about happiness

Vì tình hình dịch nên tôi làm việc ở nhà hôm nay.

Trong lúc làm đồ ăn trưa, tôi nghe podcast Hieu.tv phần nói về hạnh phúc. Video này quả có khơi gợi một số suy nghĩ tích cực về cuộc sống. Tôi vừa ăn vừa nghe cho đến khi xong. Tôi hiếm khi chỉ ăn mà không làm gì khác; thường là xem Netflix, nghe nhạc, thậm chí đôi khi là làm việc. Cũng chỉ là một thói quen vô hại.

Ăn xong tôi dọn dẹp và pha cà phê. Vợ tôi tặng một chiếc máy pha espresso vào hôm sinh nhật năm nay, từ đó tôi luôn pha cà phê ở nhà. Tôi có hai công thức pha cà phê. Một kiểu giống Bà Nà của Reng Reng. Kiểu còn lại giống August của Drew Coffee. Thực ra thì chúng đều là cà phê kem béo vốn dựa nhiều vào whipping cream và sữa đặc, nhưng kiểu August có thêm sữa tươi và cà phê đổ vào hỗn hợp đánh bông bằng máy thay vì khuấy bằng tay như kiểu Bà Nà. Tuỳ vào hứng mà tôi sẽ pha kiểu này hoặc kiểu kia chứ không có kế hoạch cố định. Hôm nay thì tôi pha kiểu August, do tôi có nhiều thời gian hơn mọi ngày (vì làm việc ở nhà).

Tôi mang cà phê ra ghế papasan nằm đọc sách.

Hôm nay là ngày đầu tiên thành phố đón đợt lạnh mới tràn về trong đêm. Ngồi bên cửa sổ ở trên cao, nếu hé cửa sẽ thấy gió khô thổi vào khiến ta muốn mặc thêm áo ấm. Nhìn chung là một ngày chớm đông dễ chịu, rất hợp cho việc đọc. Lũ mèo hẳn sẽ uể oải chui vào một góc nằm ngủ cả ngày, nhưng xung quanh tôi không có con mèo nào.

Tôi đang đọc dở tiểu thuyết mới nhất của Murakami, Giết chỉ huy đội kỵ sĩ. Tôi chờ một thời gian sau khi cuốn sách này ra mắt mới tìm đọc, vì cũng chẳng vội. Đây vẫn là một tiểu thuyết “kiểu Murakami“. Một vấn đề với các nhà văn trở nên phổ biến và đại chúng hoá là người ta cứ thích đặt một kỳ vọng khó hiểu lên họ, rằng cuốn sau phải hay hơn cuốn trước, rằng họ phải đạt được các giải thưởng. Tôi cho rằng nhà văn kể những câu chuyện khác nhau và về cơ bản, mỗi câu chuyện có sức sống và ý nghĩa của nó. Trong trường hợp của Murakami, các tiểu thuyết sau này của ông không được đánh giá cao như các tiểu thuyết ở giai đoạn đầu sự nghiệp. Tức là nhiều người coi văn nghiệp là một quá trình và trong quá trình đó, người ta có xu hướng chọn một cột mốc gọi là đỉnh cao sự nghiệp của một nhà văn. Trước và sau cột mốc đó là giai đoạn đi lên và thoái trào. Với Murakami là đang ở giai đoạn sau. Đại khái là thế.

Tôi không nhìn văn nghiệp của một nhà văn theo lối như vậy. Đặt mình vào vai một người viết, điều tôi theo đuổi trong suốt cuộc đời mình đó là mình có nói ra được đầy đủ và trọn vẹn những tư tưởng của mình hay không. Tôi nghĩ suy nghĩ của nhà văn gần với vậy. Đối với họ, việc một tác phẩm này hay hơn tác phẩm khác không quá quan trọng. Điều quan trọng là trong toàn bộ văn nghiệp, họ đã nói được hết những thứ muốn nói, và nói được chúng theo cách tốt nhất đối với họ hay chưa. Tôi cho rằng động lực khiến cho một nhà văn tiếp tục viết, kể cả khi ở tuổi rất già và đã an nhàn từ lâu, hoặc khi danh tiếng đã lẫy lừng, ở việc họ còn muốn nói tiếp những điều phải nói.

Nếu tiếp cận trên quan điểm như vậy, ta sẽ tránh xu hướng so sánh các tác phẩm với nhau mà nhìn vào các thông điệp mà một nhà văn muốn truyền tải. Tôi không cho rằng sau 1Q84, Murakami viết kém hơn trên khía cạnh chất lượng tác phẩm. Ông đã nỗ lực kể những thứ tiếp theo. Tôi cho rằng Murakami trong văn nghiệp của mình đã tạo ra được một phong cách riêng, đó là “kiểu Murakami” siêu thực hậu hiện đại, từa tựa khái niệm Kafkaesque nổi tiếng. Trong văn nghiệp đó, mỗi tác phẩm có vai trò kể một thông điệp và hãy đánh giá năng lực kể thông điệp đó có đạt hay không.

