Ký ức Châu Âu
Khoảnh khắc máy bay vọt lên không trung là một cơ hội lớn cho những đón lõng của ký ức bủa vây. Không có lúc nào hợp lý hơn để nghĩ về cuộc đời như khi ở trên trời. Toàn bộ quãng thời gian phi lý bất tận từ khi máy bay chầm chậm lăn bánh đến khi cất cánh chỉ làm con người bạc nhược dần đi, chờ đợi cũng như không chờ đợi, nới lỏng hết những đề phòng tự thân để mặc cho tiếng vọng từ quá khứ được dịp tràn về, lấp kín không gian xung quanh bằng kỷ niệm.
có những điều biết chỉ để mà quên
nhưng vẫn nhớ
vì quên là bất khả
Có một tiểu thuyết mở đầu bằng chính cái khoảnh khắc nới lỏng của ý chí con người khi vừa cất cánh hoặc hạ cánh ấy, đó là Rừng Nauy của Murakami. Tôi rất hiểu vì sao khi nghe bài hát của ban nhạc The Beatles và đương đầu với cơn tràn lên của ký ức, người đàn ông ba mươi bảy tuổi Toru bỗng vụt nhớ về thời hoa niên của mình, và tất nhiên, một mối tình cũ. Không có lúc nào hợp lý hơn để nhớ về bản thân mình (và những người tình cũ) như khi trôi dạt trên bầu trời.
Chiếc máy bay cứ bay lên mãi, đôi khi tôi ước gì nó cứ bay lên mãi như vậy, chẳng cần phải đặt chân xuống đất nữa, bỏ lại sau lưng những gánh nặng phố phường thì cuộc đời sẽ nhẹ nhàng đi biết bao. Ở trên không, con người tuyệt đối không làm gì, cũng chẳng thể làm được gì, trừ việc bạc nhược ngồi đó, mải miết suy nghĩ mà cũng không thực sự suy nghĩ về bản thân mình. Nhưng cũng có khi máy bay nghiêng cánh, cả một góc nghiêng mở ra chân trời rộng lớn đến phi lý, trải rộng về bất tận, khiến tôi thực sự có thể mơ hồ nhìn thấy phía bên kia bán cầu. Nhìn thấy Phương Tây. Tôi còn nghĩ nếu tôi cố gắng, tôi thậm chí còn có thể nhìn thấy chính mình; ở một lát cắt thời gian vô tình lọt qua khe hở mà thứ tự trước sau chỉ là một khái niệm tạm quy ước không thực sự có ý nghĩa; đang mệt nhọc bước đi trên những ngoại ô hoang vu của Châu Âu mùa lạnh.
đường thiên lý không em buồn hối hả
đã âm thầm
nhuộm biếc cả màu mây
Châu Âu đối với tôi là một thế giới khác, một vùng trời khác; nơi duy nhất chứa chấp nổi tôi, thay vì ném trả tôi về như những vùng đất khác – những vùng đất đối với tôi vô cùng quen thuộc; mỗi khi tôi rách rưới tan hoang nhất, trong tay hoàn toàn không có gì cả. Đó là những quãng tươi đẹp và buồn bã của tuổi trẻ, rất nhiều khi tôi không thực sự làm gì ngoài việc quăng quật, lang thang trên những ngoại ô vào buổi chiều tàn; những ngoại ô hoang vu và ảm đạm, rẽ hướng nào cũng thấy xa lạ như nhau. Tuổi trẻ hình như cứ phải sôi nổi như thế, hoang vu như thế. Đến mãi sau này, tôi vẫn khôn nguôi nhớ tiếc quãng thời gian hoang vụ ảm đạm đó.
