Niềm vui phục vụ

Thailand's King Bhumibol Adulyadej (far right) plays the saxophone during a jam session with legendary jazz clarinetist Benny Goodman (far left) and his band in New York on July 5, 1960. The king is an accomplished musician as well as a composer. This year marks the world's longest reigning monarch's Golden Jubilee, and American jazz legends such as the Count Basie Orchestra, Herbie Hancock, and Wayne Shorter have recently come to town to perform in his honor. (AP Photo)

Thailand’s King Bhumibol Adulyadej (far right) plays the saxophone during a jam session with legendary jazz clarinetist Benny Goodman (far left) and his band in New York on July 5, 1960. The king is an accomplished musician as well as a composer. This year marks the world’s longest reigning monarch’s Golden Jubilee, and American jazz legends such as the Count Basie Orchestra, Herbie Hancock, and Wayne Shorter have recently come to town to perform in his honor. (AP Photo) – Source

Với tất cả sự tôn kính và yêu thương, tôi dành bài viết nhỏ này cho Thái Lan – đất nước mà tôi đã sống và làm việc một cách vui vẻ, nhiệt thành nhất trước tuổi 30

Trong cuốn du khảo Đà Lạt một thời hương xa của Nguyễn Vĩnh Nguyên, chương nói về Nhất Linh rất nhiều xúc động. Về sau, con trai của ông là Nguyễn Tường Thiết đã hồi tưởng về thời gian cha ông ở Đà Lạt và gọi nó là quãng thời gian đẹp nhất trong đời Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam. Khoảng thời gian mà Nhất Linh sống chạy trốn thực tại thất bại trên trường chính trị, lui về sống đời thoát tục và đắm chìm vào tình yêu cái đẹp – thú chơi lan.

Về sau, nếu cuộc đời đủ thú vị đến mức để cho tôi thư nhàn rảnh rỗi mà viết một cuốn hồi ký chẳng hạn, tôi cũng muốn nhớ đến những năm tháng 2016 sinh sống và làm việc tại Bangkok, Thái Lan như một quãng thời gian tươi đẹp trong tuổi trẻ của mình, trước tuổi 30.

Bangkok, Thái Lan.

Tôi muốn nói trung thực một điều rằng tôi biết ơn đất nước Thái Lan và con người Thái Lan. Quãng đường khởi nghiệp của tôi có lẽ sẽ không phát triển nhanh đến thế nếu tôi không có cơ hội được dấn thân vào thị trường Thái Lan và sinh sống, làm việc cùng họ.

Tôi may mắn được làm việc trong một Tổ hợp công nghệ giáo dục đầy tham vọng. Nếu chỉ hai năm trước thôi, Tổ hợp vẫn chỉ tập trung vào một thị trường duy nhất, thì hiện tại chúng tôi đã mạnh dạn cắm cờ tại thêm 3 quốc gia khác. Việc mở rộng sang Thái Lan là một trong những quyết định chiến lược đúng đắn nhất. Với bản thân tôi, điều này cho tôi cơ hội được đối diện với những thử thách lớn trên phương diện quản trị nhân sự và phục vụ khách hàng. Tôi đã có cơ hội học cách dùng nhân sự người nước ngoài, mà đối với startup vốn đề cao tính phù hợp văn hoá của nhân sự chứ không chỉ dùng người theo kiểu làm thuê sòng phẳng, thì bài toán này khó khăn hơn nhiều.

Gần hai năm phục vụ người Thái Lan, sinh sống và làm việc tại Bangkok, theo quan sát của cá nhân mình, điều tôi thấy cảm mến nhất về người Thái Lan đó là sự yêu đời và yêu nghề của họ.

Những người Thái Lan vui vẻ (nguồn ảnh: Google Images)

Tôi thấy người dân Thái Lan rất hạnh phúc và yêu đời. Để biết được một xã hội có hạnh phúc hay không, theo một cách ít hình thức nhất, hãy đơn giản là ra đường và quan sát, cảm nhận về tầng lớp nhân dân thấp nhất của xã hội.