Dông dài như vậy để nói rằng tôi thấy Giết kẻ chỉ huy (tôi thích gọi vậy cho gọn, và sẽ dùng tên này cho đến cuối bài) là một tiểu thuyết thú vị. Công bằng mà nói thì mạch truyện hấp dẫn một cách chậm rãi. Với ai đã quen với Murakami, tức là quen với motif nhân vật chính gặp biến cố lớn khiến cuộc sống trước đây của anh ta hoàn toàn đổ vỡ và bắt buộc dấn thân vào một hành trình đơn độc u tối để giải mã mình, sẽ thấy tiểu thuyết này không khó nắm bắt. Cách tốt nhất để đi vào thế giới của Murakami là hãy thả mình tự do cuốn trôi đi theo lời kể và tham gia vào hành trình của nhân vật. Từng chút một, những gì ta muốn biết sẽ được nói ra. Vậy thì việc gì phải vội?

Tiểu thuyết này là một ví dụ nhỏ cho lý do tôi thích đọc sách. Đôi khi ta chỉ muốn nghe một câu chuyện được kể thật cừ, trong một ngày gió lạnh giữa những trạm nghỉ của cuộc sống.

Và bất giác tôi suy nghĩ về hạnh phúc.

Anh Hieu.tv nói cuộc đời về cơ bản là hành trình tích luỹ thật nhiều ngày hạnh phúc. Tôi thấy suy nghĩ này rất hay, và đúng.

Tôi không hay nói về hạnh phúc của bản thân. Cuộc sống của tôi cũng không có gì quá đặc biệt hay nổi trội. Nhưng những năm gần đây, tôi thấy mình tích luỹ hạnh phúc thêm mỗi ngày.

Tôi thích viết và đọc, những thứ mà tôi chọn sẽ già đi cùng nhau, và qua đó tiêu tan đi các u buồn của tuổi trẻ. Nhưng càng ngày tôi càng có ít thời gian cho chúng. Giống như bất kỳ người trưởng thành nào, tôi dành hầu hết thời gian để làm việc và lo cho gia đình của mình. Nếu ở thời trẻ hơn, những thú vui cá nhân thật là quan trọng và giúp ta cân bằng; thì đến một lúc nào đó ta thấy vui khi san sẻ thời gian và sự chăm lo cho người khác ngoài bản thân ta. Điều quan trọng không phải tỷ trọng thời gian hay mức độ quan tâm giữa bản thân và cho người khác, mà những gì ta làm gột rửa đi bao nhiêu sự cô đơn trong cuộc đời này. Cô đơn là chất liệu của tuổi trẻ, tráng men cho sự vững chãi mà ta phải có để đứng được trong đời, và đôi khi đó là sự cô đơn cần thiết. Nhưng tôi nhận ra mình không còn là gã trai đơn độc hồi xưa nữa.

Kiểu nhân vật điển hình của Murakami là những gã đàn ông trung niên cô đơn, sắp xếp ngăn nắp cuộc sống của mình, không thực sự phụ thuộc vào các rào cản xã hội, gần như ngoài lề định kiến thông thường. Chính sự ngăn nắp và ngoài lề đó khiến trong nhiều trường hợp, khi hành trình mới ập đến cuốn đi, họ không mang theo gì cả. Trong hành trình đó, các nhân vật tích luỹ lại từng mảnh nhỏ của mình.

Quá trình của các nhân vật Murakami luôn là một quá trình hướng lên trên. Đó là điều tích cực trong văn chương của Murakami.

Tích luỹ hạnh phúc mỗi ngày là một hành trình cần thiết.

Tỷ như việc dành ít phút cho bản thân để pha cà phê hàng ngày.

Nằm đọc sách bên cửa sổ.

Hay dạo gần đây, tôi thích nhất khi ở cạnh con trai mình. Đi dạo với nó ở dưới sảnh toà nhà vào chiều tối, khi gió nổi lên, bóng của hai bố con một cao một thấp lẫn vào nhau. Tôi thấy mình của thơ bé và thấy mình của hiện tại, đồng thời.

Hoặc khi lùa được hết bọn nhỏ đi ngủ để tôi và vợ Netflix vội buổi tối, sau một ngày dài. Cùng nói với nhau về những cái hẹn Đà Lạt, Bangkok, Châu Âu – mục tiêu phấn đấu.

Và những điều nhỏ nhặt khác, bằng lòng hoặc không bằng lòng, trong cuộc sống đang diễn ra.

Một câu hát của Trịnh mà ta vẫn hay nghe. Cho đời chút ơn.

Có lẽ vậy.

221121

November 22, 2021

Leave a Reply