Ký ức Châu Âu của tôi gắn liền với các mối tình. Mỗi bận đi về, tôi lại kịp có cho mình một mối tình, ngạc nhiên chứng kiến mỗi cuộc tiễn đưa ở sân bay là đều đặn những lần biến mất của một cô gái và xuất hiện của một cô gái mới. Các cô gái cứ thay nhau biến mất và xuất hiện trong cuộc đời của tôi, kéo dài bất tận cảm giác nuối tiếc dày vò của việc không thực sự giữ được ai cả, đôi khi là cả bản thân mình. Châu Âu nằm giữa ở những đổi thay, mà kết thúc của thứ này chỉ là để liên tục mở ra những thứ khác, kéo cuộc đời trôi dạt về những ngã rẽ không thực sự rõ đường. Lần trở lại Châu Âu sắp tới liệu có chứng kiến sự xuất hiện của một cô gái khác? Tôi cũng không chắc lắm.
Nhưng dẫu có hoang vu ảm đạm đến đâu, tôi vẫn không ngừng biết ơn Châu Âu đã ở cạnh tôi, chứa chấp tôi ở quãng thời gian trai trẻ non nớt của mình. Châu Âu dạy tôi rất nhiều thứ, chủ yếu là những ý niệm về khoảng cách. Mãi sau này khi trở về các vùng đất vốn thân quen với mình, nhưng không sao chịu đựng nổi sự gần gũi quá mức của con người với nhau mà chỉ khiến tôi thấy ngột ngạt khủng khiếp; rồi tôi nhanh chóng chuyển sang một vùng đất khác, Bangkok – nơi khoảng cách con người được tôn trọng hơn chút ít và cũng thấy dễ thở hơn chút ít; tôi mới hiểu rằng mình nhớ cuộc sống tuyệt đối tự do và cách biệt ở Châu Âu biết bao. Sự cách biệt của cuộc sống Châu Âu vừa thể hiện ở mặt vật lý – những thành phố của Châu Âu, nhất là vùng nông thôn không cách quá xa đô thị, những căn nhà thực sự rất xa nhau, nhỏ xinh và lặng lẽ ngủ yên trong những khu vườn và mảnh đất ngập tràn hoa và nắng của mình; đi mệt mỏi mới đến nhà bên cạnh, vốn là rào chắn lý tưởng cho những sự nhìn ngó ác ý – vừa thể hiện ở mặt văn hoá, tinh thần – người Châu Âu không có thói quen để tâm quá mức đến đời sống cá nhân của người khác. Đồng nghiệp lâu năm với nhau có khi không biết người kia lập gia đình hay chưa. Châu Âu dạy tôi về sự một mình, về những trải nghiệm tự thân. Hình như cả cuộc đời mình, cuộc chiến của tôi chỉ là cuộc chiến để có thể cách biệt càng nhiều càng tốt, tránh đám đông càng xa càng tốt, nhất là những đám đông như vậy.
Ký ức lang thang Châu Âu của tôi gắn liền với những toa tàu. Không phải những toa tàu chật ứ xác người mệt mỏi ngủ gật như ở Tokyo, mà chen chúc trên đó vốn dĩ là một nơi có phép tắc cư xử riêng rất khó nắm bắt, tôi nghĩ tốt nhất là mình cứ thu nhỏ lại thì tốt hơn, hoặc thậm chí biến mất. Những toa tàu Việt Nam, không biết gọi là tàu chở người hay hàng, hay là cả hai, trộn lẫn những mùi, những người, và không khí đề phòng thường trực làm người ta rất khó ngủ. Hay những toa tàu Bangkok, không quá đông cũng không quá vắng, nhưng vẫn rất ít khi có ghế trống, và không khí nóng bỏng thường trực. Đôi khi mải cắm mặt vào điện thoại mà quên lãng xung quanh, bất chợt ngẩng lên thấy phía trước mặt mình là một cô gái Thái xinh đến điêu đứng. Những cô gái Thái thực sự là Thái có một vẻ đẹp rất riêng, môi đầy đặn, mặt