Sự tự do

Một câu hỏi thường thấy của Vietcetera dành cho các khách mời trong chương trình Have A Sip của mình: Nếu phải chọn một quyển sách để mang ra ngoài hoang đảo, bạn sẽ chọn quyển sách nào?

Là tôi thì tôi sẽ chọn quyển trên của Murakami.

***

Tôi là con người của tiểu thuyết (tiểu thuyết nói được về gần như mọi thứ ta muốn biết về cuộc đời này) nhưng lại chọn một cuốn sách không phải tiểu thuyết để mang theo. Nếu là vài năm trước, đứng trước câu hỏi này hẳn tôi sẽ phải suy nghĩ rất lung, và nếu được cho phép, tôi sẽ xoay xở bằng mọi cách để mang theo không chỉ một mà là ba quyển sách, dẫu cho có khó khăn đến đâu. Một cuốn của Milan Kundera, một của Murakami và một của Romain Gary. Khi tôi nói “một cuốn”, tôi muốn nói đến một cuốn hết sức cụ thể của từng tác giả này, không phải một cuốn ngẫu nhiên. Những ông nhà văn già ấy đã không ngừng an ủi tôi, khích lệ tôi theo suốt tháng năm. Tôi muốn mang họ theo cùng mình.

Nếu như vậy là quá tham lam và bắt buộc phải chọn một, tôi sẽ mang quyển sách của Murakami và như thế là đủ với tôi trong hiện tại.

***

Ở ngoài hoang đảo một mình. Trong tình thế giả định này, quyển sách khiến ta đọc không chán ngày này qua ngày khác, mỗi khi đọc ta lại thấy một điều gì đó mới để suy nghĩ về, giúp ta mở rộng thêm góc nhìn của ta về cuộc đời và soi chiếu lại chính bản thân ta, với tôi chỉ có một quyển như thế và là quyển sách này.

Khách quan mà nói, rất có thể cuốn sách nhỏ của Murakami tự bản thân nó không huy hoàng đến vậy. Giống trong trường hợp một bài hát, hoặc một bức tranh, có thể tuyệt đối bình thường đối với nhiều người. Nhưng với một thính giả, hoặc một người thưởng lãm, cụ thể lại tìm thấy điểm gì đó có thể chạm tới cảm xúc sâu thẳm của họ một cách sâu sắc nhất. Bài hát, hoặc bức tranh, trở nên quá đỗi quan trọng đối với họ, theo một cách riêng tư không theo logic thường thấy của người thưởng thức phổ thông. Đó là điều tôi muốn nói đến. Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật có tính khó lý giải riêng và sợi dây gắn kết giữa tác phẩm và người thưởng thức đôi khi phải có đủ “duyên” mới se nổi.

Tóm lại, tôi khá chắc chắn rằng nhiều người sẽ cho rằng đây không phải tác phẩm xuất sắc gì cho cam của Murakami, nếu chỉ xét riêng trong giới hạn các tác phẩm văn học của ông – người nổi danh với những Rừng Nauy hay Kafka bên bờ biển. Xét cả theo thể loại, tuy rằng Murakami tự miêu tả đây là một cuốn tự truyện tập trung vào hành vi chạy bộ và có nói chút ít về những bài học cuộc đời, sẽ là tương đối miễn cưỡng nếu nói đây là cuốn hồi ký ấn tượng, mang tầm góc lớn lao với những triết lý sâu sắc. Đối với phần lớn người đọc ưa thích thể loại hồi ký, tự truyện, họ sẽ bỏ qua ngay khi lướt trên kệ sách. Họ sẽ tìm đến những vĩ nhân, những triết gia để đọc thay vì một nhà văn người Nhật.

Chính yếu tố lững lờ ở giữa tự truyện/sách triết học và không mang tham vọng lớn bằng cách chỉ nói trung thực về những cảm nhận của mình thông qua hành vi chạy bộ trong suốt cuộc đời của mình mà Murakami có thể viết ra cuốn sách có thể nói là quan trọng nhất đối với bản thân ông.

Và có một độc giả như tôi đón nhận nhiệt thành.

Ở đoạn phía sau tôi sẽ giải thích cặn kẽ tại sao.

