QUÁ DỄ ĐỂ STARTUP
Ai theo dõi một chút chắc biết đến ý tưởng thành lập X-Incubator của @Xoài.
Tôi với Xoài hầu như không quen biết nhau (add facebook từ lâu nhưng không nói chuyện). Cũng chẳng làm gì liên quan đến nhau. Đến mãi gần đây tự nhiên vì lí do linh tinh mới nảy ra ý định gặp cafe phát để chém gió về crowdfunding. Chém xong cũng chỉ biết thế thôi.
Nhưng hôm trước đọc ý tưởng về X-Incubator thì lập tức thấy thích ngay. Tôi là người đầu tiên tình nguyện làm sponsor. Chẳng suy nghĩ mấy xem tính khả thi của ý tưởng lẫn cộng đồng đón nhận thế nào. Đơn giản là như kiểu “bắt được sóng” của nhau nên làm cùng thế thôi. Chẳng phải chat, text, phone hay gặp mặt để confirm. Làm là làm.
Mỗi đứa dùng một chút ảnh hưởng nhỏ bé của cá nhân, cũng tác động và vận động được một số anh em ICT/Startup tham gia làm sponsor cùng. Kết quả là đến giờ mỗi startup mạnh dạn apply vào X-Incubator sẽ có một danh sách những người đi trước vài năm làm về nhiều lĩnh vực sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Nếu lượng hóa thì mỗi startup nhận được thế này:
– 10.000 người dùng đầu tiên
– 5.000 Click CPC (Mr. Rùa Một Nắng)
– 5.000 SMS quảng cáo/ chăm sóc khách hàng (Mr. Gà con)
Đó là tối thiểu.
Với công sức của dân đen thì mới huy động được như vậy. Hôm nay bác @Ká Tạ đánh tiếng là đại gia cũng muốn nhảy vào. Thế là hẹn gặp tôi với Xoài để bàn. Theo lời bác Ká Tạ thì vài ông lớn Internet ở Việt Nam cũng đã hứa (miệng) đầu tư phát triển startup – từ đầu tư tài chính đến hỗ trợ khâu phân phối sản phẩm, truyền thông. Miễn là X-Incubator ươm trồng trước để startup làm ra được sản phẩm. Chuyện sau đó thì là giữa nhà đầu tư với startup với nhau. Tự thỏa thuận.
Nghe anh Ká Tạ thông báo, hai thằng há hốc. Tôi nói vui với Xoài là mẹ, lo cho vừa vừa thôi để startup còn tự lực một tí hehe. Thật như vậy, với những điều kiện như thế tôi thấy làm startup bây giờ dễ vãi cả đái.
Thời gian khổ
Nhìn xung quanh tình hình startup năm nay, thấy một loạt biến đổi. Trước hết là cùng nhìn lại toàn cảnh đầu tư và xu hướng 2012 qua video của Topica. Các quỹ đầu tư mới vào VN (CyberAgent, Duxton Capital, Kusto etc), các Incubator và đơn vị đào tạo khởi nghiệp nhiều lên (Topica, 5Desire, Skynet, Vatgia, Savvi và… X-Incubator), khu công nghệ Becamex TIC dành cho startup, xuất hiện các cá nhân muốn thành lập quỹ đầu tư cho startup đi sang tây học hỏi.
Rất nhiều cơ hội.
Dynabyte startup cách đây 2 năm (cuối 2010) khi thị trường còn chưa có gì mấy. Thậm chí còn không có khái niệm “startup”. Các founders Dynabyte hồi đấy không có kinh nghiệm chẳng biết hỏi ai mà cũng chẳng có ai để hỏi. Mọi thứ đều là do làm liều, đâm vào tường rồi mới vỡ ra. Lúc nào cũng thèm khát có người chỉ cho mình cần làm cái gì, phải làm cái gì. Thi thoảng lắm có bác này bác kia chỉ cho vài câu bâng quơ là sướng lắm, dù là chỉ tay năm ngón chứ chẳng cầm tay mình dắt đi. Biết rõ vấn đề của mình rồi mà nhiều khi chịu chẳng biết giải quyết thế nào vì thiếu đủ thứ: tiền, nhân lực, quan hệ etc. Khổ vãi lúa.
Lúc đấy làm gì có cộng đồng startup như bây giờ để thỉnh thoảng được đến các đại hội startup nghe các bác chém gió và networking với anh em tìm co-founder.
Làm gì có chuyện các quỹ đầu tư chủ động liên hệ với mình dù mình còn chưa có business model.
Làm gì có vườn ươm, có người dẫn dẵn, đỡ đầu.
Thông tin toàn là có qua Google chứ gì mà được chia sẻ từ việc thật người thật.
Nói đơn giản hơn, lúc Dynabyte ra 1bid và 6ix, cũng vật lộn với bài toán tìm người dùng (giờ vẫn thế hehe). Làm gì có tiền mà làm marketing (giờ cũng vẫn thế hehe), bỏ tiền ra mà làm sai là xót vãi cả đái. Mong ước nhỏ bé là làm sao trong 1 tháng kể từ khi launch, có 1, 2 nghìn người dùng để mình mơ hồ đo phản ứng xem sản phẩm của mình sai ở đâu để sửa là đã thấy may lắm rồi.
Kiểu những điều kiện như có 10.000 người dùng, 5.000 click CPC 5.000 SMS để quảng cáo (hehehe) là ước mơ xa vời ấy.
