“Nàng thơ” của Bố

Con trai tôi sinh ra tại Bangkok, một mùa hè bốn năm về trước.

Về sau này, tôi sẽ kể cho nó về “gốc gác Thái Lan” của nó. Tất nhiên, việc sinh ra ở Thái Lan không biến nó thành một người Thái gốc Việt được – nhất là khi nó chỉ ở đó đúng ba tháng rồi về Việt Nam; nhưng tôi muốn con biết Thái Lan là nơi mà bố mẹ nó đã sống quãng thời gian tuyệt vời của tự do tuổi trẻ, rồi sau đó mang thai, hạ sinh và đưa con về Việt Nam; mà mỗi ngày kể từ khi trở về không lúc nào chúng tôi không mong mỏi được quay lại mảnh đất đó.

Thằng bé sinh ngày mùng 7 tháng sáu. Ngay từ trong ngày sinh đã là sự đối ngược với ông bố nó là tôi (mùng 6 tháng bảy). Vì vợ tôi đẻ mổ, vị bác sỹ Thái Lan sau khi tính toán tuần sinh đã đề nghị ngày sinh đó cho vợ chồng tôi. Tôi đồng ý ngay, cũng như chấp nhận ngay việc ông con chắc chắn sẽ xung khắc với mình. Vốn dĩ là một truyền thống gia đình, đàn ông trong nhà tôi mấy đời đều xung khắc, không lấy gì làm hoà thuận cho lắm.

Đó là chưa kể tôi tuổi Mèo, còn ông con tuổi Cún. Vậy đó.

Từ bé nó đã là một đứa trẻ cá tính mạnh, không chịu khuất phục. Tôi nhìn thấy trước tương lai xung khắc nên trong hiện tại, không cách nào khác, tôi cố gắng để yêu nó nhất có thể, khi thằng bé còn đang cần mình.

Sau này lớn lên, thằng bé sẽ dần tiến đến thế giới rộng lớn của nó. Nhưng ngay lúc này đây, có những ngày đi làm về, thằng bé rạng rỡ chạy ra đón; hoặc khi nó ngủ dậy ở nhà ông ngoại mà không thấy tôi sẽ mếu máo đòi tìm tôi bằng được và khi nhìn thấy thì ôm chặt lấy bố vì “sợ bố đi mất”, làm tôi muốn khóc. Frédéric Beigbeder nói mọi ông bố đều giống một gã ngốc hạnh phúc, quả là không sai. Tôi bỗng trở nên uỷ mị từ khi làm bố, có khi chỉ từ một cái ôm ghì của ông con sau vài tiếng không gặp. Chả hiểu sao thấy mình dễ mủi lòng vô cùng.

***

Tôi đã trì hoãn việc có con khá lâu.

Thực tế tôi từng nghĩ mình có thể sẽ không bao giờ làm bố. Và tôi thấy ổn với suy nghĩ đó. Khi ta trẻ hơn, ta thường tiên lượng về cuộc đời mình không hẳn là chính xác. Tôi không có hình mẫu về người bố lý tưởng để noi gương theo, việc mà tôi nghĩ tương đối quan trọng đối với một gã trai trẻ. Ai cũng cần hình mẫu để noi theo, trong trường hợp của tôi thì không như vậy, nên tôi không biết như thế nào là một người bố tốt. Cái suy nghĩ gần như biết chắc mình sẽ là một ông bố tệ không hiểu sao cứ ghim vào đầu tôi như một cách mặc định, vậy nên tôi cố để không trở thành bố càng lâu càng tốt.

Ấy thế mà cuối cùng tôi cũng có con.

Tôi hoàn toàn không chuẩn bị gì để làm bố, kể cả khi đã trở thành. Cho đến tận bây giờ, khi đã có ba đứa con, làm những công việc của một ông bố hàng ngày và vui vẻ với điều đó, tôi tự biết là mình vẫn chưa bao giờ sẵn sàng và hoàn toàn không chuẩn bị gì cả. Tôi cũng chưa từng cố gắng để làm một ông bố “chuyên nghiệp” – theo ý nghĩa là trang bị kiến thức và kỳ năng bài bản, phù hợp với tiêu chuẩn văn minh. Tôi trở thành bố một cách hoàn toàn bản năng, và đương nhiên, phần nhiều vụng về.