sắc nét và đằm thắm, nhất là đôi mắt, cùng sự tròn trịa lúc nào cũng chỉ trực quyến dụ người ta, mà tôi biết sự ngoan ngoãn lễ độ của họ cũng đối nghịch khủng khiếp với sự hoang dại từng trải đầy hứa hẹn cũng của chính họ. Trong khoảnh khắc ấy tôi gần như không biết phải làm gì với cô gái trước mặt; đội mũ lưỡi chai và áo phông bó sát, tôi vốn thích các cô gái đội mũ lưỡi trai, ở họ lúc nào cũng tỏ ra một sự bướng bỉnh rất đáng yêu; cũng đang cắm cúi vào điện thoại như mình. Cho đến khi tôi nghĩ ra sẽ phải bắt chuyện với nàng như thế nào (các cô gái Thái thật ra không khó bắt chuyện lắm) thì tàu bỗng dừng lại vì đến bến – cũng là bến của tôi. Tôi ngần ngừ mất một lúc nghĩ xem có nên bỏ qua bến này để ở lại bắt chuyện với nàng không, vì nàng cũng vừa kịp nhìn tôi và chắc ngạc nhiên chứng kiến sự bối rối của tôi. Nàng xinh quá đỗi, nhưng cuối cùng, tôi quyết định xuống tàu. Những chuyến tàu của Bangkok là những quãng di chuyển ngắn không thực sự đủ thời gian cho sự bùng nổ của các mối tình, nếu là tàu đường dài Shinkansen như ở Nhật Bản thì may ra, đấy là tôi cứ tự bảo mình như thế. Vả lại tôi đang cần ăn trưa hơn.
Những đoàn tàu ở Châu Âu quy củ và sạch sẽ, đặc biệt im ắng như một quy ước bất thành văn về giọng nói tránh vượt qua phạm vi thính giác của người đối diện. Sự cách biệt từ bản chất của người Châu Âu cũng không ngừng thể hiện trên các toa tàu. Cứ lên tàu là mỗi người chìm vào thế giới của riêng mình, hiếm ai nói chuyện, nhưng điện thoại thì vô tư, người ta vẫn thoải mái nói chuyện điện thoại chứ không như người Nhật kể cả bất đắc dĩ phải nói điện thoại thì cũng im lìm như xác ướp.
Còn tôi, cứ lên tàu là đương đầu với những khoảng thời gian đằng đẵng. Có rất ít thứ để nhìn ngắm ở bên ngoài cửa sổ khi bốn bề là tuyết, những sa mạc mà trước đây là vườn hoa và cảnh trí các thứ bây giờ hoàn toàn chìm trong sự dày đặc của tuyết phủ. Thảng hoặc đôi khi đoàn tàu lướt qua những khu đô thị hoặc núi non đồng bằng vui mắt một tí chỉ là các quãng nghỉ giữa những sự chuyển tiếp của vùng sa mạc trắng xoá này với vùng sa mạc trắng xoá khác. Tôi buồn chán nghe nhạc hoặc làm gì đó, chủ yếu gà gật nhưng toàn bộ thời gian hầu hết tôi không thể ngủ. Ấy thế mà có lần, không chỉ là một, tôi rơi tõm vào các giấc mộng mị ngắn ngủi mệt mỏi chỉ để sau đó phát hiện ra mình đã lỡ bến tàu.
Lỡ bến tàu vào mùa đông Châu Âu ở những thành phố không lớn lắm thực sự là một thảm hoạ. Hoặc bạn đi tiếp đến bến cuối rồi quay ngược lại, tốn rất nhiều thời gian, hoặc bạn đến bến này và chờ tàu ngược, vốn dĩ cũng tốn nhiều thời gian như thế. Các chuyến tàu ngược của những thành phố hoang vu không nhộn nhịp lắm, đôi ba tiếng, đôi khi lên đến sáu bảy tiếng, thậm chí nếu bất hạnh rơi vào lỡ chuyến cuối thì đương nhiên ta phải ngủ lại cả đêm ở bến tàu để chờ chuyến sớm hôm sau. Nhà ga Châu Âu không phải cái nào cũng mở qua đêm, chủ yếu thì con người sẽ phải ngủ ở ngoài đường, dưới cái lạnh âm độ.
