Những chuyến bay

Bài này viết từ tháng 11/2016, tôi đã không nhận ra là nó quan trọng đối với mình như vậy.

***

Nội trong năm nay, tôi đã sống ở nước ngoài non nửa.

Cứ độ vài tuần, hoặc một tháng là tôi lại thấy mình lênh đênh đi về một miền đất nào đó ở bên kia biên giới. Đầu năm là Indonesia, transit ở Malaysia, giữa năm là Singapore, sắp tới là Nhật Bản; từ cuối năm trở đi là liên tục những bận đi về của hai đầu Hà Nội, Bangkok, vội vã..

Có dạo, cứ bước lên máy bay là tôi thấy mình quay về buổi đêm hôm ấy, một ngày của tháng ba cách đây mười năm, khi đứa bé là tôi một mình lên đường đi du học. Châu Âu rất xa, lòng người hoang vắng, mắt người yêu đỏ hoe, con mèo đầu tiên trong đời chỉ kịp ôm lần cuối rồi vĩnh viễn không gặp lại nữa, bóng người thân trước phòng cách ly, nỗi hoang mang của lần đầu dấn thân, tôi ngơ ngác lỳ lợm đón nhận tất cả; chiếc phi cơ khổng lồ, sừng sững lao hun hút vào mây mù, ném mình xuống ghế ngồi, tôi phó mặc tất cả, lặng lẽ nhìn vào thành phố mờ dần trong sương, luẩn khuất ở phía cuối chân trời, tôi hiểu rằng con đường ở phía trước đã thực sự bắt đầu.

Những chuyến đi, chúng luôn lấy mất của chúng ta cái gì đó, và mang lại cho chúng ta cái gì đó.

Bước sang bên kia của cánh cửa hành trình, ta không phải là mình khi bước vào nữa.

Về sau này, khi lịch bay kín đặc, tôi đã thôi không còn cái ám ảnh hoài niệm đó nữa. Mắt người tình đã ở rất xa. Tôi hăm hở lao vào các chuyến đi, bồng bềnh trên những tầng không ngấn nắng. Chân trời xanh thẳm một màu viễn dương. Những chuyến đi đưa tôi đi rất xa, rồi lại trở về, rồi lại đi rất xa. Cứ bồng bềnh trôi mãi như thế.

Những chuyến bay giữa hai thành phố thân quen đến mức tôi thuộc cả lộ trình chân không. Tôi biết rằng năm phút sau khi chiếc phi cơ lao vút lên từ mặt đất, đến một độ cao nào đó vẫn đủ để nhìn thấy thành phố ở phía dưới, sẽ dừng lại giữa không trung, từ từ nghiênh cánh để quay đầu. Ở cái góc nghiêng chầm chậm đó, nhìn ra cửa sổ sẽ thấy như đang cầm ống lens góc rộng chiếu thẳng vào thành phố một góc bao quát rộng lớn đến kỳ dị. Tà huy rực rỡ ở chân mây. Một cảnh đẹp huy hoàng của bầu trời. Lớp không khí mỏng và nhẹ bẫng xâm chiếm khoang máy làm cho người ta có cảm giác lơ lửng. Tôi biết là mình đang bay. Chỉ năm phút thôi, bên ngoài cửa sổ sẽ thấm đẫm mây trời. Bay nhiều đến nỗi các đám mây cũng quen thuộc đối với tôi, tôi đã gặp chúng hàng trăm lần rồi, vẫn là những hình dáng ấy, từng đụn từng đụn nhỏ lần lượt heo hút bị bỏ lại đằng sau. Những đám mây cứ thế ôm ấp chiếc phi cơ vào lòng, mang cả tôi trong ấy, thành ra chúng mang lại cho tôi một sự ấm áp kỳ lạ. đằng nào thì ở trên này, cũng chẳng có gì ngoài mây.

