Xử sở kỳ diệu vô tình và nơi tận cùng thế giới
Trầy trật với kết quả kinh doanh tháng rồi không phải tệ lắm (chán thật, khi phải bắt đầu việc viết bằng một thứ liên quan đến công việc như vậy, nhưng thực chất nó là thế, tôi không thể chối bỏ được, chỉ làm xong những việc đó thì tôi mới làm được các việc khác. Việc khác là gì?), kết thúc cuộc họp, nhẹ nhõm rời khỏi văn phòng, tôi nhanh chóng chạy lên trung tâm ăn trưa. Quán tôi chọn là Pepper Lunch, một chuỗi fast-steak của Nhật với món cơm jumbo bò rang xèo xèo trên bếp, ăn ngay khi chế biến. Ăn xong, ném mình vào Starbucks, tôi nhận ra là đã hai ngày rồi mình chưa nạp caffein vào người. Quán chật ních, cũng dễ hiểu thôi cho một ngày thứ bảy. Tôi chấp nhận ngồi ngay quầy bar, chứng kiến các cô phục vụ béo tốt xinh đẹp luôn tay luôn chân, chấp nhận luôn hầu hết ánh mắt của khách khứa chọc vào mình vì chỗ tôi ngồi là nơi ra đồ, ai cũng phải đứng đây đợi. Phần lớn thời gian tôi mặc kệ tất cả, dẫu sao thì tôi cũng chẳng quen ai. Tôi lấy sách ra đọc. Frank Kafka. Thực ra tôi muốn thử đọc Balzac hơn, nhưng lại không có cuốn nào.
Ngày đầu tiên của tháng tư. Bangkok bước vào mùa hè nóng nực của mình với tất cả sự thiêu đốt và dấp dính trên lưng áo. Cái xứ này thì quanh năm nắng nóng, nhưng có những thời điểm cái nắng nóng đỡ bực bội hơn mà phả vào gáy người dân những cơn gió thực sự dễ chịu. Ngồi cafe ở quán gần văn phòng, là sân sau của một toà nhà thương mại với đầy đủ cây xanh và bóng mát xung quanh, với những tiểu cảnh sân vườn dễ chịu, giữa tháng ba chuyển mùa, rất nhiều khi tôi thấy thế giới đã nhượng bộ mình. Nhưng cũng có những cuối tuần như cuối tuần này, cái nắng nóng dấp dính báo hiệu cho ta biết mùa hè sắp tới sẽ thực sự ác liệt.
Dân chúng hối hả đi rồi đến ở xung quanh, quán vẫn không ngừng chiến đấu với sự đầy lên rồi vắng đi của con người. Tôi bật Linkin Park nghe, nhanh chóng tạo một màng lọc với thế giới xung quanh bằng âm nhạc, để chìm vào vũng lầy của mình. Hầu hết thời gian, tôi không đếm xỉa gì đến thế giới này nữa khi cắm tai nghe vào tai, lang thang vô định. Thế giới đã quên mất tôi, hoặc nói đúng hơn, tôi quên đi thế giới, như vẫn thường làm vào cuối tuần. Chẳng có gì đáng để nhớ đến. Không gì nhẹ nhõm hơn việc hoàn thành nghĩa vụ với những đương đầu của cuộc sống, rồi nhanh chóng được quên đi, để tạm lánh vào thế giới của mình. Tôi thèm khát được quên lãng đến phát điên, nhưng thảng hoặc đôi khi vẫn có những việc xảy ra, rồi khiến mọi thứ nát bét. Tôi đâu có nhiều đòi hỏi gì trong cuộc đời này ngoài việc được yên thân một lúc. Cuộc chiến để có những cuối tuần yên thân có lẽ là cuộc chiến cốt yếu, cốt tử.
Mike đang hát Somewhere I belong. “When this began, I had nothing to say…”. Một ngày quá đỗi bình thường. Giống như bất kể một ngày hoàn toàn bình thường nào khác.
