Cái hang
“Tôi viết để biết mình nghĩ gì” – Frédéric Beigbeder
Quán cà phê giống như một cái hang.
Hàng quán của Hà Nội dần trở nên giống nhau, không phân biệt đó là quán trà đá vỉa hè, trà chanh, cà phê hay nhà hàng, không gian kín hay mở; tất tần tật khách khứa đến rất đông và nói rất to, hét vào mặt nhau, phì phèo thuốc lá, mặc kệ cho bên cạnh là trẻ em hay phụ nữ mang bầu. Thêm một điểm chung của hàng quán Hà Nội đó là âm nhạc đã trở thành tiếng ồn, như Orhan Pamuk nói, khi âm nhạc trở thành những tiếng ồn, đó chính là sự bất hạnh. Rất khó tìm được một quán cà phê Hà Nội không bật nhạc ngớ ngẩn, không đông khách, và không thừa mứa tiếng ồn. Đôi khi tôi thấy tội nghiệp cho một chuỗi nhà hàng franchise của Tây, toạ lạc ngay trung tâm Hà Nội đắt đỏ, mọi thứ đều rất fancy cho đến khi âm nhạc thị trường thoả sức rắt réo, được thản nhiên bật lên bởi một tay nhân viên nào đó không đếm xỉa gì đến tính cách thương hiệu.
Nhưng bước vào quán cà phê này thì khác, giống như bước vào hang, con người cần phải cúi đầu. Tốt nhất là hạ mình xuống cho thật thấp. Thứ nhất, quán chỉ bán cà phê; tức là, không phải quán cà phê bán, giả dụ, trà sữa, hay những đồ uống rất khó gọi tên vì thành phần hỗn hợp của những chất hoá học trong nó; quán chỉ bán cà phê, cũng tức là, tự hạn chế được một thành phần khách đến quán cà phê chỉ để uống tất cả những gì không phải cà phê, và quán chỉ bán cà phê đúng là cà phê, coi như tiếp tục lọc đi những thành phần không chịu được vị đắng chát của cà phê mà chỉ ưa bột đậu rang hoặc thứ gì đó có màu nâu tương tự. Thứ hai, quán chỉ bật một gu nhạc duy nhất, không phải thị hiếu phổ thông. Và thứ ba, đến quán không được nói to và tụ tập đông người. Quán cà phê rất tối, không có wifi hay toilet, và rất chật chội, nếu hơi đông một chút là mỗi người sẽ nép sát vào nhau.
Tức là mọi thứ ở quán cà phê, hay cái hang, này là một nỗ lực kiệt cùng để chống lại chính mình đừng trở thành một quán cà phê đặc trưng Hà Nội – nơi người ta có thói quen đến đó để rủa xả những căm tức xã hội hay bộc lộ toàn bộ phần che dấu của con người mình. Không đâu người Hà Nội bộc lộ rõ bản chất hơn ở quán cà phê. Nhưng cái hang quy định rất rõ, nói hơi to một chút, âm lượng vượt qua thính giác của người bên cạnh đều là những sự suy đồi lớn, và bạn sẽ bị mời ra ngoài. Tôi từng chứng kiến sự hậm hực của hai người phụ nữ không xinh đẹp lắm nhưng luôn tỏ ra là mình xinh đẹp vốn quen với việc chia sẻ chuyện trong nhà của họ một cách thoải mái ở chỗ công cộng bị mời ra ngoài; trong khoảnh khắc đó cơn sốc của họ, sự tức tối của họ, cơn bùng nổ kinh khủng của họ vì không chấp nhận nổi sự hấp dẫn mà họ tưởng là họ có, sự hấp dẫn vốn đã quen được chiều chuộng và mang đến cho họ những đặc cách, trong trường hợp này hoàn toàn bị khước từ bởi sự thản nhiên của người nam phục vụ trong cái hang, chỉ vì họ nói hơi to. Cách tốt nhất để làm điêu đứng một phụ nữ ư? Cứ mặc kệ họ. Phụ nữ không chịu đựng nổi việc không được chú ý tới.