Tất nhiên để một business tồn tại lâu dài thì những điều kiện đó là chưa đủ. Nhưng để ra mắt một sản phẩm cho chỉn chu thì vậy là ngon rồi.
Tận dụng thôi.
Startup cần gì?
Tiếp cận nhiều startup và các bạn trẻ đang có ý định làm startup, mình thấy tư duy của các bạn cứ thế nào ấy. Bạn thì vĩ cuồng hoang tưởng quá; tham vọng thay đổi thế giới đến nơi (dù chưa có gì trong tay – cái các bạn nghĩ là mình có thật ra là không có gì). Bạn thì bi quan, cẩn trọng quá; cứ nghĩ để làm startup cần thế này thế kia, con ông này ông nọ.
Cuối cùng, các bạn startup để làm gì?
Startup tức là làm ra được một cái gì đó của mình. Thế thì cứ tập trung làm ra được nó đi đã.
Trong sự nghiệp của bạn, chắc gì bạn đã theo startup cả đời. Nhưng việc tự tay làm ra được một sản phẩm nào đó có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời bạn. Nó có khi là một điểm tựa tinh thần để bạn thỏa mãn mình và tự tin hơn; có khi là đòn bẩy dẫn bạn đến những cơ hội rất tốt sau này; cũng có khi là bước ngoặt để bạn nhận ra mình thật sự phù hợp với con đường nào và có những định hướng phù hợp hơn.
Không phải ai cũng có cơ hội và khả năng startup. Vì vậy nếu có hai thứ đó, hãy thử cháy hết mình một lần xem sao 😉
Startup không nhất thiết là cứ phải thành lập công ty, tìm co-founders, xin đầu tư, gọi vốn. Quên hết tất cả đi khi bạn chưa có gì trong tay.
Hãy đơn giản hóa mọi việc hết mức có thể.
Có ý tưởng, hãy bắt tay ngay vào xây dựng ý tưởng đó thành sản phẩm càng nhanh càng tốt.
Thử nhìn lại cách đây vài năm khi khái niệm startup và đầu tư chưa phổ biến; tôi nhìn thấy rất nhiều bạn vô tư code, làm sản phẩm. Rất nhiều ứng dụng, phần mềm, web… ra đời không nhằm mục đích gì sâu xa cả mà chỉ đơn giản là “cho vui”.
Rất nhiều bạn tự kinh doanh (chưa có khải niệm “khởi nghiệp”) ngoài lĩnh vực công nghệ cũng có thành công nhất định, mà xuất phát điểm từ những mô hình vô cùng đơn giản (bán hoa trong các dịp lễ hội rồi mở cửa hàng bán lẻ/ phân phối, làm đồ handmade, mở quán cafe, bán đồ cũ…).
Những tư tưởng làm cái mình thích, theo cảm nhận của chúng tôi, đã bị những ảo tưởng về startup giết chết sự vô tư mất rồi. Nghịch lý chăng khi mà khi số lượng người học code nhiều hơn trong khi sản phẩm tốt ít đi? Bây giờ rất nhiều bạn mơ đến mô hình này mô hình nọ ở nước ngoài và ám ảnh vì thành công bởi số lượng vô cùng nhỏ các tên tuổi như thế.
Chúng tôi cũng không giáo điều đến mức hô hào bạn thay vì tập trung clone mô hình ở nước ngoài, hãy tìm hiểu xem xã hội cần gì, có vấn đề gì phải giải quyết và phải tìm giải pháp cho nó bla bla bla.
Đơn giản là hãy làm điều bạn thật sự khao khát.
“You are born an Original, don’t die a Copy”
X-Incubator giúp được gì?
Về tiền, X-Incubator sẽ “đầu tư” một khoản tiền tương đương 15$. Số tiền này là đủ để mua 1 domain .com ở name.com. Số tiền dư chắc là đủ mua 1 lốc RedBull để uống khi thức khuya làm việc. Tất nhiên, đấy chỉ là ví dụ, startup có thể sử dụng số tiền đầu tư tùy ý muốn. Đây không phải là khoản đầu tư mạo hiểm, tức là bạn không cần hoàn lại.
Về những thứ khác ngoài tiền, chúng tôi trao cho startups một danh sách các cá nhân tình nguyện giúp đỡ trong khả năng; thậm chí là hơn khả năng vì chúng tôi sẽ “cố”. Mọi thứ hoàn toàn tùy thuộc vào việc startup sẽ khai thác và tận dụng nguồn lực này đến đâu để đạt được lợi ích cao nhất.
Chúng tôi có ít nhiều kinh nghiệm, quan hệ và rất nhiều nhiệt tình.
Chúng tôi có chung một kỳ vọng là sẽ càng ngày được nhìn thấy nhiều sản phẩm tốt được làm ra.
Cái chúng tôi trao cho startup đó là cơ hội và sự tự tin. Với một chút động lực nhỏ đến từ sự ủng hộ của X-Incubator, chúng tôi đơn giản là mong bạn sẽ làm được điều bạn muốn.
X-Incubator chỉ muốn nhấn mạnh rằng, bên cạnh tiền, có nhiều nguồn lực giá trị cần được khai thác tốt hơn, và một trong những nguồn lực giá trị nhất đấy chính là bản thân trí tuệ, sức lao động, sự hăng say và quyết tâm của người làm.
Chỉ vậy thôi.
“Twenty years from now you will be more disappointed by the things that you didn’t do than by the ones you did do”
December 26, 2012