Cõi tôi

“tôi ngồi trong cõi tôi, riêng
bên trong ghế lạnh, ngoài hiên bóng, rời
phòng tôi trần thiết gương người
tường sơn kỷ niệm, vách bồi dáng xưa
tóc người chảy suốt cơn mưa
ngực thơm hoa bưởi, môi đưa bão, về…”

***
*

Thật kỳ lạ, khoảng thời gian này tôi thèm muốn được viết. Một cách vô định, tôi không biết đích xác mình muốn viết điều gì, chỉ là thèm muốn được trút hết ra những dòng chảy suy nghĩ đang ứa tràn. Có lẽ tôi đang đợi cái khoảnh khắc trời định tương tự đã biến Murakami trở thành nhà văn để phát tiết những cảm xúc, suy nghĩ của mình chăng? Không biết nữa, nhưng khối lượng câu chữ tôi viết ra trong vài tháng gần đây có lẽ nhiều hơn cả vài năm gộp lại. Chừng đó là đã đủ chưa? Probably not.

Trong Rừng Nauy, Murakami đã viết về Gatsby vĩ đại với một ấn tượng đặc biệt. “Không có một trang buồn tẻ nào trong cuốn sách ấy”.

Tuổi mườì tám, cuốn sách yêu thích nhất của tôi là cuốn Nhân mã của John Updike, nhưng sau khi đã đọc nó một số lần, nó bắt đầu mất dần ánh hào quang ban đầu và phải nhường ngôi trên ấy cho cuốn Gatsby vĩ đại. Gatsby ở ngôi ấy một thời dài sau đó. Tôi thường rút nó ra khỏi giá sách mỗi lúc hứng chí và đọc một đoạn bất kì. Chưa bao giờ nó làm tôi thất vọng. Không có một trang buồn tẻ nào trong cuốn sách ấy.

Thời gian này, tổng kết lại, tôi nhận ra bản thân mình cũng có những cuốn sách muốn để vào ngăn riêng như vậy. Những cuốn sách mà mỗi khi đọc lại, không có một trang nào chúng làm tôi mệt mỏi. Ôi những cuốn sách, đôi khi chúng vang vọng một cách tự nhiên, nhưng lại đánh vào tâm thức ta như những hồi chuông cảnh tỉnh, cứu vớt và giác ngộ cho ta trên chặng đường tìm về với mình.

Tôi để chúng vào ngăn riêng. Hay một cách trang trọng hơn, đặt chúng vào ngôi đền tâm thức của mình. Để mỗi khi cơ hồ mệt mỏi, lại lần giở vài trang sách quen, như một nghi lễ hoài niệm.

Nghi lễ.

Các nhân vật của Murakami có một điểm chung đó là họ luôn có một “nghi lễ” cho riêng mình. Nghi lễ của Tengo là viết. Nghi lễ của Shimamoto là lau đĩa than nhạc Jazz. Trong 1Q84, nghi lễ của Aoname là stretching – một liệu pháp giải phóng bản thân.

Nghi lễ của tôi, là nghiêm cẩn đứng trước ngôi đền của mình, lặng lẽ đọc đi đọc lại những dòng tư tưởng mà tôi đồng cảm tuyệt đối, bằng một tình cảm nâng niu, trân trọng. Đó phải chăng là con đường tìm đến sự thanh thản của tôi chăng?

Ngôi đền đó, chính là cõi tôi.

Trong ngôi đền của tôi, hiện tại có 2 tác giả và 3 cuốn sách.

Phía nam biên giới phía tây Mặt trời – Haruki Murakami

Tôi coi quyển tiểu thuyết này là một thứ “kinh thánh” dành riêng cho đàn ông. Ở độ tuổi 17 đọc Phía nam biên giới sẽ có một cảm nhận khác, ở độ tuổi 27, rồi 37 đọc Phía nam biên giới sẽ lại có một cảm nhận khác, và cái cảm nhận đó sẽ trùng khớp với cuộc đời của một người đàn ông như Hajime. Tôi đã chiêm nghiệm được điều này.

Phía nam Biên giới, phía tây Mặt trơi - Murakami

Phía nam Biên giới, phía tây Mặt trơi – Murakami

Tôi nói gì khi tôi nói về chạy bộ – Haruki Murakami 

Riêng quyển này, tôi đã viết về nó nhiều lần, ở đây đây đây đâyđây. Chưa có quyển nào tác động đến hệ tư tưởng của tôi nhiều như quyển này, và tôi cũng đang nỗ lực sống một cuộc đời hàng ngày giống như Murakami vẫn sống – cuộc đời của tập luyện bền bỉ và cân bằng.

Tôi nói gì khi tôi nói về chạy bộ - Murakami

Tôi nói gì khi tôi nói về chạy bộ – Murakami

Đà Lạt một thời hương xa – Nguyễn Vĩnh Nguyên

Tôi đã viết về quyển sách này ở đây. Đây sẽ là quyển sách đưa tôi đến con đường nghiên cứu nghiêm túc về văn chương nghệ thuật Việt Nam giai đoạn cải cách, để từ đó tìm về nguồn cội của mình.

Đà Lạt, một thời hương xa - Nguyễn Vĩnh Nguyên

Đà Lạt, một thời hương xa – Nguyễn Vĩnh Nguyên

Ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, hay khi già dần đi, lại có một cuốn sách, hay một hệ tư tưởng, tác động đến bản thân ta, giúp ta đạt đến trạng thái giác ngộ cao độ. Các cuốn sách này tuy khác nhau về hình thái, tác giả, thời đại, nội dung… thì có điểm chung đó là bằng cách này hay cách khác đều dẫn lối để tôi trở về gần hơn với bản chất của mình.

Chẳng phải hành trình trở về bản thân, là hành trình quan trọng nhất của con người đó sao?

111016

(*): đề tựa là bài Chân dung, thơ Du Tử Lê

October 11, 2016

Leave a Reply