Tôi không bất hạnh lắm vì không phải lỡ chuyến cuối, nhưng chuyến tàu ngược sẽ chỉ đến đây sau dăm ba tiếng nữa gì đó, đấy là tôi đoán thế chứ không thực sự biết được vì hôm đó chẳng hiểu thế nào mà nhà ga đóng cửa hết cả. Không có ai nói cho tôi biết điều gì. Bến tàu hoang vắng như sa mạc, tuyết phủ trắng xoá, trời lạnh căm căm. Hồi đó tôi cũng không đủ dạn dĩ để đi tìm một nơi trú thân, nhà nghỉ hoặc khách sạn gì đó nếu có , vả lại tôi cũng có nhiều tiền đâu, nên cứ cắn răng đương đầu với sự chờ đợi vô tận như thế, trong lòng tràn đầy tuyệt vọng. Sốt ruột chờ tàu, không thực sự rõ là đến bao giờ, ở những thành phố xa lạ chưa từng đặt chân tới, xung quanh không một bóng người, hoặc giả trong sự tuyệt vọng của tôi con người bỗng biến đâu mất cả. Tuyết rơi mỗi lúc một dày hơn, tôi bắt đầu thấm lạnh, cái lạnh của tuyết đóng băng dần con người ta; đôi khi tôi không thực sự cảm nhận rõ cơ thể mình. Mỗi tiếng trôi qua tăng dần niềm tin trong tôi rằng tàu thực sự sẽ không bao giờ đến nữa. Rằng tôi thực ra đã bị bỏ lại ở cái chốn này. Hồi đó tôi còn quá non nớt để hiểu được các dấu hiệu mà cuộc đời mang lại, nhưng có một điều tôi hiểu rất rõ đó là con người có thể lẻ loi đến thế nào. Những trải nghiệm về sự đơn độc sâu sắc nhất với tôi đều đến từ Châu Âu già cỗi.
Rồi thì tàu cũng đến; nó lầm lũi từ xa chạy lại mờ mịt trong sương mù làm tôi không thực sự chắc chắn là thật hay không, hay chỉ là những hình ảnh biến thể của ước vọng xa xôi nào đó rọi lại. Nhưng dù sao thì tôi cũng lên tàu, và không lần nào có thể ngủ được nữa.
(tuy vậy, tôi vẫn tiếp tục ngủ quên để rồi lỡ bến; nếm trải thêm các trải nghiệm tuyệt vọng tương tự khi một mình đối phó tại bến tàu; tôi đồ rằng về sau này một phần nào đó sâu thẳm trong tôi không mấy kỳ vọng vào con người hẳn đến từ nguyên nhân sâu xa của những lần bị “bỏ rơi” tại các bến tàu lạnh lẽo, nhưng về cơ bản, những trải nghiệm đơn độc kiểu ấy không hoàn toàn làm thui chột con người ta đi mà trái lại, góp phần rất nhiều vào việc rèn giũa nên sự cứng cáp)
Cuộc sống Châu Âu, có thể do sự cách biệt của nó, đánh dấu một chuyển biến quan trọng trong việc định hình con người tôi sau này. Những năm sống ở Châu Âu, do không mấy khi phải tiếp xúc với quá nhiều con người xung quanh (cuộc sống xã hội ở Việt Nam là một môi trường bủa vây dày đặc của các mối quan hệ), và do sống xa nhà, theo thiên hướng tự nhiên thôi thúc tôi trở về cội nguồn, tôi bắt đầu tìm hiểu về văn chương và tân nhạc Việt; tất nhiên không chỉ gói gọn trong sự duy mỹ của Việt Nam, về cơ bản thì tôi thích tất cả những sự duy mỹ thể hiện bằng ngôn từ và nhịp điệu; để rồi phát hiện ra một đam mê lớn của mình. Ở tuổi mười chín đôi mươi, tôi tự thấy tôi có may mắn hơn nhiều người ở chỗ sớm phát hiện ra mình yêu thích cái gì và có niềm vui theo đuổi nó. Những va chạm với văn chương và âm nhạc thời đó kích hoạt một thứ nhiệt huyết tuổi trẻ đầu đời không dễ lặp lại. Đó là một thứ hạnh ngộ mà cuộc đời đã hết sức hậu đãi tôi.
