Trầm

Cậu bạn đồng nghiệp ở công ty tôi hôm trước dán miếng cao ở cổ, cùng vài vết giác hơi. Hỏi thì cậu ấy bảo bị đau đầu mấy ngày nay. Tôi bảo cậu ấy thực ra bị stress, cậu ấy bảo “vâng”. Cậu bạn này bề ngoài lúc nào cũng bình thản, thuộc style lỳ lợm ít biểu lộ sức ép, năng lực cao; nhưng nói chung vẫn không dấu nổi dấu hiệu của stress công việc.

Tôi nhìn quanh, xung quanh tôi không thiếu những người trẻ có tài thành công sớm, gánh trọng trách cao, và hầu hết đều ít nhiều trầm cảm nhẹ. Dù bạn có giỏi đến đâu thì trong guồng quay của business, bạn vẫn cứ phải rướn mình lên không ít thì nhiều. Nếu bạn không trầm cảm nhẹ, thảng hoặc đôi khi stress công việc, có lẽ bạn đang chơi cái games vẫn dưới sức của mình. Games lớn khiến mình chật vật mới mang lại cảm hứng cao, và games cứ khó dần lên không bao giờ kết thúc. Cho đến khi bạn muốn dừng lại.

Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy, chẳng chừa được mấy người.

Có những ngày ra khỏi văn phòng, ta đồng thời trải qua hai trạng thái; vừa thở phào nhẹ nhõm như trút bỏ được, vừa sợ hãi biết rằng guồng quay vẫn đang vận động về bất tận. Tâm lý nhị nguyên ấy của dân business văn phòng đến mức độ nào đó rất dễ trở thành một thứ bệnh stress trường kỳ. Người Việt trẻ ngày càng đau đầu nhiều hơn. Và work-life balance là một kỹ năng tồn tại trong thế giới vật chất.

Có bao nhiêu dân văn phòng trẻ nhốt mình trong office và deal với trầm cảm trong công việc hàng ngày nhỉ.

***

Ba mươi phút, đôi khi dài hơn, lái xe mỗi ngày; để thoát khỏi công việc tôi nghe nhạc. Mỗi khi lái xe một mình giờ tan tầm, tôi đều nhớ đến quãng đời ở Châu Âu di chuyển trên tàu từ chặng này sang chặng khác. Phương tiện tuy có khác nhưng hoàn cảnh tương đồng, đều là tôi tách mình ra khỏi đám đông bằng cách quăng mình vào âm nhạc. Một chút lánh đời nơi thường nhật. Hồi đó tôi lẻ loi hơn bây giờ, cũng vô lo hơn bây giờ nhiều. Nhưng những lo toan đầu đời hay ở thời hiện tại, trong nhiều trường hợp vẫn được xoa dịu thoáng chốc bởi các các cố nhân xưa, những niềm vui cũ.

Hôm qua nghe lại 70 năm tình ca trong Tân nhạc Việt Nam, phần nói về Phạm Duy, Lê Uyên Phương, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Đoàn Chuẩn, Phạm Đình Chương, Trầm Tử Thiêng… và nghe câu “xin em hãy cho tôi tạ tình” Tuấn Ngọc hát, tôi vẫn thấy mình đủ rung động để yêu thương cuộc đời này, dù mỏi mệt đến đâu.

Mệt quá thân ta này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi

Tôi từng có nhiều thú vui hơn hiện tại, và dựa vào đó để tiêu tan đi những u buồn tuổi trẻ. Trưởng thành hơn, niềm vui gia đình, chơi với con, thảng hoặc hiếm khi có chút thời gian cho bản thân để tặng mình một bản nhạc cũ, tôi bỗng hiểu câu hát của Phạm Duy. Nghe xa vắng mà phảng phất đến bây giờ.

Dăm eo sèo nhân thế
Chưa phai lòng say mê

March 16, 2020

Leave a Reply