Riêng về điều này vợ tôi lại giỏi vô cùng. Nàng tìm hiểu tất cả mọi thứ về mang thai và nuôi dạy trẻ một cách nhẹ nhàng, khoa học. Tôi tin tưởng tuyệt đối, và từ đó dựa dẫm hoàn toàn, vào vợ tôi trong vấn đề con cái. Phụ nữ khi làm mẹ có năng lực siêu nhiên, điều này không thể đúng hơn. Tôi thán phục và cũng không hẳn là ghen tị nhưng chấp nhận một sự thật là các con của tôi yêu mẹ nó hơn nhiều. Tôi hài lòng với mức độ tình yêu mà con dành cho mình, ở vị trí số hai. Cũng không hẳn là tệ.

Nếu tôi trở thành một ông bố tốt, chắc chắn là do vợ tôi huấn luyện và giúp đỡ chứ để tự tôi thì e rằng quá xa vời. Và cũng bởi vì vợ tôi, việc trở thành bố hoá ra không quá đáng sợ như tưởng tượng, bởi cái gì khó nhất thì nàng đã làm hết rồi.

Tuy con tôi yêu mẹ nó hơn, tôi vẫn được hưởng hạnh phúc đầy đủ của một ông bố. Tôi rất hài lòng trước sự tin cậy mà con trai tôi dành cho tôi. Tôi là kiểu chỉ cảm thấy thoả mãn về mặt tình cảm khi người khác tin cậy mình, và càng thích hơn khi sự tin cậy đó đến từ một đứa bé, hay một con mèo – những đối tượng không hề dễ để lấy được sự tin cậy tự nhiên của chúng. Đừng có nghĩ làm một con mèo, hay một đứa bé, tin cậy mình là dễ nhé. Cứ thử mà xem.

Bởi vậy tôi vẫn là một gã ngốc hạnh phúc. Và bởi vậy, từ khi có con, tôi không nghĩ trong cuộc đời này còn có gì quan trọng hơn việc con tôi vui vẻ mỗi ngày (và ăn xong bát cơm).

***

Con trai tôi không tình cờ sinh ra ở Thái Lan. Vì tôi đang đi công tác dài hạn nên chúng tôi nghĩ tốt nhất là sinh ở đó cho dễ xoay xở giữa công việc và gia đình. Thêm nữa, sau hai năm sống ở Thái Lan, chúng tôi thực sự cảm mến đất nước này – nơi đã chữa lành và mang lại rất nhiều kỷ niệm. Nếu cơ hội cho phép chúng tôi còn muốn được tiếp tục sống tại Thái Lan nhiều năm hơn nữa.

Đó là khoảng thời gian tôi cảm thấy mình phát triển nhất trong công việc. Có lẽ không chỉ tôi mà cả team của tôi. Chưa nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tiến sang thị trường Thái Lan lúc bấy giờ (bây giờ thì đã phổ biến hơn). Hầu hết đội ngũ chúng tôi còn trẻ, chưa vướng bận gia đình, còn sung sức và nhiệt huyết, tất cả đều sục sôi một tinh thần khởi nghiệp Việt Nam tại thị trường nước ngoài, rất đáng tự hào. Chúng tôi đã sống với nhau, làm việc cùng nhau, vui vẻ với nhau, tiếc nuối với nhau, và hầu hết đều có những kỷ niệm đẹp một thời mang chuông đi đánh xứ người. Tôi đã có nhiều anh em bạn bè bên ngoài công việc sau khi là đồng đội sát cánh với nhau nhiều năm. Những mối quan hệ lành mạnh, tốt đẹp.

Tôi không còn tìm lại được cái nhiệt huyết hồi đó nữa trong các công việc sau này mình làm. Có những thứ chỉ đến một lần, và ở lại mãi.