Chính lúc đó, tôi bỗng tự hỏi nếu đây là ngày cuối cùng mình phải sống thì sẽ ra sao. Nếu ngày mai mình chết đi, vân vân và vân vân. Khi lặn lội vào câu hỏi mệt mỏi này, nhiều người hẳn sẽ lên những bức tranh kế hoạch hoành tráng cho ngày cuối cùng trên đời, rơi vào khu rừng của các thể loại câu điều kiện loại 2 và loại 3 “nếu…thì…” đầy cạm bẫy. Như một nhân vật của Murakami từng nói, người nào chỉ còn sống được 24 giờ nữa sẽ có vô số việc phải làm, họ sẽ tức tốc tranh thủ nốt quãng đời ngắn ngủi còn lại với những ham muốn mãnh liệt được làm cái này, cái kia. Có thật thế không? Sau khi suy nghĩ rất lung, tôi rút ra kết luận là, bất kể thế nào thì ngày cuối cùng của cuộc đời, tôi cũng sẽ chỉ làm những việc như vẫn thường, nếu quả có ngày đó thật.
Đó chính xác là số phận của nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết tuyệt đẹp của Murakami, Xứ sở kỳ diệu vô tình và nơi tận cùng thế giới. Bỗng nhiên một ngày, sau khi nhân vật chính dính vào hết những điều phi lý kinh ngạc xảy đến với mình, có người nói với gã là thôi nhé, hôm nay là ngày cuối ngươi được sống. Cuộc sống của ngươi sẽ kết thúc ở thế giới này, để mở ra ở một thế-giới-khác. Tận hưởng nốt ngày hôm nay đi nhé.
Hầu hết các nhân vật của Murakami đều bị kéo thốc vào một cuộc hành trình bất ngờ dụ hoặc mà không kịp mang theo gì. Đang sống thông thường, bỗng có một sự kiện xảy ra, ai đó xuất hiện, nói (đúng hơn là yêu cầu) họ phải tức tốc lên đường. Họ có rất ít thời gian để suy nghĩ và chuẩn bị. Gần như không có lựa chọn. Cứ thế dấn thân, chẳng mang theo gì cả theo đúng nghĩa đen. Hầu hết trong mọi trường hợp, các nhân vật nhanh chóng tẩu tán tài sản, nhà cửa, gần như chẳng tạm biệt ai, đôi khi thậm chí còn chẳng làm gì, nhanh chóng bỏ lại toàn bộ sự nghiệp dường như cũng chẳng quan trọng lắm. Có vẻ như họ đều là những người sẵn sàng buông bỏ cuộc sống, chỉ chờ một cuộc gọi là cuốn chiếu khỏi gánh nặng cuộc đời. Những con người chỉ chờ để trôi dạt.
Dễ dàng buông bỏ cũng thể hiện việc khoảng cách giữa con người thực sự rất xa. Trong 1Q84, nếu tôi nhớ không nhầm, Tengo chỉ mang theo cuốn sách và một cây bút khi lên đường tìm lại Aoname, cô bạn gái từ thời đi học của mình, bỏ lại toàn bộ sự nghiệp văn chương đầy hứa hẹn, buông bỏ luôn những kế hoạch cuộc đời. Nhân vật chính của Cuộc săn cừu hoang, vốn đã ly dị vợ sau bốn năm chung sống, cũng nhanh chóng không nối tiếc gì, bỏ lại căn nhà, công ty đang điều hành và những lặt vặt cuộc sống bên cạnh, rồi cuốn vào cuộc hành trình đi vào tầng sâu hơn của chính mình. Nhưng không có cuộc buông bỏ nào khốc liệt như nhân vật chính trong Xứ sở kỳ diệu vô tình – gã bị bắt buộc lôi vào cuộc chạy trốn chính cuộc đời của mình. Điểm cuối của cuộc hành trình ở phía bên này, rất rõ ràng, khốc liệt, là cái chết. Bên kia cái chết là một thế giới mới, hứa hẹn sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng dẫu thế nào có người đến bảo ta phải chết đi thì cũng là một sự kiện kinh khủng.
Hãy sống như ngày mai bạn không còn sống nữa. Tôi kinh sợ nhất là những khẩu hiệu như vậy, nghe thì rất có lý, tạo động lực các thứ, nhưng nếu con người thực sự nhận thức được rằng cái chết có thể đến bất cứ lúc nào thì thế giới đáng lẽ sẽ tốt đẹp hơn biết bao. Sở trường của con người là trì hoãn, trì hoãn mọi thứ, kể cả việc sống cho ra sống, cho đến khi không thể sống nữa, vì cứ nghĩ rằng có thể trì hoãn tiếp. Từ đó mà nuối tiếc cứ nối tiếp nuối tiếc mãi. Con người vẫn cứ “nếu… thì…” một cách thảm hại. Nên những nhân vật của Murakami, đại diện cho lớp người bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng buông bỏ, chẳng hề tiếc nuối, tự bản thân cũng trở thành một lý tưởng sống đặc biệt. Nhìn lại cuộc đời mình, không có quá nhiều thứ thực sự xứng đáng níu kéo mình nữa, không hẳn là chúng quá tệ hại, chẳng có gì tệ hại cả, ngược lại thì đúng hơn, mọi thứ quá yên ổn tốt đẹp; nhưng dường như từ lâu tôi đã tự chuẩn bị cho mình với tất cả sự buông bỏ khi cần, ai biết được cuộc hành trình tiếp theo sẽ kéo thốc mình vào cái gì?