Có một điều dễ nhận ra, sân bay là nơi chốn tẩy trần đi cái mùi ngột ngạt của đô thị. Chỉ có sân bay là mang trong nó cái mùi này, một mùi gì đó lãng quên như mây trời, mỏng nhẹ bãng lãng. Bước vào khu vực sau lưng cửa hải quan để đến phòng chờ, khắp nơi là du khách bốn phương, một mùi quốc tế ập thẳng vào cánh mũi. Tôi như được kéo vào chỗ dừng chân, nơi chuyển tiếp giữa mặt đất và bầu trời, nên bầu không khí cũng được gột rửa đi mùi thành phố đậm đặc xung quanh, tôi không còn thấy một lưu ảnh nào của phố thị nữa, cũng chẳng có lấy một dư hương. Ở sân bay mọi thứ đều được thay áo. Chúng ta gián tiếp bước lên bầu trời, từ trước khi thực sự bước lên trên nó. Và máy bay, trăm chiếc như một, đều mang trong nó một mùi như nhau. Một bầu không khí rất loãng, lạnh lẽo, như những đám mây đang tan dần vào khoang hành khách, cứ thế bủa vây, khiến ta bồng bềnh. máy bay cũng có mùi như bầu trời.

Vốn sợ đi máy bay nên mỗi chuyến bay đều mang cho tôi một sự căng thẳng nhất định. Nói thẳng ra là tôi ghét bay, cứ nhìn thấy máy bay là tôi không cách gì dành trọn cho nó một niềm tin tưởng tuyệt đối. Tôi nhạy cảm với mỗi sự chênh chao mất cân bằng khi chiếc phi cơ liệng gió. Tôi cũng không ngủ được trên các chuyến bay dài, điều này thực sự là một nỗi khiếp sợ. Mười tiếng đằng đẵng từ Hà Nội đến Frankfurt là ám ảnh kinh hoàng không sao kể xiết. Xem xong ba bộ phim, nhìn đồng hồ vẫn còn tận bốn tiếng nữa. Thở dài ngao ngán. Hành trình đến phương Tây đằng đẵng như thế đấy, các cơn hoang mang kéo dài theo mỗi lần giật cục của máy bay. Hồi ức kinh hoàng gọi tên những lần rơi tự do độ một hai giây, cả khoang hành khách chao đảo, tôi biết mình không thể ngủ chập chờn được nữa, ở những khoảnh khắc trong “vùng thời tiết xấu” ấy, điều tôi hay nghĩ đến nhất, là những gì mình chưa làm được..

Sau này, khi đã bay quá nhiều, và đi lại ở những thời điểm chán đời nhất, gần như không còn gì để mất, nỗi sợ hãi mơ hồ khi chấp chới ở tầng không bỗng nhiên không còn nữa. Tôi phó mặc tất cả, hay nói đúng hơn là chẳng còn muốn để tâm nữa, ra sao cũng được, thì lại thấy những chuyến bay lặng lẽ đến vô chừng. Hết thời gian để lo sợ việc bị rơi, tôi có thêm thời gian để suy nghĩ về những điều trầm trọng hơn, tỉ dụ như tôi là ai, và mình đang làm cái quái gì cho cuộc đời của mình. Nghĩ cùng kỳ lạ thật, đôi khi tôi có những trải nghiệm khiến thời gian và khoảng cách trở nên vô cùng tương đối, ví dụ như chỉ vài tiếng trước còn ôm ấp nhau, ngoảnh lại một cái đã thấy xa tận chân trời. hơi ấm của cái ôm còn chưa tiêu tan hết trên da thịt thì đã thấy mình chơ vơ tại một thành phố đông người. Hay buổi sáng vừa ngồi cafe tại Cộng thì tối hôm đó tôi đã thấy mình cầm cốc takeaway của Starbucks Bangkok, để rồi có thể hôm sau đã lại gặp nhau cười nói tại Hồ Gươm. Giao thông phát triển hơn, cuộc đời vội vã hẳn, mọi thứ dần trở nên thoáng chốc. con người xa nhau dần. Chỉ thấy mình là ngày càng gần mình hơn.