***

Tôi sống suốt ba năm trong một con ngõ nhỏ vùng rìa Bangkok, để đi lên trung tâm phải qua bốn trạm BTS. Con ngõ này có nhiều dân lao động và nhiều người đạo Hồi sinh sống, hết sức mến khách và thân thiện. Công ty cách đó không xa, mười phút đi bộ là tới. Quán ăn trong ngõ không nhiều nhưng đều phục vụ các món Thái theo kiểu bản địa, chúng tôi vẫn hay ăn trưa ở đó, hoặc khi đi làm về muộn thì là ăn đêm. Tôi sống ở đó đủ lâu, sống lẫn với cuộc sống của người bản địa, nên rất nhanh không còn cảm giác mình là du khách nữa mà đã thực sự sống cuộc sống đời thường trong một cuộc đồng nhỏ những người bản địa.

Có đứa bé Thái sinh ra trong quãng tôi sống ở đó và nhìn nó lớn lên, ít nhất cho đến khi biết đi chập chững. Tôi nhớ bọn mèo hoang ở đó, đêm nào cũng nằm ườn èo trên bờ đê đầu ngõ, không hề sợ hãi những đám người ồn ào nhậu nhẹt bên cạnh. Những hôm trời mưa, chúng lẩn vào bên trong cửa những ngôi nhà ven đường, nhẫn nại nhìn mưa ngoài phố vắng cho đến khi tạnh hẳn để lại vật vờ lao vào màn đêm. Tôi thích một con mèo trắng to lớn ở đó, trông lúc nào cũng lờ đờ và cáu kỉnh, mà có lần tôi mua đồ ở cửa hàng tiện lợi cho nó ăn. Tôi để cả túi hạt mèo ở dưới đất, sáng hôm sau thấy chiếc túi bị rách nát và hạt thì hết sạch. Lũ mèo chắc đã có một bữa no.

Xung quanh khu tôi sống có tương đối đầy đủ tiện ích cơ bản, từ giao thông cho đến mua sắm. Nếu đi bộ trong vòng mười phút, ở khu bên kia nếu lấy công ty tôi làm trung điểm, có rất nhiều điểm thú vị mà chỉ người dân bình thường mới tìm thấy được. Ở đó có quán cơm gà vỉa hè ngon-nhất-Bangkok, do hai cha con người Thái mở bán buổi trưa cho dân văn phòng xung quanh. Người thanh niên xăm kín mình những hình xăm của Thái, rất giang hồ tứ chiếng nhưng thực chất lại cực kỳ tử tế, luôn hết sức cố gắng phục vụ đám khách quen người nước ngoài ồn ào. Quán vỉa hè có món hơi giống cơm gà Hải Nam nhưng ngon hơn nhiều lần, dù cách chế biến vô cùng đơn giản – chỉ có gà được luộc kỹ bằng nước sương, ăn cùng cơm trắng và có nước sốt chế biến riêng. Rất nhiều buổi trưa, niềm vui của dân văn phòng bình thường chúng tôi là ăn cơm gà rồi đi bộ sang một quán cà phê ngay góc đường bên cạnh – quán Bevanda. Quán rất nhỏ chỉ để vừa hai bộ bàn ghế cho lượng khách hữu hạn, nhưng khu vườn xung quanh lại rộng rãi và có nhiều cây nên chúng tôi ngồi đó tán phét giữa buổi trưa mùa hè Bangkok vẫn thấy dễ chịu. Cô chủ quán thân thiện, dễ mến; chị em phụ nữ kháo nhau rằng cô chủ này toàn mặc những chiếc váy giá 20.000 baht, nên hẳn là cô mở quán cà phê cho vui. Nếu đi thêm một đoạn rẽ vào khu dân sinh, chúng tôi cũng tìm được một quán ăn gia đình của người Thái, nơi phục vụ món canh Tom yum xuất sắc. Vì đám khách người Việt đến quá thường xuyên, menu của quán cuối cùng có thêm cả tiếng Việt, và chúng tôi gọi đó là “quán VIP”. Rất không xa quán đó là một khu trung tâm thương mại nhộn nhịp Robinson – nơi chúng tôi hay đi chợ mua đồ ăn vào cuối tuần. Đối diện với khu đó có một quán Vịt Tàu gia truyền nổi danh, có lịch sử cả trăm năm, không gian bên trong cổ xưa đến mức thời gian dường như không trôi đi tại đây nữa. 