Phụ nữ hấp dẫn thì rất nguy hiểm. Nhưng phụ nữ tưởng là mình hấp dẫn thì thật thảm hại. Tôi từng ngồi ở một quán cà phê khác, trên vỉa hè Hà Nội sát rạt Hồ Gươm, cũng là một quán cà phê chật chội, vì khá chật chội nên tôi phải chọn một cái ghế mà sát bên cạnh đã có người ngồi; trước khi ngồi xuống, vì lịch sự tôi hỏi cô gái bên cạnh liệu tôi có thể ngồi đó được không, cô gái đó nhìn tôi, theo cách nhìn mà tôi hiểu là cô gái cho rằng câu hỏi đó chỉ là một cách để tôi bắt chuyện và làm quen (rất dễ nhận ra những cô gái đi đến quán cà phê để chờ đợi đàn ông làm quen), như đã quen với việc đàn ông đến làm quen với mình, gửi trả cho tôi một cử chỉ kiêu kỳ. Tôi nhún vai, ngồi xuống bên cạnh, cắm tai nghe vào nghe Bob Dylan và đọc sách. Đó là một cuốn sách rất cảm động của nhà văn người Hungary, viết về tình yêu trong chiến tranh, mà tôi nôn nóng muốn đọc cho xong. Đối với tôi, khi ngồi cà phê một mình và cắm tai nghe nhạc đọc sách là cách để hoàn toàn quên lãng xung quanh, tạo một màng lọc với thế giới bên ngoài, một khoảng cách để thế giới đừng động đến tôi nữa, một tuyên ngôn về lãnh thổ bất khả xâm phạm mà không ai được hoan nghênh vượt qua. Cô gái ấy có vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi ngồi xuống bên cạnh, cắm tai nghe đọc sách. Chừng một lúc, dường như không chịu đựng nổi việc tôi cứ ngồi đó đọc sách và không làm gì (làm quen chẳng hạn, như bất kỳ gã đàn ông nào khác), cô gái đó bắt đầu tìm đủ mọi cách vô tình nhất để gây chú ý của tôi. Một vài cái đụng chạm nhẹ giả vờ, thỉnh thoảng quay sang nhìn tôi đủ lâu để tôi biết, nhìn cuốn sách tôi đọc, lấy điện thoại ra selfie với cô bạn bên cạnh và tỏ ra đáng yêu. Tôi nhã nhặn dịch sang một chút dù gần như không còn khoảng cách bên phải nữa. Tiếp tục đọc sách, theo đuổi cuộc gặp gỡ của hai bệnh nhân người Hung nói tiếng Thuỵ Điển trong hai trại tị nạn làm quen và nâng đỡ nhau qua những lá thư. Đó là cuốn sách dạy cho ta về sự khờ dại của con người, nhưng cũng chính sự khờ dại với thực tế khốc liệt của bệnh tật và chiến tranh lại có thể cứu sống con người, chứ không phải sự tỉnh táo. Cô gái bên cạnh tiếp tục quay qua nhìn tôi, thường xuyên hơn lúc trước, sự sốt ruột của cô cũng cân bằng với sự nôn nóng đi đến cuối câu chuyện của tôi. Bob Dylan đang hát một bài hát về chủ nghĩa hiện sinh, nỗi buồn chán của thân phận con người, nhưng lại là bài hát tràn đầy hy vọng. Cô gái ấy thì thầm gì đó với cô bạn, quay sang nhìn tôi, rồi quay sang nhìn cô bạn, và cứ tiếp tục nhìn tôi mãi và chờ đợi. Cà phê ở quán có một mùi ấm áp và mạnh mẽ, mùa đông Hà Nội đang di chúc nốt những gì còn lại của nó trong những làn gió thoảng kiệt sức, heo may vật vờ không chống đỡ nổi cơn nóng đầu mùa khốc liệt; tôi ở đây nhưng cũng không thực sự ở đâu cả. Cô gái ấy đụng chạm một lần nữa, vờ như vô tình, tôi không phản ứng gì, nhưng cô ấy quay sang nhìn tôi chằm chằm, đủ lâu. Người khách bên cạnh đứng dậy đi về, tôi quyết định chuyển qua bên đó, tạo một khoảng cách, một thái độ, quá đủ cho mọi sự xâm phạm không gian riêng tư của việc đọc, tôi mang cốc cà phê của mình đi theo, cảm nhận sau lưng một sự tức tối lạnh lẽo. Nhưng cũng có sao đâu, tôi còn một phần ba cuốn sách đọc dở.