Để rồi ở tuổi hai mươi, khi hầu hết chúng bạn vẫn còn đang say mê với các cái của khỉ gì không biết, tôi thậm thụt nghiên cứu văn chương và túc tắc viết những bài thơ đầu đời. Thậm chí tôi còn tập toẹ dịch cả Đường Thi, nhưng nhanh chóng nhận ra mình thích thơ mới Việt Nam hơn nên từ bỏ.
Cả một mùa thu đã quá giang…
Xâm nhập sâu hơn vào thế giới của văn chương, thi ca dẫn lối tôi vào một thế giới rộng lớn của nội tâm mình. Tôi kinh ngạc nhận ra viết chỉ là một trạng thái khác, một biểu hiện khác, của ý thức. Khả năng viết được ra chính xác những suy nghĩ trong đầu trong biểu hiện và quy tắc của ngôn ngữ, đừng nghĩ là dễ, và quả thực phải tập luyện rất lâu. Đó là chưa kể đến viết thơ, về cơ bản là sự bay vụt lên của ý thức (quan điểm này của Nhị Linh rất chính xác); bay vụt lên tức là chọn một biểu hiện khác, biểu hiện duy mỹ và xuất thần của ý thức dưới dạng ngôn từ. Chính vì thế mà nỗi sung sướng khi viết được ra những câu mà biểu đạt trung thành với suy nghĩ nhưng bay vọt lên về mặt duy mỹ luôn làm tôi mất ngủ. Viết chính là một biểu hiện đẹp hơn của nghĩ.
Đôi khi tôi choáng váng vì vẻ đẹp của ngôn ngữ khi đọc được những văn chương mê hồn. Có rất nhiều người yêu Tiếng Việt, yêu một cách trong sáng. Tôi thuộc vào những người thực sự hiểu được Tiếng Việt có thể đẹp đến mức nào. Tôi cũng hay mỉm cười khi có ai đó phê phán về việc phải sử dụng Tiếng Việt cho “thuần Việt”, vì chưa chắc họ đã đọc nổi một bài thơ nào. Ngôn ngữ thì có quy tắc, nhưng những gì xuất sắc nhất lại đến từ sự bất quy tắc, Nhị Linh lại một lần nữa đúng.
Tôi vẫn giữ những đam mê đấy cho riêng mình, thích thú với sự theo đuổi những lĩnh vực riêng tư không mấy ai hiểu được, ít nhất là so với chúng bạn, và hoàn toàn thoả mãn với cõi riêng, với sự cách biệt của mình. Một lần nữa phải nhắc lại, cuộc chiến cơ bản nhất với tôi là cuộc chiến để trở nên cách biệt hoàn toàn so với đám đông. Thế giới ở ngoài kia dẫu có màu mè thế nào đi nữa thì tôi vẫn chỉ âm thầm hân thưởng thế giới của mình.
Có khi do sống ở Châu Âu quãng thời gian đó, vốn dĩ làm gì đó khác người hay không theo đám đông là điều hết sức tự nhiên, con người không phải lo để ý đến người khác nghĩ gì về mình, mà tôi có khoảng không để phát hiện ra thiên hướng của mình chăng.
March 16, 2020