Đó là khu tôi sống ở Bangkok – một khu bản địa bình thường thường, và nơi con tôi đã sinh ra – chính xác từ một bệnh viện rất gần nhà, bệnh viện Saint Louis – tuy trông không quá sang trọng nhưng là một bệnh viện trung lưu của người Công Giáo, phải đến khi mấy đứa nhân viên người Thái của tôi nói thì tôi mới biết bệnh viện này không phải phổ thông cho lắm. Đó cũng là lần đầu tôi và vợ trải nghiệm dịch vụ y tế của Thái Lan. Tôi có một tuần trong viện chăm vợ sinh, gần như không phải làm gì vì mọi thứ có y tá và bác sỹ lo cho hết.

***

Thằng bé bị nhẹ cân và thân nhiệt thấp nên bác sỹ cho theo dõi trong lồng kính hai ngày mới trả về. Chỉ khoảng chưa đến ba mươi phút từ khi vợ tôi được kéo vào phòng mổ, có một chiếc xe đẩy trẻ sơ sinh do y tá đưa ra. Lúc chiếc xe đi lướt qua tôi và mẹ vợ, tôi không biết đó là con mình. Tuy vậy, nhìn thấy đứa bé tôi vẫn tò mò đọc thử tên sản phụ trên xe đẩy thì mới biết. Tôi vội vàng báo cho mẹ và chạy theo xe đẩy của y tá đến phòng chăm sóc dành cho trẻ sơ sinh. Trống ngực đập thình thịch. Cho đến mãi lúc đó, tôi vẫn thấy không thể tin nổi. Con tôi đã đến thế giới này!

Thằng bé được đưa vào phòng chăm sóc sau sinh, nơi cũng có vài đứa trẻ khác vừa ra đời. Căn phòng oe oe tiếng trẻ con khóc. Âm thanh vô tội khởi nguồn của sự sống tại căn phòng đó thật là kỳ diệu, khiến ta thổn thức ngay lập tức. Ngay bên cạnh là một đứa bé Thái hồng hào, to gần gấp đôi con tôi. Mẹ tôi nhìn thấy con tôi bị quấn dây rợ y tế theo dõi khắp người, bé như cái kẹo và yếu ớt, gần như bật khóc vì xót cháu. Cho đến mãi bây giờ khi con tôi đã có thể chất khoẻ mạnh, bà ngoại vẫn hay nhắc lại và xót xa vì nó bé quá khi nằm trong lồng kính. 

Chúng tôi ở viện gần một tuần, được chăm sóc chu đáo. Trên đường đưa con về khu nhà tôi sống, rất nhiều hàng xóm người Thái Lan chúc mừng chúng tôi. Con ngõ nhỏ có thêm một em bé. 

***

Không lâu sau đó tôi nhận một nhiệm vụ mới từ công ty nên trở về Việt Nam. 

Một năm sau, thế giới đón tin dữ từ Trung Quốc với đại dịch covid. 

Tôi không hề biết rằng cuộc chia tay đất nước Thái Lan sẽ kéo dài như thế. Tôi và vợ cứ đinh ninh với điều kiện visa dễ dàng và khoảng cách địa lý thuận lợi, nếu thích thì vài tháng chúng tôi sẽ đi Thái một lần cũng được. Tôi muốn đưa con tôi quay về Thái Lan thường xuyên. Tuy vậy, dại dịch ập đến khiến thế giới đóng cửa với nhau, cái hẹn với Thái Lan mất vài năm mới thực hiện được. 

Khi con tôi bốn tuổi. 

Nghe tin Thái Lan mở cửa du lịch trở lại, tôi và vợ lập tức đăng ký đi ngay.

