cần deep talk

CHỮA LÀNH

Cần hít thở không khí nên tôi ra khỏi khách sạn đi bộ một chút. Khu vực này vốn nhiều căn hộ và nhà hàng nên không hẳn là vắng lắm, tôi lánh vào một con ngõ dài và tối để có thể hưởng chút một mình. Khánh Ly đang hát Ta thấy gì đêm nay, tôi nghe Trịnh từ chiếc điện thoại mang theo.

Chỉ có khi đi công tác tôi mới có thời gian hiếm hoi để đi bộ một mình và nghe nhạc buổi tối. Dạo này Trịnh Công Sơn bỗng rộ lên từ cái bộ phim kể về ông. Tôi không xem phim Việt nên không biết bộ phim ra sao, nhưng những xôn xao xung quanh thật là phiền phức. Trịnh là một nghệ sĩ và chỉ là một nghệ sĩ mà thôi. Sự cô đơn của ông khắc khoải đến nỗi chỉ có thể gửi gắm vào âm nhạc để nói lên cõi lòng mình. Rồi cái âm nhạc ấy chạm thẳng đến ta, ở tầng sâu kín nhất, xoa dịu cho ta nỗi buồn và bơ vơ trong cuộc đời này. Hãy cứ nghe âm nhạc của Trịnh và lắng nghe cõi lòng mình bộc bạch, bận tâm những chuyện xung quanh chẳng phải quá mất sức hay sao?

Nhìn những mùa thu đi
Em nghe sầu lên trong nắng

Trong một ngày lòng mình bình thản, nghe Khánh Ly hát câu này cảm thấy thật trác tuyệt. Chúng ta nên giữ một thái độ như vậy với cuộc đời, cứ bình thản nhìn nó trôi đi thôi…

Chữa lành – cụm này đang là xu hướng của thời đại. Dường như ai cũng có vấn đề tâm lý, dường như ai cũng đang hộc tốc để được chữa lành. Tại sao lại vậy? Tại sao những người trưởng thành hiện nay dường như lại cần chữa lành nhiều đến thế?

Tôi nghĩ rằng vì chúng ta đã sống hàng ngày mà thiếu đi những cuộc nói chuyện sâu (deep talk).

Deep talk là những cuộc nói chuyện khiến ta có thể bộc bạch toàn bộ, hoặc gần như toàn bộ, nỗi lòng mình. Không che dấu, không mặt nạ, mang tính chất giải phóng tuyệt đối. Đó là nhu cầu chia sẻ cơ bản của con người. Nhưng lâu nay đã không còn nữa.

Làm sao có thể deep talk khi phần lớn giao tiếp trong ngày của chúng ta là dành cho những cuộc họp, những phân tích, những cơm áo gạo tiền?

Làm sao có thể deep talk với những con người ta gặp và phần lớn là chán ghét, hoặc ít trầm trọng hơn, không hẳn là thân thiết lắm, và cơ bản là không hiểu gì về nhau.

Làm sao có thể nói với họ về giấc mơ của ta, về nỗi buồn của ta.

Làm sao có thể deep talk được nữa sau khi chiến đấu với cuộc đời ngoài kia, vốn dĩ đã mệt nhoài khi về nhà, ta chỉ có thể ngủ để chuẩn bị sáng mai tiếp tục cho một cuộc chiến đấu nữa.

Deep talk hầu hết là hoạt động đầu tiên của chữa lành. Các chuyên gia sẽ tìm cách kết nối với đối phương bằng trò chuyện, giao tiếp, gợi mở, và đẩy câu chuyện đi vào sâu sắc để đối phương bộc lộ được ra. Cũng tức là khai thác cái nhu cầu được nói, được mở lòng, được tuôn trào bản thân vốn đã giữ kín bấy lâu nay.

Khai thác một nhu cầu cơ bản, nhưng con người đã vô tình bị tước đi trong xã hội này.

Deep talk giống như sức khoẻ – lúc trẻ chúng ta bán sức khoẻ để lấy tiền, về già lại dùng tiền cầu mua lại được sức khoẻ.

Chúng ta từng deep talk rất nhiều, rất lâu, với rất hữu hạn người trong phần lớn thời gian mỗi ngày ta sống.

Rồi chúng ta rời bỏ các cuộc deep talk ấy để vùi mình vào các cuộc nói chuyện thực dụng với những người chúng ta không yêu quý lắm, phần lớn thời gian trong ngày/tuần/tháng/năm. Rồi khi nhu cầu deep talk ập đến, ta cuống cuồng tìm lại thì không thấy những người thân kia ở sẵn đây nữa. Chúng ta trầm cảm dần. Chúng ta tìm đến các chuyên gia chữa lành, để chữa các vấn đề đáng ra rất dễ giải quyết.

Một cuộc nói chuyện sâu sắc thực sự luôn thức tỉnh chúng ta, mang lại cho ta năng lượng để sống tiếp với cuộc đời thật đẹp này.

Vợ chồng thì nên deep talk thường xuyên với nhau. Bạn bè cũng vậy.

Đừng để đến khi phải tìm các chuyên gia chữa lành làm việc đó thay cho người mà ta yêu mến.

July 1, 2022

Leave a Reply