Ở Thái Lan, kể cả những ông xe ôm, bán hoa quả dạo, bảo vệ, bán hàng dạo ngoài chợ… đều rất vui vẻ. Họ là tầng lớp vất vả của xã hội, nhưng tôi không thấy họ chán chường, mệt mỏi, bất mãn như tầng lớp tương tự tại Việt Nam. Trái lại, họ đều bình thản và nghiêm túc làm tốt nhất vai trò của mình.

Điều đặc biệt là, kể cả những người lái xe ôm hay bán dạo, họ đều luôn giữ thái độ đúng mực đối với khách hàng. Tôi thực sự cảm kích và biết ơn những người lái xe ôm đã đưa đón tôi đi tập gym hàng ngày. Trước khi lên xe, và sau khi xuống xe, bất kể có đi quãng đường xa hay ngắn đi nữa, họ đều gật gầu chào tôi một cách rất lê độ và khuôn phép, dù phần nhiều trong số họ là những người cao tuổi. Khi tôi trả tiền, họ luôn cúi đầu cảm ơn. Đến lần gặp thứ hai khi đón tôi (đã trở thành khách quen), cái cách họ đón tiếp tôi làm cho tôi cảm thấy thân thuộc và cảm mến một cách tự nhiên. Thái độ phục vụ của họ – những người xe ôm – cho tôi thấy một sự chuyên nghiệp đã được rèn luyện thành khuôn phép, chuẩn mực, mà không kiểu cách, và tôi cho rằng mọi thứ đều đến từ một cơ sở giản dị đó là tình yêu với nghề và sự hài lòng với cuộc sống.

Xe ôm tại Thái Lan đều mặc đồng phục và luôn thân thiện, niềm nở (ảnh: Google Images)

Xe ôm tại Thái Lan đều mặc đồng phục và luôn thân thiện, niềm nở (ảnh: Google Images)

Tình yêu với nghề. Nghe thì xa xỉ nhỉ. Vì một cái nghề như xe ôm thì có gì đâu mà yêu. Tôi không nghĩ là có rất nhiều ông xe ôm yêu nghề, hạnh phúc với cuộc sống tại Việt Nam. Nhưng điều này là có tại Thái Lan.

Nghĩ sâu sa hơn, thực ra tầng lớp thấp của Thái Lan duy trì được một thái độ phục vụ niềm nở đối với công việc đó là vì đa số họ đều hài lòng với cuộc sống. Xa hơn chút nữa, là họ tôn trọng bản thân mình. Thử nghĩ mà xem, thường thì tầng lớp thấp của xã hội thường hay chứa đầy bất mãn. Tại sao tôi lại phải làm cái nghề này? Đáng ra tôi phải làm cái này cái kia. Người Thái Lan không có tư duy này. Nếu họ chọn một nghề dịch vụ nào đó, họ sẽ vui vẻ hạnh phúc với nó, và ý thức được vai trò của mình để nỗ lực làm tốt nhất. Tư duy dịch vụ của người Thái Lan rất cao, trong bất kỳ mảng dịch vụ nào, từ cao cấp đến thấp cấp. Một người xe ôm sẽ ý thức được vai trò của mình, hẳn nhiên không phải thành phần thừa của xã hội, ngược lại hệ thống giao thông công cộng cần họ, nên điều này tạo được thành động lực cho họ nỗ lực trong công việc của mình.

Chúng ta sẽ cố gắng làm tốt công việc của mình nếu chúng ta biết là nó quan trọng.

Ý thức hệ về tinh thần dịch vụ của người Thái Lan có lẽ đã lên đến đỉnh cao. Đó không phải là văn hoá dịch vụ kiểu cách như người Pháp, hay cầu kỳ như người Nhật – mà cả hai tôi đều thấy rất kitsch. Văn hoá dịch vụ của người Thái Lan ở mức vừa phải, không khiến bạn ngại và tạo sức ép ngược về cung cách lên khách hàng, mà có thiên hướng tạo sự thiện cảm, gần gũi, một thứ gì đó đến từ trái tim.