***

Mẹ ruột tôi rất yêu con tôi vì nó giống tôi như đúc. Tóc xoăn, thuận tay trái, lông mày xếch di truyền, không chệch đi đâu được. Con tôi cũng là một cat person giống tôi. Tình yêu của một người bà dường như là sự đánh thức lần nữa mang tính hoài niệm của tình mẫu tử mà họ từng có khi lần đầu ôm con mình ở tuổi thanh xuân. Đến cả tôi sau này, tôi cũng nghĩ sẽ thật là thú vị khi về già được ôm một thằng “Mìn bé” lần nữa.

Mẹ tôi đã ở cái tuổi cô đơn với cuộc đời. Nhưng mẹ từng kể cho tôi những lần thằng bé đi chợ cùng bà, tay lủng lẳng cái túi đựng đồ chơi mang theo. Tôi biết lúc đó mẹ tôi bớt cô đơn đi nhiều lắm, dù đi bên cạnh mình chỉ là một thằng bé vô lo nghĩ. Tôi cũng có cảm xúc như vậy trong một buổi chiều tàn, hai bố con ở trên nhà quá lâu nên xuống dưới chân toà nhà chung cư đi bộ cùng nhau một lúc. Tôi nắm tay thằng bé, cả hai lững thững đi những đoạn rất ngắn, tôi thấy hai cái bóng một cao một thấp thi thoảng trộn lẫn vào nhau. Chính lúc đó, tôi thấy cơ thể mệt mỏi này dãn ra và biết cuộc đời mình bấy lâu nay không còn cô đơn nữa. Có những lúc ta nhận ra con cái có thể giúp ta xoa dịu đi những u buồn tuổi trẻ, theo cái cách mà không một cuộc tình nào có thể làm nổi.

Tôi cũng hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy con trai mình lớn lên từng ngày, có cảm giác như nhìn thấy chính mình ở một chiều không gian khác. Hoá ra mình đã lớn lên như thế, rất nhiều lần tôi tự nói với chính mình như vậy. Tuổi thơ của tôi và con đương nhiên là khác nhau, nhưng có những lúc ở một khoảnh khắc ngọt ngào và huyền hoặc nào đó, nhìn thằng bé cười đùa hoặc lơ đãng chơi những trò chơi của nó, tôi thấy thân thuộc như thể tôi được trở về một vùng trời ký ức vốn đã quá xa xôi nhưng lại đang ở ngay trước mắt. Tôi nhìn thấy tôi.

Ta thấy em trong tiền kiếp với mặt trời lẻ loi
Ta thấy em đang ngồi hát khi rừng về nhiều mây

Vợ tôi vẫn đùa rằng anh coi thằng bé như “nàng Thơ” của mình. Tôi bật cười, nhưng ngẫm ra thì thật đúng. Thằng con tôi có những lúc lơ đễnh rất giống tôi. Một thằng bé thường xuyên lơ đễnh, và vợ tôi gọi nó là “đứa trẻ mơ mộng”. Từ bé tôi đã luôn luôn là đứa trẻ sống trong thế giới riêng của mình. Giờ đây, khi thấy con mình chìm trong thế giới của nó, dù vẫn ở bên cạnh tôi, tôi hoàn toàn hiểu được. Thời của tôi và chị tôi chưa có công nghệ như bây giờ để ghi lại nhiều khoảnh khắc, trái lại tôi muốn lưu giữ càng nhiều càng tốt sự thơ bé của con tôi, nên lúc nào tôi cũng có thể quay và chụp ảnh nó được. Vì quá giống nhau, tôi biết chính xác góc nào chụp thì đẹp, mái tóc của nó phải do đích thân tôi chải và tạo kiểu thì mới đẹp, vì tóc nó xoăn giống tôi.

Có lẽ thằng bé là nàng Thơ của tôi thật.

**

Vậy là khi Thái Lan mở cửa, tôi đưa cả gia đình mình về lại Bangkok. Lần cuối khi rời đi, tôi mang một thằng bé ba tháng tuổi trở về Việt Nam. Lần này khi quay lại, tôi đã là ông bố ba con khi có thêm một em bé mười sáu tháng tuổi nữa – em Đạn. Tranh thủ đợt dịch, và rất nhiều may mắn, chúng tôi đã kịp có thêm một em gái cho Mìn.