Nửa sau của cuốn tiểu thuyết hoàn toàn là thước phim chiếu chậm của hai mươi tư giờ cuối cùng của gã nhân vật chính. Thoát khỏi đường hầm với những hang hốc và cạm bẫy trong bóng tối của lũ ma đen, gã cùng cô gái mập mạp mười bảy tuổi trở về thế giới trên mặt đất của Tokyo, quay về căn hộ của mình và ngẫm nghĩ xem gã muốn làm gì trong ngày cuối cùng của cuộc đời.
Hôm đó là một ngày mưa tháng mười buồn bã. Những ngày mưa cuốn ta vào dòng chảy ướt đẫm của nó, nhấn chìm trong những suy nghĩ và ký ức lầy lội của những cuộc tình phóng đãng đượm mùi tuổi trẻ. Chẳng có gì hợp lý hơn để làm trong những ngày mưa là nhớ đến người yêu cũ, hoặc cảm thấy may mắn vì đã thoát khỏi được một cuộc tình như thế, hoặc cảm thấy nghi hoặc liệu mình đã thực sự thoát khỏi cuộc tình đó chưa, và thở dài nhẹ nhõm khi thấy khoảng cách đã xa hơn vùng an toàn. Mưa vào ngày cuối cùng của cuộc đời thì lại càng tệ, nó đẩy ta xa dần hơn khỏi thế giới này. Trong lúc ngồi đó chờ mưa và nghĩ xem mình muốn làm gì trong hai mươi tư tiếng còn lại, gã quyết định rằng mình muốn gặp nàng, cô thủ thư xinh đẹp, cho một bữa ăn tối. Nàng nhận lời.
Không có gì quá đặc biệt để làm trong ngày cuối của cuộc đời, dù biết rằng thời gian vàng ngọc được sống sắp hết; thế nhưng gã vẫn phung phí vài chục phút đồng hồ trong tiệm giặt đồ. Sau đó là các hoạt động không thể bình thường hơn: Mua thuốc hút, vào quán bia uống vài chai, ra hàng đĩa nhạc mua vài băng cassette bật nghe trên oto, đi mua quần áo mới để mặc trong buổi hẹn. Gã đón nàng ở trước thư viện, đưa đến một nhà hàng Ý, ăn hết những món ngon nhất rồi về nhà nàng, khởi đầu cho một sự bùng nổ của cuộc tình bằng ba lần làm tình liên tiếp, rồi lặng lẽ ôm nhau nghe Bing Crosby. Đó là nửa đêm. Trước khi tất cả thiếp đi vào giấc ngủ.
Ngày hôm sau, tỉnh dậy trong ảo ảnh của những mộng mị buổi sáng, khác với những tiểu thuyết khác, nàng vẫn ở đấy chứ không biến mất, đặt gã nhân vật chính vào một thực tại dịu dàng của ngày cuối cuộc đời mình không lẻ loi đến thế. Họ cùng nhau ra công viên, nằm dài ở đó nghe nhạc, ngắm mây trôi lững thững. Mọi thứ xung quanh gã đều là ảo ảnh, đều là ký ức. Rồi họ chia tay, gã ôm nàng, ghi nhớ rất kỹ hơi ấm từ cái ôm dài đó.
Gã lái xe đi đến những vùng trời khác, những nơi chốn khác. Âm nhạc lặng lẽ trải dài. Những miền ký ức xa xôi chấp chới chạm vào những góc khuất mơ hồ nào đó. Gã nhớ đến những mất mát của mình, như những cơn sóng nằm dưới đại dương, chỉ chực trào lên bất chợt.
Rồi giấc ngủ tìm đến. Mưa vẫn rơi không ngừng.
May 27, 2017