***

Murakami là một nhà văn chạy bộ. Nhà văn-chạy bộ. Hai điều này không thể tách rời và gần như là một. Nếu Murakami không chạy bộ thì ông đã không trở thành một nhà văn. Thực tế thì ông đã viết hai trong số những tiểu thuyết đầu tiên của mình từ trước khi chạy bộ nhưng nhanh chóng nhận ra mình không thể theo được văn nghiệp, nói cách khác là viết ra được những thứ lớn lao, nếu không hình thành thói quen mà theo ông là “hữu ích nhất, có ý nghĩa nhất” trong đời mình là chạy bộ không ngừng nghỉ trong nhiều thập kỷ. Nhờ chạy bộ, từ đó có thể chất hoàn hảo sau khi thay đổi lối sống thiếu lành mạnh khi điều hành việc kinh doanh quán rượu, ông bắt đầu có thể viết ra những tiểu thuyết như Cuộc săn cừu hoang với lối phong cách riêng được định hình và trở thành tác phẩm lớn đầu tiên giúp ông chính thức thoát khỏi cái danh nhà văn trẻ tiềm năng để trở thành một tác gia xuất chúng ở Nhật.

Cuộc săn cừu hoang đính xác là một tác phẩm lớn trong giai đoạn thứ nhất của sự nghiệp văn chương bao gồm, có thể chia ra, ba giai đoạn của Murakami.

Ông đã không nhận ra ý nghĩa của việc chạy bộ ngay từ đầu cho đến tận cuối những năm ở độ tuổi năm mươi, tức là gần hai mươi năm sau đó. Nó hẳn phải có một ý nghĩa nào đó, ông nghĩ. Và ý nghĩa đó là gì?

Rốt cuộc ông cũng nhận ra ý nghĩa thực sự của chạy bộ, cũng là bản lề hình thành nên triết lý sống của ông qua tháng năm, được tiết lộ hết sức rõ ràng qua cuốn sách đó là giúp ông đạt đến tiêu chuẩn của bản thân. Việc đạt đến tiêu chuẩn của bản thân là hết sức quan trọng đối với Murakami, có thể nói là toàn bộ ý nghĩa cuộc đời. Với tư cách một nhà văn, việc viết lách đạt đến chuẩn mực mà ông tạo ra khiến ông trở thành một nhà văn ngày càng xuất chúng hơn. Mở rộng ra với tư cách một con người, thông qua việc chạy bộ cần mẫn hàng ngày và vượt qua từng mức độ mà ông nâng tầm góc của mình lên, trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

Murakami rất thích việc chạy bộ và ông còn yêu thích việc trở thành một nhà văn hơn. Ông coi việc trở thành nhà văn là một phận sự, một khải thị từ trên trời rơi xuống và bất luận như thế nào, ông đã đón nhận. Điều ông quan tâm nhất trong cuộc đời mình đó là mỗi tác phẩm sau hoàn thiện hơn tác phẩm trước và mối quan hệ quan trọng nhất mà ông cần duy trì là mối quan hệ mang tính ý niệm giữa ông và độc giả.

Chính việc thay đổi lối sống từ không lành mạnh trở nên lành mạnh, điều hoà, với trụ cột chính là việc chạy bộ hàng ngày để cải thiện thể chất đã cho phép ông nâng dần tiêu chuẩn viết lách của bản thân để đạt được các thành công trên văn đàn. Những chuỗi hoạt động đó đã tạo nên một Murakami tiểu thuyết gia ở phương diện bề mặt, và quan trọng hơn, sâu sắc hơn, là một Murakami có triết lý sống ở phương diện con người.

Việc hình thành được triết lý sống là rất quan trọng.

Đó chẳng phải là ý nghĩa của cuộc đời hay sao?

***

Những câu hỏi lớn của cuộc đời, ta là ai, ta sống để làm gì, ai rồi cũng phải tự trả lời. Có người cả đời không trả lời được và cuối cùng là trôi dạt. Có người lạc lối đến vô phương cứu chữa. Và cũng có người tìm thấy hạnh ngộ để dấn thân.

***

Vậy làm thế nào để tìm ra ý nghĩa cuộc đời mình?

Đây là câu hỏi khó và dường như mỗi người sẽ tìm ra một cách thức cho riêng mình, hoặc không.

Tôi nhận ra trong trường hợp của Murakami, cách thức để ông tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình đó là cố gắng đặt bản thân vào gần nhất có thể phạm vi của sự tự do.

Murakami là người hết sức tự do.

Murakami kết hôn sớm ngay từ khi chưa kết thúc Đại Học. Và vì không thích ý tưởng chen chúc trong các toa tàu kẹt cứng và nắm mình vào các cuộc họp công sở hàng ngày, ông đã vay mượn hết mức có thể để có thể mở một quán rượu ở nội thành Tokyo. Việc kinh doanh không hẳn là thuận lợi, trái lại ông và vợ đã làm việc cật lực từ sáng sớm đến đêm muộn trong suốt quãng tuổi hai mươi để trả nợ. Khi việc kinh doanh dần ổn định, ông quyết định bán quán rượu đi để toàn tâm toàn ý cho việc viết văn – lúc đó vẫn là nghề tay trái và thu nhập từ viết văn vẫn kém xa so với quán rượu. Ông và vợ dọn ra một căn hộ ở ngoại ô Tokyo, sống hết sức thanh đạm và hạn chế hết mức việc giao thiệp xã hội (tận hưởng cái niềm vui giản dị xa xỉ là chỉ gặp những người muốn gặp). Đó là lúc ông bắt đầu đi ngủ sớm và dậy sớm, chạy bộ sáu dặm mỗi ngày và tham gia vào các cuộc thi marathon ít nhất mỗi năm một lần.