Ở người Thái, có một ý thức rất rõ đến từ niềm vui được phục vụ. Họ ý thức được việc vì sao mình làm công việc này và phải phục vụ khách hàng ra sao, bởi khách hàng chính là nguyên nhân khiến mình tồn tại. Vì vậy phải phục vụ họ theo một cách công bằng nhất.

Họ làm được điều này, phải chăng vì Thái Lan là một dân tộc có niềm tin?

***
*

Dân tộc có niềm tin.

Chúng ta phải biết được rằng vai trò của Nhà Vua trong đời sống nhân dân Thái Lan lớn đến mức nào. Một tượng đài thực thụ, một trụ cột tinh thần đúng nghĩa đã nâng đỡ và làm chỗ dựa cho mọi người dân Thái Lan, từ đứa bé mới sinh cho đến các cụ già.

Nhà Vua của Nhân dân luôn ở đó, trong trái tim của mọi người dân.

Ngoài vai trò tinh thần của Nhà Vua, hầu hết người dân Thái Lan đều theo Tôn giáo một cách nghiêm túc, vì vậy đời sống tâm linh của họ luôn luôn hướng thiện.

Vì luôn có Nhà Vua và Đức Phật ở trong tim, người dân Thái Lan luôn sống với một đức tin trong sáng, lành mạnh.

Chính niềm tin đó, theo tôi, là sức mạnh nâng đỡ cho cả dân tộc.

Điều mà, đáng buồn thay, người dân Việt Nam chúng ta không còn nữa, hoặc đang mất dần đi, không cách gì cứu nổi.

***
*

Yêu đời và yêu nghề.

Có lẽ là điều mà tôi học hỏi nhiều nhất từ người Thái.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Công việc hầu như chẳng tránh được sức ép bao giờ. Tuy vậy, khi sống ở Bangkok nửa năm nay, chứng kiến con người lạc quan và yêu đời, tinh thần của tôi dần đạt đến một trạng thái “thiền” nhất định; mà ở đó tôi đã học cách tận hưởng cuộc sống nhẹ nhàng và bao dung hơn. Nỗi buồn vẫn thế, mất mát là không đổi, con người vẫn tiếp tục làm tổn thương nhau… có điều lạ lùng là niềm tin của tôi về những điều hạnh phúc sẽ đến lại mạnh mẽ hơn bao giờ.

Trên khía cạnh công việc, tôi cảm thấy yêu thêm cái mình đang làm. Tôi đang có niềm vui được phục vụ người Thái Lan chăng?

***
*

Góc nhìn ở trên chỉ hạn hẹp xoay quanh tầng lớp con người làm dịch vụ, vốn là một điểm mạnh đối với đất nước Thái Lan. Sẽ có người hỏi tôi vậy những điểm yếu của đất nước Thái Lan là gì và họ có không?

Tất nhiên là có. Tuy nhiên quan điểm sống của tôi gần đây đó là hãy nhìn vào những điểm tích cực, thay vì tiêu cực. Chúng ta là một dân tộc còn phải đi học hỏi cái tốt từ người khác rất nhiều, vì chúng ta chẳng bằng ai cả trên thế giới.

Vì vậy cho phép tôi chỉ nói đến những điều tốt đẹp .

October 14, 2016

2 responses to Niềm vui phục vụ

  1. Helena Truong said:

    em chỉ đến Thái Lan 3 lần, nhưng không lần nào đất nước này thôi gây cho em bất ngờ 🙂

    cảm ơn bài viết của anh.

    hy vọng trước khi 30, em cũng sẽ kịp trải nghiệm tuổi trẻ ở một đất nước khác, như Thái chẳng hạn.

Leave a Reply