Đời này thoáng chốc phù vân
Nụ ly biệt cũng phai dần dư hương

Rồi cũng đến lúc giữa những đợt đi – về, tôi không còn biết đâu thực sự là đi, đâu thực sự là về; bởi nơi chốn nào cũng hoang vu thoáng chốc như nhau. Tôi không còn thấy lạ lẫm ở một thành phố lạ mà thấy mình chìm dần vào trong nó. Hạ cánh ở sân bay, tôi thậm chí còn nhận ra được mặt những nhân viên ở đó. Những con người tôi gặp dần trở thành vòng tròn. Những con chó mèo hoang ở Bangkok cũng dần quen mặt, gặp tôi cứ thản nhiên như không, cả những người bán dạo bên đường mà chạm mặt nhau gần như hàng ngày. Mọi người biết tôi. Tôi dần chấp nhận rằng cái thế giới của mình đã nằm ngoài vùng biên giới quốc gia. Đi đâu cũng là trở về cả, khái niệm “nhà” cũng trở nên không quá quan trọng, kể từ khi tôi nhận ra điều này, cái gắn kết giữa tôi và Hà Nội ngày càng trở nên mỏng manh hơn nữa. Hà Nội còn lại gì ngoài những cơn gió mùa bất chợt?

Rất nhanh thôi khi đặt mình xuống ghế ngồi, tôi sẽ thiếp đi, chập chờn giấc ngủ, mơ màng thấy mình nhẹ bẫng dần khi máy bay tung cánh. Ở những khoảng cách chạng vạng giữa bầu trời và mặt đất ấy, tôi rất thường xuyên nghĩ đến mẹ, người hết sức lo cho tôi trước mỗi chuyến đi dài. Tôi chỉ kịp nhắn cho mẹ là con sắp đi vào đêm hôm trước, chứ đại đa số là không gặp được. Mẹ sẽ gọi cho tôi trước khi cất cánh, nói gì đó mà tôi nghe không rõ, dặn dò đủ thứ, cúp mắt trước khi tôi định nói gì. Rồi tôi sẽ gặp lại mẹ, ngay trước một chuyến đi ở lần sau. Ở giữa bầu trời, giữa sự rung lắc của máy bay, hay khi tắm trong dòng suối ánh sáng mà vầng dương rực rỡ ở đằng xa rọi lại, mẹ là người khiến tôi thấy yên ổn nhất khi nghĩ đến, như là thiên sứ vậy, trong những cuộc hành trình của mình. Tôi biết rằng tôi phải trở về.

Giọng cơ trưởng điềm đạm vang lên, những cô tiếp nhẹ nhàng bay qua lại như những thiên thần. Không khí loãng dần, tôi yên tâm quăng mình vào giấc ngủ. chào mừng đến với bầu trời!

Tôi học được từ cậu em coach fitness đó là việc đi nhiều sẽ làm cơ thể bị stress, cho dù ta không nhận ra. Sự thay đổi nơi chốn dẫn đến các tập quán cũng thay đổi. Tôi hết sức tránh điều này. Vì vậy trên mỗi chuyến bay, tôi học được một kỹ năng sinh tồn tự nhiên đó là ăn hết các suất ăn, dù đại đa số đồ ăn trên máy bay là nhàm chán và hoàn toàn không chuẩn macro. Tuy có vượt macro của ngày hôm đó cũng được nhưng tôi luôn cố gắng ăn hết những gì có thể, trừ khi quá nhàm chán, bởi khi cơ thể stress, hai điều có thể làm tốt nhất cho nó đó là ăn đủ thức ăn, uống đủ nước và nghỉ ngơi. Thậm chí ăn dư ra một chút cũng được vì cơ chế vận hành kháng stress của cơ thể sẽ cần nhiều năng lượng hơn bình thường. Tôi cũng thu xếp bằng mọi cách để dù ở trên đất nước nào thì cũng đi tập gym đều đặn như khi ở nhà và ăn uống đầy đủ chuẩn macro hết sức có thể. Cơ thể chúng ta không biết nó đang sống ở đâu, nó chỉ phân biệt được các hành vi hàng ngày và những thay đổi trong sinh hoạt trong thời gian ngắn sẽ dẫn đến stress. Vì vậy khi thay đổi môi trường sống, tôi làm hết sức có thể để cơ thể hiểu rằng vẫn phải vận hành từng ấy việc như bình thường, đây là một cách để kháng stress. Thời gian biểu của tôi, do vậy, mà hầu như vẫn như nhau trên mọi đất nước. Tôi dần trở thành một người xê dịch chuyên nghiệp.

