôi dài như đuôi cáo tuyệt đẹp của nó, rõ ràng như thể nó đang thực sự ở đây. Tôi thấy bóng của tôi cầm con chuột đồ chơi lên vứt sang một góc, tức thì Tuti sẽ lao theo ngay để nhặt lại, tha về chỗ cũ. Đây là trò mà tôi vẫn hay chơi với con Tuti, không phải con mèo nào cũng biết tha hồ về chỗ cũ như vậy. Rồi tôi thấy Tuti nhảy nhót, đùa giỡn với chiếc bóng của mình. Tuti chạy đến đâu thì đám lân tinh bao quanh nó đi theo đến đó, làm rực sáng cả một góc phòng.
Khi Tuti biến mất, đám lân tinh kia cũng dần tan biến vào hư không. Đôi mắt của Tuti biến mất sau cùng, nhìn thẳng vào tôi, tròn xoe ngơ ngác, như lần đầu tiên tôi mang nó về nhà.
Tôi mệt mỏi ngồi thụp xuống sofa. Chai vang và whiskey lăn lóc. Tôi với lấy cốc whiskey đã tan ra vì đá, húp cho cạn nốt dù không còn gì. Những ký ức nặng nề đè nặng xuống vai tôi, sức nặng của nó khiến không khí xung quanh cũng trở nên cô đặc, ngột ngạt. Tôi mở cửa ra cho thoáng dù không có một cơn gió nào. Ánh trăng vẫn xanh xao ở đằng xa, chiếu vào tôi yếu ớt, nhưng xuyên thấu tâm trạng tôi một nỗi cực cảm vô bờ.
Chiếc bóng ngồi xuống đối diện tôi, tiếp tục nhìn chằm chằm vào mình. Tôi và nó, như hai cái bóng, nhìn chằm chằm vào nhau như hoá đá, dù tôi biết tôi chẳng thực sự nhìn vào cái gì. Tôi chỉ thấy lấp lánh một nỗi buồn thảm trong ánh nhìn của nó, soi vào đó tôi còn thấy mình buồn thảm hơn. Rồi tôi nhận ra chiếc bóng đen kịt của mình dần có hình dáng, nó không chỉ là một chiếc bóng phẳng dẹt nữa mà đã hoàn toàn trông giống con người, hay là giống chính tôi. Lớp da thịt của nó đổi sang màu hồng, đôi mắt của nó phát sáng ấm áp trong đêm, tôi thậm chí dường như còn nhìn thấy nó mấp máy cười qua chuyển động rất khẽ ở làn môi. Bóng đặt một tay lên vai tôi. Tôi đưa tay ra chạm vào nó. Nhưng bàn tay tôi đã không còn sức nặng thông thường nữa mà trở nên nhẹ bẫng. Tôi thấy mình biến dần thành một màu đen kịt.
Có thể tôi đã trở thành chính chiếc bóng của mình. Trong khi nó biến thành tôi. Nếu thế thì khi ánh trăng kia không còn nữa, tôi sẽ biến mất chăng. Điều đó ngang gì là cái chết? Mà nếu chết thì sao, tôi càng không quan tâm. Đã từ lâu, ham muốn được chết của tôi cũng lớn như ham muốn được sống, đôi khi còn lớn hơn. Như Murakami nói, bản thân cái chết không làm tôi sợ lắm. Như lời Shakespeare: Ai chết năm nay thì năm sau khỏi phải chết. Tôi không có quá nhiều thứ đặc biệt phải luyến tiếc ở cuộc đời này, thế thì có gì đáng sợ đâu? Người ta ai cũng phải chết kia mà, nhất là khi tôi có thể sẽ chết khi đã trở thành cái bóng của cái bóng của mình, như thế thì lại tuyệt đối không có gì đáng tiếc.
Cái bóng đặt tay lên tôi, tôi biết là nó muốn an ủi cho những vết thương tôi đã mang trong lòng. Nhìn rất sâu vào đôi mắt đang trở nên đen kịt của tôi, ánh mắt của nó soi chiếu đến tận cùng sâu thẳm tâm hồn còn sót lại chưa bị đóng băng đen kịt. Tôi thấy đôi mắt của nó toả ra một đám lân tinh nhỏ rực rỡ như những ngọn lửa, dịu dàng phủ xuống quanh tôi như những thiên sứ phúc lành.
Ánh trăng yếu dần rồi tắt hẳn. Bóng của tôi thoi thóp dần rồi biến mất trong hàng vạn điểm lân tinh rơi rớt. Màu đen kịt trên cơ thể tôi biến mất, trả lại hình dạng nguyên thuỷ con người cho tôi.
Whiskey bắt đầu phát huy tác dụng. Tôi biết là mình không thể cưỡng lại được nữa. Cơn buồn ngủ xâm chiếm dữ dội như cuộc xâm lăng của người ngoài hành tinh khác. Tôi bị kéo tuột vào giấc ngủ như rơi xuống vực thẳm. Tiếng kêu của con Tuti là âm thanh cuối cùng tôi kịp nghe thấy.
Ở ngoài kia ngập tràn cái âm thanh ấy, âm thanh của im lặng.
Sáng hôm sau thức dậy, tôi biết mình đã trở thành một người khác. Bóng cũng là người mà người cũng là bóng. Cái bóng đã không còn tách rời tôi nữa.
Ngôi nhà này cần có linh hồn.
Tôi đi tìm linh hồn cho nhà mình.
Biết không em…
February 1, 2017