Tôi thích đến cái hang, chìm vào một góc trong đó, đọc sách và uống cà phê. Con người thì thầm xung quanh, thì thầm đúng nghĩa, nếu như họ không đến cái hang một mình. Cái hang có một không khí căng thẳng nhất định. Nhưng tôi thích cái tối tăm căng thẳng ở đó. Một quán cà phê áp đặt một chút căng thẳng lên khách hàng là một quán cà phê thành công, chứ không phải ngược lại, để mặc khách hàng huỷ hoại và biến nó thành một cái chợ vỡ hung hiểm.
Cái hang phục vụ thứ cà phê rang mộc, mà theo họ tự nhận một cách khiêm tốn, là trung bình yếu về mặt chất lượng, tuy vậy trong suốt các năm lê la cà phê Hà Nội, tôi chưa thấy ở đâu cà phê ngon như ở đây. Cà phê tôi thích uống nhất là ở Đà Lạt, thứ đồ uống được ướp thêm một chút sương mù vùng cao, thưởng thức trong cái nắng gió và không khí tan loãng của thành phố buồn dễ làm người ta xao nhãng và trở về đời sống hưởng thụ đúng nghĩa. Uống cà phê ở Đà Lạt là một sự thưởng thức cuộc đời buồn bã trôi đi. Cà phê của Cái hang cũng có xuất xứ Đà Lạt, đưa từ vùng núi cao về, thưởng thức trong một căn góc bị bỏ quên chật chội trong cái thành phố không còn mấy bản sắc từng có, dĩ nhiên mất đi sự bồng bềnh, nhưng phần nào dễ chịu hơn tất cả các quán cà phê dễ dãi khác. Cái hang không có wifi hay toilet, lại vô cùng tối và chật chội, tức là về mặt tiện nghi hoàn toàn không thiết kế cho việc ngồi lâu dài hay đi đám đông cùng bạn bè. Đối tượng đến với Cái hang phù hợp nhất là những người tìm đến một chút ẩn mình thoáng chốc, lặng lẽ bên một cốc cà phê được pha dày công, cẩn thận. Người pha cà phê vô cùng chậm rãi, nhẩn nha, tĩnh lặng tập trung vào việc của mình, như cách họ tự nhận có phần hơi trầm trọng, phần nào giống một tử tù lặng lẽ cải tà, còn với thiện cảm của tôi thì thấy giống các nghệ nhân khó tính với bản thân mình, kiên quyết không để sơ sảy trong việc rèn luyện kỹ nghệ hơn. Cốc cà phê nóng ấm, được pha điềm tĩnh, mỗi khi đặt xuống bàn của khách, chủ quán cẩn thận căn dặn cách uống sao cho thật vừa, như thể truyền cái nhiệt tình của mình cùng chút u uất lắng đọng trong hồn cốt của cốc cà phê đến người thưởng thức. Cái u uẩn nhẹ nhàng cùng mùi cà phê trong không gian tối tăm chật chội hoá ra lại phần nào dễ chịu.
Cái hang không khuyến khích chụp ảnh hoặc giới thiệu rộng rãi, vậy nên tôi không nêu tên ra làm gì. Phổ biến địa điểm này thực ra sẽ huỷ hoại họ. Những người thích uống cà phê ở Hà Nội có lẽ cũng sẽ tự tìm ra quán cà phê chất lượng này thôi.
March 16, 2020