Nói cách khác là đi tìm kiếm cuộc sống tự do hơn, chủ động hơn trong sinh hoạt hàng ngày.

Đó là một canh bạc tại thời điểm đó bởi lẽ nếu tác phẩm tiếp theo không ấn tượng, rất có thể cuộc đời nhà văn của Murakami đã kết thúc sớm và ông và vợ quay trở lại việc điều hành quán rượu quần quật như đã từng.

Rất may điều đó không xảy ra, và Rừng Nauy ra đời.

***

Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên khi Murakami bắt đầu Chương một cuốn tự truyện của mình bằng thời gian khi ông ở Hawaii, thứ Sáu, ngày 5 tháng Tám năm 2005. Đó là nhiều năm sau khi ông đã hoàn tất xuất bản những tác phẩm lớn nhất của mình (Rừng Nauy, Nhảy Nhảy Nhảy, Chim vặn dây cót…) và chuyển sang nước ngoài sinh sống. Theo lời kể của ông, cuộc sống ở đây (Hawaii) hạnh phúc ra sao, chúng tôi có thể đi loanh quanh tha thẩn tuỳ thích, đọc sách dưới bóng cây, hoặc, nếu chợt nảy ra ý tưởng, thì bước xuống, mặc nguyên như thế, nhúng mình một cái trong con lạch.

Đó chẳng phải là thể hiện tột cùng của tự do hay sao.

Và nếu bạn hiểu ý tôi, đó thực sự là cuộc sống ở một hoang đảo.

Nơi mà Murakami duy trì cuộc sống điều độ của mình. Chạy bộ vào buổi sớm, bơi ở biển và ăn tối với bia và cá nướng. Giữa khoảng thời gian đó là viết lách cho đến khi niềm hứng khởi  được dừng lại để duy trì cho đến hôm sau, và các tác phẩm lần lượt ra đời.

Dễ thấy rằng Murakami là một nhà văn Nhật Bản không hề truyền thống và ông tự do hơn khi ở nước ngoài. Ngay từ đầu, phong cách của Murakami đã theo lối hậu hiện đại và độc giả ông hướng tới cũng mang tính toàn cầu hơn các tác giả tiền bối. Tuy bối cảnh và các nhân vật là ở trong lòng Nhật Bản cũng như là người Nhật thuần tuý, ta gần như không thấy những rào cản mang tính địa phương dễ ngăn chặn sự chấp nhận của độc giả quốc tế. Nói cách khác, tính kỳ quặc Nhật Bản thâm canh cố đế trong văn chương điển hình ít xuất hiện trong phong cách kể chuyện của Murakami. Ông hiện đại hơn, đương thời hơn, dễ gần gũi và tưởng tượng hơn.

Lối sống tự do (kết hôn sớm mà không có con, không đi làm văn phòng mà mở hiệu kinh doanh. nghe nhạc Tây phương, sống ở nước ngoài…) từ cá tính của ông chắc hẳn ảnh hưởng lên phong cách viết văn của Murakami. Và như ông đã nói, chính vì có cái tôi khác biệt, độc nhất, mà ông có thể viết tiểu thuyết.

***

Nếu phải ra đảo hoang và mang theo một cuốn sách, tôi sẽ mang theo cuốn sách này.

Sống đâu đó một mình như là hoang đảo là cơ hội để ta suy nghĩ về bản thân, về cuộc đời. Những cuốn sách kích thích ta nghĩ về triết lý cuộc đời ta, giúp ta hình thành và xây dựng lối sống, triết lý như ta muốn nên là hành lý trong suốt hành trình này.

Và chỉ có đạt được sự tự do thì ta mới có thể tìm thấy triết lý sống cho bản thân mình.

Nếu không được mang theo một cuốn sách, thứ tối thiểu ta nên mang theo có lẽ là một chiếc bút và nhiều trang giấy, để có thể viết cho thoả đời mình.

***

Tiện đây tôi muốn giới thiệu đến người nói về Murakami hay nhất trên mạng – người có cái nhìn thâu tóm nhưng cũng hết sức tỉ mỉ về những chi tiết Murakami quan trọng mà ta dễ bỏ qua. Tôi luôn hết sức ngạc nhiên với những bài viết của bạn ấy: Trang Thao Nguyen

May 11, 2024

Leave a Reply