Chúng tôi háo hức mãi cho chuyến đi.

Việc nhập cảnh hết sức dễ dàng, hơn tôi tưởng. Các thủ tục tuy có nhiều hơn một chút nhưng chúng tôi không gặp khó khăn nào. Sân bay Suvarnabhumi không nhộn nhịp như trước dịch nhưng vẫn là cái mùi đó và những lộ trình đó. Chúng tôi biết chính xác phải ra đâu để kiểm tra hành lý của mình ở băng chuyền nào, lấy hành lý xong thì ra bên ngoài mua những chiếc sim du lịch của hãng Dtac và xuống dưới một tầng để đến khu vực bắt taxi. Địa điểm đến không đổi, vẫn là khách sạn ở khu tôi từng sống ba năm. Tôi biết ngay những khung đường nào sẽ tắc và đi đường cao tốc sẽ phải trả bao nhiêu baht. Lộ trình từ sân bay về khách sạn, đi qua những toà nhà cao tầng và các khu phức hợp nổi tiếng, tôi hình dung quãng thời gian bay đi bay lại thường xuyên giữa hai thành phố cách nhau gần hai giờ đồng bồ lênh đênh trên mây mà mình từng trải qua, chỉ giống như một quá khứ gần.

Sau bốn năm mọi thứ vẫn vậy. Về cơ bản. Trước khi về khách sạn chúng tôi đi qua toà nhà nơi công ty tôi từng đặt văn phòng. Con ngõ tôi sống vẫn có những người hàng xóm cũ. Thật biết ơn là dù trải qua một đợt dịch nhưng nhiều người tôi quen vẫn ở đó, kể cả hai bà lão rất già bán lạc rang và bán cháo mà vợ tôi thi thoảng nói chuyện hồi trước. Chú bán hoa quả dạo bên cạnh cửa hàng 7-Eleven, có thể nói được vài từ tiếng Việt vì chúng tôi mua nhiều quá, cũng còn ở đó (dù cửa hàng 7-Eleven không còn) và nhận ra gia đình chúng tôi, hết sức ngạc nhiên và thích thú khi nhìn thấy con trai tôi bây giờ.

Chúng tôi cũng đi thăm lại bệnh viện nơi con tôi sinh ra, mà mẹ vợ tôi bảo là nơi “Mìn chôn nhau cắt rốn”, hehe. Vì bệnh viện hạn chế ra vào do dịch, chúng tôi suýt nữa tưởng sẽ không gặp lại vị bác sỹ từng mổ cho vợ tôi nữa, nhưng cuối cùng bệnh viện sau khi nghe trình bày vẫn hỗ trợ chúng tôi liên lạc với vị bác sỹ kia để chúng tôi gặp mặt và cám ơn. Bác sỹ vẫn nhớ chúng tôi là người Việt Nam.

Một vài địa điểm đã không còn nữa, như khu chợ đêm yêu thích của chúng tôi hồi trước (Ratchada night market) và hiện được thay thế bởi một khu chợ đêm khác (Jodd Fairs). Nhưng cơ bản thì cuộc sống vẫn như nó vẫn thế, những gì thân thuộc không mất đi khi ta tìm lại chúng.

Con tôi đã bốn tuổi, thật ra chưa đủ lớn để ghi nhớ sâu sắc những chuyến đi mà nó trải qua; khác với Bom – con lớn của chúng tôi, đã gần bảy tuổi và nhớ rất tốt mọi thứ; nhưng rất nhiều khi đi qua những góc phố quen, tôi thầm thì giới thiệu cho con rằng đây là nơi bố mẹ từng đi đó.

Hãy tích luỹ cảm xúc và trải nghiệm cho những đứa trẻ, điều đó sẽ tốt cho hành trình hạnh phúc của chúng rất lâu sau này.

 

Viết tặng con nhân tháng sinh nhật.

Hanoi – Bangkok 6/2022

June 27, 2022

Leave a Reply