Cứ lên máy bay, hoặc là tôi tìm cách chập chờn ngủ, hoặc là tôi chìm đắm vào âm nhạc và một quyển sách nào đó. rất ít khi tôi để ý đến những người xung quanh. Thực ra tránh tiếp xúc với con người thì tốt vì xã hội trong máy bay, về cơ bản, phản ánh lại chính xác xã hội ở ngoài kia, tức là có bao nhiêu loại người trong xã hội thì có bấy nhiêu trên máy bay. Mà tôi thì vốn chán ghét con người cùng sự hỗn loạn của họ.. Ấy thế mà lần đó tôi lại chú ý tới hai người bạn ngồi cạnh. Họ là sinh viên năm cuối của trường Đại Học ngoại ngữ Hà Nội đang trên đường trở về nhà. họ là người Palestine. Tôi chẳng biết gì về Palestine, cho nên chúng tôi nói chuyện về đất nước của họ, bằng Tiếng Việt. đúng vậy, hai cậu bạn sinh viên với Tiếng Việt hoàn hảo có thể chém gió được, dành suốt hai tiếng bay để thổ lộ cho tôi về đất nước duy nhất trên thế giới trong lịch sử chưa từng giành được độc lập. Họ đang trên đường để trở về quê hương, và sẽ cống hiến trong các cơ quan nhà nước, với nỗi khao khát một ngày nào đó sẽ mang lại tự do cho đất nước mình. Đôi khi nói về chiến tranh, tôi thấy họ gần như là bật khóc. Hai thanh niên kiên cường, học tập tại Việt Nam và trở thành những sinh viên ưu tú, có thể lựa chọn ở lại Việt Nam để hưởng thụ (quả thật, có những dân tộc coi sinh sống ở Việt Nam là sự hưởng thụ, nghe thật là điên rồ), nhưng họ chọn quay về đất nước chiến tranh. Tôi vẫn nhớ rất lâu giọng nói của chàng trai Palestine ấy, “một ngày nào đó Palestine sẽ giành được độc lập”, bằng Tiếng Việt.

Chuyến bay hôm nay, tôi mang một sấp sách về Hà Nội để đọc. Hai quyển của cụ Hoàng Đạo Thuý, một quyển của Thạch Lam. Càng ngày tôi càng cảm nhận rất rõ mình là thằng sinh bất phùng thời. Hoặc có lẽ kiếp trước của tôi cũng đã hăng hái đi theo Nhất Linh để thực hiện cách mạng văn chương; hoặc đồng hành cùng Phạm Duy trên con đường cái quan để say sưa viết nhạc, rồi ngồi phè phỡn hút thuốc phiện cùng Đinh Hùng.., Đọc một quyển sách về Hà Nội xưa, khi ở dưới chân là Hà Nội tan dần vào trong mây, không khỏi không thấy một nỗi ngậm ngùi khi những gì thuộc về hào hoa thanh lịch của đất Kinh Thành, dù muốn dù không, đã không còn nữa. Tôi hoài niệm, không nhưng mù quáng, cái thời Nho giáo ưu mỹ đó không còn hợp thời nữa, tất yếu phải bị thay bởi một văn hoá khác mang hơi thở của hiện đại. Nhưng chúng ta đã làm gì với Hà Nội của mình bây giờ, ngoài việc tàn phá nó? Hỡi ỡi.. một vài năm nữa, khi những thế hệ trí thức tinh hoa cuối cùng của xã hội cũ cũng qua đời, những chuyện cũ Hà Nội được thuật lại trong sách của cụ Hoàng Đạo Thuý, hay Thạch Lam, sẽ chỉ như những câu chuyện cổ tích ước lệ còn lại, về cái thời không còn ai biết nữa. cũng là lẽ thường thôi, chăng..?

Lần đi này tôi đã chào thật cẩn thận hai con mèo. Chúng vốn là loài độc lập, hầu như chẳng cần đến ai; nhưng tôi biết bọn nó vui hơn khi có tôi ở nhà. Trước khi đi, vuốt ve cả hai con, chúng cứ tưởng chỉ là sự vuốt ve bình thường, nên phản kháng nhẹ, mèo vẫn là cái loài khó tính như thế, cho đến khi tôi mở cửa bước ra, thì chúng mới biết là tôi sắp đi. Cả hai con đều hướng ra phía cửa, mắt hờ hững một nỗi buồn hoang vắng. Có lúc nào khi ở nhà một mình, hai con mèo nhớ đến tôi?

August 18, 2024

Leave a Reply